Lưu giữ nghệ thuật đương đại Việt Nam cho tương lai

12/11/2020 08:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 (do Đại học quốc tế RMIT Việt Nam phối hợp vớiUNESCO, Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức), Triển lãm nghệ thuật No Rain Without Clouds (Không mây không mưa) trưng bày 32 tác phẩm nghệ thuật đương đại của 22 nghệ sỹtại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ 07-15/11 và trên nền tảng online Kunstmatrix từ 20/10-27/12/2020.

Triển lãm tranh lụa 'Ngày - đêm': 'Hơi thở mạnh' của tranh lụa đương đại

Triển lãm tranh lụa 'Ngày - đêm': 'Hơi thở mạnh' của tranh lụa đương đại

Sau thành công của triển lãm Ngày dịu dàng năm 2016 và những triển lãm chung của một số thành viên trong nhóm với các hoạt động mỹ thuật khác như Triển lãm tranh lụa và điêu khắc nhỏ năm 2018, triển lãm Thấp thoáng Đông Dương năm 2019, có thể nói, triển lãm tranh lụa Ngày - Đêm mang đến một dấu ấn đặc sắc, khẳng định lại vị trí của tranh lụa trong dòng chảy mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Không phải là một triển lãm có quy mô lớn, nhưng khán giả trong nước và quốc tế đến dự khai mạc Liên hoan đều vui mừng và bất ngờ bởi đây là bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của một trường đại học quốc tế tại Việt Nam, khi mà chúng ta chưa có một bảo tàngdành riêng cho giai đoạn nghệ thuật này.

Sự bất ngờ thú vị

Trong triển lãm, ta bắt gặp nhiều tên tuổi nghệ sỹ đương đại lớn của Việt Nam từng có tác phẩm được sưu tập, trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như: Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Nghĩa Cương, Đinh Công Đạt, Tạ Minh Đức, Hà Trí Hiếu, Nguyễn Mạnh Hùng, Bùi Công Khánh , Dương Thúy Liễu...

Chú thích ảnh
Tác phẩm "No. 37B Nguyen Huu Huan Street" (2013) của tác giả Nguyễn Thế Sơn

Cũng bằng chính ngôn ngữ “phù điêu ảnh” như tác phẩm trong triển lãm lần này, trước đó, series Những người chở của nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn đã chu du khắp các đường phố Worcester (Massachusetts, Mỹ) đến Groninggen (Hà Lan). Hay sê-riNhà mặt phố của tác giả được trưng bày ở triển lãm nghệ thuật đương đại ở Seoul (Hàn Quốc). Câu chuyện nghệ thuật của anh gắn liền với quá trình đô thị hóa ở Việt Nam và câu hỏi đặt ra cho người xem: Ký ức - liệu có quan trọng với một đô thị?

Tấm bản đồ đầy màu sắc rực rỡ kết hợp từ các hạt, sợi thun, chỉ thêu của tác giả Tiffany Chung trong bộ sưu tập tưởng như chỉ tạo ra cho người xem một vẻ đẹp đầy thẩm mỹ nhưng thật ranó nằm trong chuỗitác phẩm bản đồ thể hiện sự thay đổi/suy tàn/biến mất của các làng mạc, thị trấn do giảm trừ công nghiệp hóa, thay đổi dân số, mở rộng đất đai, thảm họa môi trường… tại các quốc gia đang phát triển và hậu công nghiệp hóa.Với nhiều dự án lớn ở quy mô nghiên cứu liên ngành cùng những chuyên gia trong lĩnh vực dân tộc học/ nhân chủng học/ xã hội học…, các công trình của cô có sức ảnh hưởng nhất định và được trưng bày tại những tổ chức trên toàn thế giới như: Triển lãm Disrupted Choreographies tại Musee d’Art Contemporain Nimes và bảo tàng mỹ thuật ở Houston (Texas, Mỹ). Nữ nghệ sỹ là một trong những gương mặt đáng chú ý của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Tiffany Chung tại triển lãm

Từ khóa mà nghệ sỹ Bùi Công Khánh nói về nghệ thuật của mình là “In the pass - Trong quá khứ”. Sinh ra tại TP.HCM sau đó anh theo gia đình sang nước ngoài định cư từ khi còn nhỏ nhưng trong tâm trí anh vẫn luôn mang trong mình những ký ức về tuổi thơ trong những điều kiện khó khăn nhưng đẹp đẽ với một đứa trẻ ở Việt Nam. Nghệ thuật của anh đào sâu về lịch sử và xã hội đương đại với các công trình kiến trúc đã hư phế, các đồ gốm sứ Việt Nam, hoặc tô điểm cho những vật dụng trong đời sống hiện đại bằng những motif của quá khứ trên tinh thần hài hước và gợi mở sự đối lập. Ba tác phẩm tranh vẽ những lon nước ngọt trong triển lãm lần này là một ví dụ cụ thể. Những tác phẩm của anh đã được trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, trong bộ sưu tập lần này còn có các tác phẩm của các tên tuổi như Hà Mạnh Thắng với ngôn ngữ hội họa ma mị. Sở trường của anh là tái hiện lại các không gian kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam trong tiềm thức của cộng đồng bằng lối biểu hiện tiêu giản, tuy vẫn giữ được nét đặc trưng của công trình nhưng đem đến cho người xem những trải nghiệm và nhận thức mới...Trong khi đó các tác phẩm của Ngô Văn Sắc vẽ trên gỗ ghép, Đinh Công Đạt với điêu khắc nhỏ, Hà Trí Hiếu với hội họa hay những tác phẩm Video 3D của Nguyễn Hồng Ngọc (Nâu)... đều mang những nhận diện, danh tính của đất nước con người Việt Nam.

Lưu giữ và truyền tải giá trị văn hóa - nghệ thuật đương đại

Các tác phẩm trong triển lãm này thuộc bộ sưu tập lớn hơn được đặt trong khuôn viên của Trường Đại học RMIT ở Việt Nam. Cửa mở tự do cho sinh viên và những người bên ngoài trường vào xem, như một hình thức bảo tàng của trường.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của nghệ sỹ Bùi Công Khánh - Acrylic trên Canvas

đây, sinh viên có cơ hội trải nghiệm, tiếp xúc và nghiên cứu những tác phẩm, tác giả đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật. Dù vẫn còn ở quy mô nhỏ nhưng những tác phẩm đương đại đa dạng là nguồn cảm hứng dồi dào cho việc kết nối trực tiếp những sinh viên nói riêng hay người xem nói chung với một cái nhìn bao quát hơn về nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Từ những năm 2000 trở lại đây, nghệ thuật đương đại Việt Nam được thực hành rộng rãi dưới nhiều hình thức và chất liệu, đánh dấu một giai đoạn nhận thức mới về văn hóa xã hội và thực hành nghệ thuật của những thế hệ nghệ sỹ trẻ. Dù ở bất kỳ thời điểm/giai đoạn nào, những sáng tạo nghệ thuật vẫn nằm trong dòng chảy không ngừng của nghệ thuật Việt Nam và cần được bảo tồn lưu giữ mạch phát triển.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của nghệ sỹ điêu khắc Đinh Công Đạt

Trên thế giới, việc có những bảo tàng nghệ thuật lưu giữ những tác phẩm đương đại trong trường đại học được chú trọng. Viện bảo tàng nổi tiếng thế giới là Blanton Museum of Art, nằm ở trong khuôn viên của Trường Đại học Texas tại Austin. Viện bảo tàng này có khoảng 18.000 tác phẩm nghệ thuật đương đại, hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch tới viếng thăm. Không chỉ là một sự thuận lợi đặc biệt cho sinh viên học tập nghiên cứu mà việc lưu giữ/ giáo dục về các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại cho các thế hệ trẻ còn là một điều rất cần thiết đối với nhận thức đa dạng về nghệ thuật, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà.

Bộ sưu tập No Rain Without Clouds là tập hợp những góc nhìn và câu chuyện xoay quanh ký ức và bản sắc. Bộ sưu tập được đặt tên mang ý nghĩa về một chu kỳ vô hạn của tự nhiên (không có mây thì không có mưa) hàm ý về sự biến đổi nhất thiết phải trải qua những giai đoạn khó khăn và thử thách. Một triển lãm không lớn nhưng đem đến cho người xem nhiều suy ngẫm về vai trò của các bộ sưu tập nghệ thuật trong việc bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Nam trong cuộc sống hiện đạivà vấn đề bản sắc và nhận diện văn hóa trong thời kỳ hội nhập.

Khai mạc vào 7/11, trong khuôn khổ 16 ngày của Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 có 24 hoạt động/sự kiện được diễn ra tại Hà Nội, Huế, TP HCM, tiêu biểu như:

  • Thảo luận"Khúc ngoặt: Trò chuyện về văn hóa và nghệ thuật – cùng khám phá văn hóa và nghệ thuật đương đại Việt Nam",diễn ra ngày 14/11/2020 lúc 15:00- 16:00 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
  • Trải nghiệm: Du ngoạn Hà Nội: Khu Phố Yết Kiêu – ghé thăm một số tòa nhà và ngôi chùa, thảo luận về sự hình thành và phát triển của công viên Thống Nhất, tìm hiểu lịch sử và hình thành của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và những nghệ sĩ đã có đóng góp. Diễn ra ngày 10/11/2020, từ 9:30 – 12:00.
  • Thảo luận: Phục hưng trang phục truyền thống Việt Nam trong bối cảnh hiện đại, diễn ra ngày 13/11/2020, từ 9:30-11:30 – Trực tuyến trên Zoom.
  • Trải nghiệm: Tham quan Triển lãm nghệ thuật, diễn ra ngày 21/11/2020, lúc 9:30-10:30 tại Bảo tàng lịch sử TPHCM (Số 2, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến Nghé, Quận 1, TPHCM).
  • Triển lãm: Weaving Experience in to Memory: Bộ sưu tập các vật thể được tạo ra để đáp ứng cho cuộc sống hàng ngày ở TPHCM. Diễn ra ngày 16-22/11/2020, lúc 10:00-22:00, tại L’Usine Phú Mỹ Hưng- GF – 56, 101 Tôn Dật Tiên, Tân Phú, Quận 7, TPHCM

(Tất cả các chương trình trên được phát trực tuyến trên https://vfcd.events/ mời bạn dọc theo dõi và đón xem).

Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm