Phú Quang - Người của muôn nỗi buồn dâng hiến (Kỳ 3 & hết): Di sản của tình yêu

15/12/2021 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa khi nào tác phẩm Phú Quang được hát, nhắc, nghe nhiều đến thế. Chuyện ông nằm bệnh viện gần 2 năm thì nhiều người biết. Nhưng vì tất cả đều mong ông qua khỏi và sẽ trở về, nên khi ông ra đi, ai cũng tiếc thương.

Phú Quang - Người của muôn nỗi buồn dâng hiến (Kỳ 2): Về lại phố xưa

Phú Quang - Người của muôn nỗi buồn dâng hiến (Kỳ 2): Về lại phố xưa

Đúng 20 năm trước, nhạc sĩ Phú Quang ra album Vol 5 "Về lại phố xưa". Khi ông ra đi, xâu chuỗi những lời ca, tôi nhận ra, sau sự nhạy cảm "mắt xanh" của một nhạc sĩ chịu đọc và yêu thơ bậc nhất Việt Nam, có tính tiên tri, dự cảm.

Bởi Phú Quang chưa bao giờ nghĩ đến ngày ngừng sáng tác, dừng cống hiến. Những người bạn tốt đã không tiếc gì để kéo dài sự sống cho Phú Quang, gia đình nhạc sĩ mãi biết ơn sự giúp đỡ vô giá ấy.

Cả khi qua tai biến, người hoạt ngôn sắc sảo bị nói ngọng và chậm đi, ông vẫn lên sóng VTV1 là khách mời của Giai điệu tự hào 2019, vẫn chơi đàn và trào nước mắt khi nhắc lại ký ức B52 trút xuống Khâm Thiên phố nhà và "tôi mắc nợ" phải viết giao hưởng ấy - Requiem cho Khâm Thiên.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phú Quang

Nghệ sĩ xiếc Hoài Oanh, một nhà tổ chức nghệ thuật uy tín bởi luôn hết lòng trọng tài năng và làm thiện nguyện như một mục đích sống, đã lên kế hoạch làm chương trình tại Trung tâm Hội nghị quốc gia từ cuối 2019 rồi đêm nhạc tại Nhà hát Lớn tháng 6 hoãn đến tháng 8/2021, vẫn không thành vì Phú Quang không đủ sức khỏe để tổng chỉ huy tác phẩm đồ sộ này. Tất nhiên, nhiều nhà soạn nhạc tên tuổi tầm cỡ khác, ra đi vài trăm năm vẫn có hậu thế làm cho các đêm nhạc. Nhưng Khâm Thiên trình diễn lần đầu phải là do nhạc sĩ chỉ huy, ông muốn thế và những người thân quý đều mong thế, như động lực giục đợi Phú Quang về.

"Không biết ngày về nhà" - con gái cả của nhạc sĩ vẫn trả lời tôi thế mỗi khi tôi hỏi thăm chú. Lại nhớ câu thơ Văn Cầm Hải (nay sống ở Mỹ) viết hồi thanh niên tại Huế: "Tôi không ăn bóng một thời đã qua". Rất đông các nghệ sĩ được coi là có danh, nhưng thực chất thành tựu có được là của 30, thậm chí 40 năm trước, họ vẫn tự nhắc và được nhắc, như cách hưởng lộc cả đời.

Phú Quang, một nhạc sĩ chân chính sống được bằng nghề, chưa khi nào thỏa mãn và cho mình dừng lại. Ông vẫn thao thức các kế hoạch, dự định. Tuổi 70 không ngán ngại xông pha, cả thương trường lúc sân khấu suy giảm vì kinh tế kém đi, vẫn tự tin tổ chức sản xuất băng đĩa có một không hai về độ sang trọng. Phú Quang dám và xác lập nghệ thuật là thượng tầng xã hội thì phải xuất hiện đẹp nhất. Ông đã công phá khối băng hóa thạch đè nặng tâm lý của nhiều văn nghệ sĩ: Nghèo, thiếu sao mơ làm được đêm diễn Nhà hát Lớn?!

Chú thích ảnh
Phú Quang và con gái lớn Trinh Hương mùa Xuân năm 1982, tấm ảnh nhạc sĩ luôn đặt trên bàn làm việc

Phú Quang có bản lĩnh sống mạnh mẽ, quả quyết vì ông đã qua nhiều mất mát, mấy lần hút chết. Xin kể về đại gia đình Phú Quang. Nhà giáo yêu nhạc Nguyễn Phú Bình (1892 - 1976) thành thân với người con gái đẹp Mai Thị Chi (1907 - 1988) là “số mệnh đẹp”, bởi tình yêu nhạc của cụ khi gặp người vợ này đã sinh ra đàn con đẹp. Cụ Chi là vợ sau, sinh nở 10 lần, nhưng mất một nửa vì bệnh… Còn lại 5 người con, 3 trai 2 gái thì cả 3 con trai đều thành nhạc sĩ, trong đó có Phú Quang. Cụ Cửu Bình là tay chơi ca trù có tiếng, nhà lại ở Khâm Thiên nên nghe ca nương mỗi ngày thành sành điệu. Nhớ cha, Phú Quang viết Đêm ả đào từ ý thơ Thái Thăng Long. Thi sĩ người Hà Nội lấy bút danh kinh thành cổ ấy cũng đến tiễn Phú Quang.

Người mẹ buôn hàng Bắc - Nam gồng gánh gia đình với người chồng tuổi cao dám đầu tư cho con học nhạc là cực hiếm thời ấy. Mà thời nào cho con học nhạc lâu năm chẳng tốn kém, công phu. Phú Quang thừa hưởng từ mẹ suối hát ru và thơ cổ. Ông có khuôn mặt giống cha, cả song thân đều đẹp, nên chị cả Hiếu mặt như Đức Mẹ. Anh trưởng Đắc hơn em Quang 19 tuổi. Anh kế Phú Ân không phải “trứng gà trứng vịt”, mà cách 9 tuổi cơ. Tinh hoa dồn vào con út. Cha 57 tuổi, mẹ 42 mới sinh Phú Quang. Các anh chị đã lớn nên cả nhà chiều cậu út lắm. Những bài hát nhắc đến mẹ, chị gái, Phú Quang luôn nhớ "vòng tay dịu dàng".

Suýt chết lúc ấu nhi được cha xứ cứu, 3 tuổi Phú Quang ngã cầu ao do mải bắt chuồn chuồn, may có anh Ân phát hiện lao kịp xuống chỗ sủi tăm, cõng dốc em cho nước ra. Và giấu bố mẹ. Nhờ anh lớn, thành thiếu niên mà em thoát hiểm. Nhờ các anh mà em út học kèn. Bác sĩ quân y Phú Đắc theo học kèn clarinet ngay khi Trường Âm nhạc Việt Nam thành lập 1956. Rồi anh Phú Ân vào học kèn tuba. Tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor, Phú Quang về Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Ba anh em cùng công tác tại đây - nơi Phú Quang gặp người vợ đầu tiên.

Phú Quang ngã xe đạp, sứt răng cửa. Nhạc công bộ hơi mà mẻ răng - không ổn, đi học sáng tác - chỉ huy. Nhờ cú ngã mà thành nhạc sĩ. Đấy chỉ là cớ thôi. Phú Quang muốn bung tỏa tâm hồn chủ động và thăng hoa trong sáng tác. Hai anh em Ân - Quang theo con đuổi sáng tác chuyên nghiệp, thân nhau nhất. Nhạc sĩ Phú Ân tự hào về em trai, ông sung sướng khi người ta nói em ông nổi tiếng hơn. Ông chẳng ghen, chẳng buồn, con người lạc quan đôn hậu ấy từng thổ lộ: Cả nhà mà nổi tiếng thì... hết phần thiên hạ. Phú Quang là niềm tự hào của đại gia đình tôi.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phú Quang bế cháu ngoại Tết 2017 (Ảnh do Trinh Hương cung cấp)

Cặp "anh em sinh đôi" mà tôi vẫn trêu đùa họ thế vì giống nhau và gắn bó, nay thất thần đau khổ, lẻ Phú Ân. Nghe tin em trai mất, Phú Ân sốc và phải đi cấp cứu. 10/12 từ bệnh viện về nhà, ông nằm buồn bã suốt. Ngày tang lễ em không có anh, vì bác sĩ khuyến cáo Phú Ân không nên đến, xúc động mạnh nguy hiểm nên vợ con ông đành "giữ" lại.

***

Hai con gái sinh mùa Hè, con út sinh mùa Đông không truyền được sinh lực thêm cho bố. Hè năm ngoái, NSƯT Hồng Nhung và gia đình con gái ra thăm Phú Quang, bà vẫn gặp anh trai, chị gái chồng cũ rất tình cảm. Phú Vương có ngờ đâu, chuyến ra Bắc lên lịch 10 ngày thăm bố lại là lần cuối cùng được bên bố. Có ngờ đâu ngày cùng chị ruột đèo nhau trên phố cổ, không phải là bát phố, mà ra Hàng Mắm đặt bia mộ cho cha.

Hai chị em Phú Vương - Giáng Hương đều nói giọng Hà Nội. Giáng Hương giống bố nhất và con trai lớn của Giáng Hương thì rất giống ông ngoại.

Ngày cuối cùng Phú Quang ở lại Hà Nội 13/12. Gia đình làm lễ từ 6h sáng. 9h thì rời đi. Xe tang đưa Phú Quang qua ngôi nhà gần Hồ Tây, một làng hoa bên đê lãng mạn. Hơn 100 người tiễn đưa nhạc sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trên quả đồi này, Phú Quang là "hàng xóm" với Phó Đức Phương, mộ nhạc sĩ của sông hồ cách nhạc sĩ “Hà Nội phố” 20m. Không kịp và không chờ được nữa, giải thưởng Nhà nước muộn màng đến với Phú Quang; trong khi gửi hồ sơ cùng đợt này, đồng nghiệp cùng thế hệ 4X Phó Đức Phương đã trình xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Không kịp nữa, bao khao khát dở dang…

Ca sĩ - NSƯT Tấn Minh, người đã hợp tác gắn bó với nhạc sĩ Phú Quang 15 năm nay, sinh trưởng ở thành Nam, sống ở Hà Nội 31 năm, được Phú Quang tín nhiệm bởi độ tinh tế trong xử lý ca khúc và nghiêm túc trong công việc.

Chú thích ảnh
Từ trái sang Trinh Hương, Bùi Công Duy, Trần Mạnh Tuấn, Phú Quang, Thanh Lam, Kasim Hoàng Vũ, Việt kiều Tuấn, Lê Anh Dũng trong chuyến biểu diễn tại FLC Thanh Hóa 2016

Anh chia sẻ: "Nhạc sĩ Phú Quang là người có trình độ cao trong âm nhạc, rất khó tính và nghiêm khắc khi làm việc: tập, thu, biểu diễn. Tôi đã cùng chú đi diễn khắp nơi ở Việt Nam, sang Séc, Đức, Anh… Phú Quang không ngán ngại mắng các ngôi sao, trong vai chú mắng các cháu. Khi tập, chú nói thẳng là không thích ai hát sai, phá cách bài của chú. Chú rất giỏi trong việc khơi gợi cảm hứng cho ca sĩ, gợi ý và để ca sĩ có quyền sáng tạo khi hai bên đã hiểu nhau, không bao giờ áp đặt. Chú nhắc tôi: cháu cứ ra sân khấu, lặng lẽ hát, không cần diễn hình thể nhiều. Cứ tập trung thể hiện thật đúng tinh thần của chú, hát mãnh liệt và tinh tế nhé! Tất nhiên là tôi có cái tôi của mình và thừa đủ tinh tế. Cứ mỗi lần tôi hát về mẹ là chú khóc”.

Tấn Minh kể tiếp: “Hai chú cháu có nhiều kỷ niệm. Tôi cảm nhận Phú Quang là người đàn ông đầy trải nghiệm, cả khi đang cười vẫn khắc khoải. Chú luôn muốn cống hiến hơn nữa”.

Tấn Minh đã cùng một số nghệ sĩ lên Công viên Tưởng niệm Thiên Đức trọn vẹn với nhạc sĩ Phú Quang đến phút cuối cùng chiều 13/12, 15h bắt đầu hạ huyệt. Theo gợi ý của anh Nguyễn Phú Đức - con trưởng nhạc sĩ Phú Đắc, NSƯT Bùi Công Duy - con rể cả của nhạc sĩ Phú Quang - đã mang theo vĩ cầm. Anh chơi nhạc của ca khúc Em ơi Hà Nội phố suốt quá trình đưa nhạc phụ xuống nơi an nghỉ và ở lần hai, các ca sĩ Tấn Minh - Đức Tuấn - Minh Chuyên, những người đã có album nhạc riêng gồm toàn tác phẩm Phú Quang, thân thiết với nhạc sĩ, cùng hòa giọng. NSƯT Tấn Minh giọng vẫn còn xúc động khi trở về Hà Nội: "Nơi chú nằm đẹp như một thiên đường, có thông xanh, đồi, suối, hồ... ".

Tùng Dương vĩnh Biệt Nhạc Sĩ Phú Quang với "Em Ơi Hà Nội Phố", "Chiều Đông Matxcova", "Nỗi Nhớ Mùa Đông":

Hôm nay, 15/12/2021, gia đình Phú Quang cúng thất lần đầu cho ông. Còn đây những tấm ảnh cha con, ông cháu. Cậu bé Bùi Công Duy Anh (cháu ngoại cả) Tết 2022 sẽ không bao giờ còn cơ hội được chúc Tết ông. Những bức ảnh không lặng im, chúng có âm thanh tiếng nói và muôn vàn những điều cần trao gửi cho cả tương lai.

Thi sĩ tài hoa Nguyễn Vĩnh Tiến cảm tác ngay bài Tạm biệt Phú Quang khi nghe tin nhạc sĩ qua đời: "Anh về Cẩm Khê trước đi/ Mùa này cỏ lau nhức nhối/ Cuộc đời cơ bản là hay vội/ Chỉ lời ca còn, là thong thả thuyền trôi.../ Anh về Cẩm Khê trước nhé/ Quê mình vẫn bên lở bên bồi/ Các cụ đón anh trên bờ đê vàng óng/ Chàng nhạc sĩ lãng tử hào hoa.../ Anh về cải lại nở hoa/ Vàng như cả tháng năm qua hóa vàng/ Em ở lại cõi ngổn ngang/ Chênh vênh giai điệu dở dang ca từ.../ Hẹn gặp lại cõi thiên thu/ Mình thành mây trắng vi vu sáo diều...".

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm