'Phá giá tranh' và những chuyện éo le

31/08/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ý tưởng cá nhân, trong 3 tuần qua, nhà báo Hà Văn Bảy của báo Thể thao và Văn hóa đã kêu gọi bạn bè trong giới mỹ thuật tham gia đóng góp ủng hộ các bệnh nhân của dịch Covid-19 bằng những tác phẩm của mình.

'Be Strong Việt Nam 24/7': Đấu giá tranh để TP.HCM sớm 'khỏe mạnh' trở lại

'Be Strong Việt Nam 24/7': Đấu giá tranh để TP.HCM sớm 'khỏe mạnh' trở lại

Sáng 25/7, Be Strong Việt Nam tiếp tục chương trình thiện nguyện ở TP.HCM, khi đã gửi 3.500 ổ bánh mì và 146 hộp sữa đặc tới các khu cách ly, phong tỏa tại quận Bình Thạnh.

Để rồi, những gì anh nhận về một lần nữa lại cho thấy câu chuyện xúc động về trách nhiệm công dân và nhiệt huyết của các nghệ sĩ trong mùa dịch. Thể thao và Văn hóa xin được chia sẻ cùng độc giả về câu chuyện này.

“Chỉ 1 lần công khai xin tranh, trong vòng 48 giờ, chúng tôi nhận về 150 tranh, ảnh, điêu khắc, gốm… Bức nào cũng tặng 100% giá bán. Quả là bất ngờ và hạnh phúc!” - nhà báo Hà Văn Bảy mở đầu câu chuyện.

Công khai xin tranh chỉ một lần trên Facebook

Anh kể: "Khoảng ngày 10/8, cô bạn tôi là Lê Quang Đông Quân cho biết có quen một bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 5 (Thuận Kiều Plaza, quận 5, TP.HCM), nên biết nơi đây đang thiếu hơn 20 giường hồi sức, khiến việc chữa trị Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi dò hỏi thì biết giường loại này giá chừng hơn 20 triệu đồng/1 chiếc. Vậy là tôi có ý định quyên góp để mua 4 - 5 cái giường.

Chú thích ảnh
Nhà báo Hà Văn Bảy

“Tài sản” mà tôi có thể hướng đến là tranh, vì 20 năm qua tôi nghiên cứu và viết về mảng này, hy vọng có thể xin được chừng 15 - 20 bức để bán đấu giá trên trang Facebook cá nhân.

Ngày 18/8, tôi đăng lên Facebook xin công khai, với thời gian nhận tranh là từ 8h30 ngày 18/8 đến 8h30 ngày 20/8. Trong mấy việc giống như thế này, hơn 10 năm qua, các họa sĩ và nhà sưu tập cứ thấy mặt tôi là biết y như rằng sẽ bị xin tranh. Xin hoài, quá ái ngại.

Nay tình thế cấp bách, ai cũng khó khăn, nên tôi không dám nhắn tin xin riêng, mà lần đầu tiên xin công khai trên Facebook cá nhân. Anh chị, bạn hữu nào có sẵn lòng thì nhắn tin hình bức tranh, hoặc "còm" (comment - bình luận) cung cấp hình bức tranh phía dưới. Tôi chỉ dám làm phiền việc này một lần thôi, với hy vọng có thể góp được chừng 4 hoặc 5 cái giường.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Cây viết” của họa sĩ Thành Chương được nhà sưu tập Phạm Văn Đông tặng cho cuộc vận động của nhà báo Văn Bảy và bạn bè

Kết quả, chúng tôi đã nhận về gần 150 tranh, ảnh, điêu khắc, gốm… Quả là bất ngờ và hạnh phúc. Bức nào cũng tặng 100% giá bán. Tác phẩm gửi về, có chuyên nghiệp, có không chuyên, có của người chơi tranh và nhà sưu tập tặng. Ai gửi đến trước, xin đấu giá trước, cho đơn giản, công bằng. Sau khi lược bỏ các bức không phù hợp về chủ đề, giá bán, còn lại 107 bức tranh để chúng tôi tiến hành đấu giá.

Tôi xin được giữ quyền chọn lựa tranh, với mặc định rằng tranh nào cũng đẹp, chọn lựa chỉ là để phù hợp với việc đấu giá trong bối cảnh dịch bệnh, dã chiến mà thôi. Cộng sự xin tranh, đấu giá và kế toán là cô bạn tôi - Lê Quang Đông Quân.

Bức nào cũng có giá mua ngay, ai không thích đấu, thì mua luôn. Thông tin tranh ở từng bức, bấm vào sẽ thấy. Xin "còm" riêng lẻ khi đấu để dễ nhận diện.

Rất xin lỗi họa sĩ và nhà sưu tập, chúng tôi buộc phải cắn răng phá giá bán. Thông cảm cho, tranh bán ở đây là giá rất hữu nghị, rất rẻ, không phản ánh thực tế thị trường.

Chú thích ảnh
Nhà sưu tập Ngô Trần Vũ tặng bức tranh “Mùa hoa cải” của  họa sĩ Bùi Văn Tuất

Thời gian "còm" mua tranh là không thể chỉnh sửa được, trừ khi bị xóa bỏ. Nên chúng tôi sẽ căn cứ theo thời gian "còm" nhận được trên máy tính đặt tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Chúng tôi cam kết tranh thật đẹp hơn hình chụp vì nhiều hình họa sĩ tự chụp hình hơi yếu, không phản ánh được tranh thật. Việc giao tranh sẽ thực hiện theo thực tế của đại dịch Covid-19 từng địa phương. Tranh không bán được xin hoàn trả lại chủ cũ”.

“Phá giá tranh” vì giường hồi sức

“Phiên số 1 lập tức diễn ra và kết thúc lúc 22h cùng ngày 20/8, kết quả 24/24 bức tranh và gốm được bán. Ngoài ra, chúng tôi cũng áp dụng luật “bán ngay/ mua ngay”, nên bán thêm hơn 10 bức, xem như có tin mừng đến 150%.

Ước mơ ban đầu về 3 tới 5 cái giường hồi sức đã thành hiện thực, chúng tôi đã mua và bổ khuyết toàn bộ 20 cái giường còn thiếu cho Bệnh viện dã chiến số 5.

Công ty TNHH Hong Ky Việt Nam phút cuối xúc động, nên giảm giá tổng đơn hàng là 58.800.000 đồng. Miễn phí luôn vận chuyển, nhân công lắp ráp, chuyển phát nhanh, bàn giao trong vòng 12 tiếng.

Chú thích ảnh
NST Bùi Quốc Chí tặng bức “Hoa” của họa sĩ Lưu Công Nhân

Số tranh còn lại, chúng tôi chia thành 2 phiên lớn và 1 phiên đặc biệt, để cảm ơn một gia đình họa sĩ tại Hải Phòng luôn vì thiện nguyện. Mục tiêu của chúng tôi sẽ là mua thêm 1 - 2 máy thở cấp cứu (giá khoảng 210 triệu tới 220 triệu đồng/1 máy) để trao cho Bệnh viện dã chiến số 5.

Phiên 2 ngày 21/8, bán 26/27 bức, thật tuyệt vời. Cộng cả tiền ủng hộ thêm, ngày nay chúng tôi đã mua được 2 máy thở (360 triệu đồng). Máy bàn giao cho Bệnh viện dã chiến số 5 (Thuận Kiều Plaza, quận 5, TP.HCM) trong ngày 22/8.

Phiên đấu giá thứ 3 từ lúc 10h đến 22h ngày 22/8. Tuy nói là mua giường hồi sức, nhưng vì giường đã đủ sớm hơn mong đợi, nên phiên thứ 3 sẽ phấn đấu để mua thêm 20 xe lăn - nhiều bệnh nhân chữa Covid-19 đang rất cần.

Sau 2 phiên cùng chủ đề, cứ tưởng là “nhiệt” sẽ giảm, không ngờ mọi người vẫn rất thương nhau, nên phiên 3 đã có 28/31 tranh được bán. Tổng 3 phiên thu về hơn 1 tỷ đồng.

20 giường hồi sức, 2 máy thở và 10 xe lăn đã được gửi đến Bệnh viện dã chiến số 5. Số tiền còn lại, chúng tôi dự kiến mua thêm 1- 2 máy thở nữa, nếu đủ. Và dự ra một ít cho công tác hậu cần như làm khung tranh, cước vận chuyển, đền bù mất mát, thiệt hại tranh (nếu có).

Rất may mắn, trong hơn 90 tranh của hơn 80 họa sĩ và nhà sưu tập gởi tặng, nhiều người đã hào phóng tặng luôn khung, mica và cước phí bưu điện.

Nếu dịch ổn định, chúng tôi dự kiến sẽ có chừng 2 tháng để hoàn tất khâu hậu cần này, nên thỉnh thoảng, quý sưu tập hãy nhắn tin nhắc nhở chúng tôi, nếu thấy tranh chưa đến.

Sau khi làm xong hậu cần, số tiền ít ỏi còn dư (nếu may mắn), chúng tôi sẽ tặng cho một học sinh nghèo hiếu học, con một gia đình từng bị dịch Covid-19.

Sau phiên 3 này, chúng tôi có một phiên đặc biệt, để tri ân gia đình họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (1943-2020) và các con Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Bình Nhi. Hơn 10 năm qua - thông qua những phiên bán tranh vì thiện nguyện mà tôi biết rõ - gia đình này đã tặng rất nhiều tác phẩm”.

Chuyện éo le khi đấu giá tranh!

Khi định làm một phiên đấu giá thiện nguyện, việc đầu tiên là xin tranh. Việc thứ 2 là nhắn hình tranh đã có để ướm thử với người mua. Nếu thấy khả dĩ thì làm, không thì dừng. Các phiên đấu mua giường hồi sức và máy thở cũng được làm vậy.

Và việc éo le đã xảy ra. Khi gửi tranh đi ướm thử, nhiều người đã xin mua trước, hoặc khi tranh mới xuất hiện đã xin mua ngay. Điều này có 1 cái lợi và 1 cái hại. Lợi là nhà tổ chức nhanh có tiền, vì vậy mà chúng tôi mới mua được 20 giường hồi sức (380 triệu đồng) và 2 máy thở (360 triệu đồng).

Hại là họa sĩ/nhà sưu tập không thấy tranh lên sàn đấu giá. Biết đâu khi đấu, giá sẽ còn tăng cao hơn, đóng góp được nhiều hơn. Nếu là phiên đấu thương mại, chúng tôi sẽ không áp dụng luật mua trước - mua ngay này, và sẽ tôn trọng giá sàn, chứ không phá giá.

Đằng này vì ưu tiên cho y tế, chúng tôi đã phá giá. Nay xin cúi đầu tạ lỗi với các họa sĩ và nhà sưu tập. Nếu được, xin một tràng pháo tay cho sự rộng lượng và khoan dung của họa sĩ/nhà sưu tập.

(Còn tiếp)

Tiểu Phong (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm