Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Lúc nào cũng có thể sống thật thà

23/04/2020 07:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa dịch Covid-19 đã làm xáo trộn sinh hoạt của mọi người. Nhưng trong cơn lốc xoáy này vẫn có thể tìm ra những nét đẹp trong cuộc sống của nhiều nhân vật. Một trong những người đó là nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

“Yêu là thoát tội” - một góc chiếu mới về lịch sử

“Yêu là thoát tội” - một góc chiếu mới về lịch sử

Đã lâu, rạp Hồng Hà mới kín chỗ như buổi chiếu “Yêu là thoát tội” đêm 15/6. Khán phòng xúc động với cái nhìn mới về vụ án Lệ Chi Viên

Anh đã có những chia sẻ rất thú vị với Thể thao & Văn hóa (TTXVN):

* Facebook của anh chia sẻ khá nhiều status về lối sống chậm và sự thật thà. Thực ra, ngày thường tôi cũng thấy anh có vẻ thư thả sống chậm, không bon chen, cái gì thích thì làm, làm hết mình, chứ không đặt danh vọng và tiền bạc lên tất cả. Theo anh, sống chậm có dễ hay không? Nếu không có dịch thì người ta có thể sống chậm được không hay cứ phải nháo nhào chạy đôn chạy đáo?

- Từ bản thân, tôi nghĩ là lúc nào người ta cũng có thể sống chậm được. Thí dụ, vì rất nhiều việc nên tôi luôn có cuốn sổ bên mình, trong đó có từng ô cho mỗi ngày, mỗi tuần. Tôi ghi tất cả những việc phải nhớ và phải làm vào đó: Từ sinh nhật mẹ, anh em, nhân viên trong công ty cho tới kế hoạch năm, kế hoạch tuần, kế hoạch ngày. Tôi dùng 3 cây bút: Màu đỏ để ghi việc cố định, màu xanh để ghi việc chắc chắn trong kế hoạch, còn bút chì là những việc có thể thay đổi vào giờ chót.

Với cách quản lý thời gian như thế, tôi không bị rối, cứ giờ nào việc nấy mà làm. Tôi theo Phật giáo, và trong Phật giáo gọi điều ấy là chánh niệm. Tập trung giải quyết việc nào ra việc ấy, không nghĩ ngợi lăng xăng, làm việc này mà lo việc khác sẽ thấy mình chộn rộn vô cùng. Mà dù có nghĩ 2 - 3 việc cùng lúc nhưng cũng đâu có giải quyết cùng lúc được, chi bằng giờ nào việc ấy cho khỏe.

* Vậy còn sống thật thà? Anh đã bước vào kinh doanh liệu có khó thật thà hay không? Nói gì thì nói, đã là buôn bán thì thật thà không dễ chút nào…

- Thật thà đối với tôi đầu tiên là nhắm cái gì mình làm nổi thì hãy nhận, không làm nổi thì đừng có tham mà nhận, rồi làm dối, làm ẩu, cắt xén thời gian, chất lượng.

Rồi thật thà cũng có nghĩa là làm hết mình chứ đừng nghĩ tới chữ tiền. Hồi bắt đầu vẽ áo dài, tôi đâu có ra giá. Tôi cứ vẽ, đam mê mà vẽ thôi. Khi khách hỏi giá bao nhiêu, tôi trả lời là tôi đâu có biết, chị xem công sức và giá trị bao nhiêu thì cứ trả bấy nhiêu. Không ngờ họ trả cho tôi cái giá mà tôi không nghĩ tới. Cứ vậy mà làm mãi, và tôi khẳng định tôi không bán mình, mà tôi chỉ tạo ra một giá trị, rồi khách hàng trao tặng cho giá trị đó.

Chú thích ảnh
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng

Sau này khi lên công ty thì bộ phận kinh doanh cứ canh theo những cái giá ấy mà thiết kế bảng giá. Nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn không quên hai chữ nghệ thuật làm đầu. Thử hỏi một ông họa sĩ ngồi trước tấm toan mà cứ nghĩ bức tranh này mình sẽ bán được bao nhiêu thì có vẽ được không? Cứ vẽ bằng cả trái tim, rồi khách hàng sẽ nhận ra giá trị ấy. Nhiều bức tranh có giá khủng khiếp chính là do khách hàng quyết định chứ người họa sĩ có nghĩ tới đâu.

* Anh cũng tham gia nghệ thuật, anh có nhận ra nghệ thuật bây giờ đã bớt thật thà, với nhiều scandal về ăn cắp kịch bản, ý tưởng, đạo văn, đạo thơ, giành vai, mua vai, hát nhép?

- Thì vậy mới mau chết. Đời có nhân quả hết, đừng lo, ai làm bậy rồi cũng trả giá. Nhưng tôi tin rằng cái gì mà xuống tới tận cùng rồi sẽ phải chuyển mình thay đổi, vì quy luật đào thải của tự nhiên. Điện ảnh là một ví dụ. Một thời phim mì ăn liền rộ lên, rồi tự diệt, nhường chỗ cho những bộ phim tử tế như Song lang, Hai Phượng…Điện ảnh Việt bây giờ rất nhiều bộ phim tử tế đó chứ.

Chú thích ảnh
Sĩ Hoàng (trái) và NSƯT Trần Tường trong vở "Yêu là thoát tội", Nhà hát Thế Giới Trẻ TPHCM. Ảnh: H.K

* Chuyện riêng một chút, anh chuẩn bị và quản lý công việc thế nào trong mùa dịch này?

- Nói thật là từ Tết, khi chưa có lệnh cách ly xã hội thì tôi đã “linh cảm” và chuẩn bị cho anh em. Tôi tặng thêm tiền ngoài lương cho mỗi nhân viên, bảo họ đi mua sắm thực phẩm. Đến khi có lệnh cách ly thì chúng tôi họp hành trên online, còn bộ phận thi công sản phẩm thì vẫn đến làm nhưng giãn cách ra, và đeo khẩu trang, rửa tay 100%. Coi như không đến nỗi quá ảnh hưởng.

Chú thích ảnh
Sĩ Hoàng và Vân Anh trong vở "Lạc giữa phố người", sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh: H.K

* Tiện đây, thấy anh thường xuyên ở nhà nấu nướng cho mẹ ăn, tôi vừa thú vị vừa cảm động. Tôi không nghĩ một họa sĩ như anh mà biết nấu ăn…

- Trời đất ơi, đừng coi thường tôi nha. Tuổi thơ dữ dội của tôi đã đào tạo tay nghề cho tôi không đến nỗi tệ đâu. 13 tuổi, đất nước khó khăn sau giải phóng, mẹ tôi phải chạy chợ suốt ngày, chỉ còn lại tôi là anh cả ở nhà quản hết 4 đứa em. Nào dạy nó học, nào chăm sóc, nấu ăn… Cho nên tôi vô bếp cũng nhanh nhẹn lắm.

Những ngày cách ly thế này được ở nhà nấu cho mẹ ăn đúng là hạnh phúc. Hãy trân trọng những phút giây bên cha mẹ, vì cha mẹ như lá mùa Thu không biết lìa cành lúc nào. Hiếu thảo không chỉ là làm có tiền cho cha mẹ sung sướng, mà có khi chỉ một tô canh, một chén cơm, một câu nói đùa nghịch ngợm mà cha mẹ vui lắm luôn.

Trước kia tôi ở nhà vườn Long Thuận, quận 9, TP.HCM khung cảnh rộng rãi nên thơ, nhưng một hôm mẹ tôi bị bệnh phải cấp cứu. Thế là tôi phải nghĩ lại, cần có chỗ ở gần bệnh viện để dễ chăm sóc mẹ già. Tôi bèn mua một căn hộ chung cư ở khu trung tâm, vậy là yên tâm chăm mẹ.

* Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ chân tình.

Hoàng Kim (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm