Tác giả đoạt giải Goncourt 2015: Lang thang 'khắp thế gian' tìm chất liệu viết văn

05/11/2015 06:48 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Beirut, Damascus, Tehran, Barcelona... là những thành phố mà Mathias Enard, nhà văn vừa đoạt giải Goncourt bằng một cuốn tiểu thuyết nói về nỗi ám ảnh với Trung Đông, đã tìm đến và đã sống. Động lực thúc đẩy ông là niềm đam mê kỳ lạ với thế giới A Rập và Hồi giáo.

Trung Đông là chủ đề chung của cả 4 cuốn tiểu thuyết vào chung khảo giải Goncourt năm nay. Chiến thắng thuộc về nhà văn Mathias Enard, người từng sống lâu dài ở Trung Đông.

Cuốn sách chiến thắng mang tên La Boussole (Chiếc la bàn), là tác phẩm từ phương Tây nhìn về phương Đông.

Cậu bé tỉnh lẻ chu du khắp trời Tây

Mathias Enard sinh năm 1972  tại Niort, Pháp.Thời trẻ, ông theo học ngành tiếng A Rập và tiếng Ba Tư, kiếm sống bằng nghề làm báo về văn hóa, đã đảm nhận tới vai trò biên tập và điều hành một số tờ báo của phương Tây.

Là người Pháp nhưng từng sống tại Trung Đông thời trẻ, hiện định cư ở Barcelona (Tây Ban Nha), nhà văn rất say mê chủ đề giao thoa văn hóa, va chạm sắc tộc.Vẻ ngoài hơi già hơn tuổi, nhưng Enard tạo cho người đối diện ấn tượng trẻ trung pha lẫn uyên bác.


Mathias Enard, chủ nhân giải Goncourt năm nay.

Từ Tây Âu du hành sang Trung Đông để ngắm nhìn thời cuộc, Enard đã sống nhiều cuộc đời ở nhiều thành phố khác nhau. Vốn sống tuyệt vời giúp ông viết nên những cuốn tiểu thuyết “giàu có” về góc nhìn và tư liệu, thấm đẫm vũ khí, bạo lực và chiêm nghiệm.

Năm 2008, Enard nổi danh với Zone, cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông. Sách có một kết cấu vô cùng đặc biệt, cả 500 trang giấy chỉ là 1 câu văn. 24 chương sách như 24 bài trường ca Iliad. Cuốn sách đã trở thành hiện tượng văn chương tiếng Pháp.

Từ khi ấy, tờ Liberation (Pháp) khẳng định, còn rất nhiều thứ đáng mong đợi từ tác giả thú vị của nó. Đến nay, dự báo đó đã được chứng minh với giải Goncourt của La Boussole.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ, Enard nói ông có một thời thơ ấu vui vẻ, bình yên ở làng quê. Vậy, điều gì khiến ông ám ảnh với chiến tranh, xung đột và bạo lực ở Trung Đông?

Đó là người ông và những vết sẹo trên thân thể từ các cuộc chiến tranh ở Đông Dương và Algeria. Cậu bé Mathias thời nhỏ bị mê hoặc bởi những vết sẹo đó, nhất là hai vết ở lưng và cổ của người ông.

Chiến tranh không chỉ ảnh hưởng đến những đứa trẻ vùng chiến mà còn cả những đứa trẻ sống cách xa vùng chiến tới nửa vòng Trái đất. Và chỉ cần một trong số những đứa trẻ đó lớn lên và trở thành nhà văn, thế giới lại được nghe tiếp những câu chuyện thời chiến.

Đi đến đâu, sống đến đó

Bên cạnh nỗi ám ảnh đó, Enard còn có niềm say mê với nghệ thuật Hồi giáo khi còn học ở Paris. Lúc ấy ông đang theo ngành ngoại giao, hướng đến một tương lai “mặc áo vest, dự các buổi tiệc cocktail và gặp gỡ báo chí”.

Chính niềm say mê này khiến một giảng viên khuyên ông nên theo học tiếng A Rập hoặc Ba Tư. Ông chọn cả hai, và cuộc đời rẽ ngoặt.

Năm 1991, ông theo chân một nhiếp ảnh gia đến thủ đô Beirut của Lebanon để đưa tin về hoạt động của Hội Chữ thập đỏ nước này. Một tháng trời, ông thường trực trên xe cấp cứu và đi khắp nơi trên đất nước Lebanon. Chuyến đi cho ông trải nghiệm đầu tiên về chiến tranh và bạo lực ở một nơi mà những điều này vẫn còn diễn ra.

Năm 1996, ông tiếp tục đến thủ đô Damascus của Syria khi đang hoàn thiện tiếng A Rập. Những ngày tháng ở Syria khiến ông thuộc làu làu những từ lóng, tiếng tục ở xứ sở này. Sau đó là 2 năm sống trên núi ở Druze, nơi ông làm giáo viên dạy tiếng Pháp để kiếm sống. Những trải nghiệm không thể nào quên.

Và rồi ông tới Tehran, thủ đô của Iran. Khi còn đi học, Enard có ấn tượng sâu đậm về bộ truyện nổi tiếng Nghìn lẻ một đêm với những minh họa vô cùng sinh động. Nhưng những năm 1990, Iran còn chưa cấp visa cho sinh viên phươmg Tây. Đến năm 1993, lứa sinh viên phương Tây đầu tiên mới được đến thăm nơi đây.

Cùng 2 người bạn, Enard xin được visa thăm Iran trong 2 ngày. Nhưng họ ở lại 3 tháng. Họ đã bị xét xử bởi 3 thẩm phán khác nhau và nhận 3 mức phạt khác nhau. Họ trả giá, nhưng trải nghiệm đọng lại sau chuyến đi thật tuyệt vời.

Ở Damascus, Enard đã gặp người vợ tương lai của ông. Sau này, ông theo vợ về Barcelona quê hương bà và định cư tại đây từ năm 2000. Được biết, để hòa hợp với miền đất này, ông đã học luôn tiếng Tây Ban Nha và tiếng vùng Catalan!

Nha Đam (theo Liberation)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm