Nhà văn Vũ Hạnh - Chiến sĩ bảo vệ văn hóa dân tộc bằng 'bút máu'

06/10/2015 11:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 5/10, Hội đồng lý luận - phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học nhân dịp nhà văn Vũ Hạnh sinh nhật 90 tuổi và ra mắt tuyển tập “Vũ Hạnh - Đời văn, chiến sĩ” do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Nói đến nhà văn Vũ Hạnh, bạn đọc nhớ đến ông với ngòi bút xông pha trên nhiều thể loại. Ở truyện ngắn, Vũ Hạnh được nhắc đến nhiều nhất với truyện ngắn Bút Máu, Chất ngọc, Mùa Xuân trên đỉnh cao, Vượt thác, Một người khách viếng nghĩa trang… Trong đó, Bút máu trở thành truyện ngắn có sức sống vượt thời gian trong lòng bạn đọc.

Với thể loại tiểu thuyết, Vũ Hạnh có 3 tác phẩm: Lửa rừng, Con chó hào hung và Cô gái Xà Niêng. Ở thể loại tiểu luận, phê bình, ông có Người Việt cao quý, Đọc lại truyện Kiều, Văn hóa và mạo hóa… Trong đó, Người Việt cao quý in năm 1965 tại Sài Gòn khi văn hóa Mỹ đang du nhập mạnh vào miền Nam, cuốn sách này đã được sinh viên, thanh niên tìm đọc và tìm thấy tinh thần văn hóa dân tộc.


Nhà văn Vũ Hạnh tại tọa đàm về “đời văn, chiến sĩ” của ông

Tính đến nay, nhà văn Vũ Hạnh viết trên dưới 60 tác phẩm dưới nhiều thể loại, ông được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông được nhiều bạn đọc nể trọng khi trong hoàn cảnh đấu tranh đơn tuyến ngay lòng địch nhưng vẫn xuất bản được tác phẩm thể hiện rõ nét “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” và được đánh giá cao. Đặc biệt, các tác phẩm của ông góp phần chống lại sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài và đề cao tinh thần yêu nước.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn, cho biết: “Anh Vũ Hạnh khéo léo đấu tranh trong lòng địch dù bị bắt tù đày nhiều lần. Khi anh viết Người Việt cao quý, anh dùng bút danh A.Pazzi khiến người đọc tưởng là người Ý viết về người Việt. Tại miền Bắc thời chiến, do đặc thù công việc, tôi được tiếp cận Người Việt cao quý và thấy rằng nhà văn Vũ Hạnh như một chiến sĩ bảo vệ văn hóa dân tộc bằng “bút máu” ngay trong lòng địch”.

Ở tuổi 90, nhà văn Vũ Hạnh vẫn rất khỏe, ông tự chạy xe gắn máy đi gặp bạn bè. Nhiều bạn văn cho biết ông chỉ ăn gạo lứt và thường xuyên nhịn ăn. Nhà văn Hoàng Đình Quang, cho biết: “Anh Vũ Hạnh thường nhịn ăn, vì anh cho rằng con người cũng như thiên nhiên. Cái cây ở vùng đất cằn khô nhìn héo úa nhưng chỉ cần một cơn mưa lập tức xanh tốt. Tập cho cơ thể nhịn ăn cũng như cái cây ở vùng đất khô cằn, chứ thực chất nội lực lại rất khỏe”.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam. Ông bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 1945. Trong kháng chiến chống Mỹ (từ 1956 - 1975), ông hoạt động tại Sài Gòn. Sau 30/4/1975, nhà văn Vũ Hạnh làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, ủy viên ban chấp hành Liên hiệp các Hội Văn nghệ TP.HCM.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm