Nhạc sĩ Cung Tiến - cố nhân xa rồi

07/06/2022 09:00 GMT+7 | Văn hoá

Nhạc sĩ Cung Tiến, cái tên rất quen thuộc với nhiều khán giả nghe nhạc Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 84 vào ngày 10/5 tại Mỹ.

Mưa, nắng, đêm… trong Trịnh Công Sơn

Mưa, nắng, đêm… trong Trịnh Công Sơn

Ca từ của Trịnh Công Sơn rất lạ, diệu kỳ và đa nghĩa, nhiều khi là khó hiểu. Mưa, nắng trong ca từ của ông đã không chỉ là mưa nắng bình thường mà mang ý nghĩa nhân sinh:“Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động…”.

Cũng như nhạc giao hưởng, chỉ dành riêng cho số ít người nghe trong xã hội Việt Nam, hầu như số người cảm thụ âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến đều có ít nhiều tri thức nhất định về âm nhạc, tâm hồn người nghe hướng về cõi thinh văn do người nhạc sĩ tạo nên. Vì thế, nhạc Cung Tiến không phổ thông như nhạc Trịnh Công Sơn, hay các dòng nhạc dành cho số đông. Nhạc Cung Tiến ở tần số khác dành cho những tâm hồn hoài cổ, những giai điệu và ca từ ở cung bậc thẩm mỹ cao, sang trọng và như chỉ dành riêng cho một giai tầng có tri thức thưởng ngoạn.

Vào năm 1979, khi học guitar classic do thầy Trương Huệ Mẫn dạy, tôi biết đến nhạc Cung Tiến qua những bản nhạc semi classic do thầy Bùi Thế Dũng chuyển soạn cho guitar như: Hoài cảm, Thu vàng, Hương xưa…

Sau khi ông định cư ở Mỹ, một thời gian khá dài, các ca khúc của ông vắng mặt ở quê nhà. Đến những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3, ca sĩ Camille Huyền (giờ là chủ nhân của Bến Xuân) đã được cấp phép hát nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến ở Việt Nam, sau đó chị cùng với nhạc sĩ Walther Giger có ra album cho các ca khúc của nhạc sĩ Cung Tiến vào năm 2008.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Cung Tiến thời trẻ

Tâm hồn nhạy cảm của thần đồng âm nhạc

Chưa kể đến giai điệu, chúng ta không thể nào hình dung một thiếu niên 14, 15 tuổi đã viết lời cho bài Hoài cảmThu vàng với những hình ảnh vượt ngoài sức tưởng tượng của những thế hệ cùng thời hoặc lớn hơn. Như những câu trong bài Hoài cảm:

Lòng cuồng điên vì nhớ

Ôi đâu người đâu ân tình cũ

Chờ hoài nhau trong mơ

Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa

Hay trong ca khúc Thu vàng:

Mùa Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi

Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi

Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi

Nghe chừng đâu đây màu tê tái

Chú thích ảnh
Và lúc cuối đời

Âm nhạc của Cung Tiến dập dìu như người kể chuyện và tả cảnh lãng mạn. Âm hưởng buồn man mác, bằng ngôn từ rất mới và giai điệu quý phái như chắp cánh nâng tâm hồn người thưởng thức du dương vào cõi hồn của nhạc sĩ. Tác giả đã vẽ nên khung cảnh thanh bình, yên ả… trong bản Hương xưa.

Người ơi

Một chiều nắng tơ vàng hiền hòa

Hồn có mơ xa

Người ơi

Đường xa lắm con đường về làng

Dìu mấy thuyền đò

Còn đó tiếng tre êm ru

Còn đó bóng đa hẹn hò

Còn đó những đêm sao mờ

Hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu

Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao

Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao

Còn đó tiếng khung quay tơ

(Hương xưa)

Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...

Ngập ngừng xa... suối thu dồn lá úa trôi qua

(Nguyệt cầm)

Mắt hoa vừa sáng ngời mùa Xuân đó

Tóc hoa vừa rối bời mùa Thu đó

Lối quen mòn chân êm bước đôi tình nhân âu yếm như mùa Xuân trắng ngần

(Mắt biếc)

Giai điệu phương Tây chuyển tải tự tình dân tộc

Âm hưởng thánh ca, một số ca từ hướng đến hư vô, hồn, tái sinh và mơ về kiếp xa xôi… trong ca khúc của nhạc sĩ:

Ôi, những đêm dài

hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ

Dù đã quên lời hẹn hò

Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha

Chờ đến bao giờ tái sinh cho người

Ngoài sáng tác, ông còn phổ thơ của các thi sĩ: Thôi Hiệu, Quang Dũng, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ…

Năm 1987, nhạc sĩ Cung Tiến cho ra đời tấu khúc viết cho dàn giao hưởng lấy cảm hứng từ Chinh phụ ngâm khúc. Hợp tấu khúc đồ sộ có âm hưởng hoàn toàn Á Ðông viết cho 21 nhạc khí phương Tây.

Trong hội họa, các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương được học kỹ thuật hội họa phương Tây nhưng khi các họa sĩ thể hiện tác phẩm thì nội dung hầu hết là cõi hồn dân tộc. Trong âm nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến cũng vậy, các giai điệu mang âm hưởng cổ điển phương Tây nhưng ca từ lại là những tự tình dân tộc.

Vài nét về nhạc sĩ Cung Tiến

Nhạc sĩ Cung Tiến sinh ngày 2/11/1938, tên thật là Cung Thúc Tiến. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Trong gia đình Cung Tiến không có ai theo con đường âm nhạc, nhưng ông lại đam mê âm nhạc từ nhỏ. Cung Tiến bắt đầu sinh hoạt văn nghệ từ thời còn là học sinh tiểu học, đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường khi lên tới trung học.

Ngay từ thời niên thiếu, Cung Tiến đã được học nhạc tại trường trung học Nguyễn Trãi khi còn ở Hà Nội. Năm 1952, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn và học các lớp ký âm, xướng âm do 2 nhạc sư nổi tiếng là Thẩm Oánh và Chung Quân hướng dẫn.

Ngoài sáng tác nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến còn đóng góp rất nhiều khảo luận cùng những nhận định về nhạc dân gian Việt Nam và nhạc hiện đại Tây phương. Trong văn học, Cung Tiến đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học hay như dịch thuật, cho một số các tạp chí vào những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương. 2 trong số các tập truyện ngắn mà ông đã dịch và xuất bản ở Việt Nam đó là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoevsky và Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn.

Lê Huỳnh Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm