Sách lậu giết chết ai?

24/04/2015 08:25 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Đã từ lâu, sách lậu tràn phố sách và những vỉa hè. Thời đi học, vì ham rẻ, ít nhiều trong những người đọc sách đều từng mua những cuốn sách lậu.

Bây giờ, khi cầm cuốn sách bản quyền nào lên cũng đều thấy dòng chữ “Mua sách lậu là giết chết sách thật”. Nhưng sự thật còn nguy cấp hơn thế.

NXB danh tiếng Hoa Kỳ HapperCollins vừa tạm dừng giao dịch bản quyền với Việt Nam vì không ngăn chặn được sách lậu. Họ không thể hiểu được vì sao một cuốn sách có bản quyền của Mỹ mà bị nhiều nơi in lậu và công khai bày bán kéo dài ở một quốc gia đã gia nhập WTO và Công ước bảo hộ quyền tác giả.

Đúng, họ làm sao mà hiểu được! Cũng như họ khó biết được vì sao một xưởng in lậu bị bắt quả tang đang đóng xén trên vạn cuốn sách, nhưng cả phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều trắng án vì “sách in lậu chưa đưa ra thị trường nên chưa gây tác hại gì cho nhà sách”. Hay vụ trùm sách lậu Đỗ Đức Thọ đi xe xịn đến phiên tòa xét xử. Sau khi bị xử tù những... 6 tháng đã mở tiệc ăn mừng. Hết án tiếp tục kinh doanh sách lậu và bị... phạt hành chính.

Giá bản quyền các tác phẩm lớn không hề rẻ. Nguyễn Bính nói rất hay bằng thơ: “Nhà ta coi chữ hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang ở đời”. Người đọc Việt Nam biết về kiệt tác Cái trống thiếc của Gunter Grass do Dương Tường dịch là một trong số ít tác phẩm đoạt giải Nobel có bản quyền tiếng Việt. Tiền bản quyền tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel thường đắt đỏ. Chính Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã giúp để đại diện của tác giả chấp nhận một khoản tiền bản quyền tượng trưng. Nhưng có bao nhiêu tác gia của thế giới bán chất xám của mình cho người Việt với giá tượng trưng?


Hình minh họa chi tiết “sọ người” trong truyện “Sọ Dừa” của NXB Hồng Đức

2. Nếu độc giả Việt Nam mất đi cơ hội được đọc những tác phẩm tầm cỡ, điều gì sẽ xảy ra trong thời xuất bản hiện nay?

Tinh hoa biến mất có là cơ hội để rác rưởi lên ngôi, khi những truyện ngoại lai được dịch, cóp nhặt một cách cẩu thả ra đời. Khi những Sọ dừa biến thành sọ người, những bạo lực, phản cảm, sốc, sex... tràn trong sách mầm non.

Chuyện sách vở, ông cha ta thường nói “Bút sa gà chết”, “Giấy trắng mực đen”, các khâu đều phải cẩn trọng, nhất là đối với các tác giả, soạn giả. Người ta từng soi mói khắt khe với những tác phẩm văn chương khẩu chứng vô bằng nhưng lại quá thờ ơ, khinh suất với những sai lầm đang ngày ngày phơi bày. Để rồi sách vở cũng không còn thiêng liêng khi mà xã hội đang chứng kiến những “rác phẩm” in trong những cuốn “sách rác”.

Hàng hiệu không đủ tiền hoặc không được phép mua thì hàng giá rẻ hoặc miễn phí như cách dân ta đang xài hàng Tàu thì không hiếm. Bản quyền cho không, những sai phạm dồn dập như hàng loạt sách trẻ em trương cờ Trung Quốc, thậm chí in kèm hình bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp... liên tiếp xảy ra. Đó lại hoàn toàn không phải “lỗi đánh máy”.

Đại văn hào Mark Twain nói: “Hãy cẩn thận khi đọc sách về sức khỏe. Bạn có thể bỏ mạng vì một lỗi in ấn”. Nhưng trớ trêu, khi cầm cuốn sách lậu ở vỉa hè cũng thấy dòng chữ ngay ngắn “Mua sách lậu là giết chết sách thật”.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm