NSƯT Doãn Bằng - Chỉ có sáng tạo là tối thượng

01/03/2021 19:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi và các bạn văn được NSƯT Tạ Tuấn Minh mời xem vở diễn Người tốt nhà số 5 (cố tác giả Lưu Quang Vũ) tại Nhà hát Kịch Việt Nam do nghệ sĩ trẻ đạo diễn. Nội dung vở diễn mang đến cho khán giả nhiều thông điệp sâu sắc, trong đó phải kể đến sáng tạo trong thiết kế sân khấu động, mang tính ẩn dụ cao do NSƯT Đỗ Doãn Bằng (nghệ danh Doãn Bằng) thiết kế.

Từ 'cái nôi' sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 17): Hành trình 40 năm 'Đêm trắng'

Từ 'cái nôi' sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 17): Hành trình 40 năm 'Đêm trắng'

Vở kịch Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam do NSƯT Xuân Bắc đạo diễn đã chạm đến trái tim công chúng khi khắc họa thành công hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh với một thông điệp nhân văn “trừng trị để giáo huấn”...

Tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô mới đây (2020), họa sĩ đã bổ sung vào bộ sưu tập đầy đặn của mình giải thưởng Họa sĩ xuất sắc cho vở Người tốt nhà số 5.

Thủy chung với thiết kế mỹ thuật

NSƯT Doãn Bằng sinh năm 1969 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh là con trai đầu của cặp nghệ sĩ NSND Đỗ Doãn Châu và NSƯT Bích Thu. Họa sĩ Doãn Bằng được thừa hưởng gen nghệ thuật “cha truyền, con nối” từ chiếc nôi gia đình. NSND Đỗ Doãn Châu, nguyên là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam là một họa sĩ giỏi, một nhà thiết kế sân khấu nổi tiếng với niềm đam mê hội họa, là một tấm gương lao động nghệ thuật. Ông là tác giả thiết kế mỹ thuật cho hơn 400 vở diễn; đã đoạt hơn 20 HCV, HVB; đã để lại dấu ấn thiết kế sân khấu la6i bền trong lòng công chúng với nhiều vở diễn: Hà My của tôi, Đỉnh cao mơ ước, Sống mãi tuổi 17, Vua Lia, Rừng trúc… Mẹ anh là một diễn viên xinh đẹp, hiền thục đã truyền cho con trai giai điệu âm nhạc qua lời ru và sức diệu kỳ từ truyện cổ dân gian. Bà luôn truyền cho con trai ý thức phải tự làm đầy hành trang kiến thức, phông văn hóa cho mình.

Chú thích ảnh
NSƯT Doãn Bằng (thứ hai từ trái sang) nhận Giải thưởng Họa sĩ thiết kế Mỹ thuật năm 2020

Doãn Bằng lớn lên trong không gian thấm đẫm sắc màu và âm thanh của sân khấu (nhà trong khu tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam là địa chỉ quen thuộc của các văn nghệ sĩ). Lại thường xuyên quen nấp nom bên cánh gà sân khấu, chất sân khấu bám bện, ngấm vào huyết quản anh một cách tự nhiên.

Khi cha mẹ đi biểu diễn, cậu bé Doãn Bằng đã quen ở trong nhà, làm bạn với bút màu, giấy vẽ. Đứng giữa 2 sự lựa chọn: Diễn viên và họa sĩ thiết kế mỹ thuật, anh đã chọn theo con đường của cha, dù đã từng có mặt trong câu lạc bộ diễn viên. Phát hiện con trai có năng khiếu hội họa, cha mẹ định hướng con học tập toàn diện, trong đó khuyến khích con học ngoại ngữ. Tố chất nghệ thuật của Doãn Bằng có điều kiện dung dưỡng trong không gian nghệ thuật để thỏa sức tưởng tượng bay bổng…

Doãn Bằng sớm bộc lộ tài năng, cá tính độc lập, giàu bản lĩnh, dấu ấn cá nhân, khẳng định một lối đi riêng, tối kỵ lặp lại mình và đó chính là phong cách của họa sĩ Doãn Bằng mà người cha luôn đặt niềm tin yêu, kỳ vọng…

Anh học chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật sân khấu, Khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khóa 8 (1989-1993). Năm 1993, Doãn Bằng tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau 5 năm “chu du thiên hạ” làm họa sĩ tự do, tung tẩy, thỏa sức sáng tạo, khi đã tích lũy được một số kinh nghiệm, năm 1998, anh tự tin về đầu quân cho Nhà hát Kịch Việt Nam.

Từ chiếc nôi đào tạo họa sĩ các chuyên ngành: Thiết kế mỹ thuật sân khấu, Thiết kế Mỹ thuật phim truyện, Thiết kế mỹ thuật phim hoạt hình, Thiết kế trang phục nghệ thuật, Thiết kế đồ họa kỹ xảo của Khoa Thiết kế Mỹ thuật, nhiều bạn bè của anh như họa sĩ Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Lê Thanh Sơn, Vi Kiến Thành, Nguyễn Huy Hoàng… đã thành danh trong lĩnh vực hội họa. Doãn Bằng là một trong số ít họa sĩ vẫn bền bỉ theo chuyên ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu - một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu gồm: Kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, múa, ánh sáng... Thời gian đầu, anh thừa hưởng trào lưu thiết kế chung như các bậc tiền bối.

Nhưng không tự bằng lòng với mình, họa sĩ Doãn Bằng đã nỗ lực không ngừng tìm cách thể hiện mới, khác đi, không lặp lại dẫu đến nay anh là tác giả thiết kế mỹ thuật của hơn 200 vở diễn.

Sau 15 năm công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam, năm 2013, anh quyết định “xê dịch” về Nhà hát Tuổi trẻ và hiện giữ cương vị Trưởng phòng Nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở “Người tốt nhà số 5”

Học không ngừng

Nỗ lực tiếp cận cái mới, họa sĩ Doãn Bằng chia sẻ: “Có một thời, chúng ta đã quen với quan niệm coi thiết kế mỹ thuật chỉ là trang trí, minh họa, mang tính biểu tượng… Họa sĩ thiết kế sân khấu được coi chỉ là công cụ, là cái bút vẽ chứ chưa nhìn nhận đúng là một thành phần trong ê kíp sáng tạo. Trang trí sân khấu nặng về phông cảnh minh họa. Tên vở diễn có hoa hồng, cúc xanh, hoa sữa… thì nhất thiết bối cảnh thiết kế sân khấu phải minh họa sát với tên vở kịch.

Theo NSƯT Doãn Bằng, nếu thiết kế mỹ thuật cứ làm theo cách mô phỏng thô sơ, giản đơn như thế thì sân khấu sẽ nghèo nàn, khó phát huy được óc tư duy, tưởng tượng, sáng tạo của nghệ sĩ và công chúng thưởng thức nghệ thuật. Đây chính là điều Doãn Bằng từng trăn trở từ khi là sinh viên. Và cũng chính nỗi trăn trở này đã hối thúc anh hiện thực hóa ước mơ được ra nước ngoài học tập. Ý nghĩ đó càng thôi thúc anh mạnh mẽ nỗ lực tìm giải pháp thoát khỏi lối mòn. Doãn Bằng nuôi dự định được tiếp cận thiết kế mỹ thuật sân khấu thế giới hiện đại.

Xác định mở cửa “học sàng khôn”, họa sĩ Doãn Bằng đầu tư thời gian ra nước ngoài tu nghiệp. Mới thấy cha mẹ anh đã dự liệu xa khi chăm chút, đầu tư cho con cái học thêm ngoại ngữ. Năm 2002, anh sang Mỹ học thiết kế mỹ thuật sân khấu. Tận dụng tối đa thời gian học, xem vở diễn, tham gia dựng 2 vở kịch để học hỏi lấy kinh nghiệm. Anh nhận thấy sân khấu ở Mỹ ít tính ước lệ mà mang tính tả thực cao. Họ thường đưa không gian thực tế lên sân khấu. Kiến thức học hỏi được, anh đã mang về Việt Nam dựng các vở kịch kết hợp sân khấu Mỹ và sân khấu Việt Nam.

7 năm sau (2009), họa sĩ Doãn Bằng sang Berlin (Đức) học mỹ thuật và kỹ thuật sân khấu. Tham gia khóa học 4 tháng, anh tiếp thu được sân khấu Đức đi theo trường phái nghệ thuật sân khấu của Bertolt Brecht. Theo đó, thiết kế sân khấu kết hợp giữa hiện thực và ước lệ. Biểu tượng ước lệ có tính khái quát cao.

Năm 2014, sau 2 lần sang học sân khấu ở Mỹ và Đức, lần thứ 3, anh chọn Nhật Bản. Trong thời gian học thiết kế mỹ thuật, anh vừa học tập vừa trao đổi chuyên môn rất cởi mở với các họa sĩ thiết kế sân khấu. Anh chuyên thiết kế mỹ thuật sân khấu trên máy vi tính. Chứng kiến tinh thần học hỏi, làm việc của anh, nữ thiết kế mỹ thuật sân khấu Nhà hát Brava (Osaka) đã viết trong bài nghiên cứu đăng trong Tạp chí Nhật về thiết kế trên máy vi tính của anh: “Doãn Bằng là một nhà thiết kế mỹ thuật xuất sắc, có tác phong làm việc nhanh nhẹn và nắm vững kỹ thuật thiết kế bằng phần mềm 3D”.

Tiếp cận với sân khấu thế giới, họa sĩ mở mang được nhiều kiến thức bổ ích, kéo gần hơn khoảng cách giữa sân khấu với khán giả và anh đã thổi làn gió mới trong cách tiếp cận phong cách thiết kế mỹ thuật thế giới. Năm 2016, anh thiết kế cho vở Quan Thanh tra - vở kịch cổ điển Nga - cho Nhà hát Tuổi trẻ theo phong cách này…

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở "Quan Thanh tra"

Mỗi bản thiết kế mỹ thuật là một tác phẩm sáng tạo

Trao đổi về phong cách thiết kế mỹ thuật, họa sĩ Doãn Bằng nói: “Ở Việt Nam thường quy về 2 phong cách là hiện thực và ước lệ. 2 hình thức tượng trưng và nghệ thuật sắp đặt thì mới du nhập vào sân khấu nước ta cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Nhưng nếu phân tích kỹ thì có thể dùng các thuật ngữ về phong cách của hội họa để diễn đạt mạch lạc hơn về phong cách thiết kế sân khấu. Thuật ngữ tiếng Anh có thể dùng là “Abstract Expressionism” (biểu hiện trừu tượng).

NSƯT Doãn Bằng đã thiết kế mỹ thuật cho nhiều loại hình sân khấu từ kịch nói, đến cải lương, chèo, ca kịch… Mỗi loại hình nghệ thuật sân khấu, anh đều tìm cách xử lý hài hòa, thông minh; tạo được những bố cục sân khấu mới lạ, độc đáo, hình tượng làm rõ yếu tố tư tưởng. Đến nay, họa sĩ Doãn Bằng đã thiết kế hơn 200 vở diễn sân khấu, trong đó, có hơn 100 vở diễn theo phong cách ước lệ. Có thể kể đến các vở diễn đa dạng phong cách đó là: Tìm gạo (2008), Mùa Hạ cay đắng (2012), Nguồn sáng phía chân trời (2012), Sau lưng là cả bầu trời, Quan thanh tra (2015), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (2016), Ngạ quỷ (2016), Ni sư Hương Tràng (2017), Thầy Ba Đợi (2018), Chiếc áo thiên nga (2018), Quẫn (2018), Bông cúc xanh trên đầm lầy (2018), Người đi tìm minh chủ (2019), Đợi đến mùa Xuân (2020), Người tốt nhà số 5 (2020)…

Chú thích ảnh
Thiết kế cảnh vở rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Thiết kế cho mỗi vở diễn, họa sĩ Doãn Bằng luôn đọc kỹ kịch bản, phác thảo ý tưởng, tìm tòi cách thể hiện. Để không lặp lại mình, ngồi vào máy vi tính, như kẻ “nhập đồng”, anh buộc phải xóa sạch trong đầu những thiết kế trước. Anh luôn có ý thức học hỏi người đi trước, để một mặt tiếp thu cái tốt, mặt khác là tránh không lặp lại đường người khác đã đi.

Anh chia sẻ: “Với tôi, mỗi bản thiết kế mỹ thuật là một tác phẩm sáng tạo cho hình thức vở diễn. Phụ thân tôi vẫn luôn nhắc nhở tôi như vậy. Không sáng tạo, không nỗ lực làm mới, mình sẽ lạc trong chính mình một cách đơn điệu, vô duyên, quẩn quanh, chả có gì gọi là khám phá, tìm tòi nữa”.

Với vở kịch nói Hoa cúc xanh trên đầm lầy (cố tác giả Lưu Quang Vũ) do Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện, họa sĩ Doãn Bằng cùng đạo diễn Sỹ Tiến làm việc thận trọng, nghiêm túc, để cuối cùng thống nhất một không gian sân khấu trung tính, mang tính ước lệ.

Chú thích ảnh
Vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do NSƯT Doãn Bằng thiết kế

Với vở kịch Tất cả là con tôi (đạo diễn Neil S. Fleckman - người Mỹ) do Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện, anh thiết kế theo phong cách hiện thực - hiện thực. Tất cả từ bàn ghế, cây cối, nhà cửa, hàng rào, khung cửa sổ… đến từng cái lá trên sân khấu đều đậm hiện thực của nước Mỹ.

Khi thiết kế vở chính kịch Trên cả trời xanh (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Trần Ngọc Giàu) do Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện, anh chủ tâm theo phong cách hiện thực như thực tiễn đang diễn ra về một hiện thực chống tham nhũng, hủ hóa, mạnh dạn xông thẳng vào những vấn đề nóng bỏng, gai góc, phơi bày mặt trái của xã hội.

Trong vở Ai là thủ phạm (cố tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Chí Trung), anh trang trí sân khấu gợi mở không gian sân khấu cho khán giả nhớ về bối cảnh thời bao cấp vất vả, khốn khó, in đậm trong ký ức của nhiều người thời đó.

Gần đây, vở kịch Người tốt nhà số 5, họa sĩ Doãn Bằng trăn trở, suy nghĩ khá lâu mới nhận thiết kế sân khấu cho đạo diễn - NSƯT Tạ Tuấn Minh. Chất liệu thiết kế đơn giản chỉ là dây thừng, màng bọc thực phẩm... Với cách thiết kế sân khấu sáng tạo và đầy ám ảnh này, họa sĩ như muốn đập vỡ các không gian bằng ngôn ngữ thiết kế của nghệ thuật sân khấu; nhằm gửi tới thông điệp cho công chúng thấy đằng sau những bức tường nhằng nhịt dây thừng, màng bọc thực phẩm kia là những điều riêng tư như “mỗi cây mỗi hoa/ mỗi nhà mỗi cảnh” đang hiện hữu trong đời sống gia đình. Hãy giữ cho ngôi nhà có ngọn lửa ấm, bình an tránh những xấu xa, phiền muộn. Bởi gia đình là “tế bào xã hội”, nhiều gia đình ấm no cộng lại sẽ mang đến sự phồn vinh cho đất nước.

Bộ sưu tập giải thưởng

Lao động sáng tạo của họa sĩ Doãn Bằng được ghi nhận qua các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu: HCV cho các vở diễn: Vở chèo Đất làng (Nhà hát Chèo Thái Bình, 2011); Mê cung (Nhà hát Cải lương Việt Nam, 2012); Mùa Hạ cay đắng (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, 2012); vở Chuyến tàu tốc hành trong đêm (Nhà hát Kịch Quân đội, 2014); vở cải lương Hà Nội gió mùa (Nhà hát Cải lương Việt Nam, 2014); vở kịch nói Tai biến (Nhà hát Kịch Việt Nam, 2015); 2 năm liên tiếp 2013, 2014, họa sĩ Doãn Bằng được vinh danh Giải “Họa sĩ thiết kế xuất sắc” của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (2013) và Hội diễn Nghệ thuật toàn quân (2014); Giải thưởng Họa sĩ xuất sắc vở diễn Người tốt nhà số 5 tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020…

Với những cống hiến lặng thầm, trách nhiệm, đam mê cho sự nghiệp thiết kế mỹ thuật sân khấu nước nhà từ năm 1998 đến nay, họa sĩ Doãn Bằng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đợt 8 (1/2016).

(Còn tiếp)

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm