Nuôi mầm những sáng tạo nghệ thuật

24/02/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng lưu ý, đó là buổi ra mắt dự án Lưu trú âm nhạc thể nghiệm tại Hà Nội và khai trương phòng tranh thư pháp Thiên Phú tại TP.HCM.

 Hòa nhạc thể nghiệm "Mouse on Mars"

Hòa nhạc thể nghiệm "Mouse on Mars"

Mouse on Mars là ban nhạc hàng đầu của Đức được biết đến với tình yêu thể nghiệm các âm thanh điện tử.

1. Dự án Lưu trú nhạc thể nghiệm Đom Đóm - Hình của nhạc 2020 với phiên đầu tiên mang tên Kết nối di sản. Dự án do Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm tổ chức, dưới sự tài trợ của quỹ Famlab của Hội đồng Anh Việt Nam. Lễ ra mắt dự án diễn ra lúc 18h ngày 28/2 tại Manzi Gallary (số 2 ngõ Hàng Bún, Hà Nội).

Dự án này sẽ trao cơ hội cho 4-5 nhạc sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ làm việc có chiều sâu với 5 loại hình âm nhạc và nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Trong thời gian 6 tháng lưu trú, các nghệ sĩ sẽ tiếp cận với những di sản văn hóa để hình thành những ý tưởng sáng tác. Song hành với họ là ban cố vấn với những nghệ sĩ dạn dày kinh nghiệm ở lĩnh vực nhạc thể nghiệm như: Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đa phương tiện Trần Kim Ngọc, chị cũng là người sáng lập Trung tâm Âm nhạc thể nghiệm Đom Đóm và Liên hoan Nhạc mới Hà Nội; Nguyễn Xuân Sơn (Sơn X) - nghệ sĩ nhạc truyền thống, nhạc sĩ đương đại và thể nghiệm đa phương tiện; Lan Cao - nghệ sĩ Dương cầm và Nghệ sĩ trình diễn xuyên ngành; Gregor Siedl - nghệ sĩ Saxophone, nghệ sĩ trình diễn xuyên ngành…

Các nghệ sĩ sẽ lưu trú 6 tháng để sáng tác tác phẩm âm nhạc mới mẻ, mang tính tiên phong. Những sáng tạo thể nghiệm của họ chính là “hình hài” âm nhạc tương lai, những sáng tạo mới mẻ nhưng gắn liền với cội nguồn, truyền thống.

Chú thích ảnh
Dự án Lưu trú nhạc thể nghiệm Đom Đóm - Hình của nhạc 2020

Đêm ra mắt dự án (28/2), ngoài chia sẻ của những nghệ nhân như: Nghệ sĩ tuồng Đặng Bá Tài, nghệ sĩ chèo Đoàn Thanh Bình, “liền anh - liền chị” Nguyễn Đức Nhuận - Nguyễn Thị Bướm… còn có phần trình diễn của các nghệ sĩ thể nghiệm. Đó là trình chiếu video tác phẩm của nghệ sĩ Kim Ngọc, Cao - Siedl, trình diễn nghệ thuật của Sơn X, Alec…

Đây là dự án âm nhạc rất đáng trân trọng, nó cổ vũ và tạo điều kiện để những nghệ sĩ trẻ đi vào con đường sáng tạo nghệ thuật đúng nghĩa. Đáng trân trọng hơn khi những thể nghiệm sáng tạo đó lại gắn liền với những di sản văn hóa của dân tộc, để những sáng tạo tuy mới mẻ nhưng sẽ gần gũi với mọi người, mang “hồn cốt” của dân tộc Việt Nam.

2. Vào lúc 14h30 ngày 26/2 tại 42 Ca Văn Thỉnh (quận Tân Bình, TP.HCM) sẽ khai mạc phòng tranh thư pháp Thiên Phú, với nhiều hoạt động, trong đó có viết thư pháp, đấu giá gây quỹ cho chương trình Kết nối yêu thương lần 6 và bán tranh giảm giá. Đây sẽ là hoạt động rất bình thường của một phòng tranh, nhưng với bạn Thiên Phú thì hơi khác biệt, vì năm nay mới 12 tuổi.

Thiên Phú tên đầy đủ là Trần Thiên Phú, sinh năm 2008 tại quận Tân Bình, từ năm 7 tuổi đã tỏ ra có khiếu về viết chữ. Trong một lần theo cha mẹ đi chùa, thấy thầy thư pháp viết đẹp quá, Phú về xin mẹ đi học cho biết, rồi mau chóng bộc lộ năng khiếu trong thư pháp chữ quốc ngữ.

Chú thích ảnh
Thư pháp gia nhí Thiên Phú

Thiên Phú đã nhiều lần thể hiện tài năng trong các sự kiện và triển lãm. Sau khi tham gia chương trình Biệt tài tí hon mùa 2 và Bố là số 1 vào năm 2019, năng khiếu của Thiên Phú càng được chú ý nhiều hơn. Mấy cái Tết gần đây, Thiên Phú đều tham gia “phố ông đồ” và lên chùa viết chữ từ 29 tháng Chạp cho đến Rằm tháng Giêng. Tết vừa rồi, nhìn hàng trăm người xếp hàng xin chữ của Thiên Phú cũng đủ thấy sức hút của “thầy đồ nhí” này. Thiên Phú không bán các bức thư pháp của mình mà để mọi người tùy nghi bỏ ống, bao nhiêu cũng vui vẻ.

Một trong những sự độc đáo của Thiên Phú là khả năng “đọc vị” người đối diện, nhìn nhân diện người xin chữ mà đoán ra tâm tính, rồi có câu chữ tương ứng với họ. Nhiều người từng trải, cố tình “giấu tướng” cũng tỏ ra ngạc nhiên vì khả năng này. Nhưng mục đích của Thiên Phú không phải là để “bóc mẽ” người khác, mà muốn gửi gắm, nhắn gửi đến họ những điều tốt lành, để tự mỗi người chiêm nghiệm, rút ra ứng xử riêng.

Con đường của thư pháp chữ quốc ngữ hẳn còn nhiều gian lao và tranh luận, vì nhiều ý kiến cho rằng loại chữ phi tượng hình không thuận lợi cho loại hình nghệ thuật này. Chính vì vậy mà con đường của Thiên Phú cũng sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, dù phòng tranh được mở tại gia và có thể Thiên Phú chưa chắc đi đến cuối cùng. Nhưng giữa bối cảnh trẻ em bị chi phối quá nhiều bởi các trò giải trí thụ động và tiêu dùng, việc có những bạn trẻ mở các hướng đi theo sáng tạo, nghệ thuật lành mạnh cũng là đáng khích lệ.

Bình Minh - Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm