Lạc vào thế giới của An

29/09/2020 16:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một ngày nắng mưa lẫn lộn, hộp thư điện tử tòa soạn nhận được bài cộng tác nhuốm mùi khác thường từ một cộng tác viên. Việc cũng là bình thường, nếu cán bộ trị sự tòa soạn không mở toang cửa phòng tôi, trên tay cầm xấp bản thảo kèm theo thư, vừa cười rũ rượi vừa cố nén lại để làm ra vẻ trịnh trọng: Mời biên tập viên đọc thử, bài được gửi đích danh. Thư viết như vầy: "Kính gởi già TV – đang mần chức gì đó ở tòa soạn, con quên rồi. Để đọc chơi thôi nghen"!

Đọc 'Làm bạn với bầu trời' của Nguyễn Nhật Ánh: Quyền được mộng mơ

Đọc 'Làm bạn với bầu trời' của Nguyễn Nhật Ánh: Quyền được mộng mơ

Hôm vừa rồi ngồi tán gẫu với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi tò mò hỏi: Ánh in tổng cộng bao nhiêu cuốn sách rồi? Anh cho biết, nếu tính rời từng quyển thì chắc khoảng trên trăm cuốn (riêng bộ Kính vạn hoa gồm 54 cuốn, Chuyện xứ Lang Biang gồm 4 cuốn).

“Từ lúc mần chức gì đó tới giờ là chín nămbốn tháng lẻ hai mươi mốt ngày trái đất” (*), lần đầu tiên tôi giật điếng người khi ngờ ngợ nhận ra và tự hỏi rằng: Phải chăng mình đã già, kể từ giây phút trót lạc chân vào một thế giới mới mẻ đang vẫy gọi trước mặt?

Cao Khải An - là tác giả của xấp bản thảo ấy, gửi đến tôi một truyện dài Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm, cũng có thể gọi là "liên hoàn truyện" với 9 truyện ngắn. Hay nói đúng hơn là 9ô cửa nho nhỏ, phía sau mỗi ô cửa ấy là một thế giới tưởng chừng quen đấy mà lại vô cùng lạ lẫm - nghịch thường; chúng được tạo nên từ hỗn hợp vừa dí dỏm, tinh nghịch, hồn nhiên trẻ thơ và chút tinh quái của kẻ đang bắt đầu thuần thục trò đũa phép. Cậu bé 12 tuổi ấy (theo thông tin cậu ghi trên bản thảo và tôi tin đó không phải là một phần của trò chơi) chẳng chút e dè, mời tôi bước vào thế giới của riêng cậu.

Bắt đầu từ Xóm Đồi Rơm của Bắp ăn mơ.

Xóm Đồi Rơm ở đâu ta? Hỏi vậy là bởi chỉ vừa mới dạo một vòng trong xóm thì đã nhận ra cảnh trí này quen thuộc lắm, từ Bắp chuyên nghề ăn mơ - cái đứa mà tôi có lần dẫn vào khu vườn hoang trong xóm để nhặt nhạnh những gì còn sót lại của khu vườn, đứa mà đến bầy muỗi đói cũng không thèm chích trong khi tôi bị chúng bu như vãi trấu; cho đến tụi bạn của nó… tất cả đều quen, cứ như tôi từng là một trong những đứa trẻ của xóm Đồi Rơm ấy, cùng chung một giấc mơ, chỉ có điều bây giờ tôi trót tỉnh.

Rồi bao ngờ ngợ lập tức tan biến khi tôi tóm được già Đặt Đi - ông già mà tôi có không ít lần trêu ghẹo và bù khú cùng, chính lúc ấy, thói quen xác tín lập tức trỗi dậy và trước mắt tôi hiện ra gương mặt một cậu bé trắng trẻo với đôi má phúng phính ngồi trước chiếc đàn dương cầm và dạo cho tôi biết giai điệu của Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Cao Khải An (12 tuổi) - Tác giả "Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm"

Cậu bé sáng tạo nên thế giới ấy và mời tôi bước vào, ngỡ lạ hóa ra quen vô cùng.

Khải An bảo rằng, những ngày nghỉ học do dịch bệnh cậu đã lục tung chiếc tủ sách của gia đình đọc những quyển mà mình nghĩ rằng nó đáng đọc. Đọc liên miên cho đến khi nảy ra ý định viết ra những câu chuyện đang diễu hành trong đầu mình. Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm mà An gửi cho tôi cũng là tác phẩm đầu tay của cậu.

“Ông dượng Đặt Đi nguyên thủy là một người trong căn nhà hàng xóm lâu đời…” - một trong các ô cửa đã làm cho tôi sững sờ, bởi cách chọn chữ và khéo đặt đúng cảnh, hợp tình.

Nhưng nếu chỉ có thế thì An đã dừng lại ở vai trò người khéo nhặt nhạnh những thứ còn sót của khu vườn; rất nhanh sau đó, An đã trả lại cho khu vườn con người ấy và khua chiếc đũa phép của người sáng tạo, chỉ qua một đoạn miêu tả ngắn về mùa trong ô cửa khác: “Đó là vào một mùa mưa chẳng dứt. Chúng tẩm thân thể của những hạt nước vào đất”.Tôi nghĩ ngôn từ mình hóa thành thừa thãi khi đắm vào bài thơ - nhạc điệu này, nếu cất lên lời khen tặng!

May mà chiếc đũa phép của An chỉ thỉnh thoảng khua lên những lúc ấy (!), còn lại, vẫn “nguyên thủy” là An như lứa tuổi của cậu, là khi tôi thấy: “…Bắp đứng nhìn, tự dưng khóc quá chừng. Đúng là bà ngoại còn sống thật. Ở trong cái tính hay quên của mẹ, trong cái cây ngoại trồng, trong gương mặt của dì Út. Hay ở trong mấy món ăn mà mợ Ba nấu đãi cả nhà, món nào cũng mang hương vị đậm đà đặc trưng của bà ngoại”.

Ấy cũng là khi tôi thấy yên lòng khi cậu ngấm ngầm trở về đúng bản tính của mình và làm trò:“Ba má ơi là ba má, ba má như là mồ hôi cha làm như ngọn núi Cắt Núi, ý nghĩa mẹ giống chất lỏng trong ống nước nằm trong nút nguồn của máy bơm trôi ra, vậy mà thằng con không có hiếu khách này lại phải chết khi chưa trả báo thù hiếu khách được cho ba má”.Bạn hiểu An muốn nói gì không?

Đó là “chuyện” và “chữ” của một cậu bé chỉ mới bước vào lớp 6, tôi biết: Mình có tin hay không thì ở xứ Đồi Rơm, con dế mèn cứ hát, mặc kệ khí trời và giọng của những con dế khác.

(*) Phỏng theo một đoạn trong truyện “Của quý thì ai nỡ để lại” của Khải An: "Từ lúc sanh ra tới giờ, tám năm lẻ ba mươi sáu phẩy hai lăm ngày trái đất, Bắp không dám lảng vảng gần miếng vườn của bà ngoại, nó sợ ma hay mấy thú dữ và quái vật. Bắp cũng thể loại người sống bằng ăn mơ".

Chú thích ảnh

Tâm Viên (Cà Mau)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm