Pháp lần đầu triển lãm ảnh Helmut Newton

29/03/2012 14:38 GMT+7 | Văn hoá

                                

(TT&VH) - Kể từ khi nhiếp ảnh gia Helmut Newton (1920 - 2004) qua đời, đến nay nước Pháp mới trưng bày cuộc triển lãm hồi cố về ông. Newton từng có nhiều thời gian làm việc ở đây, đặc biệt là với tạp chí Vogue phiên bản tiếng Pháp.

1. Triển lãm, được trưng bày tại Grand Palais, quy tụ hơn 200 bức ảnh, hầu hết là ảnh gốc hoặc các tấm ảnh in khổ lớn được thực hiện dưới sự giám sát của Newton. Đến với triển lãm, khách tham quan còn được xem một bộ phim tài liệu do người vợ của ông là nhiếp ảnh gia June Newton xúc tiến.

Newton nổi tiếng với những bức ảnh thời trang, những kiệt tác lớn về khỏa thân và chân dung nghệ thuật. Các bức ảnh của ông đầy khêu gợi, nhiều khi còn gây sốc, nhưng luôn nắm bắt được cái đẹp, sự hài hước và đôi khi cả tính bạo lực mà ông cảm nhận được trong giới thời trang, sự xa hoa, tiền bạc và quyền lực.


Thông qua những chủ đề lớn trong tác phẩm của ông: thời trang, ảnh nude, chân dung, sex và hài hước, triển lãm cho thấy Newton không đơn thuần chỉ là một nghệ sĩ nhiếp ảnh thời trang. Ảnh của ông giũ bỏ hết mọi sự đè nén, mặc dù vẫn trong khuôn khổ thời trang và chân dung, tạo nên một cách nhìn độc đáo về cơ thể phụ nữ đương đại.

Pierre Berge từng nói, nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent đã trao quyền lực cho phụ nữ. Câu nói này cũng có thể áp dụng với Newton. Cho dù chụp phụ nữ nude hay mặc quần áo, hình ảnh những người phụ nữ của Newton đầy mãnh lực, lôi cuốn và nổi trội - không hề lạnh lùng mà thường gây ấn tượng mạnh.

Họ là những phụ nữ đã được giải phóng, những người dám chịu hoàn toàn trách nhiệm về cách họ “suồng sã” với cơ thể của mình. Họ là những người phụ nữ thanh lịch, nhưng không phải là đối tượng sex. Khi Newton xuất bản cuốn A World Without Men (Một thế giới không có đàn ông), ông đã cho thấy rõ một xã  hội mà trong đó phụ nữ vẫn có đủ sức mạnh và quyền lực để làm việc mà… không cần đàn ông.

Triển lãm không chỉ dừng lại ở những bức ảnh chụp phụ nữ của Newton, mà còn khảo sát nhiều khía cạnh trong tác phẩm của ông. “Bạn có thể nhìn thấy mọi khía cạnh của Newton, mỗi bức ảnh kể một câu chuyện” - bà Newton, người vợ sát cánh bên Newton trong gần 60 năm, nói tại cuộc họp báo trước khi khai mạc triển lãm.

“Newton đã làm những việc mà trước ông không có nhiếp ảnh gia nào dám làm. Ông đã phá vỡ mọi điều kiêng kỵ, mọi khuôn khổ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Mục đích của cuộc triển lãm này là khẳng định Newton là một nghệ sĩ kinh điển lớn, có một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử nghệ thuật” - Jerome Neutres, người đồng tổ chức triển lãm, khẳng định.

Một bức ảnh chụp phụ nữ nude của Newton.

2. Newton sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Berlin (Đức). Sau khi rời trường học vào năm 16 tuổi (1936), ông làm việc như là một thợ học nghề cho một nhiếp ảnh gia nổi tiếng thời ấy: Elsie Simon. Sau khi Hitler lên nắm chính quyền Quốc xã và bài Do Thái, cha mẹ Newton đưa ông đến Singapore và tại đây Newton làm phóng viên ảnh tại tờ báo Straits Times chỉ trong 2 tuần. Sau đó, Newton làm những công việc liên quan đến chụp ảnh.

Năm 1940, ông chuyển tới Australia và gia nhập quân đội, phục vụ được 5 năm. Ông gặp June Brunell - người vợ tương lai của mình, lúc đó là một nữ diễn viên trẻ và đến năm 1948, ông kết hôn. Năm 1951, ông bắt đầu làm việc cho tạp chí Vogue ở Australia.

Và suốt trong những năm 1950 đến 1980, họ đã cùng nhau rong ruổi khắp London, New York và đặc biệt là Paris và cách mạng hóa cách chụp ảnh thời trang ở những nơi mà họ đặt chân tới. Nhưng Paris là nơi truyền cho ông nhiều cảm hứng nhất. “Paris đã tạo nên sự sống trong từng khuôn ảnh của tôi, cuộc sống trong từng khu phố, quán cà phê và từng quán ăn. Còn phụ nữ đẹp tôi nhìn thấy khắp nơi. Một bức ảnh thời trang hoàn hảo phải giống như một thước phim, một bức ảnh lưu niệm và phải thể hiện được tính khẩn trương vốn có của một tay săn ảnh (paparazzi)” - câu nói của Newton được ghi lại trong bộ phim tài liệu chiếu trong triển lãm.

Từ năm 1981, Newton và vợ định cư tại Monte Carlo, ở tuổi 79 ông vẫn còn chụp ảnh quảng cáo và thực hiện ảnh cho các tạp chí: Vogue và Vanity Fair. 83 tuổi, ông vẫn còn được xem là nhà nhiếp ảnh đắt giá nhất của thế giới, và với tài năng, ông được đánh giá là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của giới nhiếp ảnh. Năm 2004, Newton tử nạn tại Hollywood, khi chiếc xe Cadillac của ông vừa rời khách sạn Chateau Marmont đã bị mất điều khiển và đâm vào một bức tường trên đường.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm