NSND Anh Tú ra đi, dở dang bao tâm nguyện

20/12/2018 20:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dựng một vở kịch của Chekhov. Xuất hiện trên sàn diễn trong vai Vua Lia và Khuất Nguyên. Dựng một vở diễn với sân khấu là tháp nước tròn Hàng Đậu.... Những tâm nguyện ấy, NSND Anh Tú sẽ không bao giờ thực hiện được nữa.

NSND Anh Tú vĩnh biệt sân khấu ở tuổi 56

NSND Anh Tú vĩnh biệt sân khấu ở tuổi 56

Sau một thời gian nằm viện, NSND Anh Tú đã qua đời lúc 12h15 phút trưa nay (20/12) tại Bệnh viện nhiệt đới Trung Ương cơ sở Đông Anh.

1.Sẽ có rất nhiều điều để nói về Anh Tú, khi mà sự ra đi đột ngột ở tuổi 56 của anh đang làm bạn hữu và giới sân khấu ngỡ ngàng. Đó là một Anh Tú của điện ảnh và phim truyền hình, một Anh Tú trong nghề đạo diễn, một Anh Tú trên vai trò Phó giám đốc, rồi quyền giám đốc của Nhà hát kịch có truyền thống huy hoàng nhất Việt Nam.

Nhưng, trước tất cả những điều ấy, Anh Tú vẫn là người của sân khấu kịch.

Trong những bức ảnh ghi lại các vai diễn của Anh Tú, nhiều người vẫn nhắc đến bức ảnh của tác giả Nguyễn Đình Toán. Ở đó, Anh Tú vào vai Trần Cảnh, còn Lê Khanh đóng vai Lý Chiêu Hoàng. Và trong những lần trò chuyện với Thể thao &Văn hóa, chính anh vẫn gợi ý chọn bức ảnh ấy để sử dụng trên mặt báo.

Chú thích ảnh
Anh Tú (trái) trong vai Trần Cảnh, vở "Rừng trúc"

Thập niên 2000, vào lưu diễn tại TP HCM, Anh Tú kể rằng mình trầm trồ khi nhìn lịch biểu diễn của các đoàn kịch tư nhân tại đây. Đỏ đèn gần như suốt tháng, sống khỏe bằng nghề, đó chính là điều mà sân khấu phía Bắc muốn được như các đồng nghiệp phía Nam ấy.

Để rồi, đến lượt bè bạn phía Nam trả lời: “ Thật ra, chính ông mới làm bọn tôi ghen tị. Chúng tôi trong này dựng vở hướng tới khán giả, hướng tới thị trường. Chẳng biết đến bao giờ mới có cơ hội để được vào những vai diễn như Macbeth, Vũ Như Tô hay Trần Cảnh...”

Quả thực, trong đời nghệ sĩ của mình, Anh Tú có nhiều cơ hội để vào những vai diễn kinh điển như thế. Dường như, khi dựng vở, các đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, Phạm Thị Thành, Lê Hùng... đều nhìn thấy ở anh tiềm năng cho những vai diễn lớn ấy, vốn đòi hỏi khả năng thể hiện nội tâm vô cùng phức tạp và sự tinh tế trong từng chi tiết nhỏ.

“Tôi vẫn nhớ mãi vai Trần Cảnh trong Rừng trúc. Đọc đi đọc lại kịch bản, mình vẫn ứa nước mắt: sao có người ngồi trên ngôi vua mà lại có một thân phận khổ ải và gặp nhiều bi kịch đến thế” – Anh Tú từng chia sẻ với TT&VH.

2. Để rồi, chỉ 2 năm trước, khi dàn dựng vở Hamlet cho Nhà hát kịch Việt Nam, nhiều người rất ngạc nhiên khi Anh Tú giao vai chàng hoàng tử Đan Mạch cho diễn viên trẻ Tuấn Minh – còn mình thì chấp nhận... đứng ngoài. Anh không chọn việc vừa dựng vở vừa làm diễn viên – điều mà một số đạo diễn từng thực hiện.

“Không, đấy là một giải pháp dở. Tôi không thể vừa ôm đồm dàn dựng, vừa tham gia biểu diễn như thế” – anh chia sẻ với người viết – “ Thêm vào đó, trong suy nghĩ của mình, tôi luôn hình dung Hamlet như một chàng thanh niên trẻ, thay vì một người đàn ông đứng tuổi. Vai diễn ấy giờ xa quá đối với tôi rồi.”

Chú thích ảnh
Anh Tú (phải) và họa sĩ Doãn Châu trong buổi giới thiệu về Hamlet

Nhưng khi nói về nghề diễn, Anh Tú vẫn háo hức bảo rằng trong tương lai, anh muốn xuất hiện trở lại trong một vở bi kịch cổ điển. “Từ lâu lắm, tôi rất muốn có dịp được vào vai Vua Lia trong vở bi kịch cùng tên của Shakespeare, hoặc vai Khuất Nguyên trong vở Hồn Xuân Thu. Tất nhiên, đó phải là những vở diễn có đạo diễn giỏi, để tôi có thể chuyên tâm mà nghĩ tới việc thể hiện sân khấu.”

Bây giờ, tâm nguyện của NSND Anh Tú sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Cũng giống như, trong lần dựng Hamlet ấy, anh từng hào hứng mơ về những kĩ xảo hiện đại, để có thể “vẽ” trên những chiếc thuyền dập dềnh trong bão, hoặc những dòng máu đỏ tươi ứa ra từ tai vị vua cũ Đan Mạch khi bị đầu độc. Tất cả vĩnh viễn thuộc về thì tương lai.

Chú thích ảnh
Anh Tú (giữa) trong một cuộc gặp gỡ với báo giới

“Sân khấu hiện đại cần áp dụng kĩ xảo để phá vỡ những gì khuôn mẫu. Sau này, tôi muốn có dịp thử sức dựng một vở diễn trong tháp nước cổ tại vườn hoa Hàng Đậu. Không gian vừa hẹp, vừa... tròn ấy sẽ là một thách thức rất thú vị để làm nghề” – anh kể thêm – “ Rồi lâu dài, Nhà hát kịch Việt Nam cũng phải sớm dựng một kịch bản nào đó của Chekhov. Một Nhà hát cấp quốc gia, có bề dày truyền thống lâu năm thì không thể thiếu cái tên Chekhov trong kịch mục...”

3. Những tâm nguyện của Anh Tú là dang dở. Tiếc, nhưng cũng không đến nỗi là đáng buồn- nếu bè bạn nhớ lại lời anh khi nhận danh hiệu NSND cách đây 2 năm. Khi ấy, qua đồng nghiệp, Tú gửi những lời chia sẻ rất chân thành tới các đồng nghiệp thiếu may mắn và không có tên trong đợt vinh danh:

“ Cuộc sống là vậy, tôi mong các bạn đừng nhụt chí . Hãy tạm quên đi lần rủi ro này đi, bởi nghề nghiệp cho phép nghệ sĩ chúng ta tìm kiếm rất nhiều niềm vui khác. Tận hiến và tự tin, sẽ có lúc những thành quả tự đến với mình”.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm