Tái thiết di sản công nghiệp (kỳ 1): Nhà máy cũ - cơ hội mới

09/11/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thay vì xây cao ốc hoặc các trung tâm thương mại, cần ưu tiên sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp tại nội đô vào mục đích thiết lập các không gian sáng tạo để phục vụ công nghiệp văn hóa và cộng đồng.

'Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo' cho Hà Nội: Giải quyết sự bấp bênh của 'giới làm sáng tạo'

'Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo' cho Hà Nội: Giải quyết sự bấp bênh của 'giới làm sáng tạo'

Ông Lê Quang Bình - điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống - cho rằng, nếu nhà nước coi công nghiệp văn hóa là mũi nhọn, thì việc nhà nước đầu tư vào chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ không chỉ tạo ra cơ sở vật chất ổn định...

Đó là thông điệp mà Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” đang theo đuổi, vận động trong thời gian qua và từng nhận được đề cử ở hạng mục Ý tưởng trong giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.

Trên thực tế, vấn đề này cũng đang nhận được sự quan tâm của dư luận - mà mới nhất là cuộc tọa đàm trực tuyến Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp diễn ra trong khuôn khổ dự án Tái thiết di sản công nghiệp, được hỗ trợ bởi Viện Văn hóa Quốc gia châu Âu (EUNIC). Tọa đàm này mang đến góc nhìn đa chiều về thực trạng di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội, cũng như kinh nghiệm quốc tế về tái thiết không gian công nghiệp.

Giá trị di sản của nhà máy cũ

Từ những nhà máy đầu tiên được xây dựng bởi người Pháp cho đến những khu công nghiệp mới được xây dựng hiện nay, mỗi cơ sở công nghiệp đều gắn với từng mốc phát triển của Hà Nội.

Chú thích ảnh
Nhà máy đèn Bờ Hồ được xây dựng cạnh Hồ Gươm năm 1892 - Ảnh: TL

Theo ông Nguyễn Đức Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, năm 1892 nhà máy đèn Bờ Hồ được xây dựng cạnh Hồ Gươm và có thể coi là dấu mốc công nghiệp đầu tiên của Hà Nội. Trong giai đoạn từ 1888 - 1954, người Pháp tiếp tục xây dựng nhiều công trình nhà máy khác như nhà máy diêm, giặt, nhà máy điện, nước, nhà máy rượu, nhà máy xe điện, nhà máy nước Yên Phụ, nhà máy thuộc da Thụy Khuê, nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Kể từ sau giải phóng Thủ đô năm 1954 đến nay, hệ thống công nghiệp tại Hà Nội đã có những bước chuyển biến phát triển không ngừng qua từng thời kỳ. Giai đoạn 1955-1965, ở Hà Nội đã hình thành 4 cụm công nghiệp Thượng Đình, Minh Khai, Yên Viên, Đông Anh, cùng nhiều nhà máy được xây dựng như nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhà máy phân lân Văn Điển... Giai đoạn 1966-1990, tiếp tục phát triển thêm 12 cụm nhà máy Vĩnh Tuy - Mai Động, Văn Điển - Pháp Vân, Giáp Bát - Trương Định... Và kể từ năm 1990 cho đến nay, Hà Nội có sự phát triển vượt bậc về hệ thống công nghiệp với sự hình thành khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng 17 khu và cụm công nghiệp mới Thăng Long, Nội Bài, Sài Đồng B...

Rõ ràng, các cơ sở công nghiệp được hình thành ở Hà Nội là minh chứng cho mộtgiai đoạn xây dựng và phát triển đô thị. Đến nay, những cơ sở sản xuất công nghiệp này trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong cấu trúc đô thị.

Chú thích ảnh
Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: VNE

Chưa kể, có nhiều nhà máy cũ còn mang nhiều giá trị di sản trên cơ sở giá trị kiến trúc, cảnh quan, cũng như ý nghĩa lịch sử. Qua khảo sát, đánh giá trên danh sách 95 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc diện di dời ở Hà Nội từ năm 2019, nhóm nghiên cứu Đại học Kiến trúc Hà Nội - đối tác địa phương của dự án Tái thiết di sản công nghiệp - cho biết, có đến 1/3 nhà máy trong danh sách di dời có giá trị cao về kiến trúc, số còn lại có kiến trúc trung bình hoặc không có giá trị.

Theo KTS Nguyễn Thái Huyền - đại diện nhóm nghiên cứu, trong số những cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc danh sách di dời, có không ít cơ sở chứa đựng giá trị di sản lớn với tiềm năng chuyển đổi thành không gian công cộng, văn hóa cho Hà Nội. Có thể kể đếnnhà máy bia Hà Nội, nhà máy xe lửa Gia Lâm, công ty TNHH Diêm Thống Nhất, Công ty In báo Nhân Dân, v.v...

Điển hình là trường hợp của nhà máy xe lửa Gia Lâm. Theo bà Thái Huyền, nhà máy này có lịch sử hình thành lâu đời, có nhóm nhà xưởng được xây dựng năm 1988 do Ba Lan hỗ trợ, là di sản mang tính điển hình của các cơ sở công nghiệp nặng. Hơn nữa cảnh quan của nhà máy còn có diện tích cây xanh lớn, chiếm gần một nửa tổng diện tích toàn bộ khuôn viên. Hay trường hợp của nhà máy Diêm Thống Nhất có tòa nhà hành chính mang hình thái kiến trúc hiện đại ở Việt Nam vào những năm 1990 với các chi tiết kiến trúc vẫn được bảo tồn và gìn giữ.

Chú thích ảnh
Nhà máy Diêm Thống Nhất

Ưu tiên chuyển đổi cho mục đích công cộng

Trải qua quá trình phát triển và mở rộng đô thị nhanh chóng, phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp trước đây nằm ở khu vực ngoại ô của Hà Nội hiện đã thuộc phạm vi trung tâm đô thị, thậm chí là khu vực nội đô lịch sử. Việc các cơ sở công nghiệp hiện hữu trong lòng đô thị đã và đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và cản trở phát triển đô thị. Do vậy, theo ông Nguyễn Đức Hùng, việc di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung là cần thiết và cấp bách.

Mặt khác, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp còn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái thiết đô thị. Tuy nhiên tái thiết đô thị không đơn giản là thay thế những công trình cũ bằng công trình mới. Các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện nay có quy mô khác nhau, và trong số đó có rất nhiều công trình có giá trị về kiến trúc, cảnh quan, vị trí nên cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình tái thiết.

Để phục vụ quá trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô, TP Hà Nội đã chuẩn bị quỹ đất gần 450ha, gồm 147,2ha tại các khu công nghiệp và 300,1ha tại các cụm công nghiệp. Ông Nguyễn Đức Hùng cho hay: “Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị. Những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng”.

Dự án “Tái thiết di sản công nghiệp”

Dự án do Viện Pháp tại Việt Nam lên ý tưởng và tập hợp được sự tham gia của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng 10 thành viên EUNIC (Viện Goethe, Hội đồng Anh, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles cùng Đại sứ quán Italy, Tây Ban Nha, Hungary, Cộng hòa Séc, Romania, Ba Lan, Vương quốc Hà Lan) cùng 4 đối tác địa phương (Đại học Kiến trúc Hà Nội, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, tổ chức Heritage Space, Doanh nghiệp xã hội bền vững VSSE), 4 đối tác chuyên gia (UNESCO Việt Nam, Hanoi Ad Hoc, PRX Việt Nam, Undecided Production). Dự án được hỗ trợ bởi chương trình Không gian văn hóa của EUNIC.

(Còn tiếp)

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm