Kịch thiếu nhi vào Hè - "chỉ có Sài Gòn là vui"!

10/05/2015 20:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chăm chỉ làm ăn suốt cả năm, nhưng đến hẹn lại lên, nhiều sân khấu tư nhân tại Sài Gòn vẫn dựng kịch lịch sử (dù khó bán vé), vẫn dựng kịch thiếu nhi (dù mùa Hè ngắn ngủi). Nói như ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF): “Đó là trách nhiệm nghề nghiệp, đâu thể trông chờ đầu tư, hay yêu cầu, sai khiến mới làm”. Nghĩ vậy nên về kịch, với thiếu nhi “chỉ có Sài Gòn là vui”, khi Hè 2015 có 7 - 8 vở mới được tư nhân dàn dựng.

“Thực đơn” kịch thiếu nhi Hè 2015 có thể kể: Lọ Lem và hoàng tử (KB: Hoàng Thái Thanh - Tấn Phát, ĐD: NSƯT Thành Hội - Tấn Phát), ra mắt lúc 19h30 ngày 15/5 tại Kịch Hoàng Thái Thanh, diễn suốt mùa Hè, miễn phí vé khán giả từ 3 đến 5 tuổi, hoặc cao dưới 110 cm. Nàng công chúa đi lạc (KB: Minh Phương, ĐD: Vũ Minh), ra mắt lúc 20h ngày 22/5 tại Nhà hát Bến Thành, diễn ít nhất 35 suất cho đến ngày 5/7. Nữ thần mặt trăng (KB - ĐD: Như Ý) ra mắt lúc 17h30 ngày 23/5 tại Kịch Sao Minh Béo, diễn 80 suất tại 2 địa điểm (cùng sân khấu Trống Đồng), trẻ em dưới 10 tuổi được miễn vé. Tên trộm thành Bát Đa (KB: Nguyễn Thu Phương, ĐD: Ngọc Hùng) ra mắt lúc 9h15 ngày 31/5 tại Kịch Thế Giới Trẻ, diễn sáng Chủ nhật hàng tuần.

Từ giữa tháng 8/2015 các vở kịch lịch sử thiếu nhi mới dựng của Kịch IDECAF như Đinh Bộ Lĩnh, Trưng Nữ vương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, sẽ cùng các vở cũ Thánh Gióng, Lá cờ thêu sáu chữ vàng đi lưu diễn các trường tiểu học và diễn tại sân khấu Trần Cao Vân vào sáng Chủ nhật hàng tuần.


Trong “Nàng công chúa đi lạc” NSƯT Thành Lộc thể hiện 4 vai trái ngược về tính cách, thân phận: chúa tể bóng đêm; phù thủy; bá tước phu nhân; Lọ Lem.

Nhiều cung bậc

Nhìn vào kịch mục như vừa nêu cũng đủ thấy mỗi sân khấu chọn một cách đi riêng, nên thiếu nhi sẽ có nhiều chọn lựa.

Dựa vào câu chuyện khá phổ biến trong truyện cổ Grimm, Lọ Lem và hoàng tử được dựng với nét dí dỏm và nhân văn, hứa hẹn tạo được sức tác động tốt cho thiếu nhi. Điều mà các vở trước đây của sân khấu này như Nữ hoàng ngang ngược, Chú kiến lạc loài, Ngàn lẻ hai đêm cũng đã làm được. Không chỉ được đầu tư nghiêm túc về kịch bản, trang phục, dàn dựng, mà vở này còn quy tụ hầu hết diễn viên của Kịch Hoàng Thái Thanh.

Vở ca vũ nhạc kịch Nữ thần mặt trăng chọn cách tiếp cận khác, khi mục đích được xác định cụ thể: Kịch giáo dục, nhằm giúp các em thiếu nhi phân biệt về cái xấu và cái tốt; dạy kĩ năng sống. Trong vai nữ thần mặt trời, MC Ngọc Tiên vừa diễn kịch, vừa tách ra giữa các lớp diễn chính để trò chuyện, phân tích, hướng dẫn cho các em về cách xem kịch.

Dù cũng hướng đến những thông điệp tránh xa cái xấu, nhưng Tên trộm thành Bát Đa chú trọng vào sự vui nhộn, lấy tiếng cười làm sức tác động chính. Cho nên vở còn lồng ghép các tiết mục ảo thuật và xiếc phù hợp với thiếu nhi, để các em dễ nhớ. Sau hơn 4 năm, Kịch Thế Giới Trẻ mạnh với mảng kinh dị, hài và đồng tính, đây là lần đầu họ dàn dựng kịch thiếu nhi.

Kỷ lục như “ngày xửa ngày xưa”

Vở Nàng công chúa đi lạc thuộc chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa (NXNX), một đặc sản khó thay thế của Kịch IDECAF. Có thể nói không ngoa, Việt Nam chưa từng có chuỗi chương trình sân khấu nào cho thiếu nhi mà thành công hơn NXNX. Ra mắt từ năm 2000, đến nay họ đã làm được 28 số, mỗi số bán được 15 đến 20 ngàn vé, vài số còn bán gấp đôi, nên rất nhiều thiếu nhi đã lớn lên cùng các câu chuyện cổ tích này, không ít người trong số họ nay đã thành diễn viên, đạo diễn.

Đặc biệt, mỗi số NXNX thường dựa vào cổ tích một nước, hoặc làm về một xứ sở nào đó, riêng Nàng công chúa đi lạc lần này sẽ là câu chuyện về một xử sở không xác định về địa lý. Ðó là xứ sở hạnh phúc, nơi nàng công chúa (NSƯT Mỹ Duyên thủ vai) chẳng biết xấu xa, đau khổ là gì nên tò mò muốn thử, để kết quả “nghiện” làm người xấu, phải nhờ các thần dân giúp đỡ thì mới “cai nghiện” được.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm