Sống chậm cuối tuần: Thật thà chính là dũng cảm

18/06/2022 07:26 GMT+7 | Văn hoá

Phải dũng cảm mới dám thật thà. Và khi đã thật thà, thì không phải là “cha đứa dại”, mà thực là người ngay. Người ngay thẳng, thời nào cũng quý, chứ không chỉ thời nay.

Sống chậm cuối tuần: 'Anh bộ đội đến nhà, cho em lòng dũng cảm'

Sống chậm cuối tuần: 'Anh bộ đội đến nhà, cho em lòng dũng cảm'

Trong những ngày đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội, nhìn hình ảnh những đoàn bộ đội hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, tôi bỗng nhớ đến bài hát quen thuộc…

1. Vào năm 1961, nhân Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam (15/5/1941 - 15/5/1961), theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ bản thảo của bức thư đó. Trong thư Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh

Thật thà, dũng cảm”

Rồi trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ là loại sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965 thì 5 điều Bác dạy trên đây được in hoàn chỉnh là:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt,

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”

(Chữ “thật tốt” và chữ “khiêm tốn” được bổ sung vào 2 câu cuối, nên mỗi câu đều có 6 chữ).

Chú thích ảnh
5 điều Bác Hồ dạy

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Sở dĩ như vậy vì gần đến cuối năm 1965, để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, Bác thấy 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng từ năm 1965 trở về trước, 3 câu đầu mỗi câu có 6 chữ còn 2 câu cuối mỗi câu chỉ có 4 chữ, như vậy không cân đối. Bác đã suy nghĩ và bổ sung thêm cho mỗi câu đủ 6 chữ.

Đặc biệt, ở câu thứ 5, Bác thêm chữ “Khiêm tốn” vì từ năm 1965 trở đi, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá miền Bắc, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt” nên xuất hiện ngày càng nhiều gương “Người tốt việc tốt” ở mọi lứa tuổi. Ở miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương dũng sỹ diệt Mỹ. Nhưng Bác không muốn các em tự kiêu, mà muốn các em khiêm tốn, vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi.

Bác còn đánh giá rất cao đức khiêm tốn ở các em. Bác nói: “Ở nước Mỹ, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy, thế mà ở Việt Nam ta các cháu bé đã biết sống như thế nào... Có cháu lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó sảy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn thì bạn chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoai cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn “bám vào đây, bám vào đây”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang”.

Viết cho các cháu thiếu niên, Bác Hồ đã suy nghĩ đến từng chữ như vậy. Bác sẵn sàng bổ sung dù chỉ 4 chữ cho lần sau, vì Bác biết, khiêm tốn là một đức tính cực quý của con người. Với thiếu niên, nhiều khi do tuổi tác và sự tường trải chưa đủ, các em dễ có lúc bốc đồng, vì thế đức khiêm nhường thật cần thiết để cân bằng tâm trí, cân bằng hành động, đưa tới sở hữu một đức tính quý báu của con người. Với chuyện “Giữ gìn vệ sinh” thì nếu chỉ nói như thế dễ thành chung chung, nên cần hai chữ “thật tốt” để nhấn mạnh, đã giữ vệ sinh, thì phải giữ cho thật tốt, thật thường xuyên, thật ý thức.

Với Bác Hồ, chữ nghĩa là như vậy, không thể cẩu thả, dù viết cho trẻ em, và phải cần cả nhịp điệu, vì những câu nhắc dạy ấy phải có nhịp điệu của đồng dao, để dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào tâm trí.

2. Bây giờ, khi đọc lại 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi, tôi chợt nhận ra thêm một ý nghĩa mới: Đó là ở câu thứ 5, có 4 chữ “thật thà, dũng cảm”, thì với những người lớn, nhất là với tầng lớp quan chức bây giờ, đức thật thà chính là dũng cảm.

Chúng ta đã thấy, đã nghe, đã biết, ngay trong Quốc hội, phải qua rất nhiều năm, qua nhiều kỳ Quốc hội, chữ “thật thà” mới ngày một nổi lên thành một phẩm chất không thể thiếu của đại biểu Quốc hội. Những đại biểu Quốc hội mỗi khi đứng lên phát biểu mà chỉ nói chung chung, mà còn tránh chỗ này né chỗ nọ, còn “chín bỏ làm mười” là không dám thực hiện hai chữ “thật thà” mà Bác Hồ đã dạy thiếu nhi. Bởi với quan chức kiêm đại biểu Quốc hội, họ đều biết, nhiều khi nói riêng với nhau, thì “thật thà là cha đứa dại”, nói thật chỗ này chuyện kia rất dễ bị “để ý”, rồi sau sẽ khó làm việc. Vì họ đang là đại biểu kiêm nhiệm, không phải đại biểu chuyên trách. Khi nào những đại biểu kiêm nhiệm dám đứng lên phát biểu một cách thật thà nhất về những điều chưa được của chính quyền, thì khi đó, họ đã xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ. Bởi ai cũng nghĩ, mình bây giờ trưởng thành rồi, đã ra làm quan rồi, thì còn nhớ chi những lời dạy của Bác Hồ cho thuở mình còn là thiếu nhi nữa. Nghĩ như thế là chưa sâu sắc, chưa thấu hết những lời dạy của Bác Hồ. Bác đã suy nghĩ thật lâu, thật sâu, cân nhắc từng chữ, rồi mới viết ra “5 điều dạy” giản dị ấy. Nó không chỉ dành cho thiếu nhi, cho tuổi mới lớn, mà còn dành cho người lớn, dành cho cả quan chức nữa.

Vì vậy, bây giờ, với người lớn, với quan chức, với đại biểu Quốc hội, thì dám thật thà là dũng cảm rồi đấy. Phải dũng cảm mới dám thật thà. Và khi đã thật thà, thì không phải là “cha đứa dại”, mà thực là người ngay. Người ngay thẳng, thời nào cũng quý, chứ không chỉ thời nay. Vì thế, thời xưa mới có những “gián quan”, những người dám liều mình can ngăn vua. Bây giờ, vẫn rất cần những “gián quan” dũng cảm như vậy. Bởi thật thà chính là dũng cảm.

Nhà thơ Thanh Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm