Sống chậm cuối năm: Một thời tranh Tết

01/02/2019 07:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, 30 họa sĩ từ Bắc đến Nam cho bày một phòng tranh chào đón năm Kỷ Hợi ở Đông A Gallery (tầng 4 nhà sách Cá Chép, phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Đó là phòng tranh Tết của các họa sĩ đi tiên phong trong việc cách tân đa đạng đa chiều về con giáp “Hợi”. Triển lãm này gợi lại thú chơi tranh Tết một thời.

Khôi phục tranh Tết Hàng Trống bằng công nghệ

Khôi phục tranh Tết Hàng Trống bằng công nghệ

Tranh dân gian Hàng Trống từng là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán. Theo thời gian, khi cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, dòng tranh này dần bị lãng quên.

Có lẽ tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống là hai loại tranh Tết đầu tiên tôi được biết đến của dân ta. Ban đầu cũng nghe qua một số người nghiên cứu nghệ thuật nói thế. Rằng thời thịnh vượng của làng tranh, trước Tết một tháng thuyền buôn về tấp nập đậu bến đò Hồ, đổi hàng lấy tranh đem đi các tỉnh khác. Còn tranh vách thì quả thật chỉ thấy trong thơ Hoàng Cầm: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Tôi nói thế bởi năm 1955, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, tôi theo bố từ Thái Nguyên về quê ăn Tết với ông bà nội ở tổng Nành, huyện Từ Sơn giáp với huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), làng mà sau này tôi biết là làng làm tranh Tết. Khi ấy, quả tình tôi chưa thấy tranh Đông Hồ trên vách nhà thôn quê. Chỉ có vài nhà dán tranh Bờ Hồ lên tường.

Đó là những bức tranh thủy mặc hoặc màu bột vẽ trên bìa. Nội dung vẫn là phong cảnh hữu tình đồng quê quen thuộc, có tre có lúa có hồ nước in bóng và nền trời trong xanh, những đàn cò bay thành hàng chớp nắng trên trời xanh xa mờ.

Có lẽ đã có thú chơi tranh Tết một thời, nhưng đã qua lâu rồi. Tranh Đông Hồ sau này thấy sản xuất chỉ bán qua Xunhasaba xuất sang các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Tôi đã gặp những bức tranh xuất khẩu dày dặn màu chắc nịch lấp lánh ánh điệp thời ấy. Nó vẫn là những tranh in mộc bản như ngày nay, nhưng màu sắc thắm hơn tranh thời du lịch mở cửa sau này...

Chú thích ảnh
Bộ tứ bình Lục Vân Tiên của Phan Doãn (NXB Văn hóa dân tộc in những năm 1980)

2. Những năm sáu mươi thế kỉ trước, Nhà xuất bản Văn hóa cũng từng làm tranh Đông Hồ nhưng rồi không thành. Đó là thứ tranh làng quê người dân dã làm, không phù hợp với cách quản lý sản xuất hành chính mới, nên xưởng cũng teo tóp. Nghệ nhân chuyển sang việc hành chính chẳng còn dính gì đến tranh.

Sau đấy là mấy chục năm tranh Tết của hai nhà xuất bản Văn hóa và Văn hóa Dân tộc một thời tấp nập! Tranh xuất bản in thành bộcuốn thư, câu đối, ngũ quả. Xen kẽ có ít ảnh phong cảnh và tranh vẽ trang trí tứ bình Xuân Hạ Thu Đông, hoặc tranh truyện tứ bình của các họa sĩ Phan Doãn, Tạ Thúc Bình, Doãn Tuân, nội dung minh họa cho chính sách. Họa sĩ Hữu Đức, Phan Doãn, Anh Thường thì vẽ tranh đơn, thiếu nữ dân tộc, tỉ mỉ theo lối trang trí.

Thời ấy, tranh Tết bán đắt như tôm tươi. Phát hành các tỉnh cứ giáp Tết một tháng nườm nượp về nhân hàng chuyển nhanh cho các quầy ở các hiệu sách nhân dân huyện. Tưởng như thể loại tranh Tết trên sẽ còn mãi mãi. Vậy mà…

Chừng chục năm sau ngày thống nhất, số lượng cuốn thư câu đối ngũ quả giảm dần dần rồi dừng hẳn. Tranh hoa quả Thái Lan in đẹp nõn nà tràn sang như luồng gió mới, và những bộ lịch tờ phong cảnh hoa đẹp gái xinh được thị trường tiêu thụ đón nhận thay thế. Những tranh cuốn thư câu đối từ đấy biến mất hẳn trên thị thị trường. Lớp người sinh sau ngày thống nhất không còn biết đến một thể loại tranh Tết vang bóng một thời.

3. Bây giờ tôi đi nhiều nơi, thấy các gia đình thôn quê không còn ai nhớ đến ngày Tết cần bức tranh treo trên tường vách nữa. Một số nhà khá giả chơi tranh đá quý. Tranh đá quý như một thứ thời thượng cho phòng khách. Lại thêm đá phong thủy đắt tiền kì, đá ngọc, thạch anh với đèn rất cầu kì.

Có một sự thay đổi như thụt lùi ở làng quê về tinh thần Tết nhất. Người lớn không hối hả, trẻ con không mong chờ dù Tết nghỉ học dài hay ngắn.Trẻ em thành phố, chúng có thể chơi game suốt cả ngày mà không cần Tết! Còn nông thôn thì cái ăn cái mặc, cả đến áo rét giờ đây đầy đủ, không cần Tết vẫn có. Người thành thị thì phòng khách lúc nào cũng tươm tất, Tết chỉ sắm thêm cành đào.

Bây giờ người chơi tranh không chờ Tết. Đã có những người biết chọn mua tác phẩm của họa sĩ -một giá trị văn hóa, có dung lượng nghệ thuật - để thành thứ tài sản đặc biệt vừa chơi vừa cất giữ, treo trên tường nhà khang trang. Tranh không đơn thuần là tranh trang trí cho vui nhà mà là giá trị làm sang cho chủ nhà!Tranh Tết một thời là thứ niên họa, hết năm bỏ đi mua bộ mới bây giờ không còn chỗ. Còn những miền đất xa nơi thị thành giờ cũng không có thấy tờ tranh Tết treo nữa.

Nhớ mong Tết đã dần đi vào dĩ vãng cùng với những tờ tranh Tết không còn.

Ngoái lại quá khứ, tôi vẫn thèm cái không khí Tết ngày xưa. Từ 23 Tết đến 28 Tết là những ngày mọi việc bỏ sang bên, chỉ còn lo bó lá dong, lo mớ lạt giang, yến gạo nếp loại ngon để gói bánh. Đụng thịt con lợn, sắm sanh chè rượu để lai rai trong cả tháng giêng.

Thiên nhiên biến đổi hình thái, phố phường biến đổi xây dựng, miếng ăn biến đổi về chất, thú chơi cũng biến đổi theo sự phát triển kinh tế và tiến bộ khoa học kĩ thuật viễn thông. Xã hội sống chậm chỉ còn rớt lại ở vùng núi và một số tỉnh đồng bằng xa nơi đô hội. Còn tất cả hối hả với nhịp sống băng lên phía trước như con tàu tốc hành.

Đỗ Đức (họa sĩ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm