Nhà văn Nguyên Ngọc muốn lập Viện Nghiên cứu Tây Nguyên

23/07/2013 07:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, “cà phê” với Nguyên Ngọc ở Hà Nội, tất nhiên vẫn về miền đất Tây Nguyên - tình yêu lớn của ông, nhận thấy cảm xúc thân thương như mấy chục năm nay vẫn thế…

Đó là buổitrò chuyện để giới thiệu cuốn sách nghiên cứu về người Gia Rai có tên Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jorai Đông Dương của tác giả quá cố người Pháp Jacques Dournes. Đây là sự kiện thuộc salon văn hóa Cà phê thứ Bảy của cà phê Trung Nguyên. Sách do Nguyên Ngọc dịch. Đầu tháng 6, ông cũng đã có buổi giới thiệu sách tương tự ở TP.HCM.



Nhà văn Nguyên Ngọc nói chuyện trong chương trình Cà phê thứ Bảy

Ông kể, cách đây mấy tháng, ông về lại Tây Nguyên. Nhóm của ông đi xe máy khoảng 40 cây số theo đường quốc lộ. Đến nơi, người chủ nhà trong làng mang rượu ra đãi khách. Ông để ý mấy chiếc cốc uống rượu nhỏ bằng trúc rất đẹp, trên đều được khắc hoa văn. Đến hôm ra về, nhà văn xin một chiếc cốc làm kỷ niệm vì hoa văn quá đẹp. Chủ nhà cười bảo “Như thế chưa đẹp đâu” và lấy cây trúc trên dàn bếp xuống, “biểu diễn” khắc hoa văn tại chỗ, mất khoảng 20 phút. Nhà văn mang món quà về, hiện vẫn lưu giữ ở Hội An.

Nhà văn Nguyên Ngọc đã địch khá nhiều tác phẩm viết về Tây Nguyên như:Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jorai Đông Dương (dự kiến 3 tập, hiện đã ra tập 1), Miền đất huyền ảo. Rừng, đàn bà, điên loạn, Tọa độ, Người Ê Đê - một xã hội mẫu quyền (dịch chung với Phùng Ngọc Cửu)…

“Trong cộng đồng người Tây Nguyên, nhà được dân làng kính trọng không phải vì có nhiều tiền, có nhiều công cụ sản xuất mà là những nhà biết chơi văn hóa, chẳng hạn có cái chiêng thật to. Họ coi trọng cái sang hơn là cái giàu” - nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ.

Nhà văn Rừng xà nu nói tiếp: “Tây Nguyên nay đã thay đổi và biến chuyển nhiều, nhưng trong mắt xã hội Việt Nam, cách nhìn về nơi đây vẫn như trước năm 1975. Trong 38 năm nay, đã có vài công trình nghiên cứu về Tây Nguyên, kể cả của Nhà nước, nhưng khi hoàn thành đều bị cất vào tủ, không ai nghiên cứu thêm, không ai đọc, không ai sử dụng”.

Nguyện vọng của ông là thành lập một viện nghiên cứu với vài người tâm huyết ngay tại Đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, nơi ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. “Khoảng 100 triệu đồng là làm được” - ông nói - “Người Pháp có hàng nghìn công trình nghiên cứu về Tây Nguyên, riêng tác giả Jacques Dournes tôi đếm được hơn 300 tác phẩm. Tôi đang xin tiền để dịch tiếp và muốn xây dựng một thư mục sách về Tây Nguyên”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm