Phim tài liệu 'Đi tìm Phong': Hành trình chuyển giới đầy lạc quan

08/10/2018 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hiếm khi xem một phim tài liệu về nỗi đau của người chuyển giới mà tiếng cười lại lấn át cả nỗi buồn như Đi tìm Phong, do hai nhà làm phim Trần Phương Thảo và Swann Dubus thực hiện. Phim xóa tan định kiến về sự khô khan của chất liệu tài liệu, về sự sầu bi của người chuyển giới. 92 phút phim dẫu vẫn có lúc làm người xem chùng lòng, cay khóe mắt, nhưng đọng lại nhiều nhất vẫn là sự hài hước, lạc quan.

Tóm tắt chuyện phim như sau: Lê Quốc Phong (1988) sinh trong gia đình nhiều anh chị em ở Quảng Ngãi. Đến năm 27 tuổi thì quyết định sang Thái Lan chuyển giới thành con gái, sửa tên thành Lê Ánh Phong.

“Vai phụ” tỏa sáng

Phim mở đầu bằng những lời tự sự trước ống kính máy quay (nhân vật tự quay) của Lê Quốc Phong, chàng họa sĩ đang làm cho Nhà hát Múa rối nước Thăng Long (Hà Nội). Phong đỏ mắt nghẹn ngào kể về nỗi niềm của một người phải chịu sống trong cảnh “thân sâu hồn bướm”, nhìn từng cái Tết lạnh lùng trôi đi trong sự cô đơn, cố kềm nén những cảm xúc giới tính kỳ lạ trong người để ba má vui lòng.

Chú thích ảnh
Phong khi chưa chuyển giới (trên) và khi đã trở thành phụ nữ (dưới)

Mấy chục năm trời Phong sống như vậy, lầm lũi như chiếc bóng, ôm trong lòng khát khao được một lần sống thật với bản thân. Từng phút phim sau đó lần mở, đưa khán giả hòa nhập vào quá trình chuyển giới của Phong, bắt đầu bằng việc sang Thái Lan tìm đến bác sĩ tư vấn, về nước dùng kích thích tố nữ nửa năm trời, trò chuyện tâm sự thuyết phục người thân chấp nhận cho mình cải nam thành nữ, tập làm quen với cách ăn mặc của nữ giới. Đỉnh điểm là chính thức bước vào phẫu thuật và rồi tự tin sống, làm việc trong hình hài mới.

Nếu như những phim tài liệu về người đồng tính, chuyển giới trước đây như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Hồn bướm… dành nhiều thời lượng tập trung vào nhân vật chính thì ở Đi tìm Phong, các nhân vật phụ được ưu ái không kém. Họ là cha mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp của Phong. Tính cách thân thiện, chân chất, suy nghĩ cởi mở, nhân văn của họ góp phần quan trọng trong việc làm tăng thêm sức nặng cho thông điệp mà phim muốn truyền tải: hãy sẻ chia, cảm thông với người chuyển giới.

Chú thích ảnh
Dù rất dằn vặt và đau khổ, nhưng mẹ vẫn là người thương Phong nhiều nhất

Và đúng vậy thật, chẳng ai có thể chuyển đi tinh thần của thông điệp này một cách hữu hiệu hơn những con người bình thường kia, thông qua hành động, lời nói của họ. Những gia đình có con em thuộc cộng đồng LGBT hẳn sẽ bớt giận dữ, hắt hủi người chuyển giới; những người bình thường sẽ bớt đi cái nhìn khinh miệt, kỳ thị người chuyển giới khi nghe một ông già nhà quê đã 86 tuổi - cha Phong - thốt lên câu chí lý chí tình: “Con người nào, giới nào thì nó cũng là con của mình”.

Đi đường vòng để về lại quê nhà

Ngay từ những năm lên bốn, Lê Quốc Phong - giờ đây là Lê Ánh Phong - đã nhận ra sự khang khác giữa mình với những bạn trai khác, nhưng gần 24 năm sau đó, Phong mới thực sự được sống là chính mình.

Bộ phim cũng có hành trình dài giống như Phong trên con đường “trở về”. Được vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo - Swann Dubus thực hiện từ năm 2013 đến 2015 thì hoàn thành, nhưng mãi đến nay, phim mới lần đầu tiên được phát hành tại quê nhà, sau khi đã đi qua khoảng 30 liên hoan phim và giành nhiều giải thưởng giá trị ở thể loại phim tài liệu. “Đỡ đầu” cho phim ra mắt tại Việt Nam, không ai khác hơn là diễn viên Hồng Ánh của Blue Productions - người từng thành công trong việc quảng bá phim tài liệu về người đồng tính Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.

Chú thích ảnh

Việc Hồng Ánh đơn độc trong sân chơi phát hành phim tài liệu và việc những phim tài liệu như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đi tìm Phong phải nhờ tiếng vang ở thị trường quốc tế mới về đến Việt Nam cũng là một điều rất đáng suy ngẫm. Phim tài liệu vẫn phải đi con đường phát hành độc lập, nhỏ lẻ, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội đến với số đông, trong khi lẽ ra những phim như thế này càng phải có nhiều người xem để thông điệp tích cực được lan tỏa rộng rãi hơn.

Rõ ràng phim Việt vẫn có những tác phẩm tài liệu hay, nhưng vì sao các nhà phát hành lớn, sở hữu những cụm rạp hiện đại vẫn không mặn mà với chúng? Bao giờ phim tài liệu mới có được sức sống ở rạp như các phim thương mại bình thường khác? Hỏi, có lẽ cũng chỉ để hỏi mà thôi!

Dương Ngọc

Chiếu phim tài liệu gây sốt năm 2014 'Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng' ở Hà Nội

Chiếu phim tài liệu gây sốt năm 2014 'Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng' ở Hà Nội

Khán giả yêu thích phim tài liệu sẽ có cơ hội xem bộ phim tài liệu gây sốt vé năm 2014 "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" tại Hà Nội tới đây.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm