Ngày Xuân ghé thăm những gương mặt vì cộng đồng

15/02/2021 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -  “Có đất nước nào mà dịch bệnh, lũ lụt như vừa rồi người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến vậy” - Câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là minh chứng rõ ràng nhất cho một năm 2020 khó khăn nhưng tinh thần vì cộng đồng của các tầng lớp nhân dân đã làm nên nguồn sức mạnh lớn lao. 

Nhìn lại hành trình thiện nguyện miền Trung của Hoa hậu Việt Nam 2020

Nhìn lại hành trình thiện nguyện miền Trung của Hoa hậu Việt Nam 2020

Khi các tỉnh miền Trung đang gặp thiệt hại nặng nề do mưa bão gây ra, BTC Hoa hậu Việt Nam 2020 cùng dàn hoa hậu, người đẹp và các Mạnh Thường Quân đã đến tận những nơi khó khăn nhất để trao hàng trăm phần quà cho các hộ dân.

Nhắc đến phong trào động viên tinh thần, giúp người dân vững tin hơn để cùng nhau vượt qua đại dịch phải kể đến phong trào “Vũ điệu rửa tay” được bắt nguồn từ vũ công Quang Đăng. Từng được truyền hình Mỹ khen ngợi hết lời, điệu nhảy còn truyền tải đi rất nhiều thông điệp ý nghĩa, một trong số đó là việc thực hiện vệ sinh đúng cách, góp phần đẩy lùi dịch virus Corona.

Chú thích ảnh
Điệu nhảy “Vũ điệu rửa tay” từng gây sốt mùa dịch Covid-19

Quang Đăng cho biết: “Vào một ngày đầu thời điểm dịch nhen nhóm bùng phát, một bạn nữ tên Huyền từ Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế gọi cho Đăng, gửi bản nhạc demo Ghen Cô Vy và ngỏ ý hỏi Đăng có ý tưởng gì để thông điệp của bài hát này lan tỏa đến cộng đồng hơn không. Sau một lúc bàn bạc, Đăng có chia sẻ rằng hay là hay mình tạo một dancechallenge (Tạm dịch là: thử thách nhảy) trên TikTok. Và thế là chúng tôi cùng quyết định tạo ra GhencovyDancechallenge từ đó.

Quang Đăng

Sinh năm 1989.

Là vũ công, biên đạo, từng sáng tạo ra nhiều điệu nhảy trở thành "trend" trên mạng xã hội trong đó có “Vũ điệu rửa tay”. Từng mở lớp dạy nhảy quyên góp từ thiện.

Thời điểm dịch vừa bùng phát trên thế giới thì các show, chương trình của mình đều đã bị đình chỉ vô thời hạn, mình rất buồn và lo lắng. Sau khi vũ điệu rửa tay trở nên viral thì có rất nhiều lời mời phỏng vấn, mời công việc. Đầu tiên thì cảm thấy rất mừng và hãnh diện, về sau lại thấy… lo lắng lần nữa vì mọi thứ ập đến quá nhanh khiến mình cảm thấy choáng ngợp. Có ngày mình nhận tới 8 bài phỏng vấn và còn phải lo các dự án khác nữa. Mình cảm thấy mình rất may mắn và luôn muốn chia sẻ điều này cho mọi người. 

Vũ điệu rửa tay hay Ghen Cô Vy là một sản phẩm nghệ thuật mang tính truyền tải thông tin, cổ động, nâng cao tinh thần tích cực và đối tượng chính là cho tất cả mọi người. Lúc sáng tạo ra vũ điệu rửa tay, mình hy vọng có nhiều người cover để vũ điệu càng lan tỏa giúp nhiều người được nâng cao ý thức hơn. Vì thế Covid-19 về một mặt nào đó sẽ được ngăn chặn sớm hơn.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Bùi Duy Nguyên - Quản trị cộng đồng Ghiền Đà Lạt

2020 là một năm hết sức khó khăn nhưng cũng đáng nhớ với bản thân mình vì đã góp phần lan tỏa được những điều tốt đẹp và kiến thức tới cộng đồng. Và điều khiến mình tự hào nhất trong năm Covid-19 chính là chứng kiến được “lòng yêu đồng bào vô điều kiện của người Việt chúng ta”.

Nói về tinh thần tương thân tương ái của người Việt trong mùa dịch Covid-19, phải kể hoạt động phát đồ ăn, nhu yếu phẩm miễn phí ở khắp các địa phương trong đó có Đà Lạt, nơi phát huy rất tốt giá trị của những chiếc tủ bánh mì và khẩu trang miễn phí cho người khó khăn. Anh Nguyễn Bùi Duy Nguyên - quản trị cộng đồng Ghiền Đà Lạt, cho biết: “Trong mùa dịch vừa qua, Ghiền Đà Lạt được biết đến là đơn vị tổ chức được nhiều địa điểm phát bánh mì và khẩu trang miễn phí nhất Đà Lạt (4 tủ ở 4 nơi đông người lao động). Lúc bấy giờ, nhận thấy việc làm này là điều đơn giản, dễ thực hiện nhưng đóng góp giá trị rất lớn cho cộng đồng, mình đã đứng ra kêu gọi được các đối tác Ghiền Đà Lạt cùng chung tay và triển khai ngay và luôn với Hội chữ thập đỏ Lâm Đồng.

Nguyễn Bùi Duy Nguyên

Sinh năm 1991.

Là Quản trị cộng đồng Ghiền Đà Lạt. Cùng tổ chức Ghiền Đà Lạt đặt các tủ bánh mì và khẩu trang miễn phí tại Đà Lạt.

Sau thời gian chuẩn bị tầm 1 tuần, tủ bánh mì và khẩu trang miễn phí được đưa vào hoạt động. Tuy nhanh nhưng vẫn phải đạt đủ các yêu cầu như vệ sinh, địa điểm dễ nhận, đúng đối tượng, đúng giờ giấc. Mỗi tủ lúc đó có tầm 100-200 chiếc mỗi ngày, có sữa đặc và nước tương cho ai cần. Mỗi người được lấy 2 chiếc khẩu trang diệt khuẩn. Chỉ tầm 30 phút đến 1 giờ sau khi đặt tủ thì mọi thứ sẽ hết.

Sau đó, có những người ra bỏ thêm bánh mì, xôi,... vào để chia sẻ cho người tiếp, đúng với câu “ai cần thì lấy, ai dư thì cho” mà mình dán lên tủ bánh mì”.

Dẫu biết, ai cũng sẽ có những khó khăn trong giai đoạn dịch, Ghiền Đà Lạt cũng vậy. Thế nhưng, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Sau thời gian hoạt động, tủ từ thiện của cộng đồng nhận được rất nhiều sự ủng hộ của những người lao động, những đối tác của Ghiền Đà Lạt cũng như chính quyền địa phương”. 

Chú thích ảnh

Không chỉ ở trong nước, mà hầu khắp các quốc gia trên thế giới đều chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, qua đó, gián tiếp ảnh hưởng cộng đồng những người Việt ở nước ngoài.

Là một người sinh Việt sinh sống ở Nhật, cũng trải qua quãng thời gian khó khăn khi dịch bùng phát, YouTuber Quỳnh Trần JP cho biết: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất rất nhiều đến cuộc sống của người dân nơi đây nói chung và bản thân mình nói riêng. Là một người có thu nhập chính từ việc mukbang (vừa ăn vừa ghi hình) trên YouTuber, bản thân Quỳnh cũng đã gặp rất nhiều cản trở. 

Chú thích ảnh
JP: Quỳnh Trần JP - YouTuber đang sống tại Nhật

Dù là một người làm YouTuber và bị “bóp chặt” do kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên Quỳnh vẫn cố gắng tham gia hoạt động từ thiện giúp đỡ cộng đồng thời gian qua. Mình khổ 1 thì nhiều người khổ 10, khổ 100… mấy cái xui rủi, không hay đến với mình chẳng là gì so với nhiều người đang gặp phải. Nên còn sức thì mình còn làm, mà còn làm được là còn chia sẻ được. 

Quỳnh Trần JP

Sinh năm 1985.

Là YouTuber nổi tiếng về ẩm thực. Từng tham gia quyên góp cho các tổ chức từ thiện tại Nhật Bản.

Cộng đồng người Việt ở Nhật thời gian qua cũng rất khó khăn do dịch bệnh. Họ thậm chí đã phải xin tạm trú ở chùa hoặc những cơ sở hỗ trợ. Những người khá hơn chút thì san sẻ gạo, tiền, sức lực. Mới đây, Quỳnh có đến thăm một ngôi chùa ở Nhật - nơi có nhiều bạn Việt Nam mình tá túc, để góp tiền cứu trợ hay đợt lũ vừa rồi cũng gửi một chút về cho bà con. 

Mặc dù đã trải qua một năm 2020 vất vả, nhưng bạn cứ nghĩ thế này nhé: Covid-19 nó giống như một con muỗi, chỉ khác là con muỗi này nó rất to. Một bàn tay không đập được thì nhiều bàn tay, kiểu gì cũng diệt được, càng khó thì con người càng phải đoàn kết và vượt qua, thế thôi!”

Hương Giang

TT&VH Xuân Tân Sửu 2021

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm