'Ký ức phù sa' của người miền Tây

13/02/2015 07:53 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ký ức phù sa là chương trình ký sự chân dung, mỗi tập dài 20 phút ghi lại những câu chuyện có thật, thú vị và dung dị, đồng thời khắc họa một mảng đời trong chân dung những nhân vật nổi tiếng được người miền Tây Nam bộ yêu thích, hâm mộ.

Chương trình này được phát trên kênh truyền hình Miền Tây vào 20h Chủ nhật hàng tuần và phát lại trên các kênh truyền hình của AVG. Mở đầu bằng tập phim Nghĩa mẹ tình quê với câu chuyện của NSND Lệ Thủy, lên sóng vào ngày 15/2/2015 (nhằm ngày 27 Tết).

Ký ức... thấm đẫm phù sa

Ký ức phù sa được thực hiện bởi các nhà báo kỳ cựu trong lĩnh vực văn hóa và phóng sự: Nguyễn Chương, Binh Nguyên. Những nhân vật được hai nhà báo này khắc họa chân dung bằng ngôn ngữ truyền hình hoạt động trên nhiều lĩnh vực: văn nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà khoa học, doanh nhân… Bằng công việc của mình, họ đã trở thành người của công chúng được người miền Tây Nam bộ mến mộ, như: “sầu nữ” Út Bạch Lan, “nhà văn trẻ” Mạc Can, nghệ sĩ Trung Dân, doanh nhân Phạm Thị Huân tức bà “Ba Huân trứng sạch”, nghệ nhân Ba Đức…


NSND Lệ Thủy trong chương trình “Ký ức phù sa"

Nhà báo Nguyễn Chương, đạo diễn chương trình, cho biết: “Những thành công trong cuộc sống của họ luôn mang đậm ký ức về một miền Tây thương nhớ. Trong mỗi tập ký sự chân dung, có lúc là sự bất ngờ từ một câu chuyện được “người của công chúng” lần đầu tiết lộ; có lúc là sự bất ngờ từ cách nhìn, cách nghĩ đậm chất người miền Tây của nhân vật nổi tiếng về một hiện tượng trong cuộc sống. Mỗi người đều có một miền quê, một ký ức để quay trở về. Với nhiều tài danh nghệ sĩ thành đạt dù đi đến vinh quang nào cũng một lần muốn tìm về ký ức của mình. Ký ức về một miền đồng bằng thấm đẫm phù sa của miền Tây luôn là cái nôi của nhiều nghệ sĩ, nuôi lớn họ, khích lệ họ, theo từng nấc thang của tài danh...Và nay họ trở về miền đất như tìm về ký ức xa xưa với những chuyến ghe bầu lênh đênh sông nước; những buổi hát khuya giữa đồng ruộng vừa gặt xong; những bữa cháo khuya mà các mẹ, các dì lo cho nghệ sĩ…”.

Trong Ký ức phù sa, Miền Tây đối với NSND Lệ Thủy, là hình bóng của mẹ từ thuở nghệ sĩ còn niên thiếu nơi quê nhà Bình Minh (Vĩnh Long); là chuyến đò nghĩa tình vào thăm một gia đình nghèo ở tận vùng sâu thuộc Sóc Trăng. Miền Tây hiện lên trong ký ức “sầu nữ” Út Bạch Lan, là hình ảnh tạc dạ ghi tâm về hai người thầy: NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) của vùng đất Tiền Giang và NSND Viễn Châu (Bảy Bá) của vùng đất Trà Vinh.

Miền cổ tích của nhiều người

Với nhà văn - diễn viên Mạc Can, lại là cuộc rong ruổi lang thang để tìm kiếm cổ tích cho chính mình từ chòi chăn vịt lơ thơ giữa đồng, từ những học trò tiểu học vùng quê háo hức xem trò ảo thuật. Với nghệ sĩ Trung Dân, chỉ cần một chuyến trải nghiệm làm người giăng lưới nơi Tràm Chim (Đồng Tháp) và nếm món cá linh kho với bông điên điển vào mùa nước nổi là đủ để gợi dậy ký ức về một miền Tây thăng trầm.

Miền Tây, đối với nghệ nhân Ba Đức, là hình ảnh những tủ thờ của làng nghề Gò Công được đóng container xuất dương sang nước ngoài, là câu chuyện vượt lên nghịch cảnh oái ăm: đi ở đợ rồi trở thành con rể của gia chủ, sau vài thập niên trở thành cự phú. Hoặc đơn giản, Miền Tây đối với doanh nhân Phạm Thị Huân (Ba Huân), là sự chăm sóc bữa ăn cho bà con, là những giỏ trứng mà tạo nên sản nghiệp. Trong khi đó, đối với nghệ sĩ Xuân Hương, miền Tây ăm ắp những mẩu chuyện được góp nhặt để tạo tiếng cười…

Nhà báo Binh Nguyên, điều hành sản xuất chương trình, chia sẻ: “Với những người làm phim Ký ức phù sa, khi đặt bút viết đề cương cho chương trình này họ đã không nghĩ rằng được sự hưởng ứng rất tích cực từ phía các nghệ sĩ tên tuổi lớn... Bởi trong trào lưu chung hiện nay, một bộ phận nghệ sĩ luôn bị cuốn vào dòng xoáy kim tiền, xuất hiện liên tục trong các gameshow, giải trí... mà nơi đó cat-xê rất cao; trong khi đó khi tham gia với ekip làm phim Ký ức phù sa thì tiền cat-xê gần như tượng trưng nhưng gần như ai cũng phấn khởi tham gia và mời gọi nhiều nghệ sĩ khác cùng tham gia...”.

“Những người thực hiện kênh truyền hình Miền Tây và chương trình Ký ức phù sa, đa phần đều sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ ước mong một kênh mang đậm chất văn hóa, con người, thiên nhiên hào sảng, đậm chất miền Tây Nam bộ, mà còn là như một lời tạ ơn với vùng đất đã sinh ra mình...” – nhà báo Binh Nguyên xúc động khi nói về Ký ức phù sa, chương trình mà anh dành nhiều tâm huyết để tri ân mảnh đất đã sinh ra mình.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm