Muốn trở lại để nâng trình độ nghệ sĩ múa Việt Nam

15/09/2011 22:29 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - 32 tuổi, là người Việt Nam duy nhất trong đoàn Ballet Quốc gia Anh – một trong 10 đoàn Ballet nổi tiếng thế giới, vừa giành giải thưởng của ban tổ chức triển lãm thế giới Shanghai World Expo 2010 China với tác phẩm The weight of love, do diễn viên nhà hát English National Ballet & Shanghai Ballet trình diễn, là một hồ sơ ngắn gọn và ấn tượng về nghệ sĩ – biên đạo múa ballet Lê Ngọc Văn.

Nghệ sĩ – biên đạo múa Lê Ngọc Văn

Vũ đoàn Nhà hát Ballet quốc gia Anh, với hơn 150 buổi diễn hằng năm và đã có những buổi công diễn trên nhiều thành phố lớn khắp thế giới, lần đầu ra mắt khán giả Hà Nội và Tp.HCM lần lượt vào 14 và 16/9. Đoàn có 70 nghệ sĩ đến từ 22 quốc gia khác nhau. Lê Ngọc Văn là thành viên người Việt Nam duy nhất trong đoàn. Anh là con trai của NSND Lê Ngọc Cường – nguyên Cục trưởng cục NTBD và NGND Nguyễn Kim An.

Các tác phẩm được trình diễn trong đêm diễn đầu tiên của Nhà hát Ballet quốc gia Anh tại Việt Nam, gồm : Vue de l’autre – Lê Ngọc Văn; Excerpt from Suite en Blanc – Serge Lifar; Trois Cnossiennes – Hans van Manen; Black Swan pas de deux – Marius petipa.

Sau đêm diễn tối 14//9, Ngọc Văn trò chuyện với TT&VH.

* Cảm xúc của anh trong lần đầu trở về Việt Nam sau những năm tháng khổ luyện ở trời Tây?

- Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được trở lại quê hương biểu diễn. Và tôi cảm thấy tự hào vì mình là người Việt Nam được đứng trong một đoàn Ballet danh giá mang tầm quốc tế như đoàn Ballet Quốc gia Anh.

* Anh đã đến với Ballet như thế nào?

- Bố mẹ không biết gì khác ngoài múa, nên cả hai anh em tôi đều học múa. Sau 7 năm học ở trường múa Việt Nam, tôi sang Pháp học, bắt đầu từ Marseille, rồi tu luyện 2 năm ở Lyon. Sau một kì thi tuyển sát hạch gắt gao, tôi được tham gia vào đoàn Ballet hoàng gia Anh từ 2003 và đã biểu diễn hơn 25 nước trên thế giới.

* Là con nhà nòi, bố anh nguyên là Cục trưởng Cục NTBD, lần đầu ra mắt công chúng Việt Nam trong vai trò vừa là nghệ sĩ biểu diễn vừa là biên đạo múa, anh có bị áp lực?

- Tất nhiên là có chứ. Áp lực từ khi còn học ở Việt Nam. Được sinh ra trong cái nôi là múa, có sự thuận lợi là được bố mẹ hỗ trợ nhưng ngược lại bố mẹ lúc nào cũng không hài lòng vì luôn muốn mình làm tốt hơn. Trước đây, mỗi lần chuẩn bị diễn, bao giờ tôi cũng được bố mẹ đến xem ở những buổi tổng duyệt để góp ý, chỉnh sửa từng tí một. Nhưng bây giờ thì tôi tự tin là tôi có thể còn làm tốt hơn cả bố mẹ tôi rồi.

* Tác phẩm Vue de l’autre ra đời như thế nào?

- Sau khi giành giải thưởng biên đạo múa cho Nhà hát Ballet Thượng Hải và London, tôi được đoàn Ballet Quốc gia Anh đặt hàng và tôi đã sáng tác Vue de l’autre. Và một điều đặc biệt, vì chính âm nhạc đã làm nên tác phẩm này bởi khi tôi tìm được nhạc cho tác phẩm -  bản Nightbook của Ludovico Einaudi mà tôi nghe đi nghe lại hàng chục lần đến hàng trăm lần không thấy chán trên Itunes, tôi đã quyết định cho ra đời Vue de l’autre.

Lần đầu công diễn tác phẩm này vào tháng 3/2011 tại London, khán giả đã thích thú bởi ngoài những động tác chuẩn mực của ballet, tôi pha trộn được sự mượt mà uyển chuyển từ chất liệu múa dân gian Việt Nam cùng với cảm xúc của người Việt Nam.

* Anh nghĩ gì khi lần đầu tiên có sự xuất hiện của một đoàn Ballet quốc tế tầm cỡ đến Việt Nam nhưng vé mời hạn chế, vé bán thì không?

- Tại vì đây là một chương trình đặc biệt dành cho đại sứ quán Anh và Hội đồng Anh tại Việt Nam với sự hỗ trợ từ HSBC nên không được quảng bá nhiều. Nhưng tôi hi vọng sẽ có vé bán trong những lần diễn sau, khi đoàn có cơ hội trở lại Việt Nam.

* Anh có dự định trở về Việt Nam trong tương lai không?

- Tôi rất muốn trở lại Việt Nam làm việc để nâng cao trình độ nghệ sĩ Việt Nam, nhất là sau những gì mình được học hỏi và làm việc với hơn 25 nơi trên thế giới. Tôi muốn truyền bá lại những kinh nghiệm của mình cho những diễn viên múa, những sinh viên múa Việt Nam.

Ở Việt Nam, ballet chưa phát triển nên nếu mình có tài năng mà ở Việt Nam thì sẽ không có cơ hội phát triển được như nước ngoài. Để nâng cao trình độ, mình cần phải có sự cọ sát, học hỏi qua những buổi diễn. Diễn càng nhiều thì sẽ học được càng nhiều. Nhưng vì ở Việt Nam, số buổi diễn không có nhiều nên ngay cả những người giỏi, họ cũng bị mai một tài năng chứ không thể phát triển lên cao hơn được. Hiện nay, tôi mong muốn quảng bá hình ảnh con người Việt Nam, đất nước Việt Nam thông qua những tác phẩm của mình. Và hi vọng 10 năm tới, nghệ thuật ballet Việt sẽ phát triển hơn. Lúc đó mình sẽ về Việt Nam góp sức.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

   Ngọc Minh(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm