Quy định phổ biến phim trên không gian mạng gây nhiều tranh cãi

19/02/2022 19:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hà Nội, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Sửa đổi Luật Điện ảnh: Nhiều câu hỏi cần tìm lời giải

Sửa đổi Luật Điện ảnh: Nhiều câu hỏi cần tìm lời giải

Mặc dù đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản mới nhằm tháo gỡ khó khăn, hướng đến phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện đại, hội nhập quốc tế song tới nay, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vẫn còn nhiều điểm chưa tìm được tiếng nói đồng thuận giữa các bên liên quan.

Dự và chủ trì Hội nghị có Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Phan Viết Lượng. Tham dự còn có các chuyên gia, nhà quản lý…

Ngay sau Kỳ họp Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Thường trực Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật; đồng thời, lấy ý kiến một số Bộ, ngành và chuyên gia để có thêm cơ sở hoàn thiện Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho biết, đến nay, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung như: bổ sung một số chính sách cụ thể nhằm huy động nguồn lực của Nhà nước, của toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh, xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh; làm rõ chính sách về phát triển nguồn nhân lực; bổ sung các chính sách thu hút đầu tư và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hoạt động điện ảnh Việt Nam; cụ thể hóa quy định về phổ biến phim trên các nền tảng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện ảnh…

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật đã thống nhất phương án chỉnh lý, giải trình, tiếp thu như về đối tượng áp dụng hoặc về chính sách Nhà nước phát triển điện ảnh. Tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, dự thảo Luật đã gom nội dung các khoản 1, 2, 3, 6 của Điều 6 về phát triển công nghiệp điện ảnh thành khoản 1 của Điều 5 (mới) để các chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh tránh phân tán, dàn trải ở nhiều điều khác nhau trong dự thảo Luật. Quy định cụ thể các hoạt động được hưởng ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai để có căn cứ sửa đổi các luật chuyên ngành (khoản 3 Điều 5).

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Vì thế tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý ở từng cấp; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim, trong đó có trách nhiệm cung cấp công cụ kiểm duyệt tự động, cảnh báo cũng như công cụ cho người xem báo cáo vi phạm để cơ quan nhà nước phát hiện kịp thời, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước gỡ bỏ những vi phạm khi có yêu cầu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung các quy định như tại điểm đ, e, g khoản 1, khoản 2, khoản 6 Điều 21 dự thảo Luật…

Chú thích ảnh
Một số phim điện ảnh ra rạp tháng 2 và tháng 3

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 tới, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, chuyên gia, nên đã dần hoàn thiện, có nhiều điểm, rõ ràng, tiến bộ, khả thi hơn.

Các ý kiến góp ý tập trung vào các vấn đề còn nhiều băn khoăn như việc phổ biến, phát hành phim, việc kiểm duyệt phim, lưu chiểu phim, cấp phép, phân loại phim, thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh…

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm