Sử Việt đọc chậm (kỳ 7 & hết): Quả ấn An Nam quốc vương

20/07/2020 19:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - An Nam quốc vương là tước hiệu mà triều đình Trung Quốc phong cho các vua nước ta, khởi thủy từ đời vua Anh Tông nhà Lý. Kèm theo tước phong là có sách phong và ấn tín.

Sử Việt đọc chậm (kỳ 6): Hoàng tử lưỡng quốc phò mã - một kẻ cõng rắn

Sử Việt đọc chậm (kỳ 6): Hoàng tử lưỡng quốc phò mã - một kẻ cõng rắn

Nhà Trần là một triều đại đặc biệt, không kể tới việc hôn nhân cận huyết thì một khía cạnh khác cũng có số lượng nổi trội: Số kẻ cõng rắn cắn gà nhà.

Quả ấn đó khắc bốn chữ “An Nam quốc vương” và có quy cách rõ ràng ở từng triều đại.

Sơ lược về chiếc núm ấn

Ấn tỷ của Trung Quốc có quy củ hàng ngàn năm rồi, trong đó quy định chặt chẽ về chất liệu, kích thước núm ấn. Qua hình dáng bên ngoài chiếc ấn, người ta có thể phân biệt thứ tự tôn ti của chủ sở hữu.

Thời Chiến Quốc, núm ấn đơn giản là một chiếc vòng nhỏ để có thể xỏ dây đeo. Sang thời Tần Hán, Ứng Thiệu trong sách Hán Trúc Nghi viết rằng Hoàng đế có 6 ấn tỷ, chất liệu bạch ngọc, núm hình ly hoặc hổ; Hoàng hậu dùng ấn vàng, núm hình xà, gọi là tỷ; vua chư hầu dùng ấn vàng, núm hình lạc đà, gọi là ấn; Hoàng thái tử, Liệt hầu, Thừa tướng, Tam công dùng ấn vàng, núm hình quy, gọi là chương; Hàng Nhị thiên thạch dùng ấn bạc, núm hình quy, gọi là chương; Hàng Thiên thạch trở xuống dùng ấn đồng, núm có lỗ (để xỏ dây thao qua), gọi là chương.

Các triều đại sau cho tới triều Nguyên, ấn triện và dây thao có thay đổi khá lớn, nhưng quy định về núm ấn hầu như không đổi. Với ấn tín ban cho các phiên quốc, từ triều Đông Hán tới Nam Bắc triều, thì đều có núm hình lạc đà. Đời nhà Nguyên, các Hoàng tử được phong vương cũng ban cho ấn bạc mạ vàng núm hình lạc đà.

Như vậy ta thấy từ thời Tần, Hán thiết lập quy định về ấn triện đã dùng núm hình lạc đà để cấp cho các vua chư hầu. Núm hình lạc đà còn biểu thị địa vị cao hơn núm hình quy trên ấn triện của Hoàng thái tử và Tam công. Đây cũng chính là núm trên quả ấn An Nam quốc vương.

Ấn An Nam quốc vương

Quả ấn An Nam quốc vương lần đầu tiên được nhà Tống cấp cho vua nước ta là vào năm 1175 đời Lý Anh Tông. Tống sử chép: “Năm thứ hai (1175), ban tặng An Nam quốc ấn”.

Lịch triều hiến chương loại chí chép: “(Nhà Tống) đặc cách cho tên là An Nam quốc, ban ấn vàng Quốc vương”.

Như vậy quy cách của chiếc ấn này là bằng vàng, không rõ kích thước và hình núm. (Đôi khi ấn bạc mạ vàng cũng được thư tịch chép là “ấn vàng”, trường hợp chép trong Lịch triều hiến chương loại chí có lẽ là như vậy).

Sang tới triều nhà Trần (phương Bắc là nhà Tống và Nguyên), duy có Trần Thánh Tông được cả nhà Tống và Nguyên phong tước An Nam quốc vương, nhưng không thấy nhắc tới việc ban ấn tỷ, không biết có phải vẫn dùng ấn cũ được nhà Tống ban cho các vua triều Lý hay không. Rồi xảy ra chiến tranh với nhà Nguyên nên từ đó về sau, nhà Trần chưa từng sang cầu phong mà nhà Nguyên cũng chẳng hề sai sứ tới sách lập.

Chú thích ảnh
Bảo ấn vốn rất phổ biến trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong ảnh là ấn “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn, đúc năm 1709. (Ảnh có tính chất minh hoạ cho bài)

Mà quả ấn An Nam quốc vương thực ra được ban cho Trần Ích Tắc. Nguyên sử chép “Lấy việc Trần Ích Tắc tự đem người đến hàng, phong cho Ích Tắc làm An Nam quốc vương, ban cho phù tiết ấn tín”. Chất liệu, quy cách của quả ấn này ra sao không thấy ghi chép lại, nhưng cũng không liên quan gì tới Đại Việt ta cả.

Sang tới thời nhà Minh, năm 1369, vua nước ta là Trần Dụ Tông được nhà Minh cấp cho ấn An Nam quốc vương có hình dáng và chất liệu tương tự. Minh sử chép: “Hoàng đế vui lòng, ban yến, sai Thị độc học sĩ Trương Dĩ Ninh, Điển bạ Ngưu Lượng sang phong cho làm An Nam quốc vương, ban cho ấn bạc mạ vàng núm hình lạc đà”.

Việc này cũng được chép tương tự trong Lịch triều hiến chương loại chí. Tuy nhiên, khi sứ đoàn sang tới nơi thì Dụ Tông đã mất, Dương Nhật Lễ mới được lập xin nhận ấn, bọn Dĩ Ninh không cho. Phải tới năm 1370, triều đình nhà Minh mới sai Lâm Đường Thần sang phong cho Dương Nhật Lễ, đồng thời ban cho quả ấn vàng. Một năm sau, Nghệ Tông phế Nhật Lễ lên ngôi vua, nhà Minh chưa sách phong nhưng cho dùng quả ấn cũ để tạm coi việc nước.

Quả ấn này có lẽ sau khi nhà Minh đánh chiếm nước ta thời Hồ Quý Ly thì đã thu lại. Lúc Lê Thái Tổ lên ngôi, nhà Minh không phong cho nhà vua làm An Nam quốc vương mà sai “Lễ bộ hữu thị lang Chương Sưởng, Hữu thông chính Từ Kỳ mang sắc, ấn, lệnh cho Lợi được chỉ cho quyền tạm nắm việc ở An Nam” (Minh sử). Sang tới đời vua Thái Tông, nhà Minh mới cho sứ sang phong vua làm An Nam Quốc vương và ban cho ấn tỷ. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đinh Tỵ... Mùa Xuân tháng Giêng... Ngày 13, nhà Minh sai chánh sứ là Binh bộ Thượng thư Lý Úc, phó sứ là Thông chính ty hữu thông chính Lý Hanh mang chiếu sắc ấn vàng sang phong vua làm An Nam quốc vương (ấn nặng 100 lạng, núm hình con lạc đà, làm bằng vàng)”.

Quả ấn này sau mấy phen loạn lạc đời vua Tương Dực đã bị thất lạc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi vua mới được nước, mất ấn Quốc bảo, không có gì để khớp với phù khế của nhà Minh, có Kim quang môn đãi chiếu Nguyễn Huệ biết làm ấn Quốc bảo, vua sai khắc ấn để khớp với phù khế của nhà Minh, quả nhiên khớp với ấn của nhà Minh đã ban cho”.

Sang thời nhà Mạc, do Mạc Đăng Dung không được phong vương mà chỉ nhận chức quan Đô Thống sứ nên không được dùng ấn quốc vương. Minh sử chép việc Đăng Dung được ban ấn bạc. Quả ấn bạc này về sau bị Trịnh Tùng thu được vào năm 1591 khi đánh vào Thăng Long. Tới năm 1596, Phùng Khắc Khoan đi sứ sang triều Minh, đem nộp trả, cùng 2 tờ có in ấn mực của quả ấn An Nam quốc vương khi trước, để yêu cầu nhà Minh tái phong vua nước ta làm An Nam quốc vương và cấp lại ấn tỷ. Nhà Minh dùng dằng mãi không phong, mãi tới tận năm 1646 “nhà Minh sai bọn Hàn lâm Phan Kỳ mang sắc thư, cáo mệnh và ấn bạc mạ vàng sang nước ta, phong cho Thái thượng hoàng làm An Nam quốc vương” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Quả ấn bạc mạ vàng do triều Minh ban cho này sớm lại quay về với Trung Quốc, bởi ngay đó nhà Thanh đã lên thay nhà Minh. Thanh sử cảo chép: “Tháng 5, năm thứ 5 (1666), Duy Hi nộp trả ấn và sắc đời Vĩnh Lịch của nhà Minh trước đây, (Hoàng đế) sai Nội quốc sử quán Hàn lâm học sĩ Trình Phương Triều, Lễ bộ lang trung Trương Dịch Bí sang sách phong cho Duy Hi làm An Nam quốc vương, ban cho ấn bạc mạ vàng núm hình lạc đà”.

Quả ấn mà nhà Thanh ban cho triều Lê không biết số phận thế nào, chỉ biết là khi Tôn Sĩ Nghị đem quân sang, có ban ấn triện mới cho Lê Chiêu Thống. Thanh sử cảo chép: “Trước, khi quân triều đình lên xuất binh, Hoàng đế lo rằng sau khi sự thành, đi lại sách phong mất nhiều thì giờ, khiến cho quân phải dãi gió dầm sương ở ngoài lâu, đã sai bộ Lễ đúc sẵn ấn, nội các soạn sẵn sách phong từ trước, gửi trạm đến quân”.

Vậy thì quả ấn mà Tôn Sĩ Nghị mang sang hẳn là ấn An Nam quốc vương mới, ban cho Lê Chiêu Thống. Đại Việt sử ký tục biên lại chép: “Tôn Sĩ Nghị tuyên sắc thư của vua Thanh phong vua làm An Nam quốc vương, ban ấn vàng”. Vậy ta có thể kết luận quả ấn An Nam quốc vương mới này cũng cùng quy cách với những quả ấn trước, đều là ấn (mạ) vàng.

Quả ấn này sau bị Chiêu Thống vứt bỏ lại Thăng Long khi vua Quang Trung đánh ra Bắc. Sách văn của vua Càn Long cho Nguyễn Huệ có câu: “Mà họ Lê thần phục thiên triều, giữ hơn trăm năm chức cống... Nào hay vứt ấn bỏ thành, tích yếu lại ra thất thủ”.

Và nhà Thanh ban cho Nguyễn Huệ quả ấn mới: “Nay, phong cho ngươi làm An Nam quốc vương, ban cho ấn mới” (Thanh sử cảo).

Số phận quả ấn này cũng hệt như quả trước đó. Khi Nguyễn Ánh đánh bại Quang Toản nhà Tây Sơn, thu được toàn bộ sách phong và kim ấn, liền nộp lại cho nhà Thanh: “Tháng 8, Nguyễn Phúc Ánh trói bọn Mạc Quan Phù 3 tên đưa đến Quảng Đông, đồng thời dâng phong sách và kim ấn thu được của Nguyễn Quang Toản khi đánh hạ thành Phú Xuân và dâng biểu xin quy phụ theo” (Thanh sử cảo).

Đại Nam Thực lục cũng chép việc này: “Lấy Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư Hộ bộ... sung chính sứ sang nước Thanh... đem quốc thư và phẩm vật, lại đem cả ấn sách đã bắt được do người Thanh phong cho giặc Tây Sơn, cùng bọn giặc biển Tề Ngôi là Mạc Quang Phù, Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài, đi 2 thuyền Bạch yến và Huyền hạc, vượt biển đến cửa Hổ Môn tỉnh Quảng Đông để nộp”.

Đến năm 1804, nhà Thanh sai Tề Bố Sâm sang phong Nguyễn Ánh làm Việt Nam quốc vương, tuy ấn tín đã đổi tên, nhưng vẫn quy cách cũ: Bằng bạc mạ vàng, núm hình lạc đà. Đó chính là quả ấn bị hủy vào năm 1884 dưới sức ép của người Pháp.

Tô Như

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm