NSND Hoàng Dũng: Tận hiến đến phút cuối cho nghệ thuật

18/02/2021 08:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Quá đột ngột, quá sốc và bất ngờ khi nghe tin NSND Hoàng Dũng đã gửi lại dương thế tuổi 65 vào đúng ngày Valentine 14/2 vừa qua. Dẫu biết “sinh lão bệnh tử” là quy luật muôn đời, không ngoại lệ với bất cứ ai, nhưng sự ra đi đột ngột của người nghệ sĩ tài hoa khiến giới nghệ sĩ và công chúng không khỏi bàng hoàng, tiếc thương.

Tiếc thương NSND Hoàng Dũng, tên tuổi lớn của làng nghệ thuật Việt

Tiếc thương NSND Hoàng Dũng, tên tuổi lớn của làng nghệ thuật Việt

Thông tin Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng - một trong những tên tuổi lớn của nghệ thuật Việt Nam qua đời ở tuổi 65 khiến cho giới nghệ sỹ và công chúng bàng hoàng, tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của ông - một nghệ sỹ gạo cội, một cây đa, cây đề của nghệ thuật nước nhà.

1. NSND Hoàng Dũng tên đầy đủ là Hoàng Tiến Dũng sinh ngày 31/12/1956 tại Hà Nội. Tổ quán của anh ở Khoái Châu, Hưng Yên. Sự nghiệp như đã được “lập trình” sinh ra là để làm nghệ thuật.Thiên hướng nghệ thuật nổi trội từ nhỏ. Duyên nghệ thuật bám bện, anh từng mê mải đến rạp xem kịch làm mất cả xe đạp.

Song để đến đích nghệ thuật, con đường đi của quý cậu tuổi Bính Thân cũng có chút “ngoằn ngoèo”. Trước khi thi đỗ vào Lớp kịch Khoa Sân khấu Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) khóa 1974-1978 cùng Minh Vượng, Minh Trang… Hoàng Dũng từng ứng thí vào Trường Đại học Ngoại ngữ vàcó tên trong danh sách trúng tuyển Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Nhưng cả anh chị đều theo ngành sư phạm, nên cậu em chọn con đường riêng.

Chú thích ảnh
NSND Hoàng Dũng vai Bá Nhỡ trong “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”. Ảnh: Tác giả

Trúng tuyển, vào học Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội chưa ấm chỗ, anh nhận được giấy gọi đi học công nhân kỹ thuật tại Tiệp Khắc (cũ). Được đi nước ngoài thời điểm đó luôn có sức hấp dẫn. Hoàng Dũng quyết định xin thôi học để thỏa chí tang bồng đến phương trời Tây. Nhưng do giấy tờ trục trặc, anh không có duyên xuất ngoại học nghề pha lê (sau này xuất ngoại với tư cách khác). Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Nghệ thuật đã chọn anh. Cơ duyên nghệ thuật đã “kết” anh, thì những ngả rẽ kia cũng chỉ là cái cớ thử thách trên hành trình tìm kiếm, định vị.

Người nhận ra tố chất tài năng của học trò chính NSND Huỳnh Nga. Thầy Huỳnh Nga đã đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường và đứng ra bảo lãnh trò trở lại học với lý lẽ niềm tin đầy sức thuyết phục “Đào tạo 100 kỹ sư có hy vọng khoảng 60 người thành nghề. Còn nghề đặc thù này, cả khóa học có thể trông chờ được một vài em. Hoàng Dũng nằm trong số tôi đặt hy vọng”. Sự đặt cược niềm tin của thầy đã làm nên một học trò Hoàng Dũng thành danh nổi tiếng cho sân khấu kịch và điện ảnh.

Được quay trở lại học tập, anh rất biết ơn thầy. Như mưa dầm thấm đất, niềm đam mê kịch cứ thấm dần.

Chú thích ảnh
NSND Hoàng Dũng, vai Phan Quân trong phim “Người phán xử”

Sau 3 năm học tập cần mẫn, sáng tạo, năm 1978, anh cùng Minh Vượng, Minh Trang đầu quân cho Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Năm 1996, anh được phong danh hiệu NSƯT. Hơn 10 năm sau, anh được phong tặng danh hiệu NSND. Sau 5 năm giữ cương vị Phó Giám đốc là 10 năm liên tục (2007-2017), NSND Hoàng Dũng đảm nhận cương vị Giám đốc cho đến khi nghỉ hưu.

Công việc quản lý dẫu bận rộn, nhưng anh luôn đau đáu với sự nghiệp đào tạo; tham gia thỉnh giảng tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; tham gia đào tạo diễn viên cho Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC)…

NSND Hoàng Dũng đã thổi niềm đam mê sân khấu - điện ảnh cho nhiều thế hệ sinh viên. Nhiều học trò của anh đã trở thành những diễn viên được công chúng mến mộ, như: Công Lý,Thiện Tùng, Hồng Đăng, Việt Anh, Tiến Lộc, Thanh Hương… Năm 2017, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội đã tổ chức chương trình nghệ thuật tôn vinh, chia tay NSND Hoàng Dũng sau 15 năm (2002-2017) đảm nhiệm cương vị Phó/Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội và hơn 40 năm dấn thân cho nghệ thuật sân khấu-điện ảnh... Cùng đông đảo văn nghệ sĩ và công chúng, tôi có mặt trong sự kiện quan trọng xúc động ấy. Anh đã thăng hoa, sáng tạo, cháy sáng đến tận cùng vai Bá Nhỡ trong vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo. Anh đã chứng minh đầy sức thuyết phục rằng chỉ có nghệ thuật đích thực cùng sức sáng tạo hết mình của nghệ sĩ mới có thể để neo đậu ấn tượng khó phai, tình cảm lâu bền trong lòng công chúng.

Chú thích ảnh
Gia đình hạnh phúc của NSND Hoàng Dũng

Sau buổi diễn, NSND Hoàng Dũng chia sẻ: “Thôi nhiệm vụ quản lý, tôi vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật. Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho điện ảnh, đạo diễn sân khấu và giảng dạy”.

2. NSND Hoàng Dũng hoạt động trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh; ở vị trí diễn xuất và đạo diễn. Ở lĩnh vực nào, anh cũng để lại dấu ấn riêng đầy sáng tạo. Anh đã làm nên thành công và khẳng định một dấu ấn phong cách, một “thương hiệu” Hoàng Dũng. Sự đam mê, trân trọng nghề, tâm huyết, trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc đã giúp từng vai diễn của anh chạm đến trái tim công chúng và sự trân trọng, nể phục của đồng nghiệp.

Đào tạo từ chuyên ngành kịch nói, Hoàng Dũng hóa thân đa dạng vào nhiều vai diễn khác nhau: Chính/phụ, chính diện/phản diện; cho các thể loại bi/hài, chính luận... Anh làm việc rất nghiêm túc, kỷ luật, khoa học. Với mỗi vai diễn, Hoàng Dũng chú trọng đầu tư thời gian nghiên cứu kỹ kịch bản, phân tíchchiều sâu tâm lý, tìm tòi kiểu dạng nhân vật, chú ý quan sát thực tiễn, làm chủ vai diễn của mình, đề xuất với đạo diễn cách thể hiện. Nhờ thế, khán giả yêu mến anh không chỉ với nhân vật chính diện mà kể cả những vai phản diện, anh đã tạo nên ấn tượng sâu sắc.

Chú thích ảnh
NSND Hoàng Dũng vai Cả Khoa trong "Cát bụi"

Năm 28 tuổi, anh đã hóa thân vào vai Phó Giám đốc Chính trong vở kịch Tôi và chúng ta nổi tiếng trở thành hiện tượng sân khấu với hàng ngàn suất diễn liên tục. Được đạo diễn chọn vào vai diễn này, Hoàng Dũng bất ngờ, lo lắng, vui mừng và âm thầm tập luyện cho nhuyễn, cho chín. Là sân khấu kịch, nhưng anh đã chọn lối diễn chân thực nhất, đời nhất để tung tẩy, thể hiện. Vai diễn đã đoạt HCVtại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1984.

Hoàng Dũng tiếp tục ghi dấu ấn trên sân khấu kịch với các vai diễn như Lãm trong Hà Nội đêm trở gió; Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng; Cả Khoa trong Cát bụi; vai bác sĩ trong Bình minh đó trái tim anh; thầy khóa trong Thầy khóa làng tôi… đặc biệt là vai Bá Nhỡ trong Tiếng đàn vùng Mê Thảo.

Bên cạnh vai diễn trên sân khấu, NSND Hoàng Dũng đã mang đến cho công chúng một sự nghiệp rạng rỡ với những vai diễn để đời trong phim truyện (điện ảnh, truyền hình), như: Tướng về hưu, Bản anh hùng ca số 5, Kẻ giết người, Vua ốc đảo, Phía trước là bầu trời, Tiếng cồng định mệnh, Đi qua bóng tối, Những người sống bên tôi, Cuồng phong, Đàn trời, Thái sư Trần Thủ Độ, Tuổi thanh xuân… Thời gian gần đây, khán giả ấn tượng với nhiều vai diễn của anh, như: ông trùm Phan Quân trong phim Người phán xử (2017); Chủ tịch Trần Nghĩa trong Sinh tử (2019); ông Lập -“ông bố quốc dân” mẫu mực, tỉnh táo, một người chồng biết lắng nghe trong Về nhà đi conNhững ngày không quên (phần 2); ông Phương tốt bụng, vợ mất sớm gà trống nuôi con, kỳ vọng vào hai đứa controng Trở về giữa yêu thương (phát sóng trên VTV1 từ 17/12/2020). Đây là vai diễn cuối cùng vào thời điểm NSND Hoàng Dũng đối mặt với bệnh nan y.

Chú thích ảnh
NSND Hoàng Dũng trong vở kịch “Ảo vọng”

3. Trong nghệ thuật, NSND Hoàng Dũng hội tụ nhiều thế mạnh ở khuôn mặt thư sinh ra dáng "công tử bột", chất Hà thành lịch lãm và tự trọng; đài từ đẹp trầm ấm, vang vọng; phong thái, thần thái toát lên cái uy... Không phải ngẫu nhiên, anh được đạo diễn “đo ni đóng giày” thường mời đóng những vai “nặng ký”, cực kỳ khó, bộc lộ đa dạng tính cách, một nhân vật phức tạp, cá tính như vai ông trùm xã hội đen, vai lãnh đạo mưu mô, vai phân thân nhiều mâu thuẫn. Công chúng ấn tượng với các vai diễn phản diện của anh nhưnhân vật Thái - ông trùm ma túy mang vỏ bọc doanh nhân trong phim Cuồng phong; ông trùm đội lốt chủ tịch tỉnh trong Đàn trời; vai Chủ tịch Trần Nghĩa phức tạp, hai mặt, mâu thuẫn, phân thân trong một người cha yêu con, một cán bộ yêu quê hương, nhưng tay trót nhúng chàm trong Sinh tử; ông trùm Phan Quân quyết đoán, lạnh lùng đến lạnh ngườitrong phim Người phán xử

Nói về sự thành công NSND Hoàng Dũng ở cả lĩnh vực sân khấu và phim truyện (điện ảnh, truyền hình), NSND Tiến Thọ nhấn mạnh ở đôi mắt có hồn: “Đôi mắt ấy luôn có sức biểu cảm mãnh liệt mỗi khi nhập vai. Đôi mắt tạo nên thần thái thể hiện trong các cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Thông qua đôi mắt, sắc diện của anh thể hiện trình độ diễn xuất, xung đột nội tâm nhân vật rất có chiều sâu. Đây là điều mà không phải diễn viên nào cũng có được”.

Chú thích ảnh
NSND Hoàng Dũng trong vở kịch “Hà Nội đêm trở gió”

Với vai trò đạo diễn, Hoàng Dũng đã dàn dựng các vở diễn và được ghi nhận của hội đồng nghệ thuật: Những linh hồn sống (2005); Điện thoại di động (HCB Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, 2009);Trái tim trong trắng(giải thưởng của Bộ Công an, 2010); Đắng như hạnh phúc dựng cho Đoàn Ca Kịch Quảng Nam (HCB, 2011); vở Huyết lệnh (giải C Giải thưởng Văn học, nghệ thuật, báo chí về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 2015)...

Lễ viếng NSND Hoàng Dũng sẽ được cử hành tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội từ 7h30 – 9h00, ngày thứ Bảy, 20/2/201. Lễ an táng sẽ được tổ chức cùng ngày tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Trở về giữa yêu thương

NSND ra đi đột ngột trong nỗi bàng hoàng của đồng nghiệp và công chúng. NSND Khải Hưng thốt lên “Đi sớm quá Dũng ơi! Khi vừa mới ra trường, lần đầu em đóng phim của anh và Sinh tử lại là phim cuối cùng”.

Nghệ sĩ Minh Vượng –bạn đồng môn cùng về đầu quân cho Nhà hát kịch Hà Nội chỉ còn biết nói lời cuối cùng “Vĩnh biệt nhé, yên nghỉ nhé bạn ơi! Ở nơi xa xôi ấy mong bạn an nhàn chốn tiên cảnh, buông bỏ mọi vai vui buồn, sướng khổ trên cõi nhân thế này mà bạn đã miệt mài sáng tạo các thân phận trên sân khấu và màn bạc với trái tim cuồng nhiệt vì nghề tổ như con tằm rút ruột nhả tơ. Bạn sẽ in đậm trong tâm trí đồng nghiệp và khán giả. Mong bạn sớm siêu sinh tịnh độ để lại làm Nghề bạn nhé”.

Lần đầu tham gia cùng nghệ sĩ Hoàng Dũng vở “Gái già lắm chiêu”, NSND Lê Khanh nói sự ra đi của anh là mất mát rất lớn của sân khấu và điện ảnh. Hơn 40 năm trong nghề, anh để lại dấu ấn trên sân khấu, phim truyền hình và sự nghiệp đào tạo lớp trẻ.

Là nghệ sĩ có cơ hội đóng chung với NSND Hoàng Dũng nhiều nhất, NSND Minh Hòa nhắc lại câu nói của người anh, người bạn diễn đã giúp chị thăng hoa trong từng vai diễn: “Ở Nhà hát này, cô là người anh đóng cùng nhiều nhất. Ngoài vai diễn, cô nhớ tham gia đào tạo cho lớp trẻ”.

NSND Công Lý biết ơn NSND Hoàng Dũng như người truyền lửa làm nên thành công hôm nay. NSND Trung Hiếu – người kế nhiệm Giám đốc Nhà hát tiết lộ dự định “Nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội dự định tiễn đưa NSND Hoàng Dũng bằng nghệ thuật mà cả đời anh đã tận hiến cho đến phút cuối đời. Lễ tang thật trân trọng, giản dị, không ồn ào, không bi lụy như tâm nguyện cuối cùng của anh.Lấy cảm hứng từ vai diễn xuất sắc của anh trong vai Bá Nhỡ, lễ tang có thể có một trích đoạn ngắn, cùng ca khúc trong vở kịch Mê thảo thời vang bóng. Giống như Bá Nhỡ, NSND Hoàng Dũng như kiếp tằm mê mải rút ruột nhả tơ, rồi thanh thản ra đi khi nhả hết sợi tơ cuối cùng cho đời…”…

NSND Hoàng Dũng rời cõi tạm trong bộn bề những dự án nghệ thuật đang chờ đợi. Anh vẫn còn đó đang “Trở về giữa yêu thương” với đồng nghiệp và công chúng...

Một số giải thưởng của NSND Hoàng Dũng

Giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất trong Hà Nội đêm trở gió (Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, 1994); giải diễn viên xuất sắc nhất vở Ăn mày dĩ vãng (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, 1996); HCV trong Cát bụi (Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, 2004); HCV vở Bản danh sách điệp viên (Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân, 2005); Diễn viên xuất sắc nhất trong vở Tình sử ngàn năm (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, 2010); Huy chương vàng vở Huyết lệnh (Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, 2012)…

Cánh Diều Vàng nam diễn chính xuất sắc nhất vai Tướng Tuấn trong phim Tiếng cồng định mệnh (Hội Điện ảnh Việt Nam, 2004); vinh danh giải Nam diễn viên ấn tượng (Lễ trao giải thưởng VTV Awards, 2017)…

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm