Nhà văn, họa sĩ A Sáng: 'Tôi đã viết một cuốn sách trong veo…'

05/07/2020 10:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - A Sáng, tên thật là Hoàng Văn Sáng, sinh năm 1976 tại Cao Bằng. Có hơn 20 năm viết báo, nhưng 5 năm gần đây, anh nổi lên như một họa sĩ của những bức tranh sơn dầu đầy “Thiền vị”. A Sáng được báo chí gọi là “sứ giả văn hóa Tày”, người “vẽ những giấc mơ”, người làm ra “miền tĩnh lặng”… Tranh của anh đã có mặt cả trên thế giới và trong nhiều ngôi nhà Việt.

Tản văn cuối tuần: Vẻ đẹp trong veo

Tản văn cuối tuần: Vẻ đẹp trong veo

Ngày còn chăn bò ở núi, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những con họa mi đất, sống thành bầy, kiếm ăn trong bụi cây, người Tày vẫn gọi chúng là “nộc chiêu”. Đó là loài chim không hót véo von như họa mi thường, chúng đa phần chui lủi dưới bụi cây với bộ lông màu đất, trông khá xấu, chỉ kêu những tiếng ri ri nhàm chán. Tôi không thích loài chim này, cứ mỗi lần nhìn thấy chúng, nghe chúng hót lại thấy buồn.

Sau 20 năm xuống núi, mưu sinh bận bịu nơi phố phường, anh đã tặng mình một khoảng lặng để viết nên cuốn tự truyện mang tên An trú trong yêu thương (NXB Hội Nhà văn, tháng 6/2020). Hãy cùng trò chuyện với họa sĩ A Sáng về cuốn sách đặc biệt này.

* Tôi tò mò rằng những năm tháng thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần ở miền núi quê anh. Cậu bé chăn bò ngày ấy có từng mơ ước trở thành nhà văn, họa sĩ?

- Bọn trẻ vùng cao thời của chúng tôi có lẽ không nhiều giấc mơ. Cuộc sống sau chiến tranh biên giới rất tàn khốc, khó khăn và hoang vu… Hàng ngày, chúng tôi đi chăn bò, nhặt củi… loanh quanh những trò chơi thôn dã nên việc mơ mộng không nhiều.

Tôi muốn nói rằng, giấc mơ về một ngày mai xa xôi gần như không tồn tại trong tư duy chúng tôi khi ấy. Tôi chỉ lờ mờ nhìn qua con đèo trước bản và nghĩ rằng: “Phía sau nó là gì? Nếu đi hết con đèo, đi nữa, đi mãi sẽ là cái gì?”. Chỉ đơn giản như vậy.

Còn việc mơ mình sẽ trở thành họa sĩ, nhà văn, hay một nghề nào đó tương tự thì hoàn toàn không! Thậm chí tôi không biết đến những từ “họa sĩ”, “nhà văn”… Thật sự không biết! Cho đến một ngày, khi tôi theo mẹ ra chợ phiên, thấy chú Xuân, người gần bản tôi, ngồi vẽ chữ Thọ để bán thì tôi mới biết có một nghề liên quan đến vẽ vời. Gian hàng vẽ chữ Thọ đó thu hút tôi bởi màu sắc của nó, những cái bút lông to tướng, mấy bát phẩm màu xanh đỏ, và cái cách chú Xuân vẽ những họa tiết trên nền vải đỏ đã cuốn hút tôi vô cùng…

Từ đó tôi hay vẽ linh tinh: Vẽ xuống đất, tường nhà, sách vở, gốc cây… Tôi bắt đầu vẽ con bò của mình vẫn hay chăn, vẽ mấy thằng bạn với cái mũi thò lò… Rồi dần dần tôi mơ mình có thể bày một gian hàng như chú Xuân ở chợ phiên, vẽ những bức chữ Thọ xanh đỏ để bán cho mọi người.

Tất cả chỉ có thế, tôi không biết gì khác ngoài những gì mình nhìn thấy.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn “An trú trong yêu thương”

* Vậy thì cơ duyên nào mà anh đến với thế giới văn chương, hội họa?

- Vào một buổi chiều, khi tôi rong bò về chuồng thì gặp 3 người lạ, họ mang theo nhiều thứ linh kỉnh và vẽ vời gì đó. Tôi rón rén mò đến xem. Thật sự bất ngờ, đó là những họa sĩ đi thực tế sáng tác, họ vẽ quá đẹp: Cánh đồng, dòng sông, sườn núi, bản làng, trâu bò, cây cối… cứ thế hiện ra qua nét vẽ của họ.

Tôi đứng đó rất lâu, không dám lại gần nhưng không thể rời đi. Cuối cùng 1 trong 3 họa sĩ đó đã vẫy tôi lại rồi trò chuyện với tôi. Họ thân thiện, hiền lành và còn cho tôi một cái bút chì cùng vài tờ giấy vẽ… Từ đó, giấc mơ về nghề vẽ đã bắt đầu hiện rõ trong tâm trí tôi. “Dứt khoát sẽ đi học vẽ” - tôi tự nhủ như vậy.

Riêng với văn chương mãi sau này, ngay cả khi đã đi làm ở báo Cao Bằng, tôi vẫn không nghĩ mình theo đuổi. Tôi bắt đầu tập tành viết lách chỉ vì mưu sinh, tôi không nghĩ và chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ đi theo nghề viết. Nhưng sau 2 năm cắm đầu vào viết báo, tôi đã tự khám phá ra một khả năng khác của mình là viết văn. Tôi viết thong thả, từ tốn, bản năng và không có một mục tiêu cụ thể nào. Tôi thích thì viết, không thích thì thôi. Viết để đó, rồi lâu lâu lại mở ra viết tiếp… Cứ như vậy nhiều năm và cho đến bây giờ tôi đã xuất bản hơn 5 cuốn sách, chủ yếu là văn xuôi.

* Điều gì thôi thúc anh viết nên cuốn tự truyện này?

- Cũng chẳng có gì thôi thúc ghê gớm cả, tôi chỉ muốn viết cuốn sách này như một sự tri ân tới những người thân thiết, ruột thịt của mình, cũng để tri ân cố hương và mảnh đất Hà Nội - 2 nơi này đã nuôi dưỡng tôi, rèn luyện và mài giũa tinh thần tôi để trở thành người tử tế.

Ban đầu, tôi không định viết theo lối tự truyện, nhưng càng viết tôi càng thấy nó giống với thể loại này. Tự truyện là một thể loại vừa dễ vừa khó. Dễ là ở chỗ chỉ việc kể lại những gì mình đã trải qua, nhưng khó vì thông thường tự truyện chỉ dành cho những người nổi tiếng, có tiếng nói quan trọng, nhân vật quan trọng… Còn tôi chỉ là người bình thường, thế nên làm sao để “tự truyện” của mình hấp dẫn là cả một thử thách.

Sau rất nhiều đắn đo, tôi vẫn quyết định viết theo lối tự truyện, tôi viết về mẹ, về bác gái, về nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, họa sĩ Thành Chương… nhưng đồng thời cũng tự viết về mình - những suy nghĩ, trải nghiệm của mình khi gặp gỡ và sống nhiều năm bên cạnh những con người ấy. Kể về họ cũng là kể về mình… Rồi tôi viết về thiền, vẽ tranh thiền… về những trải nghiệm của bản thân với thiền… để từ đó tự rút ra bài học cho cuộc sống của riêng mình.

Tôi muốn viết một cuốn sách chỉ nói về những điều tốt đẹp, sự may mắn mà tôi đã được ân hưởng từ cuộc đời, một cuốn sách trong veo về câu chữ cho đến thủ pháp văn chương. Một cuốn sách đơn giản và chân thực… Nói cách khác tôi muốn nhìn cuộc sống theo hướng lạc quan và tích cực, sau khi đã trải qua 20 năm lăn mình vào đời sống đô thị nhọc nhằn…

Chú thích ảnh
Nhà văn, họa sĩ A Sáng

* Đối với anh, thế nào là một nhà văn thành công?

- Rất đơn giản là có độc giả và sống được bằng nghề.

* Viết và vẽ, việc nào khiến anh yêu thích hơn? Vì sao lại thế?

- Rất khó để trả lời rành rọt câu hỏi này. Cả hai công việc đó đều cuốn hút tôi, tất nhiên, với hội họa, tôi thấy mình thoải mái hơn, nhưng văn chương cũng có sự thú vị riêng, dù viết là “trời hành”. Tôi từng bỏ viết khá dài, đôi lúc nghĩ mình không nên và không thể viết nữa, nhưng không hiểu sao từ trong sâu thẳm nhu cầu viết lách vẫn cứ âm ỉ, dai dẳng… để đến một ngày tôi lại ngồi xuống viết những gì đang khẽ gọi trong tâm thức của mình.

Đối với hội họa, tôi được đào tạo bài bản, đủ kiên nhẫn để tìm ra chính mình, mỗi lần bước vào phòng vẽ là một lần tôi thấy mình thật sự hạnh phúc, tôi có thể miên man trôi đi cùng với màu sắc cả ngày mà không hề thấy mệt mỏi. Nhưng khi viết, đôi khi tôi bị “hụt hơi”, bế tắc… cả đêm ngồi thừ ra mà chả được chữ nào. Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn buông bút, nhưng cái sự bứt rứt, âm ỉ, khó chịu cứ dai dẳng trong lòng… như thể có một tiếng gọi bí ẩn nào đó giữ tôi lại, muốn tôi tiếp tục viết và chỉ khi nào viết thì sự “khó chịu” ấy mới nguôi đi…

Chẳng ai bắt tôi viết, không có một mục tiêu nào cụ thể, không áp lực nào từ bên ngoài. Tất cả là tự chính bản thân tôi, một sự thôi thúc từ bên trong, một nhu cầu của nội tâm là được viết, được thể hiện những suy nghĩ của mình thông qua ngôn ngữ của văn chương.

Vì thế, nếu để nói cụ thể thì hội họa làm cho tôi thấy thoải mái, dễ chịu, còn văn chương là một nhu cầu tự thân. Cả hai công việc này có lẽ đã gắn chặt với số phận của tôi - một khi đã là công việc thì ý niệm thích hay không thích không còn quan trọng nữa. Hãy lao động thành thật thì cuộc sống mới trở nên rộng mở và có ý nghĩa với bản thân mình.

* Theo anh, “cái tôi” lớn có ích hay có hại đối với một người nghệ sĩ?

- Không chỉ riêng nghệ sĩ, tất cả chúng ta đều có một “cái tôi” của riêng mình. “Cái tôi” lớn hay bé không quan trọng, vấn đề là nhận ra “cái tôi” đó có phải đích thực của mình, vừa vặn với bản thân mình hay không mà thôi. “Cái tôi” là một khái niệm rất khó định nghĩa, đôi khi được hiểu nhiều cách khác nhau, nó có thể lẫn sang nhiều khái niệm khác mà bản thân chúng ta không hề biết.

“Cái tôi”, “cái ta”, hay cái gì đi nữa đều có tính hai mặt của nó. “Cái tôi” sẽ giúp người làm nghệ thuật tự tin với những gì mình đang tìm kiếm, nhưng nó cũng sẵn sàng phá hủy nghệ thuật của người nghệ sĩ nếu nhìn sai “cái tôi” của mình. “Cái tôi” cũng khiến nhiều người trở nên tự phụ, kiêu căng, hoặc hoang tưởng, nhưng cũng làm cho không ít người trở nên tự ti, mềm yếu đến độ cả cuộc đời không tìm ra chính mình…

Tôi không thuộc mẫu người triết lí, hay nghiên cứu về lí luận. Tôi là người hành động, cụ thể và đơn giản. Tôi chỉ tin khi đã trải nghiệm, luôn tìm cách nhìn mọi việc với con mắt đa chiều và tự tìm ra cách sống phù hợp với bản thân. Tôi hài lòng với những gì đang có, luôn đặt bàn chân mình ở mặt đất, từ tốn bước đi với hơi thở thật thoải mái. Khi biết mình là ai, khả năng ra sao, lớn bé thế nào, phù hợp với việc gì… thì mọi chuyện sẽ trở nên an bình, dễ chịu.

* Trong cuốn sách, người đọc có thể nhận ra 5 mảng: Trên con đường từ bản làng ra thành phố; Những người truyền cảm hứng; Hà Nội; Thiền; Sáng tạo... Đâu là phần ký ức khiến anh tâm đắc nhất, biết ơn nhất? Đâu là phần khiến anh viết “vật vã” nhất?

- Thực ra không cần thiết phải chia ra nhiều phần như thế, có thể nói có hai phần: các nhân vật ảnh hưởng đến đời sống của tôi và phần trải nghiệm của bản thân sau hai mươi năm lập nghiệp.

Cũng khó để nói đâu là phần tâm đắc, bởi đối với người viết thì phải viết hết mình. Tôi là người viết không cầu kì, không nhiều ẩn dụ, ngôn ngữ của tôi không nhiều lớp lang hoặc trau chuốt kỹ lưỡng. Tôi viết đơn giản, nhẹ nhàng vì con người tôi như vậy. Tôi muốn nhìn lại toàn bộ hành trình “xuống núi” của mình theo lối viết tích cực, tôi không muốn kể lể quá nhiều về những nhọc nhằn đã trải qua, tôi không muốn người đọc và chính tôi bị ngột ngạt thông qua trang sách của mình.

Văn chương có rất nhiều cách để tiếp cận, cũng có nhiều chiêu trò, hay còn gọi là nghệ thuật viết lách nhưng tôi không quá thiên về các “kĩ thuật” viết lách. Vì đây là cuốn tự truyện nên tôi chỉ viết ở dạng kể chuyện - kể một cách tuyến tính sao cho có hệ thống và dễ hình dung. Các nhân vật truyền cảm hứng của đời tôi cũng vậy, tôi viết về họ như cách vẽ chân dung cơ bản của hội họa, từ những nét thẳng, bắt đầu uốn nắn dần, rồi bắt đầu có đậm nhạt, màu sắc… cứ thế hiện ra từ từ, dần dần đến bao giờ tôi cảm thấy ưng ý thì dừng lại. Đến phần trải nghiệm bản thân cũng vậy, tôi cố gắng kể về những gì mình đã cảm nhận một cách rành mạch nhất. Tôi hi vọng những nhân vật, những trải nghiệm của tôi giúp ích được người đọc, hoặc có thể đồng điệu ở một vài vấn đề nào đó trong cuốn sách. Để đến khi gấp cuốn sách lại, cả tôi và bạn đọc đều có cùng một nguồn năng lượng trong sáng, lạc quan và yêu đời!

Chú thích ảnh

* Có khi nào anh khóc khi viết xong một câu chuyện của đời mình? Anh có thể chia sẻ với độc giả một vài khoảnh khắc như thế không?

- Có chứ, tôi đã khóc thật sự khi viết về mẹ mình, bác gái mình! Khi ngồi viết lại những gì mình đã được nhận từ người ruột thịt, bỗng nhiên sự xúc động dâng trào. Khi viết là tâm hồn mình quay về quá khứ, không gian ấy hiện ra rõ mồn một, thật đến độ cảm nhận được cả hương vị và màu sắc ấy.

Tôi thấy chính tôi lúc bốn tuổi chạy lon ton trong nhà, thấy bác gái tôi gội đầu và tắm cho tôi bằng nước đun với lá đào. Tôi cũng thấy mình ngủ ngon lành trong cái chăn chiên ấm áp và mẹ tôi bế tôi trong lòng… Tôi còn ngửi rõ mùi thức ăn khi bác gái tôi xới bát cơm trộn với tép rim khế chua… Rồi tôi thấy bố tôi bị bệnh, ho từng tràng dài, ông ngồi trên chiếc ghế xiêu vẹo được lót bằng cái chăn mỏng đượm mùi thuốc bắc. Tôi cũng thấy bố tôi nhoẻn cười với tôi - nụ cười tươi rói và lấp lánh chiếc răng bọc vàng…

Tất cả hiện về, vừa đẹp vừa buồn, đầy thân thương, đầy tiếc nuối… thế nên tôi tự rơi nước mắt, tự khóc sụt sịt một mình rất nhiều lần như vậy. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà bất cứ ai chỉ cần đa cảm một chút, chỉ cần nhớ tới người cha đã khuất của mình cũng sẽ khóc ngon lành. Tôi muốn nói tới cái khóc ngon lành - đây là trạng thái tâm lí thật linh thiêng. Trạng thái khóc - cười thực ra chỉ là một, khi bạn cười nhiều sẽ tự nhiên chảy nước mắt, khi bạn khóc trong sung sướng thì ngay sau đó bạn sẽ cười. Tôi không muốn khóc trong đau đớn vì sự sự tiếc nuối hay những sai lầm trong quá khứ. Hãy để quá khứ chỉ còn là một sự kiện và mình có thể lựa chọn những sự kiện có ý nghĩa nhất với mình. Quá khứ là để nuôi dưỡng tâm hồn, đừng biến quá khứ trở thành nỗi ám ảnh của tâm lí. Tôi nhận ra điều này khi tự khóc với những trang viết của chính mình. Và tôi khóc trong hạnh phúc!

* Anh có coi viết là một cách thực hành tâm linh?

- Tôi coi việc viết lách là một trạng thái thiền định, cách để tu học cho chính mình. Viết văn xuôi cần sự kiên nhẫn, sức khỏe và ý chí tập trung. Đây có thể coi là một cách để cho người viết tự thực thành phương pháp chú tâm với hiện tại. Chỉ khi nào thật sự chú tâm thì văn chương mới mở ra với chính mình. Viết chỉ để viết, khi viết là biết mình viết, không để bất cứ ý nghĩ ở ngoài nào xâm nhập… - như thế rất gần với trạng thái thiền định.

Tất nhiên, chỉ riêng với bản thân tôi là như vậy. Trên thực tế, có không ít những người viết có mục tiêu cụ thể rõ ràng mà văn chương họ vẫn hay, vẫn cuốn hút bạn đọc. Nhưng với tôi, viết trước hết là để cho chính mình. Vừa là người viết, vừa là độc giả của chính mình. Chỉ khi nào mình thật sự thấy ưng ý thì mới công bố, thậm chí việc công bố, xuất bản hay không cũng không trở thành vấn đề quan trọng. Bản thân tôi không bị phụ thuộc vào thu nhập từ việc viết văn, thế nên tôi vô cùng thoải mái và không bị bất cứ áp lực nào.

Tôi chỉ thấy mình đáng sống hơn khi viết, thấy được chính con người của mình khi viết. Thời gian vật lý để viết ngắn dài cũng không quan trọng, việc cần làm là chú tâm với hiện tại, không xao lãng bởi những ý nghĩ bên ngoài. Những lúc như thế, thật sự tôi đã sống trong trạng thái Thiền.

* Gia đình của anh có hỗ trợ sự nghiệp của anh với tư cách một nhà văn, một họa sĩ?

- Có rất nhiều, tôi có gia đình lớn, gia đình của riêng tôi, có hai cô con gái ngoan hiền… tôi có mọi thứ cần và đủ để lao động nghệ thuật. Mọi người yêu thương và chăm sóc tôi hết mình, vì thế tôi luôn cảm thấy mình may mắn vô cùng. Từ bé đến bây giờ, không ai trong gia đình áp đặt tôi phải làm thế này, phải làm thế kia, ngay cả việc tôi theo nghệ thuật cũng không ai ngăn cấm. Chị gái tôi đã nuôi dạy tôi suốt những năm trung học và đại học… Rồi bây giờ vợ tôi, con gái tôi đều ủng hộ tôi với công việc của mình. Tôi không phải mất thời gian vào những việc nhỏ nhặt trong gia đình. Tôi có xưởng vẽ riêng - một không gian hoàn toàn của tôi và làm những gì mình thích.

Gia đình đối với tôi rất quan trọng, tôi không đặt nghệ thuật lên trên gia đình. Tôi quan niệm rằng, muốn trở thành một cái gì đó lớn lao thì trước hết phải là một ông bố tốt, một người chồng có trách nhiệm, một người con hiếu thảo với cha mẹ. Nghĩa là, trước khi trở thành một nghệ sĩ thì hãy là một người bình thường. Đừng bao giờ lấy nghệ thuật và đặc thù công việc để biện hộ cho những yếu kém, hoặc sự vị kỷ của bản thân.

Tôi đã thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gội đầu và tắm cho mẹ mình khi bà cụ ốm nặng. Tôi thấy nhà thơ nổi tiếng và không thiếu tiền bạc nhưng vẫn tự tay nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc mẹ mình với một tinh thần hạnh phúc. Vì thế tôi có nói rằng, những bài thơ mà Nguyễn Quang Thiều viết về mẹ tôi tin hoàn toàn, tôi không bàn về thi pháp nghệ thuật, tôi tin và xúc động bởi chính tôi đã chứng kiến một nhà thơ yêu mẹ mình thật sự. Và tôi cũng tin, chỉ những người như thế mới có thể làm được thơ hay! Bất cứ loại hình nghệ thuật nào đều xuất phát từ trái tim và chỉ khi xuất phát từ trái tim nhân ái thì mới có thể thăng hoa và mang giá trị đích thực.

Vì thế yêu gia đình, có tránh nhiệm với người thân ruột thịt, biết yêu thương những người máu mủ với mình thì mới biết yêu thương người khác. Gia đình là năng lượng cơ bản và đầu tiên để người làm nghệ thuật bước vào thế giới của sự nhân văn.

* Anh sẽ ứng xử ra sao với những đánh giá/ bình luận về sách của mình?

- Lắng nghe và tự rút ra cho mình những bài học riêng. Như tôi đã nói, tôi viết vì nhu cầu tự thân, không bị bất cứ áp lực nào. Vì vậy những đánh giá, bình luận là việc bên ngoài, sẽ rất vui sướng nếu nhận được những đánh giá chính xác và bổ ích, nhưng cũng sẽ bình thản về những bình luận chưa chính xác hoặc thiếu thiện ý.

Ở tuổi này, tôi biết mình là ai, cao thấp thế nào, việc khen chê không thể thay đổi được điều gì. Mình viết trước hết là để cho mình, thế thôi.

* Xin cảm ơn anh!

Hòa Trai (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm