Philip Jones Griffiths và những bức ảnh về Việt Nam

01/04/2009 10:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhân dịp giỗ đầu của nhà nhiếp ảnh lừng danh Philip Jones Griffiths (18/2/1936 - 19/3/2008), một triển lãm ảnh tập hợp những tác phẩm nổi tiếng của ông - chủ yếu là ảnh về Việt Nam trong chiến tranh cũng như hòa bình - đã được tổ chức tại Đại học Briarcliff ở New York, Mỹ (còn kéo dài tới ngày 4/4).

Với tên gọi Philip Jones Griffiths - Những bức ảnh qua 5 thập kỷ trên tuyến đầu của lịch sử, đây là triển lãm lớn cuối cùng mà Griffiths trực tiếp chuẩn bị trước khi qua đời vì ung thư năm 2008, trong đó ông tự tay chọn tất cả những tấm ảnh được giới thiệu. Nhiều bức ảnh ở triển lãm này được rút ra từ những tập sách của ông - trong đó có hai cuốn Việt Nam trong hòa bình và Tác nhân da cam: Di hại ở Việt Nam.

Griffiths sinh năm 1936 tại xứ Wales. Ông đặt chân đến Việt Nam năm 1966 khi cuộc chiến tranh của Mỹ đang lên tới đỉnh điểm. Với tư cách là phóng viên chiến trường, ông đã ghi lại những hình ảnh của cuộc chiến bằng cái nhìn đầy nhân bản và một nghệ thuật bậc thầy, có sức truyền cảm lớn.

Ảnh của Griffiths hồi đó xuất hiện đều đặn trên các tờ báo lớn. Ông được coi là một trong những nhà nhiếp ảnh vĩ đại nhất thế giới. Nhà nhiếp ảnh huyền thoại Henri Cartier-Bresson thậm chí nhận xét trên tờ New York Times: “Từ thời danh họa Goya đến nay, chưa một ai mô tả chiến tranh thành công như Griffiths”.

Những bức ảnh của ông đã góp phần đánh thức dư luận tại Mỹ và các nước phương Tây khác về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Sau khi chiến tranh chấm dứt, sự nghiệp của Griffiths vẫn tiếp tục gắn bó với Việt Nam. Sau năm 1975, ông đã trở lại thăm Việt Nam 25 lần và là người phương Tây đầu tiên đi bằng đường bộ từ Hà Nội tới TP.HCM. Ông quan tâm đến nỗi đau nơi các nạn nhân chất độc da cam và nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh...

Bùi Ngọc Hải (New York)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm