Sống chậm cuối tuần: Gội đầu cho mẹ

14/06/2020 07:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2010, tôi viết cuốn tiểu thuyết Thân xác, viết mãi không xong, đặc biệt là chương cuối cùng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bảo tôi: “Ông nên về quê tôi, tĩnh lặng mà viết cho xong…”.

Sống chậm cuối tuần: Sống mà ăn sắn

Sống chậm cuối tuần: Sống mà ăn sắn

Trong mỗi bữa cơm của người Việt từ xưa đến nay, ngô khoai là thứ ăn độn mỗi khi thóc cao gạo kém, ngày 3 tháng 8 giáp hạt. Với nhiều người dân nghèo xưa ở đồng bằng Bắc Bộ, ăn độn ngô, độn khoai đã là chuyện tất yếu vì không đủ thóc lúa.

1. Thế là tôi về, được mẹ nhà thơ, em trai nhà thơ đón tiếp nồng hậu, được cho một phòng riêng, yên tĩnh để viết, đến bữa có người gọi để ăn, buổi tối có hàng xóm đến uống trà đàm đạo, thật ấm cúng và vui vẻ. Nhưng cũng thời gian đó, mẹ của Nguyễn Quang Thiều đổ bệnh nên ông cũng về quê gần như cả tuần.

Một buổi trưa, tôi đang kì cạch ngồi viết thì nghe tiếng cười, tiếng trò chuyện gì đó khá vui ở sân. Từ trong phòng, tôi nhìn ra, thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang bế mẹ mình ra sân, ông bế mẹ như một đứa trẻ, cẩn thận vén mái tóc bạc trắng của mẹ mình, rồi múc nước từ một cái chậu to để gội đầu cho mẹ!

Hai mẹ con ông trò chuyện: “Ồ… tóc mẹ bạc hết rồi, lại còn gãy nữa, phải gội bằng bồ kết thế này mới khỏe được…”. “…Thì râu ria của con cũng bạc hết rồi còn gì, mẹ già rồi cần gì tóc xanh…”. “Cần chứ, mẹ phải khỏe để bọn con còn vui vẻ làm việc, cứ ốm thế này là không được!”…

Cứ thế, hai mẹ con nhà thơ vừa trò chuyện, vừa gội đầu. Tôi bỗng thấy khoảng sân sáng bừng. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh như vậy, người mẹ nhỏ thó, với mái tóc bạc như cước nằm gọn trong lòng người con, được người con trai lưng gù gù, bàn tay thô tháp mà vô cùng khéo léo, vuốt kỹ lưỡng từng cụm tóc bạc tinh. Hành động đó tôi nhớ mãi, như một thước phim quay chậm, được thực hiện qua bàn tay rất thô của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều… mà âu yếm, trìu mến, thân thương đến kỳ lạ.

Tôi nói chữ “hiếu” của Nguyễn Quang Thiều đủ đầy cả nghĩa bóng, lẫn nghĩa đen vì hàm ý rằng, với người đàn ông cụ thể, trở thành người bình thường, tử tế, lương thiện… đã là giữ được chữ “hiếu” đối với cha mẹ mình, riêng với Nguyễn Quang Thiều, không chỉ là người bình thường, ông ấy còn nổi tiếng. Và cũng không vì nổi tiếng, bận rộn mà ông ít khi quan tâm đến cha mẹ một cách cụ thể như thế này. Ông về làng Chùa - nơi cha mẹ đang sống thường xuyên, cứ cuối tuần là ông về. Bây giờ mẹ ốm, ông càng về nhiều hơn, ông nấu nướng, giặt giũ, lau rửa nhà cửa. Ông gội đầu, tắm rửa, thay quần áo… cho mẹ mình với một tinh thần vô cùng hạnh phúc!

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Tôi đã mục sở thị chuyện này, tôi xúc động, cảm phục nhà thơ, bởi ông không chỉ sống trong thi ca, ông sống như một con người bình thường và cực kỳ hiếu thảo. Sau này, tôi có nói với bạn bè rằng, có rất nhiều nhà thơ viết về mẹ, nhiều bài thơ hay, thậm chí để đời, nhưng tôi chỉ tin một nửa. Tôi không bàn về thi pháp nghệ thuật, tôi chỉ nói về tình yêu thực sự giữa nhà thơ và mẹ mình. Tôi sẽ chỉ tin một nửa, bởi phần còn lại là trong thực tại nhà thơ đó đối xử như thế nào với mẹ mình.

Chúng ta có thể trích hẳn một tài khoản lớn trong ngân hàng để cho mẹ, có thể thuê hàng tá người về chăm sóc mẹ mình khi ốm đau, và làm những điều tốt đẹp khác mong sao mẹ mình cảm thấy vui vẻ, điều đó là rất tốt, ai cũng muốn làm được như vậy. Nhưng tại sao không nhiều người muốn ôm mẹ mình khi bà đã già, hoặc thường xuyên trò chuyện nếu có cơ hội gần gũi.

Tôi không nói rằng, tất cả chúng ta phải tắm gội cho mẹ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhưng tôi biết nhà thơ thừa khả năng tài chính để thuê người chăm sóc bà, nhưng ông muốn tự tay mình làm và làm việc đó như một nhu cầu của trái tim yêu mẹ đích thực. Thế nên những bài thơ mà Nguyễn Quang Thiều viết về mẹ thì tôi tin hoàn toàn! Những bài thơ đó thuyết phục tôi từ thi pháp nghệ thuật, đến nội dung câu chuyện, bởi tôi là người chứng kiến thực tại.

2. Cũng chính từ đó, tôi bắt đầu thay đổi cách giao tiếp với mẹ mình. Tôi ở quá xa mẹ, không có nhiều cơ hội để gần gũi bà, mỗi năm chỉ vài lần tôi gặp mẹ mình. Mỗi lần như thế tôi hết sức tranh thủ để trò chuyện với mẹ, cầm tay mẹ, dụi đầu vào lòng mẹ… Và đã có một sự thay đổi kỳ lạ đã xảy ra giữa tôi và mẹ.

Từ bé tôi được chiều chuộng, vì là con út, tôi chỉ được chăm sóc chứ tôi không chăm sóc ai bao giờ. Tôi lại ra đi quá sớm, mới có 14 tuổi tôi đã rời xa mẹ… Thế nên, thỉnh thoảng tôi “quên” mẹ mình thật! Tôi lao đầu vào công việc, vào giấc mơ còn dang dở.

Tôi một mình sống giữa Hà Nội, không nhiều điều kiện như bạn bè cùng trang lứa, nói chính xác hơn, tôi từ núi xuống chỉ với bàn tay, bàn chân to khỏe và một giấc mơ. Thế nên, tôi phải làm việc gấp hai, gấp ba lần người bình thường, nếu chậm lại tôi sẽ “văng” ra khỏi đời sống này. Tôi bận rộn. Túi bụi bận rộn. Mệt mỏi bận rộn… Vì thế đôi khi, tôi không kịp nhớ ra mình vẫn còn một người mẹ già ở trên núi.

Việc chứng kiến mối quan hệ tuyệt đẹp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và mẹ mình đã làm thay đổi chính mối quan hệ giữa tôi và mẹ tôi.

Ban đầu bà khá ngạc nhiên khi thấy tôi thường xuyên gọi điện, thậm chí tôi quy định với hai đứa con gái, mỗi tuần phải gọi điện hỏi thăm bà nội ít nhất hai lần. Ngày Tết, ngày Hè là ngay lập tức về với mẹ, ngồi thật lâu với mẹ mình, đôi khi cả tôi và hai cô con gái ngủ chung giường với bà. Mỗi lần như vậy, chúng tôi trò chuyện cực kỳ vui vẻ.

Đã có một nguồn năng lượng bí ẩn nào đó dần dần hé lộ. Mẹ tôi khỏe hơn, tươi tắn hơn, nhớ chúng tôi nhiều hơn, chăm xuống Hà Nội chơi hơn… Trước đó, mỗi khi muốn mời mẹ về Hà Nội chơi là một điều cực kỳ khó khăn, mẹ tôi sợ chốn đông người, sợ sự ngột ngạt của thành phố, đặc biệt là sợ làm phiền vợ chồng tôi. Rất ít khi bà chịu xuống chơi, trừ những trường hợp thật đặc biệt. Nhưng sau này, bà đã vui vẻ xuống chơi và ở lại cả tuần lễ.

Trong triển lãm cá nhân lần thứ hai Miền A Sáng 2 vào năm 2019 vừa qua, dù mẹ tôi mắc bệnh huyết áp không ổn định, nhưng bà vẫn hăm hở chuẩn bị xuống Hà Nội dự lễ khai mạc triển lãm của con trai mình.

“Mẹ uống thuốc đều đặn, tập thể dục chăm chỉ cả tuần nay… Mẹ sẽ khỏe để xuống, con yên tâm nhé!” - bà hồ hởi thông báo qua điện thoại như vậy.

Tôi đã khóc - nước mắt rơi ngọt ngào, tôi hạnh phúc vô cùng vì tôi vẫn còn mẹ và mẹ cực kỳ yêu tôi!

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (trái), và mẹ con họa sĩ Hoàng A Sáng (tác giả bài viết)

3. Với tôi, có “hiếu” không có nghĩa là mình phải sống cùng cha mẹ, hàng ngày chăm sóc, phục vụ tận tình… Như thế cũng mới chỉ là giữ được chữ “hiếu” ở phần nghĩa đen. Đối với cha mẹ, không ai muốn nhìn thấy đứa con mình hiền lành đến độ cả đời chỉ quanh quẩn bên cha mẹ, cả đời chỉ làm những việc mà cha mẹ sai bảo, cả đời chỉ biết vâng lời… Con cái cần phải tự khẳng định mình, tự lo được cho bản thân mình thì một cách tự nhiên sẽ biết cách lo cho gia đình và người thân. Và con cái còn phải là niềm tự hào của cha mẹ nữa.

Hãy cứ trở thành người bình thường, tử tế, có khát vọng và dám dấn thân… Như thế cha mẹ mình sẽ vô cùng yên tâm. Khi cha mẹ không còn phải lo lắng cho mình, cũng có nghĩa mình đang trả “hiếu” cho cha mẹ. Chính mẹ tôi đã nói: “Mẹ rất thương thằng A Sáng, nó đi từ bé, lại đúng lúc nhà mình gặp khó khăn, mẹ không có gì cho nó… Mỗi lần nghĩ đến nó sống ở Hà Nội là mẹ lại lo, không biết nó đủ ăn không… Thế mà nó sống được…”.

Bây giờ khi tôi đã ổn định, bà luôn tự hào về tôi, đi đâu bà cũng kể về tôi với ánh mắt đầy sung sướng. Khi tôi quyết định xây lại ngôi nhà đá hộc ở quê nhà, bà đã vô cùng băn khoăn. Tôi phải nói khéo rằng: “… Con xây lại ngôi nhà vì con muốn xây cho mẹ, con biết cả đời mẹ chưa bao giờ có một căn buồng ngủ tử tế, bây giờ mẹ có quyền để tận hưởng một đời sống tốt hơn ngày xưa. Chắc chắn con sẽ không về sống ở đây nữa, căn nhà này con nhường lại cho anh trai và chị dâu, bởi mẹ thích sống ở đây và đây là nhà của mẹ, con muốn làm lại cho đẹp đẽ hơn, nó cũ quá rồi, không thể ở được nữa…”.

Tôi phải thuyết phục mãi mẹ mới cho phép xây lại ngôi nhà, bởi bà quan niệm rằng, tôi đã đi xa thì không việc gì phải xây nhà này nữa, ngôi nhà này anh trai và chị dâu tôi phải quản lý… Mẹ tôi luôn nói: “Thương thằng A Sáng! Bé tí đã đi học rồi!”.

4. Tôi đủ lớn, đủ lòng trắc ẩn, đủ mọi giác quan để cảm nhận được tình yêu của mẹ dành cho mình. Nhưng tôi đã suýt quên nếu như cái buổi trưa hôm đó, không vô tình nhìn thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gội đầu cho mẹ. Mùi bồ kết, mùi nắng trưa, mùi sân gạch và mùi của mái tóc bạc tinh được bàn tay của Nguyễn Quang Thiều chải chuốt vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi. Rõ ràng và chắc chắn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm được thơ - những câu thơ cực hay là do mẹ mình. Tôi cảm nhận được điều đó, phải được sống trong tràn ngập yêu thương như thế thì mới có thể làm thơ. Phải sống trong trách nhiệm đến thế thì thơ mới có thể hay.

Hoàng A Sáng (họa sĩ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm