Oscar và giấc mơ của Hộ

27/02/2013 07:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Các giải thưởng của Oscar lần thứ 85 đã được xướng lên. Oscar là đỉnh cao của nghệ thuật thứ 7, là giấc mơ của mọi nghệ sĩ, không thể phủ nhận trong đó có các nghệ sĩ Việt Nam.

Oscar năm nay có liên quan đến chúng ta không? Có chứ. Bộ phim Mùi cỏ cháy được “chọn mặt gửi vàng” làm chuông đi đánh xứ người. Nhưng cũng như Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Đừng đốt, Khát vọng Thăng Long trước đó, phim Mùi cỏ cháy đã không thể lọt vào top 5 đề cử.

Một sự liên quan khác có vẻ khả quan hơn, phim War Witch của đạo diễn mang hai dòng máu Việt Nam và Canada Kim Nguyễn đã vinh dự lọt vào top đề cử cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc

Bộ phim nói về một cô bé mới 12 tuổi bị bắt cóc bởi nhóm phiến quân vũ trang vùng cận Sahara (châu Phi), rồi bị buộc trở thành chiến binh sau lần bị hãm hiếp tàn bạo. Bối cảnh hơi xa Việt Nam, nhưng dù sao ½ dòng máu của đạo diễn này là máu Việt Nam, và quan trọng hơn, phim ông đã lọt vào top 5 của đề cử. Nếu ông ăn giải Oscar thì cũng vinh dự cho chúng ta lắm chứ. GS Ngô Bảo Châu tuy có mang quốc tịch Pháp và Việt Nam, nhưng vinh quang lớn vẫn dành cho đất nước chúng ta khi ông giành giải Fields.

2. Không ai cấm vận giấc mơ cả.

Trước kia, chúng ta còn không dám mơ được “bén mảng” tới Oscar bởi trước năm 2005, Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ quy định, phim dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất phải được chiếu thương mại tại Mỹ ít nhất 7 ngày.

Cơ hội hiếm hoi ấy đáng lẽ thuộc về Vua bãi rác của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn do phim được một quỹ văn hóa tài trợ chiếu tại Mỹ trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu văn hoá. Thế nhưng vì quá hạn đăng ký, Vua bãi rác vẫn lỡ hẹn với Oscar, để lại sự tiếc nuối cho đạo diễn họ Đỗ đến tận giờ.

Sau năm 2005, quy định khắt khe trên được sửa thành: “Chiếu thương mại ít nhất 7 ngày liền tại nước sở tại”. Vâng, “nước sở tại” chứ không phải là “nước Mỹ”. Tiêu chuẩn này quá dễ. Và từ năm đó, chúng ta cứ đến hẹn lại lên, đến mùa lại… Oscar.

Có thể kể một trường hợp tiêu biểu, năm 2006, phim Mùa len trâu “trắng tay”. Trong khi đó phim Tsotsi của Nam Phi trở thành Phim nước ngoài xuất sắc. Bộ phim kể về tay anh chị giết người không gớm tay bỗng nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống con người, khi anh ta buộc phải chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh do mình bắt cóc. Theo lý giải thì “tuy là phim nói tiếng nước ngoài, nhưng câu chuyện trong Tsotsi không khác chuyện xảy ra tại Mỹ là bao. Đây là tiếng nói của tình cảm và trái tim con người”.

Tóm lại, phim ăn giải vì nó vượt qua được ranh giới Nam Phi, thành giá trị chung của thế giới. Giá trị ấy, không phải dạy, chúng ta đã thấm nhuần quá lâu. Như Nam Cao trong Đời thừa đã tuyên bố về Nobel - giải “Oscar của văn chương”: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay... Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu!”.

Nhưng kể từ khi Đời thừa được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy năm 1943, đến nay đã 70 năm rồi.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm