Một 'thế giới khác' của Dế Mèn bước ra từ trang sách

22/01/2018 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nói về những tác phẩm minh họa trong triển lãm Dế Mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới, nhà thơ Trần Đăng Khoa dí dỏm: “Người ta chẳng còn biết các họa sĩ minh họa cho nhà văn Tô Hoài, hay văn Tô Hoài minh họa cho các tác phẩm hội họa của các họa sĩ”.

Sở dĩ nhà thơ Trần Đăng Khoa có nhận xét như trên, bởi vượt lên trên mục đích minh họa văn học, nhiều thế hệ họa sĩ minh họa cho Dế Mèn phiêu lưu ký đã biến những bức vẽ ấy trở thành tác phẩm độc lập, có giá trị và sức sống riêng,

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định: “Văn học và hội họa có nhiều lần gặp gỡ nhau, nhất là trong văn học cho thiếu nhi”. Và Dế Mèn phiêu lưu ký là một trong số ít tác phẩm sở hữu nhiều lần “gặp gỡ” như vậy nhất.

Chạm tới những thế giới của 'Dế Mèn phiêu lưu ký'

Triển lãm Dế Mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới không chỉ đưa người xem dạo bước trong những thế giới của Dế Mèn qua nét vẽ phong phú của nhiều thế hệ họa sĩ là Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương, Tạ Huy Long, Đậu Thị Ngọc Vinh (Đậu Đũa) mà còn mở ra một thế gới lung linh, kỳ ảo của những “cư dân đầm lầy” thông qua nghệ thuật sắp đặt.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Tạ Huy Long ký tặng độc giả nhí tại triển lãm

Đây là lần đầu tiên họa sĩ Tạ Huy Long, người vốn chỉ được biết đến qua những bức minh họa thử sức với loại hình nghệ thuật này. Ý tưởng thực hiện cuộc triển lãm được anh và NXB Kim Đồng cùng với Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA)chuẩn bị trong hơn 2 tháng.

Bước vào không gian triển lãm, người xem sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi mô hình chú Dế Mèn khổng lồ dài 15m, cao 4m làm bằng chất liệu tầm vông.

Chia sẻ về ý tưởng “khổng lồ hóa” một “nhân vật” vốn nhỏ bé như vậy, họa sĩ Tạ Huy Long nói: “Trước kia người ta thường quan niệm thế giới côn trùng rất nhỏ bé và tầm thường. Nhưng thử nghĩ ngược lại nếu con người nhỏ như côn trùng thì sao?”.

“Với một không gian thế này, tôi muốn nó thật kỳ vĩ và trong trẻo, trong suốt để người xem cảm giác nó từ thế giới nào đó bay tới” - họa sĩ Tạ Huy Long bổ sung.

Và cũng với ý tưởng của họa sĩ Tạ Huy Long, một thế giới khác, thế giới của những “cư dân đầm lầy” trong trí tưởng tượng,đã len lỏi từ câu chữ của nhà văn Tô Hoài để nhảy ra thế giới thật thông qua những chiếc gương được bài trí có chủ đích. “Cái gương đó là cửa sổ của thế giới khác” - anh nói.

Góp mặt tại buổi khai mạc triển lãm có một nhân vật đặc biệt. Họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân, một trong những người đầu tiên vẽ Dế Mèn, ông giãi bày với khán giả:

“Thế giới của Dế Mèn mà nhà văn Tô Hoài tạo ra đúng như tình cảm con người với những biểu hiện của tình bạn, tình yêu, sự yêu thích khám phá, phiêu lưu. Tôi rất yêu quý Dế Mèn, ngoài ba lần vẽ để in, tôi cũng tự sáng tác một số tranh Dế Mèn”.

Chú thích ảnh
Mô hình Dế Mèn khổng lồ tại triển lãm

Một “thế giới khác” của họa sĩ minh họa văn học

Trước đây, kể cả đến bây giờ một bộ phận độc giả chỉ quan niệm tranh minh họa là “nhân vật phụ” giúp bổ trợ cho việc truyền tải ý nghĩa tác phẩm,hay đơn giản là làm cho trang sách bớt ngột ngạt, rậm rịt là chữ.

Nhưng cùng với tài năng của người họa sĩ, tranh minh họa đã vượt ra khỏi phạm vi “minh họa”, có thể đứng độc lập và có đời sống riêng. Tranh minh họa không chỉ truyền tải mà còn là sự dung hòa giữa tư tưởng của tác phẩm, của tác giả vớicá tính nét vẽ của họa sĩ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp có thể coi những bức vẽ ấy không phải minh họa mà là một sáng tác lấy cảm hứng từ văn học.

Xét riêng trong các thế hệ tác giả vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nếu như thời kỳ Ngô Mạnh Lân và Trương Qua mục tiêu giáo dục được đặt trên thẩm mỹ và phong cách cá nhân, thì đến sau này với Tạ Huy Long và Đậu Đũa, lối vẽ hoàn toàn theo cá nhân họa sĩ.

Họa sĩ Tạ Huy Long và Đậu Thị Ngọc Vinh có thể coi là đại diện tiêu biểu cho thế hệ họa sĩ minh họa đương đại. Thế hệ mà theo ông Phan Cẩm Thượng, thời kỳ internet đã phát triển, kỹ thuật đồ họa đã phổ biến, mẫu hình động vật đưa lên mạng cũng chưa bao giờ phong phú như thời gian này, khác với thế hệ của Thành Chương, Ngô Mạnh Lân hay Trương Qua, phải hoàn toàn tự mình ra thiên nhiên chép và nghiên cứu động thực vật cho minh họa.

“Có thể nói, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam thực sự có họa sĩ minh họa sách chuyên nghiệp, còn trước đó, đều là việc tay trái, làm thêm của họa sĩ nhưng ngược lại cũng có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia việc minh họa, như Bùi Xuân Phái chẳng hạn” - nhà ngihên cứu Phan Cẩm Thượng nói tiếp.

Vài nét về họa sĩ Tạ Huy Long

Tạ Huy Long là họa sĩ truyện tranh đương đại hàng đầu Việt Nam. Ngoài các triển lãm Ngày xưa tôi là, Tôi vẽ tôi, anh có triển lãm tại Pháp đồng thời là tác giả những dự án lớn như: Tủ sách tranh truyện dân gian Việt Nam, Tủ sách tranh truyện lịch sử và mới đây nhất là tập Lược sử nước Việt bằng tranh.

Anh cũng chính là người mang đến một hơi thở mới cho Lĩnh Nam chích quái với hơn 200 bức minh họa, giúp tác phẩm thu hút đông đảo sự chú ý của độc giả trẻ.

Chiêm ngưỡng mô hình 'Dế Mèn phiêu lưu ký' khổng lồ

Chiêm ngưỡng mô hình 'Dế Mèn phiêu lưu ký' khổng lồ

Triển lãm giới thiệu các tác phẩm tranh, sắp đặt và điêu khắc lấy ý tưởng từ tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai, 20/1. 

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm