'Maybellene' của Chuck Berry: Ca khúc rock ‘n’ roll đầu tiên trong lịch sử

03/04/2021 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1955, xuất hiện một loại nhạc không xác định, mang lại cảm giác dễ chịu được đặt tên là rock ‘n’ roll. Và John Lennon có lần nói: “Nếu anh muốn cho rock ‘n’ roll một cái tên khác, thì anh nên gọi nó là Chuck Berry”.

Ngôi nhà lưu danh Rock & Roll tôn vinh Chuck Berry

Ngôi nhà lưu danh Rock & Roll tôn vinh Chuck Berry

Chuck Berry (82 tuổi), một trong những người tiên phong của dòng nhạc rock, sẽ được Ngôi nhà lưu danh Rock & Roll tôn vinh vào tháng 10 tới.

Khi đó, Berry là một chàng trai trẻ sống ở thành phố St. Louis (Missouri, Mỹ). Anh đã thu âm ca khúc Maybellene cho hãng đĩa Chess. Vỏn vẹn 2 phút 18 giây, phô bày nỗi niềm luyến ái của một thế hệ với nhịp mạnh, xe hơi và tình yêu, ca khúc này chính là “ông tổ” của nhạc rock ‘n’ roll.

Nghệ sĩ da đen chơi nhạc đồng quê

Vì Chuck Berry và ban nhạc của anh mất tới 36 lần thử đi thử lại để có được Maybellene đúng như họ muốn, khán giả có thể sẵn lòng tha thứ cho anh nếu đoạn guitar mở màn có phần hơi mệt mỏi.

Trên thực tế, đây là lần đầu Berry bước chân vào phòng thu. Ở tuổi 29, anh đã biểu diễn trong một bộ ba tại St. Louis vài năm, chủ yếu chơi nhạc blue và R&B. Nhưng khi Berry bắt đầu tự viết nhạc, anh đã lồng thêm vào yếu tố nhạc đồng quê của người da trắng để xem liệu nó có giúp thu hút hơn không. Khi đó, nước Mỹ đang trong giai đoạn kinh tế bùng nổ sau Thế chiến II. Thanh niên Mỹ vui chơi nhiều hơn và bắt đầu xuất hiện những hộp đêm cho phép cả khán giả da trắng lẫn da đen vào cửa.

Chú thích ảnh
Ở tuổi 29, Chuck Berry đã làm thay đổi lịch sử âm nhạc thế giới

Một tối thứ Sáu của tháng 5/1955, Berry lái xe tới Chicago để xem buổi diễn của thần tượng, huyền thoại nhạc blue Muddy Waters. “Tôi lắng nghe cả buổi diễn” - Berry nhớ lại - “Khi ông diễn xong, tôi liền tiến tới xin chữ ký và nói với ông tôi là một người chơi guitar. Tôi hỏi: Làm thế nào để liên hệ được với một hãng thu âm? Ông nói: Sao không tới gặp Leonard Chess ở đường 47?”

Thế là, sáng sớm thứ Hai, Berry lên đường tới hãng thu âm Chess và đứng chờ ở một cửa hàng bên kia đường. Khi Leonard Chess tới, Berry liền chạy qua và thuyết phục ông. Chess rất ấn tượng với sự tự tin của chàng trai trẻ và nói anh hãy quay lại với một băng thu nhạc của mình. Berry trở lại vào tuần sau, mang theo các thành viên khác của bộ ba, gồm dương cầm thủ Johnnie Johnson và tay trống Eddie Hardy, kèm theo bốn ca khúc mới.

“Lần thử sức này, chúng tôi chơi cả bốn ca khúc” - Berry nói. “Chúng tôi không biết họ nói gì. Họ ở trong phòng thu và nghe”.

Berry nghĩ họ đang nghe Wee Wee Hours, một ca khúc nhạc blue. Dù sao thì, Chess vẫn được biết tới ở Chicago là một hãng ghi âm nhạc blue. Nhưng Leonard Chess lại bị thu hút bởi cơ hội thị trường của “nhạc đồng quê do người da đen hát”, một kết hợp mang tính đại chúng. Và nó nằm ở ca khúc sôi động hơn, Ida Mae, mà Berry chuyển thể từ một giai điệu đồng quê truyền thống có tên Ida Red. Chess tin chắc rằng ca khúc mới sẽ thành hit nhưng lại không thích tên của nó. Nó quá “nông thôn” và ông nghĩ cái tên như thế có thể gây rắc rối về bản quyền.

“Đó là cả một vấn đề vì mọi người không biết nên gọi nó là gì” - Johnson nhớ lại. “Chúng tôi nhìn lên bậu cửa sổ và ở đó có một hộp mascara viết chữ Maybellene trên đó. Và Leonard Chess nói: Sao chúng ta không đặt cho cái thứ chết tiệt này tên là Maybellene nhỉ?”

Không vấn đề gì với Berry, vì anh chỉ quan tâm tới việc nhịp điệu của ca khúc không bị xáo trộn.

Chú thích ảnh
Bìa đơn giản của “Maybellene” không tiết lộ thân thế của nghệ sĩ biểu diễn

Nỗi buồn màu da

Sau buổi thu âm, Berry trở lại St. Louis, nơi anh làm việc trong công ty xây dựng của bố và đang học làm tóc. Anh cùng ban nhạc hiện đang chơi ba đêm mỗi tuần và bắt đầu thu hút được ngày một nhiều khán giả. Những khán giả da trắng cũng tới để nghe thể loại nhạc mới lạ, pha giữa blue, R&B, đồng quê và phương Tây. Nhưng sau vài tuần, Berry vẫn không nghe tin gì từ Leonard Chess. Anh không biết ca khúc của mình giờ ra sao. Rồi một ngày tháng Tám, anh biết tất cả, nhưng không phải từ Chess.

Khi đó, Berry đang đi qua một tiệm may quen thì ca khúc vang lên. “Tôi chạy bay về nhà - cách đó 20 dãy nhà - và nói với mọi người: Tôi đã nghe thấy nó, tôi đã nghe thấy nó, tôi đã nghe thấy nó. Và là từ những người thân quen, những người sống ở khu đó. Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy nó. Ngày đó sao mà đẹp đến vậy. Tôi choáng váng cõi lòng khi nghe thấy mình hát”.

Với giai điệu mạnh mẽ bền bỉ, Maybellene nhanh chóng leo lên No.1 Bảng xếp hạng R&B. Hai tuần sau, vào tháng 8/1955, nó đứng No.5 Bảng xếp hạngnhạc pop quan trọng. Ở New York, DJ Alan Freed bật ca khúc liên tục suốt hai tiếng trong một đêm. Xuôi về phía Nam, một ca sĩ chưa có mấy tên tuổi khi đó là Elvis Presley đã thêm nó vào danh mục biểu diễn của mình.

Không chỉ có giai điệu đáng kinh ngạc, Maybellene còn được đánh giá cao về ca từ. Joe Edwards, chủ sở hữu câu lạc bộ Berry biểu diễn, ca ngợi Berry không chỉ là người tiên phong nhạc rock ‘n’ roll mà còn là một nhà thơ lớn: “Chuck Berry là nghệ sĩ đầu tiên thật sự làm được tất cả, như viết nhạc, viết ca từ và biên đạo sân khấu. Cho tới khi Bob Dylan xuất hiện, tôi nghĩ không ai có thể vượt qua anh ấy”.

Dù câu chuyện chỉ là về người bạn gái phản bội, tham phú phụ bần, ca từ của Maybellene vừa vần điệu vừa chứa nhiều đoạn chơi chữ. Một ca khúc dài hơn hai phút nhưng dường như cả cuộc đời của một thanh thiếu niên trải ra trước mắt. Không chỉ đoạn riff định hình lối chơi guitar nhiều thập kỷ về sau, ca từ Maybellene cũng thay đổi cách viết lời nhạc rock vĩnh viễn.

Berry cũng là nghệ sĩ rock da đen đầu tiên lừng danh cả nước nhờ nhạc của chính mình. Rút kinh nghiệm từ những guitar da đen như Charlie Christian và T-Bone, Berry cực kỳ kín đáo về hình ảnh của mình. Thành công của Maybellene đã mở ra cơ hội lưu diễn nhưng trước khi đêm mở màn, không ai từng thấy bức ảnh nào của Berry và đều nhầm anh là người da trắng. “Khi chúng tôi bước ra sân khấu, có rất nhiều tiếng ố á vì anh ấy là một người da đen chơi nhạc đồng quê” - Johnson nhớ lại.

Sự cẩn thận ấy là có lý. Sau này, Berry từng bị người tổ chức một chương trình từ chối tại cửa vì “đây là nhạc nhảy đồng quê và chúng tôi không biết rằng Maybellene lại do một tên đen ghi âm”. Berry đã phải quay xe và để một nhóm da trắng thay thế biểu diễn nhạc của mình.

Không những thế, khi Berry cuối cùng cũng được cầm trong taymột bản thu ca khúc, anh bất ngờ thấy còn có hai người nữa đứng tên là tác giả. Một là Alan Freed, DJ đã tích cực quảng bá ca khúc. Và hai là Russ Fratto, một người anh thậm chí chưa từng nghe tên. Phải mất 30 năm kiện tụng, Berry mới giành lại toàn bộ bản quyền về mình. Sau cùng thì, giai điệu, ca từ và đoạn solo guitar trứ danh đó, vĩnh viễn gắn liền với Berry.

Ca khúc khai sinh ra nhạc rock ‘n’ roll “Maybellene”:

Kết thúc có hậu

Berry cũng được đền đáp xứng đáng. Sau Maybellene, Berry đã tạo ra một chuỗi hit đáng kinh ngạc: Roll Over Beethoven, School Days, Sweet Little Sixteen, Johnny B. Goode để định hình rõ hơn dòng nhạc rock ‘n’ roll. Nhiều người đồng tình với nguồn gốc này của rock ‘n’ roll, từ The Beatles tới The Rolling Stones.

Năm 1988, Maybellene được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Grammy vì tầm ảnh hưởng với tư cách một bản thu rock ‘n’ roll. Đại sảnh danh vọng rock ‘n’ roll ghi nhận nó vào danh sách 500 ca khúc định hình rock ‘n’ roll (cùng với Rock and roll Music Johnny B. Goode cũng của Berry). Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại do Rolling Stone bình chọn, Maybellene đứng thứ 18.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm