Khi người trẻ kể chuyện trăm năm cải lương

09/07/2019 07:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 7/7, tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), chương trình nghệ thuật “Cải lương - Trăm năm nguồn cội” đã công diễn suất đầu tiên và thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả mộ điệu.

Thể nghiệm để đưa cải lương đến gần công chúng

Thể nghiệm để đưa cải lương đến gần công chúng

Các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mạnh dạn đưa yếu tố mới vào dàn dựng cải lương mới với mong muốn tiếp thu các giá trị đương đại, xu hướng của sân khấu thế giới hiện nay để góp phần đưa sân khấu cải lương đến gần hơn với cuộc sống đương đại và công chúng.

Chương trình có sự tham gia biểu diễn của NSND Bạch Tuyết, NSƯT Vũ Linh, NSƯT Việt Anh, NSƯT Tú Sương, NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Trinh Trinh, Đình Toàn, Điền Trung, Ngọc Đợi…và sẽ tiếp tục đến với công chúng vào các đêm 13 và 14/7.

Tiết học văn hóa công phu

Dài 100 phút, Cải lương - Trăm năm nguồn cội đã thực sự dẫn dắt khán giả đi suốt chiều dài 100 năm của loại hình nghệ thuật đặc sắc được xem là “hồn cốt phương Nam” với những điểm nhấn nổi bật: “bước chuyển” từ trình diễn đờn ca tài tử đến nghệ thuật sân khấu cải lương qua hình thức Ca ra bộ; sự độc đáo của bài Dạ cổ hoài lang và quá trình “mở nhịp” để hình thành bản Vọng cổ - “bản nhạc vua” của sân khấu cải lương; sự đa dạng trong hình thức trình diễn cải lương từ đề tài xã hội đến dòng sân khấu phái sinh có chỗ đứng rất riêng là Cải lương tuồng cổ…

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Ngọc Đợi thể hiện “Dạ cổ hoài lang” - bản chuẩn được công nhận tại Hội thảo “90 năm bản Dạ cổ hoài lang” tại tỉnh Bạc Liêu năm 2009.

Khán giả cũng có dịp xem lại hai lớp diễn kinh điển của sân khấu cải lương là Đời cô LựuXử án Thượng Dương. Hai lớp diễn tưởng như rất quen thuộc mà nhiều khán giả có thể nhẩm theo từng lời thoại câu ca lần này trở lại thật mới mẻ với những biến tấu để tâm lý các nhân vật rõ ràng hơn, gần gũi với cảm nhận khán giả thời đại ngày nay, đặc biệt là khán giả trẻ.

Ở đó, khán giả không chỉ khóc thương cho số phận truân chuyên của cô Lựu - NSND Bạch Tuyết - mà còn cảm nhận được cả nỗi niềm riêng của “nhân vật phản diện muôn đời” Hội đồng Thăng - NSƯT Việt Anh. Hoàng hậu Thượng Dương - NSƯT Quế Trân - cũng không đơn thuần thuộc về “phe ác” theo môtíp chính - tà rạch ròi ở sân khấu truyền thống cũ mà có cơ hội được giãy bày tâm sự, hoàn cảnh của mình.

Được biết, màn độc thoại dành cho Thượng Dương hoàng hậu đã được đạo diễn Quang Thảo và ê kíp chương trình xin phép gia đình cố NSND Thanh Tòng viết thêm. Và, sự hiểu biết và góc nhìn sắc sảo của những người trẻ - vốn rất am hiểu lịch sử - đã khiến lớp diễn có thêm sự lý giải hợp lý về nội tâm của nhân vật này không phá vỡ chỉnh thể một câu chuyện đã đi sâu vào lòng công chúng.

Xứng đáng với danh hiệu “Cải lương chi bảo”, đảm nhận vai trò cố vấn nghệ thuật của chương trình, NSND Bạch Tuyết là “bệ đỡ” vững chắc cho một ê kíp trẻ và tâm huyết. Không chỉ thể hiện vai diễn cô Lựu để đời của mình, chị cùng nghệ sĩ Đình Toàn, trong vai trò MC dẫn chương trình, đã giới thiệu đến khán giả những nét quyến rũ đặc trưng của nghệ thuật cải lương như khả năng biểu cảm của âm nhạc, sự cộng hưởng của các yếu tố kỹ thuật, ý nghĩa của điệu bộ… qua phần giao lưu, đối đáp thật duyên dáng, trẻ trung.

Chú thích ảnh
Thế hệ thứ năm của “gia tộc cải lương tuồng cổ” Minh Tơ: NSƯT Tú Sương, NSƯT Quế Trân và nghệ sĩ Điền Trung thể hiện một trong những lớp diễn chuẩn mực của nghệ thuật cải lương tuồng cổ - Xử án Thượng Dương.

Góc nhìn của những người trẻ

Cải lương - Trăm năm nguồn cội là dự án của Công ty CP Green Horizon, tập hợp nhiều bạn trẻ tốt nghiệp từ các ngành văn hóa để hoạt động với mục tiêu giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhìn lại, có thể thấy đây là dự án hiếm hoi về sân khấu cải lương được vận hành một cách chuyên nghiệp và hiện đại với mục tiêu rất rõ ràng: giới thiệu các giá trị tinh hoa cải lương từ lúc ra đời đến nay cho các khán giả trẻ.

Trên tinh thần vừa đảm bảo tính truyền thống, vừa thúc đẩy sáng tạo, đổi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc, dự án thể hiện góc nhìn của những người trẻ yêu cải lương về bộ môn nghệ thuật này. “Bản chất cải lương đã gắn với câu đối kinh điển: Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh. Có nghĩa, cải lương không bao giờ là cũ nếu được tiếp cận đúng”- chị Phượng Diễm, thành viên Ban Tổ chức chương trình, chia sẻ.

“Chúng tôi tôn trọng những giá trị chuẩn mực nhưng nếu mô phỏng, họa lại cách diễn, cách dựng của người đi trước thì không đúng với tinh thần cải lương nữa” – chị nói thêm – “Việc mời một người gần như “ngoại đạo” về cải lương như Quang Thảo làm đạo diễn chương trình cũng là để chúng ta có thể tìm thấy những góc nhìn mới mẻ từ bên ngoài mà đôi khi người trong cuộc không có được…”

“Tham gia chương trình, được làm việc với các bạn trẻ, tôi học hỏi được nhiều điều. Nhìn các bạn trẻ đang say đắm với cải lương, dấn thân làm những gì mình đam mê một cách không chút rụt rè, sợ sệt, tôi vui và tin tưởng vào họ” - NSND Bạch Tuyết chia sẻ về chương trình.

Dự kiến, Cải lương - Trăm năm nguồn cội sẽ biểu diễn 10 suất phục vụ khán giả từ tháng 7 đến tháng 10, sau đó sẽ lưu diễn các trường đại học.

Chú thích ảnh
Hòa khúc Dạ cổ hoài lang (Cao Văn Lầu) và Tình ca (Phạm Duy) mở màn chương trình “Cải lương - Trăm năm nguồn cội”.
Chú thích ảnh
Tiết mục Ca ra bộ Bùi Kiệm - Nguyệt Nga với phần biểu diễn của các tài tử Minh Đức, Thành Tây và Thảo Vy.
Chú thích ảnh
Sau 2 năm dưỡng bệnh, NSƯT Vũ Linh trở lại với bài Vọng cổ Hàn Mặc Tử và chia sẻ kinh nghiệm hát Vọng cổ trong chương trình.
Chú thích ảnh
Sự hiện đại của sân khấu cải lương thể hiện rõ qua diễn xuất hòa quyện ăn ý của 2 nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết và Trinh Trình cùng nghệ sĩ kịch nói Việt Anh trong trích đoạn Đời cô Lựu.
Chú thích ảnh
Không chỉ “lấy nước mắt khán giả”, NSND Bạch Tuyết còn rất duyên dáng và hài hước qua phần giao lưu, giới thiệu về những nét đặc trưng làm nên sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương cùng MC Đình Toàn.
Chú thích ảnh
Màn độc thoại của Thượng Dương hoàng hậu - NSƯT Quế Trân được viết thêm vào thể hiện góc nhìn của người trẻ hôm nay về lịch sử, về cách hiểu, tiếp nhận và giữ gìn nghệ thuật truyền thống.
Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Huỳnh Khải giới thiệu về dàn đờn và vai trò các nhạc cụ trên sân khấu cải lương.

  Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm