Nhà thực hành mẫu Ngô Kim Khôi: 'Thiết kế thời trang ở nước ta khá rườm rà'

02/10/2019 07:32 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ cương vị nhà thực hành mẫu (modelist) cho hầu hết các nhãn hiệu danh giá thế giới như Hermès, Christian Dior, Chanel, Balanciaga, Givenchy… với gần 30 năm kinh nghiệm, vừa qua Ngô Kim Khôi có buổi chia sẻ với Học viện thời trang Việt Nam ở TP.HCM về văn hóa và phân khúc thời trang cao cấp (haute couture). Buổi nói chuyện thuộc chủ đề Con đường thời trang cao cấp.

Ngô Kim Khôi: Với tôi - áo là người!

Ngô Kim Khôi: Với tôi - áo là người!

Ngô Kim Khôi, một modeliste (nhà thực hành mẫu) đã và đang làm việc cho những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Anh cũng tạo tác trang phục cho nhiều ngôi sao, như Catherine Deneuve, Nicole Kidmann, Madonna...

Ngô Kim Khôi chia sẻ thêm với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về thời trang và tương lai của thời trang Việt Nam.

* Với góc nhìn của một nhà thực hành mẫu, quan điểm của anh về thời trang cao cấp là gì?

- Dù đã lăn lộn gần hết các nhà mốt ở Paris, từ Christian Dior cho đến Yves Saint-Laurent, Jean-Louis Scherrer…, tôi vẫn nhớ mãi lời của nhà thiết kế John Galliano rằng, vấn đề của haute couture (thời trang cao cấp) nằm ở từng milimet. Nghĩa là phải có sự tỉ mỉ, chuẩn xác đến mức độ như vậy thì mới có được thời trang cao cấp. Tôi không nghĩ haute couture là một cái gì đó rất rườm rà, mà ngược lại, chúng phải là những trang phục đơn giản nhất, càng đơn giản càng khó làm, vì chẳng có gì để che đậy, dù là một lỗi rất nhỏ.

Chẳng hạn, một chiếc áo được may bằng loại vải cùng màu với da, thực hành hoàn toàn với chiều xéo buông thả, khi khoác lên người, ta có cảm giác nhẹ nhàng như chẳng mặc gì cả. Để làm được một chiếc áo như vậy, cần phải có sự tính toán cẩn thận cùng cái nhìn thuần khiết và tư duy thẩm mỹ tinh tế, uyển chuyển.

Chú thích ảnh
Nhà thực hành mẫu Ngô Kim Khôi

* Vài chục năm làm cho các nhà mốt khó tính như vậy, đâu là niềm vui và bản sắc của anh?

- Niềm vui ở thời trang có thể đến trong từng thiết kế hoặc trong những khoảnh khắc tôi nhìn thấy bộ trang phục mà mình thực hành xuất hiện trên sàn diễn. Nhiều niềm vui là vậy, nhưng tôi vẫn nhớ nhất hai kỷ niệm trong quãng đời làm nghề của mình.

Lần đầu vào năm 2006, tôi được giao thực hiện một chiếc áo cưới phức tạp với hàng chục loại đăng-ten khác nhau. Mỗi ngày đều có người đến chụp ảnh tiến trình công việc, trong khi mất cả tuần tôi mới loay hoay may xong cánh tay áo. Mãi sau này, qua báo chí, tôi mới biết đó là chiếc áo cưới của minh tinh Nicole Kidman.

Chú thích ảnh

Lần thứ hai là chiếc áo choàng cho danh ca Madonna trong chuyến lưu diễn cuối cùng của cô ở châu Âu. Đến nay, tôi vẫn giữ kỹ bản vẽ và những miếng cắt đầu tiên của chiếc áo để làm kỷ niệm.

Thế nhưng, đối với tôi, không phải vì họ là những ngôi sao, minh tinh màn bạc mà mình phải đặt nhiều tâm huyết hơn vào tác phẩm so với những người khác. Mỗi tác phẩm làm ra phải mang giá trị nghệ thuật và dưới con mắt của nghệ thuật, tất cả đều ngang bằng nhau. Phải làm bằng sự tận lực của mình, phải có cả cái duyên và sự may mắn thì tác phẩm ấy mới tạo được ấn tượng riêng.

* Vì sao anh luôn nói mình đến với thời trang là nhờ một chữ “duyên”?

- Để nói hết cái duyên tri ngộ của tôi với thời trang có lẽ phải nhắc đến những cái duyên khác trong hội họa, âm nhạc, văn chương. Ông ngoại tôi là họa sĩ Nam Sơn, người đồng sáng lập ra Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ lão thành Tôn Đức Lượng tuyên bố rằng, nếu không có thầy Nam Sơn thì đã không có thế hệ của Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái… Được tưới tắm trong hội họa, tôi mê vẽ từ bé và may thay vẽ không xấu lắm, thế nhưng lại chọn đi theo con đường trở thành bác sĩ.

Chú thích ảnh
Nhà thực hành mẫu Ngô Kim Khôi (giữa, đeo kính) và học viên Học viện thời trang Việt Nam ở TP.HCM

Vì gia cảnh không cho phép theo học nghề y, nên tôi qua Pháp phụ trách may vá để giúp đỡ gia đình mình. Làm trong một xưởng may nhỏ của người đồng hương, tôi biết mình bị bóc lột nhưng vẫn ráng theo học, có lẽ vì gian khổ như thế nên tôi đã học rất nhanh. Một ngày nọ, nhà Hermès cần tuyển một người dựng mẫu/thực hành mẫu, tôi liều lĩnh nộp đơn dù biết rằng sẽ có không ít người bằng cấp hơn mình cạnh tranh. Một lần nữa, may mắn mỉm cười với cuộc đời khi tôi là người duy nhất được chọn. Nước Pháp có nhà văn André Gide với Khung cửa hẹp đậm chất nhân văn, thì ngày hôm ấy tôi đã lách qua “khung cửa hẹp” để vào ngành thời trang.

Thật kỳ lạ nếu tôi nói nghề nghiệp thời trang trong cuộc đời của tôi chỉ là một tình cờ và là phương tiện kiếm cơm không hơn không kém. Có lẽ chính vì vậy mà tôi chỉ giữ một chức vụ trung trung, một địa vị tầm thường, không danh không tiếng, tôi không chọn lựa nó. Chính nó đã chọn lựa tôi. Gần 30 năm bước vào nghề, khi hồi tưởng lại tôi mới ngộ ra rằng có lẽ mình được nhà Hermès để ý bởi những tấm áo của tôi được may từ chính tâm hồn yêu thơ nhạc, đắm mê vẽ từ nhỏ.

* Anh nghĩ thế nào về khoảng cách giữa thời trang Việt Nam và quốc tế?

- Dù không có điều kiện để tìm hiểu sâu về thời trang Việt Nam, nhưng tôi cảm nhận được rằng trong một thời gian dài, thời trang nước mình gần như chững lại, không có thiết kế hoặc cải tiến nào đáng chú ý. Chỉ khi mở cửa và đến giai đoạn gần đây, khi các nhà thiết kế ngày càng tiếp xúc nhiều với thời trang quốc tế thì lĩnh vực này mới có những bước tiến nhất định.

Tuy nhiên, nhìn chung thiết kế thời trang ở nước ta vẫn khá rườm rà và gần như thiếu vắng sự thanh lịch, đơn giản, lẫn nét tinh khiết, dù nhiều nhà thiết kế định vị sản phẩm của họ nằm trong phân khúc cao cấp.

Chú thích ảnh

* Theo anh, hội họa và thời trang có mối quan hệ như thế nào?

- Theo tôi, đã làm thời trang thì phải rành về hội họa, nhất là thời trang cao cấp. Hội họa, âm nhạc hoặc văn chương sẽ giúp nhà thiết kế nảy lên những ý tưởng mới, nhìn ra những đường cắt tinh tế từ một bức vẽ, mường tượng chiếc áo thanh lịch từ những bản giao hưởng lãng mạn.

Họa sĩ Cát Tường, họa sĩ Lê Phổ… là những người vẽ mẫu áo dài từ tư duy nắm bắt được ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và sự xiển dương của báo chí đương thời. Cái hồn cốt Việt người ta vẫn thường cảm mến trong tranh Lê Phổ là từ hình ảnh những tà áo dài tân kỳ của thiếu nữ mà ra. Thật khó để tưởng tượng về một nền thời trang vắng bóng hội họa.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Đỗ Tuy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm