NSND Tiến Dũng: 10 năm 'ủ mưu' đưa Kiều lên sân khấu rối

09/03/2021 13:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi trở thành nghệ sĩ múa rối, NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam - đã được đào tạo bài bản để trở thành diễn viên kịch nói. Nhưng rối đã chọn, đã “bám sát mục tiêu” không cho “thoát” thì dẫu có tránh “trăm đường” cũng “không khỏi số”.

Cố đạo diễn Nông Ích Đạt: Tri ân quê hương với phim 'Kim Đồng'

Cố đạo diễn Nông Ích Đạt: Tri ân quê hương với phim 'Kim Đồng'

Đạo diễn Nông Ích Đạt là người Tày đầu tiên của Cao Bằng làm đạo diễn điện ảnh (sau có NGƯT Hoàng Sự là người Tày thứ 2 làm đạo diễn sân khấu).

Cựu sinh viên K36 Khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cười, tự thú: “Đúng là em đến với rối cũng có chút vòng vèo…”.

“Đường vòng” được... lập trình

Dũng sinh ngày 16/10/1972 tại Hà Nội. Năm 1991, anh theo bạn bè thi tuyển và đỗ vào lớp diễn viên kịch Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Khởi nghiệp là diễn viên kịch, Dũng có 3 năm (kể từ 1995) gắn với Nhà hát Kịch nói Quân đội trước khi đầu quân cho Nhà hát Múa rối Việt Nam vào cuối 1998.

Con đường dẫu vòng, nhưng như đã được “lập trình” không thể khác. Từ bé, không gian nghệ thuật rối đã ăn sâu trong tiềm thức Dũng. Nhà ở cạnh Nhà hát Múa rối Việt Nam, anh thường được xem múa rối. Cha Dũng là 1 trong 7 nghệ sĩ đầu tiên thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam vào ngày 12/3/1956. Anh được theo cha đi biểu diễn ở nhiều nơi. Rồi, ngay khi con trai bắt đầu đi học, cha Tiến Dũng đã lập một nhóm rối nhỏ cùng xóm biểu diễn tại các trường học. Rất tự nhiên, anh chịu ảnh hưởng niềm đam mê từ người cha truyền lại.

Chú thích ảnh
NSND Nguyễn Tiến Dũng chỉ đạo diễn viên rối tay

Sau hơn 10 năm về Nhà hát, năm 2009, Nguyễn Tiến Dũng được giao nhiệm vụ Phó Trưởng đoàn diễn; 2 năm sau giữ cương vị Phó Giám đốc và năm 2019 được bổ nhiệm Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam… Từ bệ đỡ quan trọng của Nhà hát, Tiến Dũng cần mẫn học hỏi từ cha, đồng nghiệp các thế hệ, tự tích lũy kinh nghiệm từ các nghệ sĩ đi trước, nỗ lực sáng tạo để làm đầy “túi càn khôn”.

Là một diễn viên, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Dũng đã khẳng định mình qua một số vai diễn xuất sắc đoạt HCV trong các liên hoan, hội diễn. Đó là vai tráng sĩ trong vở Chuyện một tráng sĩ; cùng lúc đảm nhận 3 vai (“1 mình sắm 3 vai chèo”) là quan thanh tra, lâm tặc và thợ săn trong vở Chuyện trái đất; đảm nhận 2 vai (chú lính chì, vịt con xấu xí) trong vở Truyện cổ Andersen; “Múa phượng” trong chương trình Hồn quê…

Chú thích ảnh

Thành công từ vai trò diễn viên, Nguyễn Tiến Dũng mạnh dạn thử sức sang lĩnh vực đạo diễn với các vở diễn xuất sắc được ghi nhận trong các cuộc kỳ đua tài quốc tế. Ở vai trò đạo diễn và tác giả kịch bản, hiện Nguyễn Tiến Dũng đang sở hữu một gia tài đáng nể. Ngoài tác phẩm Múa công (rối lốt - rối ngang) đồng tác giả với NSƯT Kim Thông - NSND Thu Dung, đồng đạo diễn với NSƯT Kim Thông (biểu diễn năm 2002, 2010, 2015), NSND Nguyễn Tiến Dũng là tác giả của những vở diễn cho từng thể loại: rối que: Chào xuân (2004), Múa đèn (2004), Trăng trẻ thơ (2010), Múa bốn mùa (2016); rối ngang Hiphop đường phố (2013), Múa quạt (2016), Trống Cơm hiphop (2016); rối búp bê Tình bạn khỉ và cá sấu (2007); rối tay, rối lốt cho vở Chú ếch xanh (2009), Hoạt cảnh Hoa và Ếch xanh (2011); kịch rối Hoạt cảnh Tấm Cám (2016); rối cạn sân khấu đen Thân phận nàng Kiều; rối nước kết hợp rối cạn Trăng đất Việt (2021)...

Trong vở rối Vũ điệu hoa quỳnh (kịch bản: NSND Nguyễn Thùy Trang), NSND Nguyễn Tiến Dũng đã thổi hồn vào những con rối tinh tế, độc đáo đậm văn hóa Việt. Khi ấy, anh phân vân chọn chất liệu con rối rồi nghĩ nhiều đến cha luôn chú trọng tạo con rối bằng tre. Và chất liệu tre giàu bản sắc văn hóa Việt đã được anh hiện thực hóa trong Vũ điệu hoa quỳnh. Tác phẩm đã thành công ngoài mong đợi. Không thể nói hết niềm vui khi Vũ điệu hoa quỳnh đoạt HCV tại LH Múa rối quốc tế lần thứ IV; được chọn công diễn cho khán giả Thủ đô chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016).

Chú thích ảnh
NSND Nguyễn Tiến Dũng chỉ đạo diễn viên rối nước

“Ủ mưu” 10 năm, dựng "Truyện Kiều" trong 1 tháng

Với nghệ thuật, không sáng tạo thì không thể tồn tại. Khám phá và thể nghiệm là việc cần cho mỗi người trót dấn thân cho lao động sáng tạo. Thể nghiệm có thể thành công. Thể nghiệm cũng có thể thất bại đến lấm đất.

Là người con của quê hương Thanh Oai (Hà Nội), tự hào là tổ quán của Đại thi hào Nguyễn Du, NSND Tiến Dũng đã từng ủ ấp ước mơ đưa Truyện Kiều lên sân khấu múa rối từ 10 năm về trước. Có điều, câu hỏi nằm ở việc chọn thời điểm nào thực hiện ý tưởng ấy cho thật chín muồi, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và đủ tự tin.

Sự ám ảnh về thân phận Thúy Kiều cũng như thân phận người phụ nữ cứ day dứt khôn nguôi trong tâm can nghệ sĩ này. “Giải bài toán” Truyện Kiều vĩ đại như thế không hề dễ với tất cả mọi loại hình, nhất là rối thì lại càng mạo hiểm và không ít ý kiến cho là “hoang đường”, “không tưởng” với Truyện Kiều.

Là một nghệ sĩ ưa khám phá, sáng tạo, tìm cái mới, khi thấy Truyện Kiều được thể hiện thành công qua nghệ thuật cải lương, kịch nói… Tiến Dũng tự đặt câu hỏi và tự trả lời: “Tại sao không, múa rối vẫn thể hiện được Kiều qua ngôn ngữ của múa rối”? Và trước thềm tưởng niệm 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du, LH sân khấu thử nghiệm Quốc tế như một cú hích mạnh mẽ, tạo động lực để NSND Tiến Dũng hiện thực hóa ước mơ đưa Truyện Kiều đến với múa rối.

Chú thích ảnh
Vở rối “Thân phận nàng Kiều” do NSND Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn

Khi tôi đến xem vở rối Thân phận nàng Kiều, NSND Nguyễn Tiến Dũng vui mừng chia sẻ: “Đây là thời điểm thích hợp nhất. Nếu không làm thì em tự thấy có lỗi với tiền nhân. Mỗi loại hình nghệ thuật có cách tiếp cận khác nhau. Em xây dựng hình tượng Kiều bằng ngôn ngữ nghệ thuật rối cạn”.

Chỉ trong 1 tháng, anh đã cùng ê-kíp sáng tạo: Kịch bản (NSƯT Lê Chức - nhà văn Nguyễn Hiếu), âm nhạc (Nguyễn Vĩnh Tiến - Trần Đức Minh), họa sĩ tạo hình (Lê Đình Nguyên), thiết kế mỹ thuật (Ngô Thắng), biên đạo (NSND Hồng Phong)… tích cực triển khai đến tất cả bộ phận làm cuốn chiếu, làm gối bất kể ngày lẫn đêm. Các diễn viên tập trung cao độ tập luyện, thực hiện tạo hình, dàn dựng, trang trí mỹ thuật... để kịp tiến độ.

Vở rối Thân phận nàng Kiều là thử nghiệm rất táo bạo, cộng hưởng cấu trúc kịch - rối rất hài hòa vốn là thế mạnh mà Nguyễn Tiến Dũng đã được đào tạo bài bản. Là đạo diễn có nghề, anh hiểu nếu không có sự phối hợp, cộng hưởng ăn ý của mỗi thành phần sáng tạo thì không thể làm nên thành công cho vở rối cạn sân khấu đen này. Tiếp nhận kịch bản của 2 tác giả, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã biên tập, dàn dựng thành vở múa rối hư cấu, cùng nghệ sĩ tạo hình làm nổi bật hình tượng Đại thi hào Nguyễn Du qua nhân vật con rối bút lông và hình tượng Đạm Tiên qua cây đàn tỳ bà. Âm nhạc do 2 nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến - Trần Đức Minh đảm nhận tạo hiệu ứng rất lớn đã để lại nhiều ấn tượng cho khán giả. Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác 6 ca khúc xuyên suốt, từ mở màn Chữ tài, chữ mệnh đến ca khúc cao trào Thân phận nàng Kiều. 2 giọng ca của nam ca sĩ Đinh Mạnh Ninh và nữ ca sĩ Thu Trang đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Nhạc sĩ Trần Đức Minh phối khí phần nhạc nền toàn vở, với âm giai chủ đạo là tiếng đàn tỳ bà và tiếng sáo. 2 nhạc sĩ đã phối hợp ăn ý tạo nên những giai điệu day dứt, vò xé đầy thương cảm về thân phận của Kiều...

Vở diễn Thân phận nàng Kiều đoạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4-2019: Giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất (NSND Nguyễn Tiến Dũng); giải Nhà tạo hình xuất sắc nhất (họa sĩ Lê Đình Nguyên); 2 HCV cho diễn viên xuất sắc “2 Kiều” Lan Hương và Thu Hương. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải thưởng Vở diễn xuất sắc nhất năm 2019.

“Trăng đất Việt”- bản tình ca đậm văn hóa Việt

Sau thành công của thử nghiệm Thân phận nàng Kiều, NSND Tiến Dũng cùng ê-kíp sáng tạo tiếp tục mang đến cho khán giả một vở rối thử nghiệm đặc sắc kết hợp truyền thống và hơi thở đương đại trong dịp đầu Xuân 2021 này. Trăng đất Việt là sự kết hợp khéo léo các loại hình rối nước, rối cạn và âm nhạc dân tộc làm nên bức tranh tổng thể trữ tình, lãng mạn trải dài từ Bắc vào Nam, độc đáo, đặc sắc dấu ấn văn hóa từng vùng miền.

Một mình sắm 2 vai tác giả và đạo diễn, NSND Tiến Dũng chia sẻ: “Trăng đất Việt được xây dựng từ mong muốn có một show diễn du lịch mang nhiều màu sắc văn hóa nghệ thuật tương tự ở một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc... Chính vì vậy lần này, ê kíp sáng tạo đã sử dụng nhiều yếu tố trình diễn như âm nhạc dân tộc, múa kết hợp với nghệ thuật múa rối để tạo sức hấp dẫn riêng. Chúng tôi đã mạnh dạn đưa các nét văn hóa độc đáo của nhiều vùng miền để làm sao khách du lịch khi tới xem chương trình sẽ phần nào hiểu thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Giải thưởng dành cho lao động nghệ thuật

Giải thưởng diễn viên:

HCV cá nhân tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân tại TP Hồ Chí Minh (1995); 1 HCV, 2 HCB (2003) trong một vở “Truyện về trái đất” (cho 3 vai tại LH Múa rối chuyên nghiệp toàn quốc-2003); HCV năm 2008 LH MR Quốc Tế Hà Nội - HCV tại LHMR Quốc tế năm 2010; Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Trung Quốc và các nước Asean (2013).

Giải thưởng đạo diễn:

HCV vở “Vũ điệu hoa quỳnh”, vở “Trê và Cóc”, chương trình “Hương sắc Việt Nam” tại LH Múa rối quốc tế - Nga (2018); HCV thứ nhất vở “Thân phận nàng Kiều” tại LH quốc tế sân khấu thử nghiệm (2019). Vở rối “Vũ điệu hoa quỳnh” đã đoạt HCV lại Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ IV (2015). Vở diễn “Thân phận nàng Kiều” đoạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4-2019: Giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất (NSND Nguyễn Tiến Dũng); giải Nhà tạo hình xuất sắc nhất (họa sĩ Lê Đình Nguyên); 2 HCV cho diễn viên xuất sắc “hai Kiều” Lan Hương và Thu Hương. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải thưởng vở diễn xuất sắc nhất năm 2019.

HCB chương trình “ Trăng trẻ thơ”; chương trình “Ngày hội buôn làng” (Đoàn Múa rối Đăk Lăk biểu diễn tại LHMúa rối quốc tế (2010); chương trình “Nét Hồng Lam” (Đoàn ca múa Hà Tĩnh); vở “Aladanh và cây đèn thần” tại Liên hoan Múa rối quốc tế (2012); vở “Tôn ngộ không 3 lần đánh Bạch cốt tinh” tại LHMúa rối quốc tế (2015); vở “Cây đàn kì diệu” (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng).

Giải thưởng chương trình được khán giả yêu thích nhất cho chương trình “Nhịp điệu quê hương” tại LH sân khấu Trung Quốc và các nước Asean (2013); Giải Quán quân cho chương trình hay nhất (giải thưởng duy nhất) “Nhịp điệu quê hương” do Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn tại LHNghệ thuật lớn nhất thế giới - Thái Lan (2014) có 85 quốc gia tham sự và 120 chương trình); Giải Xuất sắc chương trình “Sông nước Phương Nam” (Nhà hát Phương Nam - TP Hồ Chí Minh tại LH Múa rối quốc tế (2018); Giải “Đạo diễn Xuất sắc nhất” tại LHMúa rối quốc tế năm 2010, 2012, 2015; Giải “Đạo diễn Xuất sắc” tại LH quốc tế sân khấu thử nghiệm (2019).

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao Giải B chương trình “Nhịp điệu quê hương” (2014); Giải A cho vở “Vũ điệu hoa quỳnh” (2015); Giải “Vở diễn xuất sắc nhất năm 2019”, Giải “Đạo diễn xuất sắc nhất năm 2019” (2019); Giải thưởng “Tác phẩm sân khấu xuất sắc năm 2019” do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng.

Với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ, năm 2012, Tiến Dũng được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú và sau 3 năm (2015) danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đã có tên Nguyễn Tiến Dũng.

(Còn tiếp)

PGS-TS Lê Thị Bich Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm