Nguyễn Vũ Tiềm: Chỉ viết khi thương nhớ thanh hình

13/01/2021 18:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau ngày 30/4/1975, lịch sử giáo dục Việt Nam có cuộc “tổng động viên” thầy cô giáo ở phía Bắc “chi viện” cho khu vực phía Nam. Từ Hà Nội, thầy giáo - nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã "Nam tiến" trong dòng chảy văn hóa này.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm: Tuổi ngoài 70 học lại những điều chưa thuộc

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm: Tuổi ngoài 70 học lại những điều chưa thuộc

Xuất thân từ nhà giáo, rồi đi làm báo, làm thơ, Nguyễn Vũ Tiềm luôn “hoàn thành nhiệm vụ” được số mệnh giao phó. Để rồi trong nhiều tháng năm ở tuổi ngoài 70, ông nghĩ về sự minh triết của những vùng đất đã sinh ra ông.

Ông thanh tra sở giáo dục TP.HCM Nguyễn Vũ Tiềm đã từng hoạt động văn học nghệ thuật ngoài Hà Nội, từng 2 lần là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, lại có miền đề tài mới - đất phương Nam!

Xót xa về một thời, nực cười đến rơi nước mắt!

Ông viết truyện ngắn Cây mai tứ quý in báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) kể chuyện bác bảo vệ cơ quan trồng và chăm sóc cây mai tứ quý như con ruột của mình. Truyện lọt mắt xanh các nhà tuyển chọn và được biên soạn thành một bài chính tả trong sách Tiếng Việt 4 (tập 2, tr.23).

Không chỉ tới trường học bằng văn của mình qua khung cửa giáo khoa, thầy giáo - nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm còn trực tiếp đến các sân trường, các lớp học, khi vào năm 1978 trở thành nhà báo chuyên nghiệp, phóng viên thường trú báo Giáo viên Nhân dân tại các tỉnh phía Nam, để viết ký và làm thơ phản ánh thực trạng trường học những ngày ấy.

Ông kể: “Sài Gòn có 2 phóng viên báo ngành thường trú, nhà thơ Hoàng Hưng và tôi. Đã ít người, lại càng ít vì nhà thơ Hoàng Hưng bỗng bị tai bay vạ gió, tôi thay anh Hưng làm trưởng đại diện báo. Hàng tháng, tôi nhận lương hộ anh Hưng mang đến cho chị Mười, vợ anh.

Dạo ấy đời sống còn rất khó khăn, nhà báo vào Sài Gòn, làm gì có chế độ lưu trú khách sạn. Các anh Nguyễn Ngọc Chụ, Lê Khắc Hoan, Hoàng Minh Tường… rất hay được cử đi công tác phía Nam, và thường nghỉ tại nhà tôi ở số 2bis Điện Biên Phủ. Ngủ trên phòng lầu 1, thiếu chỗ thì kê tạm cái ghế bố trong nhà vệ sinh cũ! Nấu ăn qua quít với nhau, không có bếp điện, tùng tiệm dùng cái bàn là điện chổng ngược. Gạo xách về từ các chuyến thăm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đi lại “đa phương tiện”. Gần thì cọc cạch đạp xe. Xa thì đi xe đò, xe lửa. Và cả… đi bộ cho khỏe. Có lần từ nhà tôi ra ga Bình Triệu, đường xa 5, 6 cây số, các anh ba lô túi xách lặc lè, mà vẫn cuốc bộ. Xích lô chạy theo mời chào suốt dọc đường, mà chả bác nào kiếm được vài cắc từ mấy anh nhà báo Hà Nội”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Những ngày ấy, với Nguyễn Vũ Tiềm có một kỷ niệm thật buồn. Hôm ấy một cô giáo trẻ lên văn phòng đại diện 35 Lê Thánh Tôn Q.1 TP.HCM phản ánh: “4 thầy cô giáo trẻ mới ra trường (2 nam, 2 nữ) được phân công tổ chức các tiết mục văn nghệ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong chương trình có hoạt cảnh ngắn 2 màn, diễn ngâm bài thơ Cô giáo em giàu nhất! Giàu tình yêu, giàu niềm tin… nhưng nghèo tiền bạc, nghèo đến không tiền ăn sáng, vẫn gắng lên lớp để rồi ngất xỉu trên bục giảng vì đói. Hoạt cảnh kết trong cảnh học trò: “Dìu cô về nhà, chúng em rửa xoong nấu cháo/ Nổi lửa lên rồi, mở thùng gạo: Trống trơn/ Cả lớp thương cô òa lên khóc/ Nước mắt này có thành gạo được không?”.

Mấy ngày sau, 4 thầy cô giáo trẻ được mời lên văn phòng bắt kiểm điểm với lý do là tiết mục Cô giáo em giàu nhất gây tâm trạng buồn nản, hoang mang, trong khi ta đang cần hun đúc tinh thần phấn khởi, tin tưởng, tự hào; rằng bài thơ ấy, tiết mục ấy có ẩn ý "bôi đen" trong khi xã hội ta rất tươi đẹp. 4 thầy cô nhận được 4 quyết định cho nghỉ việc!

Bài thơ ấy là của tác giả Nguyễn Vũ Tiềm, in trên báo nhà - Người giáo viên nhân dân năm 1987. Kể lại chuyện này, tác giả thấy “xót xa về một thời, gian truân và ấu trĩ một cách… nực cười đến rơi nước mắt!”.

Nối toán vào văn, tìm cách thoát nghèo

Khi nhà có thêm bé út Hồng Quân, thêm một miệng ăn, cái khó ló cái khôn, nhà thơ lấy tên con, tạo một bút danh mới - làm ra một loại sách mới, tích hợp toán với văn. Cùng tắc biến! Thi sĩ tìm thi tứ, thi liệu, cả thi hứng nữa trong các con số, các công thức toán học. Hứng lắm chứ, khi tìm ra một bài số học mà tính nhân văn tới với người giải trước tính chính xác khoa học.

Bài ấy thầy giáo Nguyễn Vũ Tiềm tìm thấy ở một cuộc thi học sinh giỏi bên Liên Xô và nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm - Hồng Quân - biến thành bài thơ ngũ ngôn tiếng Việt ngọt ngào: Có ba ngày Chủ nhật/ Trong tháng Giêng tới đây/ Rơi đúng vào ngày chẵn// Ngày hai mươi tháng ấy/ Sinh nhật Ta Nhi A/ Bạn xem vào thứ mấy/ Ta cùng đến tặng hoa? (Sinh nhật bạn vào thứ mấy - Sách Vui học toán).

Một ngũ ngôn bài tập toán khác, lôi kéo được cả cái ô tô vào ham thích toán học: “Vũng Tàu chiều tạm biệt/ Biển lưu luyến tặng quà/ Những vỏ ốc vỏ sỏ/ Phập phồng hơi biển thở// Chị đếm số ốc bể/ Em cho chị 5 con/ Thì số ốc của chị/ và của em sẽ bằng// Em cũng đếm rồi nói/ Chị cho em 10 con/ Thì số ốc của em/ Sẽ gấp đôi của chị// Ô tô bỗng bóp coi/ Pin! Pin! Tôi biết rồi/ Chị, em, mấy con ốc?/ Nhẩm tính cũng ra thôi “(Sau một ngày tắm biển - Sách Vui học toán).

Chú thích ảnh
Bài “Cây mai tứ quý” của Nguyễn Vũ Tiềm trong sách “Tiếng Việt 4” (tập 2)

Loại sách vui học toán này vào năm 1985 được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và Tây Ninh in với số lượng cả vạn bản. Nhớ lại sách thơ bài tập toán của mình, in trên giấy rơm đen nhẻm, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không ngại khẳng định đó là “2 cuốn sách giúp gia đình tôi thoát đói nghèo lúc đó”.

Về sách văn chương thứ thiệt, thậm chí có thể coi là văn chương chất lượng cao, được làm ra như một loại sách công cụ giúp người đọc tra cứu, Nguyễn Vũ Tiềm có cuốn Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam (tái bản lần 4, năm 2013 dày 1.300 trang với chừng 6.000 câu thơ tài hoa của 1.300 tác giả).

Sinh thời, khi sách này mới ra, giáo sư Hoàng Như Mai (1919 - 2013) khích lệ: “Dành ra 10 năm trời sưu tầm, tuyển dịch, trong kho tàng thơ Việt Nam suốt 10 thế kỷ để chọn ra những câu thơ hay nhất, là một việc rất khó khăn, cực nhọc, đòi hỏi tâm huyết, tâm trí, tâm lực nhiều lắm. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cả gan làm việc đó” (báo Văn nghệ - Hội Nhà văn VN 25/11/2000).

Gắng sức, dồn bút lực, không tùy hứng

Từ hơn 10 năm nay, trên đường ven Hồ Tây dẫn vào chùa Trấn Quốc (Hà Nội), có dựng một pano kẻ chữ lớn toàn văn bài thơ Nghìn mắt nghìn tay của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.

Về chuyện này ông kể: “Bài thơ tôi in ở báo Giác ngộ số Tết năm 1994, sau in trong tập Hương Giao thừa (NXB Văn học 1995). Khoảng năm 2008, nhà văn Trần Đồng Minh (1941 - 2017) đi lễ chùa thấy bài thơ có trên pano chụp ảnh gửi cho tôi. Ai có nhã ý cung tiến thơ này tôi chưa được biết”.

Bài thơ có đoạn kết: “Cây nào cũng từ bi nghìn mắt lá/ Rễ cành nào cũng hỷ xả nghìn tay”, thể hiện cách nhận diện một đề tài từ tầm nhìn toàn cảnh để có thể hình thành một cấu trúc. Với tầm nhìn này, Phật tính từ bi, hỷ xả hiện ra sống động như được “Mùa xuân dựng tượng đài trong đức tin xanh”, một tượng đài nối bằng nghìn mắt lá, bằng nghìn tay cành, nghìn tay rễ. Nối bằng những cánh rừng. Những cánh rừng cấu trúc một tượng đài Phật giáo để “Lộc nõn xôn xao điều thoát khổ/ Màu xanh cứu độ thế gian này”.

Trong các tập thơ của Nguyễn Vũ Tiềm, cấu trúc được quan tâm trước hết, và điều này tạo ra một nét phong cách. Ông không làm các tập thơ bằng việc nối các bài thơ đã in báo, ngày này, tháng kia. Ông xây dựng một cấu trúc cho tập thơ của mình rồi viết các bài thơ, lấp đầy cấu trúc ấy. Tập Thương nhớ tài hoa (NXB Văn học, 1988, tái bản) là nhất khí một đường bút để vẽ ra một bảo tàng 50 chân dung thơ của 50 tài hoa văn học Việt Nam.

Tập Sương Hồ Tây mây Tháp Bút (NXB Hội Nhà văn, 2011) lại là chân dung của chỉ một vùng đất Hà Nội, khắc họa vào năm đất này nghìn tuổi. Hà Nội hiện ra với "Tiếng guốc đầu ô" (tr.38), tiếng "Ca trù và phố cổ" (tr.69); có hoành tráng "Mưa phồn thực và châu thổ sông Hồng" (tr.100) cùng kín đáo, thầm thì như lệ rơi trong "Ngõ Quan Thổ" (tr.71); gần trang hoa mỹ Đường thi của "Người viết thư pháp ở Văn Miếu" (tr.36) lại là trang "Lãng tử Hà thành kể chuyện" (tr.46) ầm ĩ tiếng chó sủa…

Kiểu viết "lập trình cấu trúc" luôn yêu cầu người viết gắng sức, dồn bút lực, chứ không tùy hứng, tùy tiện. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm kể: "Tôi mất 6 tháng cho Thương nhớ tài hoa. Công việc hằng ngày của một phóng viên tôi vẫn phải làm, nhưng làm xong lại viết. Để sự thất thoát thời gian bớt đi, tôi nhốt mình vào một căn gác xép, được bố trí như một hầm bí mất ngay trên… nóc tủ. Tôi trốn trên nóc tủ thư phòng ấy mà đọc ngốn ngấu cả đống tư liệu về các nhân vật mà mình thương nhớ. Đọc thơ, đọc truyện, đọc hồi ký của họ, đọc các luận văn nghiên cứu về họ, đọc đến khi thương nhớ kia biến thành hình ảnh, vần điệu, nhắm mắt lại vẫn thấy, vẫn nghe thì viết".

Vài nét về Nguyễn Vũ Tiềm

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh năm 1940 tại Gia Lâm, Hà Nội. Ông có bút danh là Hướng Thiện, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM, Hội Nhà báo Việt Nam. Đầu thập niên 1990, ông công tác ở báo ngành giáo dục và làm chủ biên cho bán nguyệt san Tài hoa trẻ. Ông viết thơ, trường ca, ký sự, tiểu thuyết...

Ông từng nhận giải thưởng thơ của Hội Nhà văn TP.HCM (2015), Giải thưởng thơ cuộc thi do Hội Nhà Văn Việt Nam và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức (1973 - 1978).

(Còn tiếp)

NINH VIỆT HIỆP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm