Lễ hội cho Facebook và cái barie trên vỉa hè

13/02/2017 07:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Có hai chuyện đang khá “nóng” là TP.HCM làm barie chắn xe máy trên vỉa hè và chuyện những lễ hội mở ra dày đặc trong một thời gian ngắn, tổ chức ngày càng hoành tráng giữa “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Hai chuyện tưởng chừng không liên quan nhưng chúng ta có thể thấy chung một điểm nghẽn trong quy hoạch.

Thành phố lắp barie chặn xe máy là giải pháp “cực chẳng đã” gây bất tiện cho chính người đi bộ. Vì thành phố quá đông, giao thông quá áp lực. Hơn nữa, việc sử dụng vỉa hè ở nước ta đang có mâu thuẫn giữa các chức năng sử dụng khác nhau và mâu thuẫn giữa mục tiêu sử dụng công cộng với cá nhân, kinh doanh quán sá.

Việc quy hoạch chưa hợp lý, quỹ đất dành cho giao thông thấp, nhà cao tầng nhiều, phát triển phương tiện cá nhân nhanh hơn phát triển hạ tầng. Hà Nội cũng vậy, nguyên nhân chính gây ùn tắc là tập trung quá đông dân cư, khu vực nội thành với mật độ dân số cao hàng đầu thế giới.

Vì quá đông người khi xã hội phát triển, ai cũng có xe máy hay ô tô ra phố. Đường vốn làm cho 3 vạn người, giờ vài triệu người đi. Quy hoạch trước kia chỉ dành cho vài chục vạn dân, nay oằn mình lên gánh hàng chục triệu người ào ạt lưu thông mỗi ngày. Tắc đường là việc hàng ngày.


Nhiều người vẫn chạy xe máy lên vỉa hè, cán lên các bồn hoa và cỏ để lách qua barie. Ảnh: Hữu Nguyên/ Vnexpress

Lễ hội cũng vậy, trước kia nó vốn dành cho làng, cho tổng với những xứ Bắc, xứ Đông, xứ Đoài. Nay cả xã hội cùng nảy nở nhu cầu như nhau, đua nhau đi, thì tắc lễ hội là phải.

Lễ hội vốn là nhu cầu tâm linh của một cộng đồng cùng chung nét văn hóa riêng biệt. Giờ thế giới phẳng, ai cũng muốn cảm lễ hội theo cách của mình, nên cũng vì thế mà lễ hội bị hiểu lầm hoặc có thể chiều theo số đông mà biến tướng. Nhiều lễ hội đã không còn giữ đúng lễ nghĩa đã được lưu truyền hay ghi chép trong sử sách và như thế nó không đủ tầm để đáp ứng nhu cầu tâm linh của xã hội mà có lẽ nó đáp ứng điều khác: tâm lý đám đông.

Đâm trâu, chém lợn, thắt cổ trâu, khai ấn đều thế.

Một lễ hội không thể gọi là giàu văn hóa, nếu chỉ có cảnh người tứ xứ đổ về, nườm nượp đặt lễ, dúi tiền, sau đó ăn nhậu rồi... rút lui. Nhưng giờ đây, phần đông trẩy hội theo cách ấy.

Những lễ hội có các hành vi chém giết động vật, tranh cướp “lộc thánh”… nếu trước đây mang tính biểu trưng văn hóa thì nay lại mang tính thực dụng. Việc nhúng tiền vào máu động vật bị giết hay rải tiền lẻ ở đền, chùa để cầu may, đốt vàng mã, nhét tiền “hối lộ” vào tay tượng Phật… phần đông chẳng biết đúng sai, chỉ thấy đám đông làm nên cũng làm theo.

Trước thế giới phẳng lễ hội có phần đổi thay. Mới đây, 90 làng Cơ Tu tại Quảng Nam bỏ tục đâm trâu. Các tộc người thiểu số sống lưng chừng dãy Trường Sơn lấy con trâu làm lễ cúng thần linh và lễ hội đâm trâu thường diễn ra vào nhiều dịp khác nhau: mừng lúa mới, cúng đất lập làng, cúng Giàng, cưới xin, tạ ơn... Tục đâm trâu cúng bái trong dịp Tết Nguyên đán vẫn thường diễn ra hằng năm nhưng năm nay, người dân tự nguyện bỏ hẳn một tục lệ vốn đã tồn tại như một nét văn hóa ngàn đời.

Lễ hội giờ không chỉ để thỏa lòng dân một làng, một tổng mà phải thỏa mãn cả cộng đồng... Facebook.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm