Margaret Atwood công bố phần tiếp theo của tiểu thuyết ‘Chuyện người tùy nữ’

29/11/2018 20:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) – Phần tiếp theo của cuốn sách bán chạy về nữ quyền trong thế giới Dystopia (phản thiên đàng, dùng để chỉ các xã hội, thế giới phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ) của tác giả người Canada sẽ lên kệ vào khoảng tháng 9/2019.

Nhà văn Margaret Atwood được tôn vinh với giải Kafka 2017

Nhà văn Margaret Atwood được tôn vinh với giải Kafka 2017

Trong buổi lễ trọng thể tổ chức tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc ngày 17/10, nữ văn sĩ người Canada Margaret Atwood đã được vinh danh với giải thưởng quốc tế Franz Kafka, dành cho những cống hiến của bà đối với làng văn học thế giới.

Margaret Atwood vừa công bố phần tiếp theo cuốn tiểu thuyết đình đám The Hadmaid’s Tale (xuất bản ở Việt Nam dưới tên Chuyện người tùy nữ), có tựa đề The Testaments (tạm dịch: Những chúc thư).

Chú thích ảnh
Tác giả Atwood (trái), xuất hiện trong một cảnh phim chuyển thể từ "Chuyện người tùy nữ"

“Độc giả quý mến. Tất cả những gì các bạn hỏi tôi về Gilead và những hoạt động trong nó là nguồn cảm hứng cho tôi viết cuốn sách này. Vâng, một nguồn cảm hứng khác là từ chính thế giới chúng ta đang sống” - Atwood viết trong thông cáo báo chí về việc xuất bản cuốn sách mới hôm thứ Tư.

Chuyện người tùy nữ kể về cuộc vật lộn sinh tồn của một phụ nữ ở Gilead, tức nước Mỹ phản thiên đàng trong tương lai, nơi phụ nữ có rất ích quyền lợi, thường bị coi là vật sinh sản và không được phép đọc, viết. Cuốn tiểu thuyết xuất bản lần đầu vào năm 1985, và nhanh chóng được coi là tác phẩm hiện đại kinh điển.

Sách đã bán được hơn tám triệu bản tiếng Anh và gần đây tiếp tục nổi sóng trong giới đọc, bởi nó đề cập tới nhiều vấn đề nóng hổi như quấy rối tình dục, phá thai hay sự nổi lên của những chính trị gia đảng Dân chủ. Thành công của phim truyền hình chuyển thể hồi năm 2017, với Elisabeth Moss thủ vai chính là Offred, cũng giúp sách có thêm nhiều độc giả mới.

Chú thích ảnh
Elisabeth Moss trong vai Offred

The Testaments lấy bối cảnh 15 năm sau cảnh cuối của Offred ở phần đầu và được kể bởi ba nhân vật nữ. Nó không liên quan tới phiên bản truyền hình, vốn đã được mở rộng so với tiểu thuyết năm 1985 của Atwood.

Cuốn đầu kết thúc với cảnh Offred được đưa lên một chiếc xe tải và có khả năng tới được vùng tự do ngoài Gilead. Đoạn kết này được kể bởi một giáo sư, người đưa ra bài giảng về tính xác thực trong câu chuyện về Offred vào năm 2195, dựa trên những cuốn băng cát-xét ông tìm thấy ở Maine.

“Xã hội không thể mong chờ gì hơn ở Margaret Atwood”, Becky Haride, phó giám đốc NXB Chatto & Windus chia sẻ. “Khoảnh khắc cánh cửa xe tải đóng sầm vào tương lai của Offread ở cuối Chuyện người tùy nữ là một trong những kết thúc mơ hồ rực rỡ nhất trong văn học. Tôi đang rất mong được biết Gilead của Atwood sẽ tới đâu – và đó có thể là thứ nói cho chúng ta biết về chính thời đại này”.

Sau thành công của phim chuyển thể, chiếc áo choàng đỏ và mũ có dây buộc trắng đặc trưng của người hầu gái bắt đầu được coi như biểu tượng về đàn áp phụ nữ. Đông đảo người biểu tình đã mặc trang phục này trong cuộc biểu tình đòi tự do lựa chọn có con của phụ nữ ở Argentina và Ireland, và tại phiên điều trần xử thẩm phán tối cao Brett Kavanaugh, sau khi ông này bị cáo buộc tội tấn công tình dục.

Chú thích ảnh
Biểu tình trong trang phục người tùy nữ

Trong năm 2017, cuốn tiểu thuyết của Atwood đã trụ 16 tuần trong danh sách bán chạy của Sunday Times, còn NXB Anh Vintage cho biết doanh thu sách đã tăng 670% so với năm trước.

Atwood trước đó đã hé lộ về phần tiếp theo, gần nhất là trong cuốn sách nói tương ứng cho Audible. Ở phần kết thúc, bà nói thêm: “Tôi hi vọng có thể trình bày kết quả điều tra về Gilead thêm cho các bạn trong tương lai”.

“Tôi đang tham khảo ý kiến giáo sư nhưng ông ấy rất kín đáo về nó”, Atwood nói với trang mạng Loop khi đó. “Ông ấy rõ ràng không muốn hứa hẹn gì trước khi xác thực xong những khám phá mới của mình”.

Thư Vĩ (Theo Guardian)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm