Những ngả đường 'ngoài công lập'

03/06/2019 07:10 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Khi dư âm ngày Quốc tế Thiếu nhi còn chưa chấm dứt và khi học sinh của các khối lớp khác đang vui vẻ tận hưởng những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Hè thì tại Hà Nội và TP.HCM, ngày 2 và 3/6, hơn 160.000 học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 phải bước vào một cuộc đua căng thẳng: quyết tâm “giành một vé” vào lớp 10 công lập…

Năm học 2019-2020: 4 môn thi bắt buộc vào lớp 10 công lập tại Hà Nội

Năm học 2019-2020: 4 môn thi bắt buộc vào lớp 10 công lập tại Hà Nội

Năm học 2019-2020, thí sinh Hà Nội phải thi 4 môn bắt buộc để xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập, thay vì chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn như năm học trước. Theo dự kiến, kỳ thi sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3/6 với 4 bài thi độc lập: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh và Lịch sử.

Học xong phải thi là chuyện hết sức bình thường, học hết cấp này thì thi chuyển lên cấp trên là đúng quy luật. Thời chúng tôi đi học, gọi là thi vào cấp 3, còn bây giờ là thi vào lớp 10.

Năm nay Hà Nội có 85.870 thí sinh dự thi vào các trường công lập, thế nhưng thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hệ thống trường công lập, công lập tự chủ tại Hà Nội chỉ đủ chỗ cho 67.230 học sinh, số còn lại khoảng sẽ phải chuyển sang học dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Tương tự, tại TP.HCM, dự kiến cũng có khoảng 13.000 thí sinh không trúng tuyển sau kỳ thi phải chuyển sang học các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề.

Không giành được “tấm vé công lập” - Đây mới là bài toán làm đau đầu các bậc phụ huynh, mới chính là mấu chốt khiến cho các em học sinh và gia đình căng thẳng, áp lực.

Chú thích ảnh
Thí sinh làm bài thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Xử lý các tình huống này như thế nào, khi mà các em mới đang ở cái tuổi còn non nớt lại không đạt được ước mơ “công lập” của mình? Dễ nhận thấy nhất là trường dân lập thì học phí chính là gánh nặng mà rất nhiều gia đình không đủ điều kiện cho con em theo học.

Một số trường dân lập uy tín thậm chí năm ngoái điểm xét tuyển cũng cao tương đương công lập. Thêm vào đó, cái tư duy “trượt trường công mới chuyển sang trường tư” cũng là một rào cản trong suy nghĩ của nhiều người, tạo ra áp lực không đáng có cho con em mình, cần phải xóa bỏ.

Một ví dụ là mới đây, một học sinh “suốt 9 năm học, cả cấp 1 và 2, em đều là lớp trưởng và đều trong diện top các học sinh có thành tích xuất sắc trong trường”, ấy vậy mà đã bị trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội.

Em chia sẻ cảm xúc “thất bại” của mình lúc đó “giống như chiếc xe đang lên đến gần đỉnh núi thì tụt dốc vèo xuống hẳn vực thẳm”. Đó là những ngày em và cả gia đình hỗn loạn, Phải mất gần 3 tháng khi vào học trường tư, được sự động viên của cô chủ nhiệm, em mới lấy lại được tinh thần, vượt qua được áp lực của việc thi trượt lớp 10, sống đúng với chính mình. Và tương lai vẫn rộng mở với em.

Ngay cả khi tình huống xấu nhất là các em trượt “toàn phần” - cả công lập, cả dân lập? Vẫn còn phương án chuyển sang học trường dạy nghề.

Với quy định hiện nay, học xong lớp 9 các em có thể học Trung cấp các nghề như là quản trị khách sạn, hướng dẫn du lịch, bếp - ẩm thực… Khi học nghề, các em có cơ hội trải nghiệm triết lý đào tạo “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để làm người”, được học một nghề trước mắt nuôi sống bản thân.

Nếu so sánh với việc thi trượt đại học - cao đẳng, thì ở tuổi đó các em cũng đủ trưởng thành, cũng dễ dàng chọn hướng đi khác. Còn lứa tuổi lớp 9 này, khi gặp áp lực sẽ ảnh hưởng tâm sinh lý. Chính vì vậy, gia đình và xã hội cũng nên có cái nhìn cũng như đánh giá đúng mức, chia sẻ cũng như định hướng cho các em vượt qua khó khăn. Việc không thi đỗ vào trường công lập chưa phải là một thảm họa, và không phải học trường tư là không thành công trong tương lai.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm