Qua vụ kiện bản quyền 'Ngày xưa' và 'Tinh hoa Bắc bộ': Giá như nghệ sĩ, nhà đầu tư nắm rõ Luật

21/03/2019 06:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 20/3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết về việc xét xử vụ kiện bản quyền giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội (TCHN) và ĐD Việt Tú với 3 nội dung cơ bản liên quan đến Sở hữu trí tuệ như sau: 1. Ông Nguyễn Việt Tú là tác giả của kịch bản Ngày xưa. 2. Công ty TCHN là chủ sở hữu của kịch bản Ngày xưa. 3. Vở diễn Tinh hoa Bắc bộ là tác phẩm phái sinh từ vở diễn Ngày xưa.

Ngày 14/3 mở phiên xử vụ kiện giữa đạo diễn Việt Tú và Tuần Châu Hà Nội

Ngày 14/3 mở phiên xử vụ kiện giữa đạo diễn Việt Tú và Tuần Châu Hà Nội

Sau gần một năm thụ lý, vụ kiện bản quyền giữa đạo diễn Việt Tú và Công ty Tuần Châu Hà Nộisẽ bắt đầu được xét xử vào chiều 14/3 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội (43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm).

Trên thực tiễn, đây mới chỉ là kết quả từ phiên sơ thẩm, có thể có những diễn biến mới, nếu một trong hai bên có kháng cáo. Nhưng nhìn lại quá trình dài từ lúc câu chuyện bắt đầu, giá như mọi người ý thức đầy đủ những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, sẽ không có những rắc rối tốn nhiều thời gian công sức của người trong cuộc, cũng như công luận báo chí.

Cần hiểu đầy đủ về Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Hiện nay Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ VH,TT&DL có nhận đăng ký và cấp giấy. Nhưng đây là “Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” chứ không phải “Giấy chứng nhận quyền tác giả”. Nghĩa là Cục có chứng nhận ngày tháng đó, có người đăng ký mình là tác giả, chủ sở hữu của một tác phẩm nào đó. Còn thực sự tác phẩm đó của tác giả nào, ai là chủ sở hữu thì Cục không chứng nhận.

Hay nói cách khác “Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” do Cục cấp không có giá trị trong việc xác lập quyền tác giả, mà quyền tác giả được công nhận từ khi tác phẩm ra đời.

Chú thích ảnh
Một mẫu “Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” do Cục Bản quyền tác giả cấp

Theo khoản 1, Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ thì: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.

Ở khoản 2 và 3 điều 49 Luật sở hữu trí tuệ cũng nói rõ về việc đăng ký này như sau: “Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này” (khoản 2).

“Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại” (khoản 3).

Về quyền nhân thân và quyền tài sản, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, người sáng tạo ra tác phẩm sẽ là tác giả, người đầu tư để sáng tạo tác phẩm là chủ sở hữu tác phẩm. Nếu người sáng tạo ra tác phẩm đồng thời là người tự đầu tư cho tác phẩm của mình thì sẽ giữ quyền tác giả lẫn quyền chủ sở hữu tác phẩm.

Nếu làm theo đúng quy định Luật Sở hữu trí tuệ thì Công ty DS không đăng ký ở Cục bản quyền tác giả mình là chủ sở hữu kịch bản Ngày xưa do Công ty TCHN đầu tư. Đó cũng là một trong những lý do để xảy đến những tranh chấp, kiện tụng từ phía Công ty TCHN.

Chú thích ảnh
Từ trái qua: Việt Tú và các đại diện của TCHN tại phiên tòa sáng 20/3

Tác phẩm phái sinh

Theo khoản 8, “Điều 4 Giải thích từ ngữ” của Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh được định nghĩa như sau: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Hay nói cách khác, tác phẩm phái sinh là tác phẩm hình thành từ một hoặc nhiều yếu tố của một tác phẩm đã có trước đó.

Theo kết luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, vở Tinh hoa Bắc Bộ “kế thừa” khá nhiều yếu tố từ vở Ngày xưa đã có trước đó như: Ngôi nhà thủy đình, không gian nghệ thuật (ở chùa Thầy, Sài Sơn)… Có nghĩa đây là một tác phẩm phái sinh từ vở diễn Ngày xưa.

Trong lúc Công ty TCHN là chủ đầu tư của vở Ngày xưa, cũng có nghĩa là công ty nắm quyền chủ sở hữu và có quyền làm tác phẩm phái sinh như Luật Sở hữu trí tuệ quy định. Nếu Công ty TCHN nhìn nhận đây là tác phẩm phái sinh, có lẽ sẽ không có những rắc rối xảy ra.

Qua những điều nói trên, để thấy rằng dù kịch bản Ngày xưa và kịch bản Tinh hoa Bắc Bộ đều có “Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” do Cục Bản quyền tác giả cấp, thì khi ra tòa, tất cả đã được trả về đúng thực tế của nó như Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định. Cụ thể, đó chính là kết quả mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên vào sáng 20/3.

Giá như nghệ sĩ, nhà đầu tư hiểu và thực hiện đúng luật, mọi người sẽ đỡ mất thời gian và không khí sinh hoạt văn hóa của chúng ta sẽ… vui hơn, theo một nghĩa nào đó.

Bình Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm