Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý (kỳ 3): Mình nghĩ gì khi đi xe máy?

19/07/2020 07:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phải nói ngay cái tên bài này có hơi hướng thời thượng, ăn theo tên cuốn sách Mình nghĩ gì khi mình nói chuyện tình. Nhưng đó là một hiện thực.

Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý (kỳ 2): 'Montmartre' (*) của Hà Nội

Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý (kỳ 2): 'Montmartre' (*) của Hà Nội

Trong lối sống, người Hà Nội tìm cách thiết lập không gian văn hóa cho mình cũng nằm trong mỹ cảm Tân cổ điển, hoặc hẹp hơn là Tân phục hưng.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đi xe máy. Ông anh rể ngồi đằng sau chỉ đạo, tôi mướt mồ hôi giữ ga, chốc chốc ông anh hét lên: “Nhìn đường!”, vì tôi không thể nào rời mắt được cái tay lái. Nó cứ cứng ngắc như thể một cái xe lu. Rồi từ lúc nào tôi cũng về được đến đích mà không đâm phải cái gì. Nhưng may cho tôi, đó là mười mấy năm trước đây, khi xe cộ thưa thớt để tôi có thể loạng choạng đi đánh võng tận giữa đường. Nói tóm lại, lúc ấy tôi lái xe không nghĩ gì ngoài việc điều khiển được cái xe máy. Tôi còn không kịp nghĩ đến việc chẳng may gây tai nạn thì sao!

Bây giờ thì đường lúc nào cũng đông và luôn tiềm tàng những nguy cơ va chạm. Bây giờ tôi cũng có thể vừa đi vừa có được bản năng lái xe một cách vô thức mà không cần phải nhìn xuống tay lái. Khổ nỗi là từ cái bản năng ấy, tôi lại nhiễm thói vừa đi vừa nghĩ đủ thứ chuyện (Trăm năm trong cõi người ta), hoặc nói chuyện với người mình đèo đằng sau, hoặc với người đi bên cạnh, hoặc lẩm nhẩm hát câu gì đấy (Con oanh học nói trên cành mỉa mai).

Nguyên việc đầu óc lơ tơ mơ thế cũng đã dễ va quệt. Ấy thế nhưng mà trời lại cho một khả năng tiên liệu để đi trót lọt. Khi về đến nhà rồi, mới nhớ ra mình vừa đi vừa hát, vừa đi vừa chém gió phăm phăm với bạn đi xe bên cạnh, hoặc vừa đi vừa tranh thủ nghe điện thoại, toàn những tình huống có thể không ứng phó kịp trước đám xe cộ bất trắc. Hú vía.

Cái gì đã khiến một người không điều khiển nổi tay lái mười mấy năm trước, giờ đã dễ dàng luồn lách qua khắp đường phố tắc nghẽn như một người làm xiếc không mệt mỏi? Thực tế đường phố Hà Nội đã “đào luyện” nên tôi và cả mấy triệu cư dân của nó trở nên những người lái xe máy giỏi nhất hành tinh.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ thời trẻ đi xe máy. Ảnh: tư liệu gia đình

1. Chúng tôi vừa đi vừa nghĩ về công việc dở hơi cám hấp mình đang làm. Lúc nào cũng là dở hơi cám hấp nếu nói về công việc. Xe máy là phương tiện vận chuyển quan trọng nhất của đa số dân văn phòng cũng như toàn xã hội đô thị, vì thế tin tức xe máy bị cháy, xe máy bị hạn chế, xe máy phải thay đổi đăng ký, giá vé gửi xe tăng, xe máy ngốn xăng… là loại tin tức cấp thiết để người đi xe máy có cái phải nghĩ trên đường.

Sống với xe máy thời buổi này thật khó khăn. Vợ chồng còn có thể bỏ nhau, xe máy mà bỏ thì đi bằng gì bây giờ.

2. Chúng tôi vừa đi vừa đi vừa nghĩ về quá khứ diễm ảo. Ngày xưa lúc nào đường cũng thông, hè cũng thoáng hơn bây giờ. Phóng một chiếc xe máy trên đường dường như không gặp một lần đèn đỏ nào. Và xăng hồi ấy, có đâu như dăm ba nghìn một lít, đi chơi tối ngày không phải nghĩ. Xe máy không nhễ nhại chen chúc nhau, mà thong dong đi hàng đôi, hàng ba dưới những hàng cây không nói ai cũng biết là đẫm chất thơ.

Đi xe máy mát mẻ, thong dong, dừng đúng trước vạch đèn đỏ. Có cậu này lao véo qua thì cũng chỉ bị cái cười trừ: “Đồ choai choai thích thể hiện!” Thời ấy, xe máy có được nhắc đến thì cũng là nhắc đến một niềm vui, sự hãnh diện và tiện lợi văn minh. Chúng tôi nghĩ về cái người mình đèo đằng sau, hình như hồi đó vui vẻ và làm ta cười không dứt, không bao giờ có cảnh nực cười mũ bảo hiểm đập vào nhau côm cốp. Ngồi xe máy, dòm nhau ai đẹp ai nổi bật có vẻ thú vị - và nhờ trời, hình như cũng có người liếc mình.

Chú thích ảnh
Xe máy thời mở cửa

3. Chúng tôi vừa đi vừa nghĩ về tương lai mờ mịt. Mờ mịt là vì xe máy xem ra sẽ hết đường sống, như thể chúng ta nôn nao biết ngày tận thế sắp đến mà chịu không có cách nào chạy được. Loài khủng long với trí óc bé bằng quả trứng gà có lẽ sướng hơn ta ở chỗ chẳng cần biết đến phút tuyệt chủng của chúng. Còn chúng ta, chưa cần biết đến cái đích trái đất hết sự sống sau mấy tỷ năm nữa, thì dăm năm nữa, chúng ta biết đi bằng gì khi không còn đường cho xe máy chạy nữa. Trong khi ô tô giờ đây vẫn đắt đỏ, đèo bòng thêm vụ không kiếm được bãi đỗ xe gần Bờ Hồ dưới một cây số, thì tàu điện ngầm và xe điện trên cao vẫn chưa đi vào hoạt động. Còn xe buýt là thứ đã quá hằn sâu vào óc giới chức văn phòng về cái vẻ nhốn nháo người lên kẻ xuống của nó. Một khi phương tiện đánh đồng hạng mọi người với nhau thì dân văn phòng xin thôi trước tiên.

Ta có thể ví đi xe máy cũng như dạo các trang mạng, lúc nào cũng phải có một việc gì đó xảy ra và chúng ta không còn thụ động đón xem, mà đã lùng sục tìm kiếm, như khi ta trên đường, ta không thể để mình bỏ sót chi tiết gì trên đường đi. Hãy nghĩ xem, hôm nào chúng ta đi làm về, hay đơn giản là chạy xe ngoài phố về, thể nào người ở nhà chẳng hỏi: Có gặp chuyện gì hay không? Câu trả lời “chẳng có gì sất” là gáo nước lạnh chứng minh ta là kẻ thất bại, vì thế một câu thế này cũng được xem như một status (dòng trạng thái) khả dĩ thu hút comment: “Tắc đường gần chết”. Và thế là ta đã nuôi được một vài tiếng đời ta rồi.

(Còn nữa)

Nguyễn Trương Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm