'Lỡ mất công đọc, hãy đọc sách hạng nhất'

31/03/2019 15:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 31/3 tại Đường sách TP.HCM, nhà văn Nguyễn Thành Nhân và nhà văn Nhật Chiêu đã có buổi giới thiệu hai kiệt tác Trở lại cố hương của Thomas Hardy và Căn phòng của Jacob của Virginia Woolf.

Hai tiểu thuyết này được xem là những tác phẩm hạng nhất của văn chương thế kỷ 20, là sách phải đọc của những ai theo đuổi văn chương đích thực.

 

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi giao lưu

Hai kiệt tác này do nhà văn Nguyễn Thành Nhân dày công chuyển ngữ, may mắn nhận được sự đồng cảm của NXB Tổng hợp TP.HCM.

Gọi đây là sự may mắn vì trong thị trường sách nặng tính giải trí, nhiều ngôn tình, nhiều ba xu… như hiện nay, việc in kiệt tác là một phiêu lưu, vì rất khó bán.

 

Chú thích ảnh
Nhà văn Nhật Chiêu (phải) chia sẻ về hai kiệt tác vừa được xuất bản

Có thể nói Virginia Woolf (1882-1941) là nữ văn hào vĩ đại nhất của thế kỷ 20, bút pháp tiểu thuyết và quan niệm về nữ quyền của thế giới đã thay đổi rất lớn kể từ khi bà xuất hiện.

Hơn 15 năm qua, Nguyễn Thành Nhân dành phần lớn thì giờ để dịch các tác phẩm của bà, dù trước đó gần như chưa có ai đặt hàng dịch. Anh cứ dịch xong rồi cầm bản thảo đi chào bán, nơi nào chịu in thì in.

 

Chú thích ảnh
Việc xuất hiện bản dịch của những tên tuổi như Thomas Hardy (1840-1928), Virginia Woolf… là một ví dụ cho những cải thiện về dịch thuật

Nguyễn Thành Nhân đã dịch 5 kiệt tác của Virginia Woolf là Orlando, Bà Dalloway, Đến ngọn hải đăng, Ba đồng ghi-nê, Căn phòng của Jacob. Anh cũng có ý định dịch toàn bộ tác phẩm của văn hào này.

 

Chú thích ảnh
Nguyễn Thành Nhân ký tặng sách

“Tôi thích viết văn hơn dịch thuật, nhưng do viết chậm chạp và khó khăn quá, đành lấy việc dịch để trám vào đam mê câu chữ. Hơn nữa, tôi sống lây lất bằng nghề viết, dù khá thiếu thốn, nhưng dịch còn có thể sống qua ngày được, nuôi sống được việc viết".

Anh nói thêm: "Nhiều người tuyên bố rằng dịch là lẽ sống là trách nhiệm với văn chương, còn tôi thì dịch là một công việc vừa tự do vừa riêng tư. Dù dịch để sống qua ngày nhưng tôi cũng luôn chọn lựa tác phẩm, nếu tác phẩm kém giá trị mà trả nhiều tiền tôi cũng không dịch. Điều này giải thích vì sao tôi còn nhiều bản thảo đã dịch mà chưa được in, do các nhà xuất bản ngại in sách kinh điển sẽ khó bán” - Nguyễn Thành Nhân tâm sự.

 

“Dù dịch thuật của chúng ta còn một khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong châu lục, nhưng nhìn chung đã có những cải thiện nhỏ. Việc xuất hiện bản dịch của những tên tuổi như Thomas Hardy (1840-1928), Virginia Woolf… là một ví dụ cho những cải thiện đó".

"Nước Anh từng phân loại nhà văn theo 3 cấp độ là trán thấp, trán bình thường và trán cao, Virginia Woolf thuộc nhóm hàng đầu của những nhà văn trán cao, vì tác phẩm của bà ảnh hưởng đến nhiều nhà văn lớn khác. Những nhà văn trán thấp thì không bao giờ chịu ảnh hưởng từ Virginia Woolf, vì họ không đọc bà, thậm chí không biết bà là ai, nên chúng ta cũng có thể hình dung được phẩm chất trong tác phẩm của họ” - nhà văn Nhật Chiêu phân tích.

Nhân nói về việc chọn sách để đọc, Nhật Chiêu thẳng thắn: “Lỡ mất công đọc, hãy đọc sách hạng nhất. Đọc sách nào cũng mất thời gian, vậy thì hãy dành thời gian quý báu đó cho những sách hay, cho những kiệt tác. Đành rằng đọc kiệt tác khó hơn ba xu rất nhiều, nhưng tập nhiều lần sẽ quen, sẽ nhận về nhiều điều bổ ích. Đọc sách tào lao, sách ba xu vừa mất thời gian vô ích, vừa làm cho ta hư người vì những tư tưởng dễ dãi, lừa mị của nó”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm