Mưa, nắng, đêm… trong Trịnh Công Sơn

01/04/2021 08:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ca từ của Trịnh Công Sơn rất lạ, diệu kỳ và đa nghĩa, nhiều khi là khó hiểu. Mưa, nắng trong ca từ của ông đã không chỉ là mưa nắng bình thường mà mang ý nghĩa nhân sinh:“Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động…”. MƯA trong bài hát “Diễm xưa” không chỉ là cơn mưa Huế da diết mà là “mưa cho đời biển động”. Mưa, nắng là sự biến động thời cuộc lịch sử.

Trịnh Công Sơn - Trở về như mùa Xuân...

Trịnh Công Sơn - Trở về như mùa Xuân...

Cứ như mới hôm qua, vậy mà đã qua 20 mùa của ngày “Cá tháng Tư” - ngày Trịnh Công Sơn rời cõi tạm về nơi an nghỉ đời đời. Có những người cũng nối tiếng nhưng sau khi họ rời cõi tạm, tên tuổi họ nhạt phai dần cùng năm tháng. Nhưng Trịnh Công Sơn thì ngược lại.

NẮNG thông thường chỉ có ban ngày, trong bài hát của Trịnh Công Sơn lại có NẮNG KHUYA.“Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em/ Có khi nắng khuya chưa lên, mà một loài hoa chợt tím”. Vậy“ nắng khuya” là cái gì nhỉ? Chắc chẳng ai giải thích rõ ràng được ca từ này. Tôi thử tưởng tượng rằng nếu có hỏi nhạc sĩ chăng nữa, có thể ông sẽ trả lời: “Tùy các bạn hiểu ra sao”. Ở đây, “nắng khuya” không chỉ là nắng mà là tâm trạng tình cảm của con người. Mưa, nắng trong lòng người biến động khó lường bởi con người ta là một tiểu vũ trụ.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong chương trình “Nối vòng tay lớn” tại Cung Văn hóa Việt Xô. Ảnh: Nguyễn Đình Toán, chụp 1995

ĐÊM trong ca từ của Trịnh Công Sơn lại càng kỳ lạ:“Đêm thấy ta là thác đổ”. Đêm thấy ta, hay là ta thấy Đêm? Ký ức chợt hiển hiện về như một dòng “thác đổ”? “Một đêm bước chân về gác nhỏ/ Chợt nhớ đóa hoa tường vi/ Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ/ Giờ đây đã quên vườn xưa…”. Vậy ĐÊM đã không chỉ là đêm mà là cả một kho tàng kỷ niệm bỗng được mở ra như một cuốn album để ta sống lại một quãng thời gian đẹp nào đó đã qua lâu rồi, không bao giờ trở lại nữa.

Ca từ của Trịnh Công Sơn trong các ca khúc của ông nhiều hàm ý sâu sa, mà chắc rằng chỉ có những người có tri thức triết học Phật giáo mới có thể hiểu được ngọn ngành. Có lẽ một ca khúc nổi bật ý nghĩa triết học đó là “Đóa hoa vô thường”. Từ khởi đầu bài hát là: “Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai”. Những hình ảnh “chim hạc”, “ nhành mai” là những hình ảnh quen thuộc của thi thiền.

Đến đoạn giữa bài hát khi nàng đã về với anh, hình ảnh hạnh phúc tươi sáng hiện ra: “Từ nay anh đã có nàng/ Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca/ Mùa xuân trên những mái nhà/Có con chim hót tên là ái-ân”. Bấy lâu nay tôi thường thấy nhiều người dùng chữ “ái ân” với nghĩa hoàn toàn sex. Tôi ngạc nhiên thấy ở lời ca của Trịnh Công Sơn có dấu gạch nối ở giữa “ái-ân”. Hóa ra “ái là tình yêu” và “ân là tình nghĩa”. Con chim hót trong nhạc Trịnh Công Sơn muốn nói rằng tình yêu và tình nghĩa là một, không thể tách rời. Tuy vậy, theo tôi hiểu bài hát của Trịnh Công Sơn cũng đã truyền cảm tới chúng ta sự “vô thường”. Đoạn kết của bài hát:“Từ đó trong vườn khuya/ Ôi áo xưa em là/ Một chút mây phù du/Đã thoáng qua đời ta… Từ đó em là sương/ Rụng mát trong bình minh/ Từ đó ta là đêm/ Nở đóa hoa vô thường”.

Đời là “vô thường” đó là ý nghĩa thực tế mà nhạc sĩ và chúng ta đều thấm thía. Thế mà con người dường như không muốn “vô thường” chính nhạc sĩ cũng cảm thấy “một chút mây phù du” cũng đủ gây nên một cơn bão lớn trong lòng. Trong bài “Tình nhớ” đã có những câu: “Ôi áo xưa lồng lộng/ Đã xô dạt trời chiều!”. Chao ơi, tả tình mà được như vậy thì thật bái phục nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!

Nhà văn Lê Phương Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm