Một triển lãm nghệ thuật đương đại Nhật đáng xem

08/07/2013 09:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhận xét về Khu vườn mùa Đông (đang diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động, 55B Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM), giám tuyển của Singapore Biennale 2013 Nguyễn Như Huy cho rằng: “Tôi cho đây là triển lãm quan trọng bậc nhất tại TP.HCM trong một hai năm gần đây”.

“Triển lãm này quan trọng vì ba lý do: Thứ nhất, nó bao quát được phần lớn các phong cách và chủ đề của nghệ thuật đương đại Nhật Bản, thuộc thế hệ nghệ sĩ dưới 30 tuổi. Một đất nước thay đổi nhanh chóng, đưa ra được cái nhìn của thế hệ này là một nỗ lực rất lớn.

Thứ hai, nó vẫn đượm tinh thần tối giản, một phong cách đặc thù của nghệ thuật Nhật Bản, vốn có truyền thống dài lâu từ thiền tông, nhưng vẫn rất đương đại.

Thứ ba, dù tiếp xúc với phương Tây từ rất sớm, nhiều nghệ sĩ trong triển lãm này sống và làm việc ở Tây phương, nhưng họ không lệ thuộc, mà đã chuyển hóa được tinh thần, triết lý và kỹ thuật riêng của Nhật Bản; họ đã làm ra được những tác phẩm rất tự tại, gần như không có cố gắng để độc đáo, nhưng lại rất độc đáo”, Nguyễn Như Huy phân tích.

Một tác phẩm của Makiko Kudo tại triển lãm
Trong Khu vườn mùa Đông, nổi tiếng nhất có lẽ là ba tác phẩm video của Koki Tanaka, nghệ sĩ vừa đoạt giải thưởng đặc biệt ở La Biennale di Venezia (Venice Biennale 2013), đang diễn ra tại Ý. Koki Tanaka (sinh 1985), thành viên của nhóm J-pop có tên KAT-TUN, đã xuất hiện trong nhiều phim và kịch truyền hình. Anh là người kết hợp tài tình giữa phong cách giải trí của showbiz với các thể nghiệm đương đại, để qua đó đưa ra những thông điệp và triết lý về thời đại.

Ngoài ra, người xem có thể chia sẻ các cách nhìn, qua nhiều phương tiện và phương cách làm nghệ thuật của Ryoko Aoki, Masaya Chiba, Masanori Handa, Taro Izumi, Makiko Kudo, Mahomi Kunikata...

35 tác phẩm của 14 nghệ sĩ này do nhà phê bình nghệ thuật Midori Matsui tuyển chọn. Nó là đại diện tích cực và tiêu biểu cho nghệ thuật đương đại Nhật Bản nửa sau thập niên 1990 đến nay. Lấy tên Khu vườn mùa Đông - Nghệ thuật “micropop” đương đại Nhật Bản, rõ ràng triển lãm đã hướng đến sự tàn phá thiên nhiên và “cách kết hợp những đổ vỡ với sự lỗi thời, hoặc khoác lên những chức năng mới, hoặc ý nghĩa mới cho những nơi thân thuộc”. Tất cả điều này được Midori Matsui gọi là tinh thần hoặc phong cách micropop; một thuật ngữ chưa có khái niệm tương đương trong tiếng Việt.

Triển lãm cũng phần nào giúp người xem cắt nghĩa được vì sao nhiều tác phẩm đương đại “làm như không” của Nhật lại có giá bán rất cao trên thị trường quốc tế. Rõ ràng đã có một thế hệ nghệ sĩ khác, với thẩm mỹ khác được hình thành, dù họ “trẻ người”, nhưng hoàn toàn không “non dạ”. Đây cũng là một bài học lớn cho việc bảo tồn văn hóa và cách thức sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi mà bản sắc dân tộc, bản sắc cá nhân rất dễ bị biến tướng hoặc bị nuốt chửng.

Nếu có điều gì cần phàn nàn về triển lãm, có lẽ là công tác truyền thông của nó còn hơi yếu, khiến cho việc tiếp cận của công chúng Việt Nam còn hạn chế. Ngay như buổi khai mạc, giới làm nghệ thuật đến khá ít, trong khi đây là triển lãm có giám tuyển bài bản, rất đáng để trao đổi, học hỏi.

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 21/7/2013, giờ mở cửa từ 9h đến 19h, rất đáng để đi xem.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm