Ký ức Thăng Long - Hà Nội (Kỳ 8 & hết): Khu tập thể văn nghệ sĩ, 'phố điện ảnh'…

12/08/2019 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Kết thúc loạt bài về “Ký ức Thăng Long - Hà Nội”, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến đưa chúng ta đến các khu tập thể một thời của các văn nghệ sĩ. Phần ký ức cận, hiện đại này của Hà Nội cũng xứng đáng được trân trọng, lưu giữ.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

Ký ức Thăng Long - Hà Nội (Kỳ 7): 'Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về…'

Ký ức Thăng Long - Hà Nội (Kỳ 7): 'Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về…'

“Đường Cổ Ngư xưa” trong bài hát "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" của Trương Quý Hải chính là đường Thanh Niên ngày nay. Con đường thơ mộng nổi tiếng với chùa Trấn Quốc, đền Thủy Trung Tiên, nhà hàng bánh tôm Hồ Tây, với một bên là Hồ Tây bao la sóng vỗ, một bên là hồ Trúc Bạch thơ mộng. Đây cũng là không gian thấm đẫm lịch sử Hà Nội.

1. Hà Nội có rất nhiều khu tập thể dành cho văn nghệ sĩ trong đó có khu tập thể 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm dành cho nghệ sĩ kịch nói; nhà 65 Nguyễn Thái Học dành cho các họa sĩ, nhà văn; nhà 96 phố Huế gồm: nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ. Các nghệ sĩ điện ảnh ở phố Hoàng Hoa Thám. Ngoài ra rất nhiều nghệ sĩ sống ở khu tập thể Văn công Mai Dịch, 128C Đại La. Nhiều tác phẩm một thời vang bóng đã ra đời từ những căn phòng hơn chục thước vuông ở những nơi kể trên.

Trước 1954, số nhà 96 phố Huế tên là Lục Quốc, thuộc sở hữu của nhà tư sản Lê Cường. Đây là khách sạn và nhà hàng ăn nổi tiếng thời đó. Nhà 96 gồm 4 tầng, tọa lạc ngay trước cửa chợ Hôm. Sau tiếp quản thủ đô, Lục Quốc được giao cho Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật quản lý. Hội đã phân cho một số văn nghệ sĩ làm nhà ở. Thời gian đầu các hộ gia đình chỉ ở tầng 2, tầng 3. Tầng 1 làm bếp, khu máy nước và chỗ để xe đạp. Tầng 4 làm câu lạc bộ nghệ sĩ, có sân khấu để biểu diễn, có căng tin bán cà phê, có sàn nhảy… Về sau, do nhu chỗ ở tăng lên nên cơ quan hội đã ngăn hội trường bằng gỗ dán thành những phòng nhỏ làm nhà ở cho cán bộ.

Nhà 96 có khá nhiều nhạc sĩ: Nguyễn Văn Tý, Văn Ký, Phan Huỳnh Điểu, Ngô Huỳnh, Phan Thanh Nam, Hoàng Nguyễn, Nguyễn Ngọc Thới (nhạc sĩ người Nam Bộ, chuyên sáng tác cải lương, vọng cổ), Phạm Ngữ (thầy dạy đàn guitar của Nhạc viện Hà Nội)…

Năm 2017, tôi làm nhân vật cho loạt phim Ký ức Hà Nội của Ban Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội cũng biết thêm nhiều chuyện. Bài Trời Hà Nội xanh ra đời khi Văn Ký xuống tầng một lấy nước, qua khoảng sân bé nhỏ nhìn lên thấy mảng trời trong vắt, ông đã thăng hoa viết ra ca khúc với giai điệu da diết nhưng trong sáng.

Hay bài Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu ra đời khi mùa Hè nóng bức, ông lên sân thượng ngủ, bất chợt nhìn về phía Nam thấy cần cẩu sáng đèn đang cẩu những tấm bê tông xây dựng khu Trung Tự.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học xưa (trái) và nay. Ảnh: thanhnien

Lưu Minh Vũ, con trai Lưu Quang Vũ dẫn tôi vào căn nhà, nó nhỏ thật làm tôi nhớ lại bài thơ Nhà chật của ông:

Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi

Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo…

Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo

Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình

Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông

Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống

Phải bỏ hết những gì không cần thiết

Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình

Khoảng không gian của anh và em

Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác

Anh không giấu em một nghĩ lo nào được

Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui…

Cũng chính tại căn phòng này, hàng chục vở kịch và hàng trăm bài thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh ra đời. Nhưng cái cửa sổ nhìn ra bên ngoài đã bị bịt kín vì hàng xóm xây nhà.

2. Nhà tập thể 65 Nguyễn Thái Học cũng là một địa chỉ đặc biệt. Cư dân ở đây từng có hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý. Có nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... ngoài ra còn có những người từng đến rồi đi như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, họa sĩ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng... Căn phòng của các họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ rất chật chội, nhà rộng nhất chưa đến 40m2, còn hẹp chỉ vỏn vẹn chục thước vuông.

Ngôi biệt thự này trước 1954 là của cụ Cự Lĩnh, một chủ thầu khoán lớn của Hà Nội thời thuộc Pháp. Ông Đinh Đức Thêm, con trai cụ Cự Lĩnh nguyên là kỹ sư công tác ở Bộ Xây dựng kể rằng ngôi nhà này cha ông xây năm 1945 khi ông mới 6 tuổi. Biệt thự do kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế theo phong cách kiến trúc Đông Dương, được giải thưởng Kiến trúc Đông Dương năm 1950. Nhà gồm 3 tầng, mỗi tầng có 4 phòng riêng biệt. Sau tiếp quản Thủ đô, biệt thự trở thành cơ quan của Hội Mỹ thuật Việt Nam, sau là chỗ ở của các văn nghệ sĩ.

Tầng hai có họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, người cao tuổi nhất khu nhà. Cụ điềm đạm, hầu như không tham gia vào những cuộc tranh luận của những họa sĩ đàn em. Bà Nguyễn Nguyệt Anh con gái họa sĩ Nguyễn Phan Chánh kể rằng: “Trong ngôi biệt thự ba tầng ở số 65 Nguyễn Thái Học, cha tôi được lũ trẻ con gọi là ông Tiên do có khuôn mặt hiền từ và chòm râu bạc. Chúng tôi sống cùng cha trên gác 2 còn gác 3 là phòng ở của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Cha tôi nghiêm khắc với con cái, nhưng với đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm rất điềm đạm, ôn hòa, chuẩn mực. Ông mê hoa đào phai nên Tết nào cũng mua một cành to, cắm cao tới tận trần. Ngày mồng 1, ông hay được nhà văn Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận và hàng xóm nhờ xông nhà. Mỗi khi Tết đến, ông lại viết hai câu đối điều, màu giấy đỏ tươi, nét chữ bay bổng, treo ở ngay cổng để mọi người chiêm ngưỡng. Phòng của cha con tôi ở nhỏ lắm, phần lớn diện tích để dành cho ông sáng tác, có một ban công nhỏ để phơi tranh lụa…” .

3. Hà Nội còn có một phố khác mà người ta gọi vui là “phố điện ảnh”. Đó là phố Hoàng Hoa Thám vì ở đây có trụ sở của nhiều đơn vị trong ngành điện ảnh và nơi ở của các nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Trà Giang về số 62 Hoàng Hoa Thám từ năm 1962, lúc vừa tốt nghiệp Trường Điện ảnh, biên chế vào Hãng Phim truyện VN (khi đó là Xưởng phim truyện). Khi mới về đây, Trà Giang được phân cho một góc của dãy nhà ngang chia làm hai bên nam và nữ. Ở cùng với Trà Giang lúc đó là các nghệ sĩ như đạo diễn Long Vân (Biệt động Sài Gòn, Người không mang họ, Giải phóng Sài Gòn...), diễn viên Minh Đức (Người chiến sĩ trẻ, Khói trắng, Đường về quê mẹ...), diễn viên Ngọc Lan, Bích Hồng, Ngọc Điệp và cả diễn viên Kim Chi lúc đó còn chưa lấy đạo diễn Hồng Sến.

Năm 1970, Trà Giang cùng chồng là nghệ sĩ violon Bích Ngọc được phân một căn phòng nhỏ chừng 9m2 nguyên là phòng dựng phim của Hãng Phim truyện (bộ phận dựng phim đã chuyển hết về số 4 Thụy Khuê). Gần 20 năm sống ở nơi này, bà thấy đây là nơi an toàn nhất. Nhà chật nhưng nghệ sĩ ai cũng đi làm phim suốt nên cái khó khăn ấy cũng ít người than phiền. Một số nghệ sĩ khác như đạo diễn Lê Mạnh Thích (Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương) hay đạo diễn Khánh Dư thì cùng gia đình ra “khẩn hoang” ở ao rau muống bên ngoài khu tập thể.

Cách khu nhà số 62 Hoàng Hoa Thám không xa là “khu 72” tức là ngõ 72 cũ, nơi đây có một ngôi nhà Tây cao tầng, xưa là của chủ hãng xi măng người Pháp. Năm 1948, chính phủ Pháp mua lại ngôi nhà rồi cấp cho Sở Mật thám. Nơi đây các nhân viên phòng nhì Pháp đã nhốt và tra tấn những người họ nghi làm việc cho Việt Minh. Khi các nghệ sĩ dọn đến, trên tường của nhiều căn phòng vẫn còn những vết máu khô.

Khu nhà 72 toàn là dân văn nghệ từ kháng chiến trở về như đạo diễn phim tài liệu Ngọc Quỳnh với những phim tài liệu như: Đầu sóng ngọn gió, Lũy thép Vĩnh Linh, sau này ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn phim truyện Nguyễn Thụ với các phim Bức tranh để lại, Khói, đạo diễn Hồng Sến với Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, nhà quay phim Hoàng Thành, Lê Minh Hiền, Tiến Lợi, Quý Lục, Phan Trọng Quỳ, Văn Nghiêm...

Phía sau nhà Tây là một dãy nhà một tầng gọi là nhà hạnh phúc. Vợ ai ở quê ra thì xuống đó ngủ. Số 72 có một nhà ăn, nghệ sĩ ăn cơm tập thể phải nộp tem phiếu cho ông Tư Giai (người Nghệ An) là quản lý bếp ăn. Đến giờ ăn, nghệ sĩ xếp hàng tay cầm bát chờ lấy cơm.

Sống ở khu 72 có nhà quay phim Kiều Thẩm. Ông là người đã quay phim Đầu sóng ngọn gió, Những người mở đường. Ông sống chung phòng với đạo diễn Mai Lê Yên, nhà quay phim Kiều Minh. Hôm đó tình cờ nghệ sĩ Đào Trọng Khánh xuống bếp ăn, bữa cơm có thịt lợn luộc. Trong lúc ăn Kiều Thẩm nói vui: “Sau này nếu tôi chết các ông phải cúng tôi món thịt lợn luộc đấy nhé”. Cơm xong, Kiều Thẩm mặc sơ mi trắng đi chơi. Nửa đêm ông về thì bị nhồi máu cơ tim rồi chết. Sau đám tang vợ ông lên thu dọn đồ đạc của chồng, nhưng đa số là đồ của bạn bè, mượn chưa kịp trả. Của nả chỉ có đống phim cũ chất đầy gầm giường.

Ngoài ngôi nhà Tây, khu 72 còn có nhiều nhà tập thể của giới điện ảnh quây quần xung quanh với các tên tuổi Đào Trọng Khánh, Ma Cường, Khánh Dư, Vũ Năng An, Vũ Phạm Từ, Đức Hoàn… Các giai nhân một thuở của điện ảnh như Kim Chi, Ngọc Lan, Minh Đức, Bích Hồng, Ngọc Điệp… cũng từng sống trên con phố này.

Ngày nay, khu 72 đã gắn biển số mới ngõ 221, nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã chuyển đi nơi khác sinh sống, trở về quê hương hoặc khuất núi. Con cháu họ cũng có người nối nghiệp cha mẹ làm trong ngành điện ảnh. Chỉ còn rất ít các tên tuổi gạo cội còn ở lại. Nhiều cư dân khác đã mua lại nhà của các nghệ sĩ xưa, khiến cho nét hào hoa một thuở của nơi đây nay đã phai nhạt nhiều.

“Bảo tàng sống” về kịch nghệ Hà Nội

Đầu năm 1955, nghệ sĩ Song Kim và Dương Viết Bát được giao nhiệm vụ tìm thuê chỗ ở cho cả Đoàn Kịch nói Trung ương. Hai nghệ sĩ thuê được ngôi biệt thự số 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa mới xây xong của viên tổng đốc Hà Đông. Chủ nhân chưa kịp ở đã vội di cư vào Sài Gòn. Ngôi biệt thự thành ngôi nhà chung của Đoàn Kịch nói trung ương, có phòng tập, phòng sinh hoạt chung và phòng dành cho diễn viên trẻ chưa lập gia đình. Gia đình Thế Lữ - Song Kim, Đào Mộng Long được phân hai phòng 10m2 để ở đều hài lòng vì được riêng tư.

Đến năm 1960, trong cuộc thăm hỏi đầu Xuân, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch ủy ban hành chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng phát hiện gia đình Thế Lữ - Song Kim ở căn phòng quá chật, lại thiếu tiện nghi nên Thủ tướng đã gửi thư yêu cầu Chủ tịch Trần Duy Hưng cải thiện gấp tình hình. Kết quả ngoài mong đợi. Cả ba phòng diễn viên nam nữ ở gác hai được chuyển giao cho ba gia đình Thế Lữ - Song Kim, Đào Mộng Long - Phạm Thị Thành và Dương Viết Bát. Nghệ sĩ Song Kim lúc đó đã khóc vì sung sướng bởi có phòng riêng, rộng gấp đôi căn phòng phụ ban đầu, song lại thương các diễn viên trẻ phải dọn đi chỗ khác.

Đây là “xóm nghệ sĩ kịch” lớn nhất miền Bắc trước năm 1975, với những Đào Mộng Long, Phạm Thị Thành, Ngọc Thoa, Dương Viết Bát, Hoàng Uẩn, Bửu Tiến, Minh Nhu, Đam Ka... Những nghệ sĩ lớn của ngôi nhà này đều đã khuất núi. Con cháu không mấy ai theo nghiệp kịch của cha ông. Song trong tâm tưởng của người yêu kịch Hà Nội, ngôi nhà cũ kỹ này vẫn lưu giữ tinh thần của một bảo tàng sống về thăng trầm kịch nghệ ở Thủ đô...

Nguyễn Ngọc Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm