Khu văn hóa thổ dân Budj Bim của Australia được công nhận là di sản thế giới

07/07/2019 15:53 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/7, Tổ chức Giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông báo đã đưa khu định cư Budj Bim của thổ dân Australia vào danh sách các di sản thế giới.

UNESCO công nhận núi lửa Pháp là di sản thiên nhiên mới

UNESCO công nhận núi lửa Pháp là di sản thiên nhiên mới

Phóng viên TTXVN tại Paris đưa tin, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 2/7 đã công nhận dãy núi lửa Puys, vùng Auvergne-Rhône-Alpes miền Trung nước Pháp, là Di sản thiên nhiên thế giới.

Khu văn hóa Budj Bim ở Đông Nam Australia được thành lập bởi quốc gia Gunditjmara cách đây 6.600 năm. Những di chỉ còn lại của khu vực này bao gồm các kênh đá, các bể được xây dựng để thu hoạch lươn và các khu vực đầm lầy. Khu vực này còn lưu giữ bằng chứng về nhà đá, qua đó cho thấy các thổ dân này không đơn thuần chỉ là những người săn bắn du mục, hay không có phương tiện tinh vi để sản xuất lương thực.

Chú thích ảnh
Những di chỉ còn lại ở Budj Bim bao gồm các kênh đá, các bể được xây dựng để thu hoạch lươn và các khu vực đầm lầy... Ảnh: abc.net.au

Theo Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, Budj Bim đã cho thấy Gunditjmara đã phát triển được một trong những mạng lưới nuôi trồng thủy sản lớn nhất và cổ xưa nhất trên thế giới. Hệ thống kênh đá, đập và bể nước được sử dụng để kiểm soát nước lũ, tạo ra các đầm để nuôi và thu hoạch lươn. Điều này giúp tạo nên nền tảng kinh tế và xã hội cho thiên niên kỷ này.   

Budj Bim tại bang Victoria là khu vực đầu tiên của Australia được công nhận là di sản thế giới hoàn toàn dựa vào tính chất văn hóa thổ dân của mình. Trước đó, 19 khu vực khác của Australia đã được đưa vào danh sách này gồm rạn san hô Great Barrier, công viên quốc gia Kakadu, nhà hát Sydney Opera và các khu hóa thạch tại bang Queensland và Nam Australia.

Các bằng chứng khảo cổ cho thấy những người thổ dân đã sinh sống tại Australia trong hơn 60.000 năm, khiến đây trở thành một trong những nền văn hóa lâu bền cổ xưa nhất trên thế giới. Ngày nay, tại Australia chỉ còn 750.000 người là hậu duệ của các thổ dân, chiếm 3% dân số. Họ có tỷ lệ nghèo đói cao hơn và tuổi thọ thấp hơn những công dân Australia không phải là người bản xứ.

Đặng Ánh (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm