Nói người Việt Nam không hướng biển là không biết sử

11/07/2011 07:21 GMT+7 | Văn hoá

Đứng trước biển

Gần 30 năm trước, tiểu thuyết Đứng trước biển của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ra đời và được xem như một sự kiện văn chương tại thời điểm đó (1982-1985). Đứng trước biển không đơn thuần là chuyện về một xí nghiệp đánh cá (đương nhiên là liên quan tới biển), mà “đứng trước biển” còn là một biểu tượng về thái độ, về ứng xử của đất nước và dân tộc trước thời cuộc và sự sống với “bề mặt mênh mang và bề sâu sôi động” (nhà phê bình văn học Phạm Quang Trung). Câu chuyện Đứng trước biển của những năm 2010 trở lại, không còn là chuyện văn chương…, mà trở thành câu chuyện của tư duy.

Tham gia chuyên đề này là hai chuyên gia thuộc hai thế hệ. Một người là Viện trưởng Viện Việt Nam học, nhìn vấn đề từ góc độ lịch sử. Một là tiến sĩ khoa học, nhìn vấn đề từ góc độ một nhà quy hoạch. Một cái nhìn về quá khứ, một cái nhìn hướng đến tương lai. Và những câu chuyện khác.

* Chuyên đề có sử dụng tự liệu từ các bài viết của đồng nghiệp trên tạp chí Tia Sáng, Pháp luật TP.Hồ Chí Minh.

Tổ chức chuyên đề: PHẠM THỊ THU THỦY

Bạn có nghĩ

Có phải là nghịch lý không khi một đất nước có tới 1 triệu km2 diện tích vùng biển, rộng gần gấp ba đất liền, mà suốt bao thế kỷ không có nổi một đội thương thuyền, một nhà hàng hải, hay nói nhẹ nhàng hơn, không khai thác được kho vàng quý báu trải dài 3.444km ngay trước mặt ấy? Nghịch lý của người Việt là thế: một dân tộc thừa biển nhưng lại thiếu tư duy biển. Tư duy biển hiểu đơn giản là tinh thần hướng ra biển với tâm lý chủ động khai thác, sẵn sàng mạo hiểm chinh phục, khám phá. (Đoan Trang - tạp chí Tia Sáng)

Bạn có biết

Việt Nam có diện tích đất liền khoảng 330.000km2 và vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng 1.000.000km2. Dải bờ biển Việt Nam kéo dài trên 3.260km (không kể bờ các đảo) và cứ 100km2 đất liền có 1km đường bờ biển, trong khi tỷ lệ này của thế giới là 600km2/1km. Ngoài ra, cứ khoảng 1km2 đất liền thì có gần 4km2 vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế, so với thế giới tỷ lệ này gấp khoảng 1,6 lần.



(TT&VH Cuối tuần) - Xung quanh câu chuyện Đứng trước biển của dân tộc Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, chuyên đề tuần này có cuộc trao đổi cùng GS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học.

* Một số quan điểm cho rằng người Việt Nam mình trong tâm thức đã né biển. Vì né biển nên mới có câu như “rừng vàng, biển bạc”, hay những nhân vật làm nghề chài lưới thường chỉ có thân phận thấp kém trong các tích truyện. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Kể ra, nếu chỉ nói người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng thì cũng có bộ phận “xa rừng, nhạt biển” (chữ của GS Ngô Đức Thịnh) thật. Cái lý của hiện tượng này là vì người Việt đồng bằng gần như giải quyết được tất cả các thứ để củng cố một nền kinh tế mang tính tự cấp tự túc. Cho nên vươn ra biển một cách mạnh mẽ thì dân cư ở châu thổ sông Hồng xem ra không bằng các vùng khác.

Nhưng người Việt Nam mình sống cạnh và khai chiếm biển từ rất sớm. Không phải ngẫu nhiên dòng giống của người Việt trong truyền thuyết là Lạc Long Quân với Âu Cơ. Từ hậu kỳ thời đại đồ đá cũ đã thấy người sống trên các đảo rồi. Mà có phải người ta bơi ra đó đâu. Ví dụ lớp cư dân Hạ Long là những người khai thác biển mạnh. Văn hóa Hạ Long chạy dài suốt cả dải ven biển, chạy dài sang Trung Quốc, chạy lên phía Bắc, chạy suốt khu vực Đông Nam Á. Người Việt đã khai thác biển từ rất sớm. Họ đi dọc dải đảo ven biển, tính từ vịnh Hạ Long, đến Phú Quốc, Côn Đảo… Ở Trường Sa, khảo cổ học còn tìm thấy dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh. Thậm chí văn hóa Sa Huỳnh còn kéo dài đến tận Philippines. Như thế để thấy rằng ở những thời điểm này, thời điểm khác, vùng này, vùng khác có những thời đoạn, khu vực đúng là hơi nhạt biển thật, nhưng càng đi vào miền Trung, miền Nam sự hướng biển của dân tộc ta càng mạnh.

Hạ Long lúc hoàng hôn

* Theo ông, vì sao miền Trung lại hướng biển mạnh hơn?

- Yếu tố địa hình có thể giải thích tại sao miền Trung lại tiến ra biển rất sớm và rất mạnh. Bởi vì phía trên là dãy Trường Sơn, dải đồng bằng lại hẹp, không đủ để nuôi sống con người. Chỉ trồng lúa mà bám lấy cánh đồng thì đói. Thêm việc dân cư phát triển thì không còn cách nào khác phải hướng ra biển. Nên từ rất sớm, những bộ tộc người sống trên dải đất miền Trung từ hậu kỳ đồ đá mới sang đến sơ kỳ của thời đại đồ đồng đã tiến ra biển.

Với miền Trung, ta có thể nói tới kỳ tích khai thác biển của Vương quốc Chămpa. Chămpa có thể là gì khác ngoài một vương quốc biển. Đó chính là vương quốc khai thác biển vào loại mạnh nhất châu Á. Điều này đã được thế giới công nhận.

* Còn sự mạnh mẽ trước biển của cư dân miền Nam thì sao, thưa ông?

- Tương đương với Vương quốc Chămpa chính là Vương quốc Phù Nam. Mà Phù Nam phát triển được là nhờ biển. Phù Nam chính là văn hóa cảng thị, Óc Eo là một cảng thị. Tại sao Óc Eo phát triển được? Bởi nó nằm trên đường hàng hải quốc tế từ Đông sang Tây, Tây sang Đông.

Tiền đồng tìm thấy ở Óc Eo khá phổ biến ở nhiều di tích ven vịnh Thái Lan, bán đảo Mã Lai và Myanmar. Điều này cho thấy cả một dòng thương nghiệp nối liền Óc Eo với Ấn Độ Dương bằng đường biển thông qua vịnh Thái Lan và có thể có cả đường bộ theo đường nội địa (tư liệu bảo tàng lịch sử)

* Nghĩa là người Việt chúng ta có một lịch sử khai thác biển đáng để tự hào?

- Các vương quốc cổ đại của ta phát triển mạnh là nhờ biển, tuy có khai thác đất đai và một phần khai thác rừng. Chứng cứ lịch sử cho thấy rất rõ điều đó. Nếu ai nói Chămpa không khai thác biển, Phù Nam không khai thác biển thì phải nói người đó không biết sử. Nên nói người Việt Nam không khai thác biển cũng là không hiểu lịch sử.

Thời kỳ dựng nước đầu tiên ta có 3 trung tâm lớn. Châu thổ sông Hồng với Nhà nước Âu Lạc, do đặc điểm của châu thổ nên có thể có một bộ phận cư dân không quan tâm nhiều đến biển, nhưng lớp cư dân Hạ Long vẫn là người khai thác biển rất mạnh. Hai trung tâm còn lại, Chămpa và Phù Nam thì chủ yếu sống bằng khai thác biển. Đặc biệt Phù Nam, sau này, thậm chí còn trở thành đế chế thống trị toàn bộ Đông Dương, lục địa Đông Nam Á nhờ khai thác biển. Nếu chỉ là đất liền Phù Nam không mạnh đến thế. Về nguồn gốc tạo thành lịch sử, văn hóa Việt Nam là như vậy. Còn trong quá trình phát triển có chuyện người Việt tiến xuống khu vực phía Nam, là nhờ biển. Đường đi vào Nam, nói như GS Trần Quốc Vượng, là hết đèo này đến đèo kia, nên phải đi bằng thuyền. Quá trình khai chiếm vùng Nam bộ là quá trình đồng thời với việc các đoàn thuyền vươn ra chiếm lĩnh các đảo giữa biển khơi Hoàng Sa và Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc, Thổ Chu… Khi tiến xuống đồng bằng, người Việt đồng thời tiến bằng đường biển, mở rộng cả duyên hải lẫn hải đảo.

Đứng trước biển là vô cùng gian nan. Một cơn sóng thần có thể xóa đi rất nhiều. Nhưng phải chấp nhận, bởi đó là lẽ sống.

Trong bản đồ tôi chụp tại một thư viện châu Âu, có vẽ một đảo của người Đàng Trong. Họ ghi rõ đảo của người Đàng Trong, ở khu vực có ngọc trai, trầm hương. Trong bản đồ Việt Nam ta gọi là Vũng Thơm, hay Hương Úc. Sang thế kỷ 18, ta đã tiến đến vùng này rồi. Như thế, làm gì có chuyện chúng ta không biết biển, không khai thác biển.

Tục ngữ còn có câu: Ai về nhắn với Nậu Nguồn/Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên. Tức là ở Bình Định, hàng hóa gửi từ trên xuống, kết hợp rừng biển như vậy. Người ở đồng bằng trồng lúa cung cấp cho cả hai vùng núi, biển. Như thế mà bảo ta quay lưng lại với biển thì lạ thật.

* Không quay lưng với biển nhưng cũng có ý kiến cho rằng chúng ta chỉ chờ người ta đến chứ không tự tìm đường đi xa…

- Thời gian gần đây có thể như vậy, nhưng trước đây Việt Nam có nhiều thương cảng rất nổi tiếng. Hội An là một thương cảng được UNESCO công nhận với tư cách là một thương cảng quốc tế. Tôi sang Nagasaki có thấy giới thiệu về thuyền Quảng Nam. Thậm chí, chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn cho cả một cô con gái sang Nagasaki lấy chồng - ông Araki Sotaro, thực tế là một nhà buôn lớn. Ở Nagasaki - một cảng lớn của Nhật Bản còn có một đội ngũ phiên dịch tiếng Việt là Tông Kinh thông sự. Tông Kinh lúc đó là khu vực Đàng Ngoài do vua Lê chúa Trịnh cai quản, còn thông sự là phiên dịch.

Thương cảng Hội An xưa trong tranh vẽ

* Như vậy, có nghĩa là chúng ta đã tiến ra khai chiếm đảo ở biển Đông từ rất sớm?

- Đúng là như thế. Tôi từng có bài trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử về điều này. Từ thời kỳ Vua Lý Anh Tông, lúc đầu ông lập hành dinh trại Yên Hưng, sau đó mở ra trang Vân Đồn. Sau đó, chính ông là người tổ chức các cuộc điều tra khảo sát, vẽ bản đồ các vùng biển đảo, quản lý khai thác biển từ giữa thế kỷ 12.

Từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, khi thành lập đội Hoàng Sa, các chúa Nguyễn vẫn thưởng tiền cho những người vẽ bản đồ vùng biển này. Với Hoàng Sa, Trường Sa, Vua Gia Long đã chiếm tất cả các đảo, thậm chí là người duy nhất đặt lá cờ của mình lên trên các vùng Hoàng Sa, Trường Sa. Gia Long là vị vua có một sự nghiệp lẫy lừng trên biển. Ông còn mời hải quân Pháp xây dựng những hạm đội hùng dũng. Chúng ta còn có hẳn chiến lược biển đảo thời Tây Sơn đấy.

* Ngoài Chămpa, Phù Nam, chúng ta còn có điều gì đáng nói về khai thác biển nữa, thưa ông?

- Có chứ, Hà Tiên chẳng hạn. Chúng tôi nghiên cứu Hà Tiên dựa trên rất nhiều tư liệu nước ngoài và thấy đây là một ví dụ về khai thác biển vô cùng ghê gớm. Nó cung cấp lúa gạo cho toàn bộ Đông Nam Á, chưa kể là điểm trung chuyển thiếc cực lớn.

Điều thú vị là sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất thiếc ở Bangka và sự bùng nổ thương mại giữa Hà Tiên và Quảng Đông có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong cùng một thời kỳ. Vào những năm 1760-1780, sản xuất thiếc ở Bangka đạt đến đỉnh cao - trở thành một yếu tố thúc đẩy thương mại ở Hà Tiên và Đàng Trong. Hà Tiên với vị trí chiến lược bên bờ vịnh Thái Lan đã tận dụng những lợi thế của mình để trở thành điểm trung chuyển chủ yếu của các hàng hóa như lúa gạo, thiếc cung cấp cho các thị trường Đông Nam Á và Trung Hoa.

Ngoài ra, Nam bộ tuy mới khai phá vào thế kỷ 17, nhưng cuối thế kỷ đó đã trở thành một vùng đất trù phú phát triển mạnh với 4 trung tâm lớn. Chúng cũng đồng thời là 4 trung tâm kinh tế hàng hóa lớn, 4 trung tâm giao thương quốc tế lớn. Đó là: Cù lao Phố, Bến Nghé Sài Gòn, Mỹ Tho và Hà Tiên. Nếu dân ta chỉ biết cày ruộng không thôi thì làm sao phát triển được như thế này. Tất nhiên, trong đó có vai trò nhất định của người Hoa, nhưng người làm nên phải là dân Nam bộ, chủ yếu là người Việt chứ.

Bảo tàng Guimet nổi tiếng ở Paris giới thiệu về văn hóa Chămpa
bằng cả chuyên đề trưng bày và trên trang mạng

* Nghĩa là, theo ông, người Việt Nam là dân tộc hướng biển?

- Rất lưu ý phân biệt người Việt và người Việt Nam. Người Việt thì có thể có một bộ phận nhạt biển. Còn người Việt Nam lại hướng biển. Người ở vùng đồng bằng sông Hồng cũng đứng trước biển đấy nhưng biển đó là vịnh, chỉ như cái ao thôi. Nhưng còn miền Trung, miền Nam mà không vươn ra biển thì chết, cho nên người ta buộc phải vươn ra biển.

Cũng phải nói, đứng trước biển là vô cùng gian nan. Như Nhật Bản chẳng hạn, một cơn sóng thần có thể xóa đi nhiều điều. Nhưng phải chấp nhận, bởi đó chính là lẽ sống. Mới đây, tàu bị cắt cáp là thế, ra biển gian nan là thế, dân Lý Sơn vẫn đi biển vì đó là lẽ sống của người ta. Chẳng nhẽ ngồi nhà mà chết. Nói thế để thấy, người dân gắn với biển rất mạnh. Nếu quay lưng lại với biển, làm sao trong ca dao lại có câu: Trường Sa đi có về không/Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi. Có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vì sao, vì biết ra ngoài đó 90% là chết. Nhưng họ vẫn đi vì đó là quê hương, là lẽ sống.

* Xin cảm ơn ông!

Bài kết: Với biển - phải nhìn thật sâu vào bờ

Kiều Trinh (thực hiện)

Đọc và Nghĩ

Tư duy biển với lịch sử Việt Nam

Những truyền thuyết ít giá trị sử liệu hiện còn không đủ là cơ sở để nhận định, nhưng trước thế kỷ X, tư duy về biển của người Việt dường như cũng chưa mấy rõ ràng. Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang vẫn trồng dưa hấu để bán, An Dương vương bị phá hỏng nỏ thần thua trận chạy tới bờ biển là kể như cùng đường. Nhưng sau khi Việt Nam giành được độc lập từ thế kỷ X trở đi thì khác. Ngô Quyền phá quân Nam Hán, nhà Trần chống Nguyên Mông đều dựa vào thủy quân, những xung đột quân sự với Chiêm Thành trước chiến tranh Nam - Bắc triều cũng cho thấy người Việt Nam không hề thờ ơ với biển đảo…

Tình hình thay đổi từ thế kỷ XVI trở đi, nhất là sau khi quốc gia Đại Việt bị tách thành hai tiểu quốc Đàng Ngoài - Đàng Trong. Với bộ phận dân tộc ở Đàng Trong phải phát triển xuống phía Nam men theo bờ biển, biển cả không chỉ là nguồn tài nguyên về tôm cá mà còn là điều kiện cho hoạt động thương nghiệp biển - ngoại thương. Tư Dung vãn của Đào Duy Từ đã nói tới những cánh buồm thương nhân - thị dân trên vùng biển miền Trung “Buồm ai dàng dạng chân trời, Phất phơ cờ gió thẳng vời chèo trăng”.

Sau thương cảng Hội An thế kỷ XVI - XVII, người Việt Nam ở Đàng Trong lại có thêm thương cảng Hà Tiên thế kỷ XVIII. Các đền miếu thờ Long vương, Hải thần, Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần, phong tục thờ Cá Ông, các bài vè đi biển... phổ biến suốt vùng duyên hải Việt Nam từ đèo Hải Vân trở vào Nam còn cho thấy người Việt Nam ở Đàng Trong đã nhất hóa nhiều yếu tố biển vào với sinh hoạt vật chất và tinh thần của cộng đồng mình. Biên chế của quân đội Đàng Trong có đơn vị thuyền, Thích Đại Sán đi thuyền do thủy quân chèo tay từ Thuận Hóa tới Hội An chỉ mất có một đêm, và nếu nhớ lại cách thức trưng binh của họ Nguyễn Đàng Trong thì có thể thấy thủy quân Đàng Trong là những ngư dân tài giỏi nhất được phiên chế vào binh tịch, nên không lạ gì mà thủy quân Đàng Trong từng đánh bại cả hạm đội Hà Lan.

Bên cạnh việc đón tiếp thuyền Châu Ấn từ Nhật tới, chính quyền Đàng Trong cũng cử thuyền Long Bài qua Nhật Bản - bộ tranh khắc gỗ Xuân họa phù thế hội chi mê hoặc của Fukuda Kazuhiko thậm chí còn có bức thể hiện cảnh “thương nhân Giao Chỉ” hành lạc với kỹ nữ Nagasaki.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, tạp chí Tia Sáng

Hướng biển, nhưng dừng lại ở ven bờ

Về xu hướng lịch sử, người Việt luôn tiến về phía biển, mở ra hướng biển. Nhưng về thực chất, tổ tiên ta lại luôn dừng lại ở ven bờ… Biển không là đối tượng của những nỗ lực khám phá và chinh phục để phát triển. Khát vọng biển không phải là “vượt đại dương” tìm những bờ bến mới như Magellan hay Columbus đã làm, mà chỉ là mong ước “tôm cá đầy ghe”. Phải có đủ ý chí để vượt qua cái ao nhà “dù trong dù đục”. Phải có một tư duy mới về phát triển.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên,Viện Kinh tế Việt Nam.

Rừng vàng, sao biển chỉ bạc?

Nghề đánh bắt cá hay cư dân sống trên sông nước chỉ có trong cổ tích với những nhân vật như Trương Chi, Chử Đồng Tử… luôn có vị thế xã hội thấp kém hơn người, nghề khác; biểu hiện bằng những mối tình với tầng lớp trên là tiểu thư con quan, công chúa con vua. Người Việt cũng hay nói “tấc đất tấc vàng”, “rừng vàng biển bạc”, với hàm ý đất đai có giá trị cao nhất, cần giữ chặt không xa rời.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm