Nhà thơ 'chuyên nghiệp': 'Chìm nghỉm trong một biển người làm thơ vô danh'

28/02/2018 19:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Lạm phát thơ dở”, “bùng nổ thơ dở” là hai cụm từ được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội sử dụng để miêu tả về tình trạng xuất bản thơ tại Việt Nam những năm gần đây.

Nỗi lo “mất mùa”, mất chất thơ cũng là nội dung chính được đem ra trao đổi trong buổi hội thảo Thơ và những vấn đề thơ đương đại, sự kiện mở màn cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ6 năm 2018 vừa được tổ chức vào sáng qua, 27/2.

Xuất bản thơ “được mùa” nhưng mất chất?

Theo nhiều đại biểu, một thực tế nhận thấy rõ hiện nay là sự lên ngôi chưa từng thấy của phong trào làm thơ tại Việt Nam. Hàng chục vạn người được tôn vinh là nhà thơ, kéo theo những CLB, hội nhóm, phong trào sáng tác mọc lên như “nấm sau mưa”. Việc xuất bản một tập thơ cũng dễ chưa từng thấy, gần như chỉ cần có tiền là in được thơ.

Đối lập với không khí sôi sục ấy là bức tranh ảm đạm của hoạt động kinh doanh tác phẩm thơ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Hầu hết các nhà xuất bản không đầu tư vào việc in thơ, bán thơ. Nhà thơ phải tự bỏ tiền in, tự bán mà số đông là không biết bán và không bán được”.

Chú thích ảnh
Ngày thơ Việt Nam vẫn luôn là một sự kiện được chờ đợi trong đời sống thơ đương đại. Nguồn:internet

“Do chất lượng, sách giáo khoa trung học cũng lúng túng khi chọn thơ đương thời vào giảng dạy”, ông cho biết.

Xét trên góc độ giải thưởng, năm qua cả Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội đều không tìm được giải cho thơ. Hội Nhà văn TP HCM chỉ trao tặng thưởng, nhưng sau đó có tập lại vướng lùm xùm “đạo thơ”. Những hiện tượng trên, theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là do “thơ hay quá ít mà thơ dở quá nhiều”.

Nhìn chung, nền thơ hiện đại đang phân ra thành 2 dòng chảy chính, gọi theo nhà thơ Vũ Quần Phương là: “Đại chúng” và“nâng cao”.

Trong khi nền thơ đại chúng, thơ phong trào chiếm tỉ lệ áp đảo về số lượng tác giả, tác phẩm và ngày càng nở rộ nhờ công nghệ in ấn và xuất bản phát triển, thì ở cực “nâng cao” (tức là các nhà thơ chuyên nghiệp, với những “thành tựu có sức đại diện cho tiến trình văn chương đất nước”) thì có vẻ “dè chừng” hơn trong sáng tác, đến mức theo như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét là “chìm nghỉm trong một biển người làm thơ vô danh”.

Ông nói thêm, rằng cónhững nhà thơ chuyên nghiệp 4-5 năm thậm chí cả chục năm mới xuất bản một tập thơ, chủ yếu để biếu tặng vì không bán được.

Nhà thơ Vũ Quần Phương bổ sung: “Nhiều tác phẩm của người viết mang tính phong trào được công chúng tìm đọc, trong khi không ít những tác giả là hội viên, thậm chí từng có bài viết hết lời khen ngợi, lại nằm ngoài sự quan tâm của bạn đọc”.

Còn theo nhà thơ Y Phương: “Hội Nhà văn Việt Nam có hơn một ngàn hội viên, nhưng sản phẩm “ngang tầm thời đại” thì chưa có, hoặc rất hiếm”.

"Bốc thuốc"

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn của thơ Việt như đã nêu trên.

Về chất lượng sáng tác, theo đánh giá tại hội thảo, nhìn chung, các cây bút hiện đại đã có nhiều tìm tòi, thể nghiệm, phong cách thơ đa dạng hơn, “vượt qua sự đơn điệu, nhàm chán của những cung bậc thơ cũ". Nhưng theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, việc này chỉ dừng lại ở “có dấu hiệu tìm tòi mà chưa làm nên sự khác biệt của một phong cách thơ mới, khẳng định bởi một tài năng thơ đích thực”.

Nhà thơ Mai Nam Thắng bổ sung ý kiến, cho rằng thơ hiện đại thiếu những nỗi niềm lớn, cảm hứng mang tính công dân mà chủ yếu về nỗi niềm bản thể.

Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội thảo cũng đồng tình rằng lực lượng phê bình, các nhà tuyển chọn, đánh giá văn thơ nên tránh tình trạng “ngủ quên” trên thành tựu của những giá trị cũ, cần phát hiện kịp thời giá trị mới nổi trội, đồng hành với các tác giả đương đại.

Mặt khác, liên quan đến chất lượng bình xét thơ ca còn là các giải thưởng và việc kết nạp hội viên thơ.Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, các giải thưởng thơ nhất thiết cần đổi mới, chặt chẽ hóa quy chế bình chọn, cấu trúc ban giám khảo, tránh “bệnh thành tích” hay trao giải để khuyến khích, để cho có.

Còn về kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, ông khẳng định: “Hội đã có 30 năm nới lỏng trong kết nạp hội viên, năm nay đã có sự chặt chẽ hơn nhưng cần thời gian”.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 6 năm 2018

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 6 năm 2018 lần đầu tiên sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 27/2 – 2/3 với chủ đề “Văn học đồng hành cùng đất nước”. Sau hội thảo Thơ và những vấn đề thơ đương đại sẽ là các hoạt động như hội thảo về văn xuôi Đổi mới tư duy tiểu thuyết (28/2), thi, trình diễn thơ, biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (sáng 1/3). Sáng 2/3 (đúng ngày Rằm tháng Riêng), Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI sẽ chính thức khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ngày Thơ Việt Nam năm nay vẫn có có hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Ngoài ra còn có sự tham gia của 60 câu lạc bộ thơ với các hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ...

Ngày Thơ Việt Nam 2018: Bước 'chạy đà' cuối cùng để trở thành 'Ngày Văn học Việt Nam'

Ngày Thơ Việt Nam 2018: Bước 'chạy đà' cuối cùng để trở thành 'Ngày Văn học Việt Nam'

Năm nay cũng là năm đầu tiên, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm