Mỹ thuật kháng chiến lưu giữ lịch sử, khơi dậy lòng tự hào dân tộc

03/09/2021 12:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày mùa thu lịch sử, công chúng yêu hội họa Việt có cơ hội được tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của các họa sỹ nổi tiếng về đề tài về chiến tranh cách mạng qua các trưng bày 3D, triển lãm trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tou

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tou

Ngày 28/8, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour, được tích hợp trên website vnfam.vn.

Những tác phẩm mỹ thuật thời kỳ kháng chiến giúp công chúng hiểu hơn về từng giai đoạn của lịch sử dân tộc, khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào dân tộc, sự trân trọng những trang sử vẻ vang và hướng tới tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi thử thách của hiện tại.

“Con đường độc lập” qua góc nhìn của nghệ thuật tạo hình

Triển lãm trực tuyến Con đường Độc lập do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đã đưa công chúng quay về với những ngày tháng đầu tiên dưới ách đô hộ thực dân, ngọn lửa của ý chí độc lập dân tộc được lớn dần qua năm tháng, cùng với sự ra đời và dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), các giai cấp, tổ chức đoàn kết một lòng, hướng về mục đích lớn lao: Giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc. Các tác phẩm Họp Công hội Đỏ (tranh sơn mài của họa sỹ Huỳnh Văn Gấm), Từ trong bóng tối (tranh sơn mài của họa sỹ Lê Quốc Lộc) gợi nhớ về các hoạt động cách mạng của các tổ chức lãnh đạo công - nông giai đoạn này.

Nhiều phong trào đấu tranh những năm 1930-1931 được thể hiện với ngôn ngữ nghệ thuật cô đọng, phản ánh khí thế sôi sục đấu tranh và cao trào cách mạng qua các tác phẩm Nông dân đấu tranh chống thuế (tranh sơn mài của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm) với hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm lần đầu xuất hiện trong phong trào đấu tranh chống thuế của nông dân Trung Kỳ, Xô Viết Nghệ Tĩnh (tranh sơn mài của nhóm 6 tác giả Phạm Văn Đôn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Đức Nùng, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ), hay của tác phẩm cùng tên trên chất liệu khắc đồng đen của tác giả Đường Ngọc Cảnh. Tiếp sau đó là những cao trào cách mạng khác được miêu tả sống động và chân thực, đầy thuyết phục như tác phẩm “Du kích Bắc Sơn về bản Pình” (tranh sơn mài của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ) mang hình ảnh về lực lượng du kích, khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng Cộng sản lãnh đạo; tác phẩm Nam Kỳ 1940 (tranh sơn mài của họa sỹ Huỳnh Văn Gấm) kể lại khúc tráng ca của khởi nghĩa Nam Kỳ…

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn” của họa sỹ Nguyễn Dương

Cùng trong giai đoạn lịch sử đó, mùa Xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước là một dấu mốc trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, Người đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra quyết sách hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đáp ứng khát vọng của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng thế giới, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Chính vì thế, hình tượng nghệ thuật Hồ Chí Minh luôn được văn nghệ sỹ nhiều thế hệ tìm kiếm cách thể hiện chân thực, gần gũi, dung dị và chứa đựng tình cảm, lòng biết ơn chân thành nhất, với sự đa dạng về phong cách sáng tác và chất liệu thể hiện như các tác phẩm: Mùa xuân Bác về Pắc Bó (tranh bột màu của họa sỹ Dương Tuấn), Chú Thu (tranh bột màu của họa sỹ Nguyễn An), Bác Hồ đi công tác (tranh lụa của họa sỹ Trần Đình Thọ), Nước nguồn (tranh sơn dầu của họa sỹ Nguyễn Trọng Kiệm)…

Trải qua nhiều cao trào cách mạng, tháng 8/1945, khi thời cơ đến, tất cả mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, vùng lên thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng dân tộc. Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những hình ảnh lịch sử ấy được tái hiện đầy xúc động qua các tác phẩm Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (tranh sơn dầu của Trần Đình Thọ, sơn mài của Nguyễn Đức Nùng), Phác thảo: Cách mạng Tháng 8 của Huy Toàn, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập của Nguyễn Dương…

Ngoài những tác phẩm trưng bày tại triển lãm Con đường Độc lập, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ và trưng bày nhiều tác phẩm mỹ thuật kháng chiến của các họa sỹ nổi tiếng. Có thể kể đến một số tác phẩm nổi tiếng như Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ của Tô Ngọc Vân, Nhi đồng Tháng Tám của Trần Văn Cẩn, Trận Tầm Vu của Nguyễn Hiêm, Du kích La Hai, Hà Nội đầu năm 1946 của Nguyễn Đỗ Cung, Lớp học ban đêm của Dương Bích Liên, Giặc đốt làng tôi của Nguyễn Sáng, Bộ đội hành quân qua đèo Lũng Lô tiến vào chiến dịch Điện Biên Phủ- ký họa của họa sỹ Tô Ngọc Vân, Kết nạp Ðảng ở Ðiện Biên của Nguyễn Sáng…  Ngoài ra, còn có một số lượng lớn tranh cổ động tuyên truyền về các đề tài như Tuần lễ vàng, Mùa đông binh sỹ, Bình dân học vụ, Hũ gạo nuôi quân…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đất nước ta bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhiều thế hệ nghệ sỹ tiếp tục sáng tác, đem đến những hình ảnh sống động về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở các chiến trường và hậu phương. Có thể kể đến các tác phẩm như: Nắm đất miền Nam của Phạm Xuân Thi, Mẹ kháng chiến của Hoàng Trầm, Bên chiến hào Vĩnh Linh của Đào Đức, Đất này của tổ tiên ta của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trên chặng đường chiến dịch của Nguyễn Thanh Châu, Bộ đội vềTải đạn của Lê Thanh Trừ... Đặc biệt, tác phẩm Nắng xuân 1975 của Nguyễn Quang Thọ và Nắng tháng năm của Quách Phong ghi lại khoảnh khắc đoàn quân giải phóng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn với rừng cờ đỏ sao vàng trong những ngày vui giải phóng…

Chú thích ảnh
Tác phẩm: “Du kích Bắc Sơn về bản Pình” của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ

Đồng hành cùng dân tộc

Nhìn lại chặng đường lịch sử đấu tranh của dân tộc, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 là mốc son sáng chói, là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp theo đó là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy cam go. Trong những năm tháng chiến tranh giữ nước, các nghệ sỹ Việt Nam nói chung, nghệ sỹ tạo hình nói riêng luôn đồng hành cùng dân tộc, đặc biệt là trong những giai đoạn lịch sử quan trọng, các nghệ sỹ tạo hình đã coi việc phản ánh hiện thực đấu tranh cách mạng như một truyền thống, coi việc cầm bút vẽ như cầm cây súng, cầm vũ khí chiến đấu của mình.

Những người yêu hội họa Việt thừa nhận, khi xem những tác phẩm hội họa kháng chiến, họ luôn cảm thấy xúc động như được xem lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Những chủ đề mà các họa sỹ thể hiện thời kỳ này không chỉ nói lên lòng dũng cảm, quyết tâm giữ làng, cứu nước của nhân dân ta, mà còn khẳng định tình yêu, trách nhiệm của người nghệ sỹ đối với cách mạng, với dân tộc. Các tác phẩm ấy đến nay vẫn luôn khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào dân tộc, sự trân trọng những trang sử vẻ vang và hướng tới tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi thử thách của hiện tại.

Trao đổi về mỹ thuật thời kỳ kháng chiến, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, bắt đầu từ năm 1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các họa sỹ thuộc “thế hệ vàng” của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị… đã cảm nhận được ngay bước ngoặt mới, trang sử mới cho đất nước Việt Nam độc lập, họ đã cho ra đời những tác phẩm mỹ thuật chân thành, đầy cảm xúc.

Từ những bức tranh cổ động ban đầu, cho đến những tác phẩm tạo hình bằng nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, lụa, màu nước…  được các họa sỹ ấp ủ và sáng tác sau này, tất cả đều là những tác phẩm mỹ thuật mang dấu ấn đậm nét của nghệ thuật cách mạng Việt Nam nói chung, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình cách mạng Việt Nam nói riêng.

Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, những tác phẩm nghệ thuật tạo hình mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ được cho đến nay là những đóng góp đẹp đẽ nhất của giới mỹ thuật Việt Nam, từ cách mạng tháng Tám năm 1945, sau đó các họa sỹ lên chiến khu Việt Bắc, tiếp tục cuộc trường chinh kháng chiến 9 năm chống Pháp. Rồi lại tiếp tục cuộc trường chinh nữa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất đất nước… Các tác phẩm đó là những tài sản quý, khẳng định nghệ thuật tạo hình cách mạng Việt Nam gắn liền với những cuộc trường chinh giữ nước của dân tộc.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn đánh giá, những tác phẩm mỹ thuật kháng chiến đã ghi lại chặng đường đẹp đẽ của nghệ thuật cách mạng Việt Nam gắn liền với sứ mệnh của người nghệ sỹ, chiến sỹ, gắn liền với ý thức tự nguyện về trọng trách, trách nhiệm xã hội của mình trong bối cảnh cả nước ra trận.

Lúc nào, ở đâu, người nghệ sỹ cũng luôn cảm nhận và sống đời sống của đất nước, của dân tộc… Bởi vậy, trong từng tác phẩm, mỗi họa sỹ đều góp phần thể hiện, lưu giữ những nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam trường tồn từ đời này sang đời khác và chưa bao giờ suy chuyển.

Trong kháng chiến là thế, còn ngày nay, khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các nghệ sỹ Việt Nam nói chung, các họa sỹ nói riêng cũng không đứng ngoài cuộc. “Mỗi người một cách, người lặng lẽ, người sôi nổi xuất hiện tham gia các hoạt động, nhưng tất cả đều là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa.

Ngoài sáng tác, các nghệ sỹ còn tham gia góp công, góp của cho tuyến đầu và ai cũng coi đó là trách nhiệm của mình với xã hội… Cùng với các hoạt động, các nghệ sỹ vẫn lặng lẽ sáng tác nghệ thuật, để rồi đến một lúc nào đó, sẽ cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ nhất về đất nước, con người Việt Nam”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn khẳng định.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm