Nhà văn Sơn Tùng - một người có trí mệnh

26/07/2021 11:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 39 năm, một ngày Hè năm 1982, sau khi tiểu thuyết Búp sen xanh ra mắt bạn đọc, NXB Kim Đồng đã mời tác giả Sơn Tùng đến nói chuyện với toàn thể anh chị em trong cơ quan. Đã được “gặp ông” trên từng trang bản thảo Búp sen xanh từ trước khi sách ra đời, nhưng lúc đó, tôi mới được diện kiến nhà văn Sơn Tùng...

Nhà văn Sơn Tùng: Một nhà văn đặc biệt với ý chí sống và sáng tạo phi thường

Nhà văn Sơn Tùng: Một nhà văn đặc biệt với ý chí sống và sáng tạo phi thường

Thông tin Nhà văn Sơn Tùng qua đời ở tuổi 93 khiến cho giới văn chương, những người bạn thân thiết và độc giả yêu mến ông vô cùng tiếc thương một nhà văn, một con người đặc biệt với ý chí sống và sáng tạo phi thường.

Gương mặt ông ở tuổi 54 thần thái sáng ngời, giọng nói xứ Nghệ rất dễ nghe, rất truyền cảm. Ông kể về những chuyến đi tìm hiểu tư liệu cho cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh, về bà nội của bé Côn - bà Hà Thị Hy còn được gọi là “cô Đèn” - về bạn bè với cậu Côn ở Huế như nhân vật Công Tôn Nữ Huệ Minh và về nhân vật Út Huệ…

Nhà văn Sơn Tùng khiến cho cả phòng họp ngồi im phăng phắc, người nghe như bị “nhập đồng”. Những nhân vật của tiểu thuyết trở nên sống động như đang đi lại trước mặt…

Tôi ngạc nhiên trước nội lực thoát lên từ vẻ hào sảng của diễn giả Sơn Tùng, dường như ông không hề là một thương binh nặng. Sự thực, bàn tay ông bị thương co quắp thành tật, một nửa người đã từng bị liệt, trong não còn 3 mảnh đạn không lấy ra được… Sự say sưa nhiệt huyết của nhà văn đã khiến ông quên hết tất cả thương tật, chỉ có những cảm xúc rực rỡ chan hòa trên nét mặt. Nhìn ông như vậy mà sao cảnh tượng trận đánh ác liệt ngày 15/7/1971 ở Chiến khu Tây Ninh như bỗng hiện ra mờ nhòa trước mắt tôi. Cảnh máy bay trực thăng của quân địch nhào xuống xả đạn M79 vào khu vực cơ quan báo Thanh niên Giải phóng nơi Sơn Tùng đang làm việc. Trong trận chiến đấu ấy, ông đã bị trúng 14 mảnh đạn vào người…

Chú thích ảnh
Nhà văn Sơn Tùng (thứ hai từ trái sang), nhà văn Lê Phương Liên (thứ tư) họa sĩ Lê Lam (phải) tại Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), tháng 4/1988

“Chiếu văn” trong ngõ Văn chương

Sau khi nhà văn Sơn Tùng đã là cộng tác viên thân thiết của NXB Kim Đồng, tôi đã thường đến thăm nơi ở của gia đình nhà văn tại khu tập thể Văn Chương. Căn hộ nhỏ, đồ đạc đơn sơ, ngăn nắp và đặc biệt là luôn vui vẻ tiếng nói cười của bạn bè nhà văn Sơn Tùng.

Tổ ấm của nhà văn Sơn Tùng đã là một “Chiếu văn” trong ngõ Văn Chương - phố Khâm Thiên. Cái tên Chiếu văn ra đời từ ngày nào không hay. Khách đến, cửa đã mở sẵn, chỉ việc ngồi sà vào chiếc chiếu đã được trải trên sàn nhà. Chủ nhà Sơn Tùng đã pha ấm nước trà rót mời khách. Câu chuyện trong Chiếu văn thật phong phú, chuyện văn chương kim cổ, chuyện lịch sử, kỷ niệm kháng chiến... nhưng nói gì thì nói, câu chuyện luôn quay về chủ đề chính: Bác Hồ!

Chiếu văn là nơi tụ hội nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu thế hệ kháng chiến chống Pháp như nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, nhà văn hóa Phan Ngọc, nhà nghiên cứu Đào Phan, nhà văn Minh Giang, nhà văn Siêu Hải và có các phóng viên trẻ, sinh viên đại học góp mặt… Nhà văn Sơn Tùng là người chủ trò, bất cứ người khách mới đến nào dù già hay trẻ đều được ông trân trọng giới thiệu với các khách đã có mặt trước, rồi câu chuyện lại tiếp tục…

Người khách mới đến thường im lặng ngồi nghe, sau đó có thể góp chuyện rôm rả. Người nào ngồi đã lâu nếu có việc bận, có thể xin phép ra về thoải mái. Chiếu văn chỉ có nước trà và chỉ nói chuyện thanh lịch không dung tục.

Ông Phan Ngọc đã nhận xét: “Sơn Tùng là một nhà văn theo kiểu riêng” (1).

Nhà văn Sơn Tùng có người bạn tri kỷ là nghiên cứu Đào Phan (em ruột nhà văn hóa Đào Duy Anh). Hễ có dịp gặp nhau là 2 ông lại nói chuyện về Đạo Khổng, Đạo Phật và tư tưởng Hồ Chí Minh… Theo ông Phan Ngọc, niềm đam mê nghiên cứu Hồ Chí Minh của Sơn Tùng vốn không phải là để nhằm mục đích viết văn mà là: “Do muốn tìm hiểu cách mạng, anh muốn tìm hiểu cuộc đời của Hồ Chí Minh từ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Côn. Nhờ quan hệ họ hàng từ trước giữa gia đình anh với gia đình Bác Hồ, anh được bà chị (Nguyễn Thị Thanh) và ông anh (Nguyễn Sinh Khiêm) của Bác kể lại cuộc đời của cậu bé Côn khi còn bé. Lòng chân thành của anh tranh thủ được lòng tin của 2 vị tiền bối và cụ Khiêm trao cho anh chính tập hồi ký của mình (Tất Đạt tự ngôn) (1).

Niềm đam mê nghiên cứu Hồ Chí Minh không phải chỉ riêng một mình Sơn Tùng nuôi hoài bão, trên thế giới hiện nay có những học giả tên tuổi đã và đang tìm hiểu tiểu sử Hồ Chí Minh rất kỹ lưỡng với nhiều quan niệm nghiên cứu khác nhau. Có học giả đã có sách xuất bản gây tiếng vang trong dư luận. Cũng theo ông Phan Ngọc: “Nhiều người muốn hình dung một Nguyễn Ái Quốc sau này là Hồ Chí Minh không có gốc rễ Việt Nam, hoàn toàn do tư tưởng Mác - Lê-nin tạo nên. Đây là một quan điểm siêu hình” (1). Sơn Tùng đã tìm hiểu tiểu sử Hồ Chí Minh theo một suy nghĩ riêng, chính ông đã nói lên mục đích viết tác phẩm Búp sen xanh để chứng tỏ rằng: “Các bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của một con người và đi vào đời…” (2).

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Phương Liên (phải) - tác giả bài viết - cùng cán bộ NXB Kim Đồng đến thăm nhà văn Sơn Tùng tại nhà riêng của ông ở Khu tập thể Văn Chương, ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, Hà Nội vào năm 2017

Đi lấy tư liệu về danh nhân như “đi khảo cổ”

Sơn Tùng là người có khiếu thơ văn, ông đã có bài thơ nổi tiếng Gửi em chiếc nón bài thơ được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc, công chúng rất yêu chuộng.

Bên cạnh khả năng thăng hoa cảm xúc, Sơn Tùng đã làm việc như một nhà nghiên cứu khoa học. Có lần ông đã tâm sự: “Đi lấy tư liệu về các bậc danh nhân của quá khứ đòi hỏi như người đi khảo cổ. Mỗi nơi một ít, năng nhặt nơi này, nơi kia, cứ kiên trì, gặp một ít, ghi một ít rồi ghép lại, tổng quát thành cấu trúc, sau đó tiếp tục khảo chứng đi, khảo chứng lại, bổ sung cho đến khi hoàn thành…” (3).

Khi đã là một thương binh nặng, Sơn Tùng mới thực bắt đầu một sự nghiệp nghiên cứu Hồ Chí Minh để viết thành tác phẩm. Thân thể ông đã tàn tật, mọi sinh hoạt ăn uống, viết, đọc, đi lại… của ông thực sự khó khăn. Người vợ yêu quý của ông là bà Phan Hồng Mai (chính là người y tá đã chăm sóc thương binh Sơn Tùng trong những ngày ông được đưa ra miền Bắc để chữa trị) đã là người trợ giúp chồng trong mọi việc. Những khi cần di chuyển ở Hà Nội, bà Hồng Mai là người đi xe đạp đèo chồng đi gặp các bậc trí thức lớn như bác sĩ Nguyên Khắc Viện, luật sư Vũ Đình Hòe, cựu chính trị gia Vũ Đình Huỳnh…

Khi đất nước thống nhất, việc đi lại giữa 2 miền đã thuận lợi, Sơn Tùng ước ao đi vào Nam để tìm hiểu những tư liệu về Bác Hồ. Những câu chuyện do bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm kể lại cùng những tư liệu mà Sơn Tùng đã được tin cậy gửi trao đã thôi thúc nội tâm ông mãnh liệt.

Nhà báo thương binh Sơn Tùng đã mạnh dạn xin giấy giới thiệu của Bộ Văn hóa để đến các địa phương miền Nam tìm hiểu tư liệu về Bác Hồ. Tiền lộ phí chưa có, vợ chồng ông đã bán tư trang để lên đường. Dù đường đi vất vả, sức khỏe có hạn, 2 vợ chồng ông đã lặn lội từ TP.HCM đến Sa Đéc, Cao Lãnh… rồi quay lại Phan Thiết (Bình Thuận), đến cố đô Huế, rồi trở về quê hương Nghệ An. Thế là đã dọc theo hành trình lịch sử đầu thế kỷ của người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi từ Làng Sen tới Bến Nhà Rồng để rồi ra biển lớn. Tới đâu vợ chồng Sơn Tùng cũng được mọi người quý mến và giúp đỡ.

Tại Cao Lãnh, cụ Nguyễn Thành Mậu, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Sa Đéc (là em ruột cụ Nguyễn Thành Tây - một học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh) đã niềm nở đón tiếp vợ chồng nhà báo Sơn Tùng. Đến TP.HCM, Sơn Tùng tìm gặp được bà Hồ Tường Vân, con gái cụ Hồ Tá Bang, thành viên sáng lập công ty nước mắm Liên Thành và sáng lập trường Dục Thanh (Phan Thiết). Những lời tâm tình chân thực của các nhân chứng lịch sử đã khiến Sơn Tùng cảm thấy mình mang một trách nhiệm lớn của người cầm bút không thể để những cuộc đời nặng nghĩa tình với Tổ quốc bị chìm trong quên lãng…

Những ghi chép tư liệu của Sơn Tùng về “các bậc danh nhân của quá khứ “đã thành một kho tư liệu khá dầy dặn phong phú. Vốn là một nhà báo Sơn Tùng tự thấy mình cần phải có một quá trình sửa soạn để đủ độ “chín” trước khi bắt tay vào tác phẩm ông ấp ủ từ lâu, viết về quê hương, tuổi thơ và tuổi hoa niên của Bác Hồ. Muốn làm việc lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ. Ông viết truyện ngắn đăng báo rồi tập hợp thành cuốn Nhớ nguồn (Tập truyện ngắn 1974), Con người và con đường (Truyện ký 1976).

Từ truyện ký viết về danh nhân lịch sử, Sơn Tùng dấn thân vào tiểu thuyết với Trần Phú (1980) và Nguyễn Hữu Tiến - Người vẽ cờ Tổ quốc (1981). Những năm tháng đó, cảm hứng sáng tác đến với Sơn Tùng dạt dào, ông bắt tay vào viết Búp sen xanh trong một tâm trạng thăng hoa và sâu lằng, nhập thân vào nhân vật như viết vể thời thơ ấu của chính mình…

Vượt lên mọi đau khổ để thực hiện trí mệnh của mình

Năm 1988, tôi đã có dịp được đi công tác cùng nhà văn Sơn Tùng và họa sĩ Lê Lam về Nam Đàn (Nghệ An) đến Làng Sen (quê nội) và Làng Chùa (quê ngoại) của Bác Hồ. Khi đi vào ngôi nhà thơ ấu của Bác Hồ, tôi cảm thấy Sơn Tùng xúc động rung rung khi chạm tới cánh cổng tre, đến cây mít sau nhà và mọi đồ đạc cũ kỹ… sự rung cảm như chính ông đã sống trong ngôi nhà đó, như ngôi nhà và mành vườn cổ kính ấy đã là cái nôi thơ ấu của ông từ tiền kiếp.

Thật khó có tác giả tiểu thuyết nào đã có sự nhập thân sâu sắc vào nhân vật chính của mình được như nhà văn Sơn Tùng…

Tôi nhận được tin nhà văn Sơn Tùng từ trần vào rạng sáng ngày 23/7/2021. Tâm trạng tôi bồi hồi khôn tả, tôi đã được biết nhà văn Sơn Tùng đã 2 lần “thập tử nhất sinh”.

Lần thứ nhất bị trọng thương vào năm 1971. Từ cõi chết, ông đã hồi sinh và nhận được hạnh phúc từ bà Phan Hồng Mai - người vợ yêu quý của ông. Cũng từ đó, sự nghiệp văn học của ông thăng hoa, tác phẩm Búp sen xanh và hơn 20 tác phẩm của ông đã ra đời xác lập một tên tuổi nhà văn Sơn Tùng riêng một cõi trong văn đàn Việt Nam.

Lần thứ 2 là năm 2010, ông bị tai biến nặng ở tuổi 82 tưởng không qua khỏi. Chính lúc ấy bạn chiến đấu của ông là đồng chí Nguyễn Minh Triết đang là Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Minh Triết đã đến khu điều trị cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai và nói với các bác sĩ rằng: “Anh Sơn Tùng với tôi là những người đồng chí gắn bó keo sơn từ khi ở chiến trường Nam Bộ. Khi anh Sơn Tùng bị thương nặng, tôi đã cõng anh ấy đi cấp cứu. Anh Sơn Tùng là nhà văn được nhân dân yêu mến. Các đồng chí hãy cố gắng cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng”. (3)

Khi ấy, tình người cao quý và sức sống mãnh liệt của nhà văn Sơn Tùng đã cứu thoát ông khỏi "cửa tử". Nhà văn Sơn Tùng đã sống 11 năm nữa trong tình yêu thương của gia đình và bạn bè thân thiết. Ông đã sống để thể hiện trọn vẹn phẩm cách đặc biệt của mình. Ngoài danh hiệu Anh hùng lao động được Nhà nước trao tặng năm 2011, nhà văn Sơn Tùng từ chối mọi danh lợi khác, bởi đó không phải là một mục đích sống và viết của một nhà văn như ông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi nhà văn Sơn Tùng là “Một con người có trí mệnh” (4).

Giờ đây ông đã ra đi thanh thản. Ông đã sống trọn vẹn một đời vượt lên mọi đau khổ để thực hiện trí mệnh của mình. Xin cúi đầu vĩnh biệt nhà văn Sơn Tùng kính mến!

Nhà văn Sơn Tùng mất hồi 23h05 ngày 22/7/2021 (13/6, năm Tân Sửu). Lễ viếng từ 7h30 đến 8h30 ngày 26/7/2021 tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). An táng cùng ngày tại nghĩa trang quê nhà (xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

(1): Trích bài “Phong cách Sơn Tùng” Phan Ngọc - trang 7, 8 sách Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh - Quyển 1- NXB Văn học 2019

(2): Bìa 4 “Búp sen xanh” - Sơn Tùng - NXB Kim Đồng 2001

(3): Trích theo trang 24 và trang 46 sách “Sơn Tùng - Sáng ánh tâm đăng giữa đời”, Lê Phương Liên biên soạn, bộ sách “Nhà văn của em” - NXB Kim Đồng 2012

(4): Bài “Một con người có trí mệnh” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - trang 5 “Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh”, quyển 1, NXB Văn học 2019

Nhà văn Lê Phương Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm