Những trăn trở từ 'sự cố tắt tiếng Quốc ca' trên YouTube

11/12/2021 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đã 4 ngày qua kể từ vụ việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên nền tảng YouTube khi phát sóng lễ chào cờ tại sân vận động Bishan (Singapore) ở trận Đội tuyển Việt Nam gặp Đội tuyển Lào thuộc Giải vô địch Bóng đá Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup 2020.

Phổ biến Quốc ca: Làm thế nào để 'an toàn' trên môi trường số?

Phổ biến Quốc ca: Làm thế nào để 'an toàn' trên môi trường số?

Tối ngày 6/12, hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam ngỡ ngàng khi trên một kênh YouTube, đơn vị giữ bản quyền phát sóng trận đấu giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup đã “tắt” tiếng trong phần nghi lễ hát Quốc ca đầu trận đấu.

Đây là thời gian đủ để cho cảm xúc lắng lại và lý trí lên tiếng để bảo đảm từ nay về sau không lặp lại “sự cố bản quyền” liên quan đến Quốc ca (hay Quốc huy, Quốc kỳ của Việt Nam, v.v.) như đã xảy ra vào tối 6/12.

Tình yêu mãnh liệt đối với quốc ca

“Sự cố tắt tiếng Quốc ca” trong tối 6/12 để lại nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Song điều đọng lại rõ rệt nhất là tình cảm sâu nặng của những người dân Việt đối với bài hát Tiến quân ca do cố nhạc sỹ Văn Cao sáng tác – Quốc ca của Việt Nam trong suốt 76 năm qua.

Những người theo dõi trận đấu bóng đá Việt Nam – Lào được phát trực tuyến trên kênh YouTube của Next Sport - đơn vị giữ bản quyền truyền thông giải bóng đá AFF Cup 2020 tại Việt Nam, đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc do không nghe được giai điệu thân thuộc khi các cầu thủ của chúng ta đang trang trọng đặt bàn tay phải lên ngực trái. Từ sự ngạc nhiên trước dòng thông báo về lý do bản quyền âm nhạc đến thái độ bất bình, giận dữ khi hiểu ra nguyên nhân phía sau sự cố. Cảm xúc này sau đó lan đến những khán giả đã xem trận đấu trên kênh VTV5, VTV6, nơi không bị “bàn tay” của YouTube can thiệp. Rồi những người không theo dõi trận đấu bóng cũng lên tiếng.

Chú thích ảnh
Tuyển Việt Nam hát Quốc ca trước một trận đấu. Ảnh: Hoàng Linh - TTXVN

Rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau được đưa ra về Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, luật lệ về bản quyền nói chung, quyền hạn của YouTube (một nền tảng chia sẻ video trực tuyến của Mỹ đã được Google mua lại năm 2006), trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, của Next Sport và của cả BH Media (công ty đã đăng ký bản quyền trên YouTube một bản phối khí Quốc ca Việt Nam do Hồ Gươm Audio sản xuất và phát hành).

Sự tranh luận, thậm chí là tranh cãi căng thẳng, diễn ra trên cộng đồng mạng suốt mấy ngày qua. Tuy nhiên, có một điểm chung mà mọi người đều thống nhất - “Quốc ca là điều thiêng liêng, là bất khả xâm phạm", "không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca" cũng như "không ai được phép "kinh doanh Quốc ca - biểu tượng của Tổ quốc”.  

Sự cố liên quan đến bản quyền Quốc ca trên YouTube là điều rất đáng tiếc, không ai mong muốn và không được phép xảy ra một lần nữa với bất cứ lý do nào. Song, sự việc tối 6/12 cũng có thể được coi là “phép thử” về lòng yêu nước, về lòng tự hào dân tộc, về truyền thống đoàn kết của người Việt Nam một khi lợi ích chung của cả cộng đồng bị xâm phạm.

Việc được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh, được nghe giai điệu Tiến quân ca hùng hồn trong các sự kiện quan trọng của Tổ quốc được tổ chức ở trong nước hay ở nước ngoài là quyền thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Điều đáng nói là các bạn trẻ - những người được sinh ra khi các cuộc kháng chiến cứu quốc với “cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” và “đường vinh quang xây xác quân thù” đã lùi xa - rất hăng hái bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của Quốc ca cũng như mọi biểu tượng khác của Tổ quốc, dân tộc; kịch liệt lên án các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng kẽ hở về bản quyền liên quan đến Quốc ca để trục lợi.

Sẽ rất đáng buồn và đáng lo ngại nếu sự cố tắt tiếng quốc ca rơi vào sự thờ ơ, lãnh đạm của người dân, đặc biệt là ở thế hệ người chủ tương lai của đất nước.

Chú thích ảnh
Hình ảnh dòng chữ thông báo ngắt tiếng bài Quốc ca Việt Nam trên màn hình

Cần công khai những bản Quốc ca chuẩn cung cấp miễn phí

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan quản lý có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc Tiến quân ca (Quốc ca) đã tuyên bố: Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm Quốc ca một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Lý do mà Next Sport biện minh rằng đơn vị này tắt tiếng Quốc ca Việt Nam vì lo ngại sẽ bị “gậy bản quyền” do công ty BH Media đã đăng ký bản quyền đối với bản phối khí của  Hồ Gươm Audio trên nền tảng YouTube là không thể chấp nhận được. Thật ra Next Sport đã hành xử gây phẫn nộ như vậy không chỉ với bản quốc ca Việt Nam mà cả với quốc ca một số nước khác ( Thái Lan, Malaisia)cũng bị kênh này tắt tiếng khi phát sóng trực tiếp trận  các trận đấu có đội tuyển các nước này, cũng chỉ bởi lý do sợ vi phạm bản quyền, giảm doanh thu.

Chú thích ảnh
Bản “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Tp Hà Nội bức xúc nói: "Chỉ vì mấy đồng bạc mà họ hành xử như vậy - không thể chấp nhận được !" Chắc chắn các cơ quan quản lý nhà nước về cấp phép và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mạng xã hội không thể làm ngơ và bỏ qua hành vi vi phạm hiến pháp, luật pháp, xúc phạm "lòng tự hào" dân tộc của Next Sport  cũng như để cho các hành vi tương tự tái diễn trong tương lai. Cho dù Next Sport chỉ đơn thuần vì mục đích thương mại,  họ cũng phải trả giá.

Tuy nhiên thực tế này cũng đặt ra một vấn đề. Đó là giống như mọi tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm Tiến quân ca (quốc ca) mà gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng bản quyền ( quyền tác giả) cho nhà nước và nhân dân Việt Nam bao gồm: ca từ, giai điệu chỉ hiện hữu và đi vào đời sống xã hội thông qua các bản ghi âm, phối khí cụ thể. Và mỗi bản ghi âm này do những tổ chức, cá nhân cụ thể thực hiện và họ có quyền đăng ký bản quyền sở hữu (quyền phái sinh) theo luật định.  

Quản lý nhà nước hiện đại ngày càng phải cụ thể hoá theo luật định. Đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, không thể không tuân theo các định chế luật pháp quốc tế trong đó có luật sở hữu trí tuệ. Vì vậy để đảm bảo người dân luôn được nghe Quốc ca tốt nhất, doanh nghiệp không còn phải lo ngại vì chuyện bản quyền, giảm doanh thu mà ngắt tiếng Quốc ca, rất cần có những bản ghi âm Quốc ca, Quốc thiều chuẩn mực, hùng tráng, trang trọng công khai cung cấp miễn phí cho các mạng xã hội, phục vụ các sự kiện quốc tế cũng như trong nước.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Văn Cao

Lấp kín những khoảng trống về quản lý và thực thi luật bản quyền

Sự cố "tắt tiếng Quốc ca" trên kệnh Next Sport vừa qua cho thấy vẫn còn những khoảng trống về công tác quản lý và thực thi luật bản quyền.

Cho đến nay, qua những thông tin được đăng tải công khai thì người dân vẫn chưa rõ ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm liên đới trong “sự cố về tắt tiếng Quốc ca”,… Nhưng cái khoảng trống về quản lý trong việc cung cấp và sử dụng Quốc ca, Quốc thiều thì đã rõ. Chỉ khi nào những khoảng trống này được lấp đầy, cơ quan quản lý nhà nước được giao giữ gìn và phát huy giá trị của Quốc ca công khai những bản Quốc ca, Quốc thiều chuẩn mực, hợp pháp, có những quy định, quy trình rõ ràng mang tính pháp lý về việc sử dụng Quốc ca, Quốc thiều trong mọi sự kiện thì các sự cố tương tự mới không tái diễn.

Bên cạnh giá trị thiêng liêng mang tính phổ quát của Quốc ca thì qua sự cố vừa qua cũng làm sáng tỏ thêm một khía cạnh mới: Đó là các tài sản văn hoá, tài sản trí tuệ của dân tộc cần được khai thác và pháp huy một các phù hợp; cơ quan được giao nhiệm vụ trông giữ cũng phải sâu sát để kịp thời ngăn chặn, không để đơn vị, cá nhân nào có thể tuỳ tiện lợi dụng, mang Quốc ca - tài sản của đất nước đi kinh doanh, thương mại hoá, trục lợi.

BH Media đăng ký và có quyền sở hữu đối với bản phối khí quốc ca do Hồ Gươm Audio sản xuất và uỷ nhiệm là đúng quy định theo Luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng khi bản phối khí này được mang ra kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, liệu họ đã xin phép người, cơ quan đang giữ quyền tác giả hay chưa?

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đơn vị tiếp nhận việc trao tặng quyền tác giả từ gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao cần có tiếng nói kịp thời trước các hiện tượng mới xuất hiện trong đời sống đang ngày càng “số hoá” nhanh chóng này. Những việc làm này đi ngược lại tình cảm của triệu triệu người con đất Việt Nam coi Quốc ca là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là tài sản chung của toàn dân tộc, không thể bị chiếm hữu làm tài sản riêng dù chỉ ở một bản phối khí.

Ở góc độ pháp lý, Việt Nam trên đường hội nhập với thế giới nên có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế về bản quyền, trong đó có bản quyền âm nhạc. Mọi lỗ hổng hiện có về quản lý theo luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan cần được lấp kín một cách nhanh chóng và nghiêm túc. Nếu không, điều tương tự như đã xảy ra vào tối 6/12 trên nền tảng YouTube có thể lặp lại.

Trần Quang Vinh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm